LAMA SURYA DAS
Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức
Một đệ tử hỏi giáo sĩ Shmelke: “Chúng ta được dạy yêu hàng xóm như chính mình. Làm sao con làm được điều này nếu hàng xóm đã làm điều xấu với con?”.
Giáo sĩ trả lời: “Con phải hiểu đúng những lời này. Hãy yêu thương hàng xóm của con như điều mà bản thân con là. Bởi lẽ, mọi linh hồn là một. Mỗi linh hồn là tia sáng loé ra từ linh hồn gốc, và linh hồn gốc này lại trọn vẹn ở trong mọi linh hồn, cũng giống như linh hồn của con ở trong mọi bộ phận của cơ thể con. Nếu tay con phạm sai lầm và đánh con, liệu con có đánh tay mình bằng một cây gậy chỉ để làm mình đau thêm không? Cũng tương tự với hàng xóm, nếu trừng phạt người ấy, con chỉ làm đau chính mình”.
Đệ tử hỏi tiếp: “Nhưng nếu con thấy một người xấu xa với Thượng đế, làm sao con yêu người ấy được?”.
“Con có biết rằng”, giáo sĩ Shmelke nói, “linh hồn gốc phát ra từ bản chất của Thượng đế, và mọi linh hồn con người là một phần của Thượng đế? Và liệu con có không xót thương người ấy khi thấy rằng một trong những tia sáng thiêng liêng đã bị lạc trong mê cung, hầu như sắp tắt?”.
-Martin Buber, Các giai thoại về Hasidim
Tại sao chúng ta nên học cách yêu và kết nối với những người, những chúng sinh khác mà mình không thích? Tại sao ta nên yêu những người khiến ta tổn thương, gây cho ta đau khổ? Làm thế nào ta yêu được những người không khoan dung, nhỏ mọn, không tốt với đồng loại? Làm thế nào ta yêu được những người làm mình tức giận? Làm thế nào ta có thể học cách yêu những sinh vật nhầy nhụa mà ta không muốn chúng ở gần chút nào? Tại sao? Làm thế nào? Nói tới yêu thương, có rất nhiều những câu hỏi tại sao và làm thế nào.
Ít nhất, có một lý do căn bản, đơn giản, phổ quát và rốt ráo sẽ lợi cho chúng ta để yêu thương: tự thân hành động yêu thương tự nhiên có tác dụng chữa lành. Các cảm giác tiêu cực như giận dữ, căm ghét khiến chúng ta co lại và khép lòng; thậm chí, chúng có thể khiến ta cảm thấy phát bệnh và thật sự bệnh. Nói ngắn gọn, yêu thương người khác là một cách để yêu thương – và chữa lành – bản thân. Gửi ra lòng nhân ái của chúng ta, và nó sẽ dội lại; sự trao yêu thương và nhận yêu thương đi song hành với nhau. Ta yêu thương để cảm nhận sự yêu thương. Đó là lý do của yêu thương.
Chẳng phải coi mở và yêu thương là một cảm giác tuyệt vời sao? Chắc chắn cảm giác ấy tốt hơn sự căm ghét! Ta nghĩ tới điều gì khi lần đầu nghe từ “yêu”? Ta có nghĩ tới con mình, bạn đời mình, các con vật nuôi của mình? Ta có nghĩ tới cha mẹ, anh chị em, hay bạn bè? Ta có nghĩ tới thiên nhiên, một cái cây trong vườn chẳng hạn, hay một địa diểm ưa thích khiến ta vui? Dù nói tới Phật pháp, tâm linh, hay chân lý và tình yêu, thật ra tất cả đều quy về cùng một thứ – sự trân trọng sâu xa một thứ gì đó, ai đó, hoặc một khoảnh khắc nhất định trong đời, sự cảm kích một điều đẹp đẽ và có ý nghĩa đối với chúng ta. Chẳng phải đó thật sự là điều ta yêu sao? Ta cảm thấy thế nào trong khoảnh khắc ấy? Có thể nói ta yêu một người, một địa điểm, nhưng nếu thật sự nhìn vào nó, có lẽ điều chúng ta đang yêu là mình cảm thấy thế nào khi người ấy ở bên.
Phật giáo dạy rằng, tình yêu là sự đối trị với giận dữ, ác cảm, căm ghét và sợ hãi. Phật giáo cũng nói tới cách yêu; nó dạy ta rằng, sự tỉnh thức – sự hiện hữu chân thực – là con đường để yêu. Đây là cầu trả lời cho câu hỏi yêu như thế nào. Sự tỉnh thức trong khoảnh khắc hiện tại khiến ta hiểu “cái đang là“. Sự tỉnh thức cho phép ta chạm đến Phật tính bẩm sinh; nó khiến ta thấy được, chạm được vào Phật tính trong mọi người ta gặp. Trong cuốn sách đặc biệt Phật sống, Chúa sống (Living Buddha, Living Christ), thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:
“Khi tỉnh thức, chạm sâu vào khoảnh khắc hiện tại, ta có thể thấy và lắng nghe sâu hơn, kết quả luôn là sự thấu hiểu, chấp nhận, yêu thương, và mong muốn gỡ bỏ đau khổ, mang đến niềm vui… Với tôi, sự tỉnh thức rất giống như Chúa Thánh Linh”. Cả hai đều là những tác nhân chữa lành. Khi có sự tỉnh thức, bạn có tình yêu và sự thấu hiểu, bạn thấy sâu hơn, và có thể chữa lành những vết thương trong tâm mình. Đức Phật được gọi là Dược Sư Vương, vua của sự chữa lành. Trong Kinh Thánh, khi ai đó chạm vào Chúa Jesus, người ấy được chữa lành. Không phải do chỉ chạm vào một cái áo mà đem lại phép màu. Bạn được chữa lành khi chạm tới sự hiểu biết và tình yêu sâu xa”.