ROBIN SHARMA
Trích: Đời ngắn đừng ngủ dài; Người dịch: Phạm Anh Tuấn; Nhà xuất bản Trẻ
? Lo lắng và hồi tưởng
Rất nhiều nhà tư tưởng đều khuyên chúng ta nên tránh sống trong quá khứ. Họ đều nói: “Hãy sống trong hiện tại”; “Hãy chôn vùi quá khứ”. Tôi hiểu những ý đó. Nhưng phải chăng vẫn có điều tốt đẹp khi trở lại quá khứ và thắp sáng những giây phút tuyệt vời trên hành trình đã đi qua? Khi rút ra bài học từ những trải nghiệm?
Điều này dẫn tôi đến quan niệm về lo lắng và hồi tưởng. Việc bạn có nên quay về quá khứ hay không, theo tôi, tùy thuộc vào dự tính của bạn. Nếu dự tính trở lại quá khứ để day dứt với chuyện buồn đã qua, để lo lắng với những gì không thể thay đổi, để khơi lại những nỗi đau quá khứ, đó là một phản ứng không lành mạnh (chính xác đó là lãng phí thời gian, vì bạn vẫn loay hoay mãi). Nhưng nếu bạn muốn hồi tưởng về những bài học mà sự kiện đó mang lại, để trưởng thành trong khôn ngoan, để thưởng thức những kỷ niệm quí giá mà mình may mắn được hưởng, tôi nghĩ đó là điều tốt đẹp. Bởi vì bạn đã để quá khứ phục vụ mình, và khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn.
? Đừng cố quá sức
Một trong những nguyên tắc tổ chức căn bản trong cuộc sống: Thành công là kết quả của sự quân bình tinh tế giữa việc để mọi sự tự xảy ra và việc tác động để chúng xảy ra. Đúng, bạn có trách nhiệm thiết lập mục tiêu, nhận diện khả năng và thể hiện hết mình. Ta cần thực hiện phần việc của mình. Điều tốt đẹp sẽ hé lộ cho những ai tận tâm làm điều tốt đẹp. Nhưng ta cũng cần một sự cam kết tinh tế, cho phép mọi việc tự nhiên hé lộ. Nói một cách khác, hãy làm hết sức – rồi để cuộc đời làm phần còn lại.
Cuộc sống luôn dẫn dắt bạn đến nơi tốt đẹp hơn (cho dẫu nó trông không giống như vậy). Tôi khám phá rằng việc để cuộc đời dẫn dắt là điều rất quan trọng (môt bài học không hề dễ dàng, và chính tôi vẫn đang học). Nếu đã cố làm mọi thứ nhưng sự việc vẫn không như kết quả bạn mong muốn, đừng cố quá sức. Nghỉ ngơi đi. Có thể mọi chuyện không hề sai. Có thể chưa đến lúc. Có thể cánh cửa này đóng lại nhưng cánh cửa khác đang mở ra. Và thông thường, một khi đã thực hiện điều bạn cho là tốt nhất, bạn đã tạo nên không gian cho điều tốt đẹp hơn sắp đến. Mọi điểm kết thúc đều mở ra một điểm khởi đầu mới.
? Đau khổ sẽ giúp bạn
Tôi đang đọc lại một cuốn sách rất hay mang tựa là What Happy People Know (Người hạnh phúc hiểu điều gì) của Dan Baker, nhà tâm lý đồng thời là đạo diễn truyền hình. Tôi muốn chia sẻ một vài ý tưởng của ông với các bạn về sự lạc quan và nhận lấy thử thách trong đời một cách trân trọng và lịch thiệp.
Hồi Dan còn trẻ, đứa con trai đầu lòng của ông qua đời. Sự kiện đó đánh gục ông và đẩy ông chìm vào bóng tối tuyệt vọng. Trong sách ông viết về những bài học qua các thử thách trong đời: “Tôi nhận ra lạc quan thực sự là như thế nào: đó là nhận thức rằng đau khổ càng nhiều, bài học càng sâu sắc. Có rất nhiều bài học trong cuộc đời mà ta không hề muốn học. Bạn không thể chỉ kể cho ai đó những bài học này và mong họ trở nên khôn ngoan. Sự khôn ngoan chỉ đến qua con đường đau khổ”.
Những câu nói thâm thúy. Có lẽ điều gì bắt trái tim ta tan nát chính là điều giúp trái tim rộng mở. Đau khổ giúp ta rất nhiều (nếu ta chấp nhận bài học mà đau khổ mang đến). Có lẽ chính thử thách lớn nhất trong đời sẽ ban tặng cơ hội lớn nhất.
? Thực hành là tốt nhất
Thử tưởng tượng Steve Nash từ bỏ những bài tập vất vả hàng ngày, những buổi phân tích rút kinh nghiệm sau mỗi trận đấu mà vẫn mong mình luôn đứng trên đỉnh cao trong môn bóng rổ. Hoặc nghĩ đến một Tiger Wood lơ là rèn luyện nhưng vẫn phát triển không ngừng những thành tích của mình trong môn đánh golf. Thật kỳ khôi phải không bạn? Ấy vậy mà có bao nhiêu người trong chúng ta biết tận hiến để kiên trì thực hành mỗi ngày, trong công việc cũng như trong đời sống? Rất ít.
Làm sao bạn giỏi hơn được nếu không thực hành? Thành công không đơn giản xảy đến với mình. Kết quả mỹ mãn không phải là sự tình cờ. Những điều tốt đẹp nhất trong đời cần sự kiên nhẫn, tập trung và hy sinh. Để vượt trội bạn phải nỗ lực hàng ngày. Không ngừng nghỉ. Đầy đam mê.
Chỉ hy vọng mình trở thành nhà lãnh đạo (và là một con người) vĩ đại cũng chẳng khác gì nghĩ đến một phép màu. Chỉ lãng phí thời gian. Hãy nhớ lại tỷ lệ 1 phần trăm năng lượng của nhà vô địch. Mỗi ngày phát triển một ít, theo năm tháng sẽ tích lũy thành những kết quả đáng kinh ngạc. Vận động viên ngày một giỏi hơn nhờ luyện tập. Nhà lãnh đạo giỏi hơn nhờ việc trau dồi tài năng của mình. Nhờ nâng cao tay nghề. Nhờ gây ảnh hưởng sâu rộng. Nhờ từng bước chủ động hướng lên đỉnh núi cao. Cho đến khi chạm đích.