JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Người Nhập Cuộc; Mộc Nhiên biên soạn; NXB Thanh Niên.
Mọi người đều có thể biết được tình yêu, nhưng chúng ta chỉ có thể biết nó khi có khả năng nhìn các sự thể rõ ràng, không cưỡng chống, không biện minh, không giải thích vòng vèo; chỉ nhìn sự thể thật gần, quan sát chúng tỏ tường và chi lị. Nào, cái chúng ta gọi là tình yêu có nghĩa gì? Tình yêu có phải là sự độc chiếm? Chúng ta sẽ tìm ra khi xem xét điều chúng ta gọi là tình yêu, điều mà người tầm thường gọi là tình yêu. Chẳng có ai là người tầm thường cả. Chỉ có con người, là ngài và tôi. Người tầm thường là một sự thể tưởng tượng của các nhà chính trị. Chỉ có con người thôi, chính là ngài và tôi, là kẻ đang đau buồn, khốn khổ, lo âu, và sợ hãi. Thế cuộc đời chúng ta là gì? Để tìm ra tình yêu là gì, chúng ta hãy bắt đầu nơi chúng ta biết. Tình yêu của chúng ta là gì? Từ những đau khổ và lạc thú, chúng ta biết nó có tính độc chiếm, tính riêng tư: vợ tôi, con tôi, quốc gia tôi, thượng đế tôi. Chúng ta biết nó như ngọn lửa lẫn trong đám khói, chúng ta biết nó qua ghen tuông, chúng ta biết nó qua sự chiếm lĩnh, chúng ta biết nó qua lòng sở hữu, chúng ta biết nó qua cảm giác bơ vơ khi người kia đã ra đi. Vì thế có phải chúng ta xem nó như cảm giác? Khi chúng ta nói yêu, tức là chúng ta biết ghen tuông, chúng ta biết sợ hãi, chúng ta biết lo âu. Khi ngài nói yêu ai đó thì sẽ luôn luôn có ganh tị, mong ước sở hữu, mong ước giữ làm của riêng, lấn lướt người đó, sợ hãi, bơ vơ, và vân vân. Mọi thứ này chúng ta gọi là tình yêu. Chúng ta không hề biết thứ tình yêu không có sợ hãi, khôn có ganh tị, không có sở hữu; tuy nhiên, chúng ta lại biến tình yêu chân thực thành ngôn từ khi bảo đó là tình yêu không có sợ hãi, chúng ta gọi nó là không của riêng ai, thuần khiết, thần thánh, hay gì gì đó, nhưng sự thật lại là chúng ta đang ghen tuông, chiếm lĩnh, chiếm hữu. Chúng ta chỉ biết đến tình yêu chân thực khi nào ghen tuông, ganh tị, chiếm hữu, chiếm lĩnh đã chấm dứt; và khi nào còn lòng sở hữu thì chẳng bao giờ chúng ta biết yêu.
Ganh tị, sở hữu, thù ghét, mong ước thống trị người hay vật gọi là của tôi, mong ước sở hữu và được sở hữu – không phải tất cả đều là một quy trình suy nghĩ sao? Tình yêu có phải là một quy trình tư tưởng? Tình yêu có phải là sản phẩm của tâm trí? Đối với hầu hết chúng ta sự thực là như vậy. Đừng nói không phải – nói vậy không có nghĩa lý gì cả. Đừng chối bỏ rằng tình yêu của chúng ta là một sản phẩm của tâm trí. Chắc chắn là như vậy, nếu không, chúng ta đã không sở hữu, chúng ta đã không chiếm lĩnh, chúng ta đã không nói, “Nó của tôi”. Vì chúng ta có nói vậy, tình yêu của chúng ta là một sản phẩm của tâm trí, vì thế tình yêu đối với chúng ta là một quy trình suy nghĩ. Các ngài có thể nghĩ về người mình yêu, nhưng nghĩ về người mình yêu có phải là tình yêu không? Khi nào thì các ngài nghĩ về người mình yêu? Ngài nghĩ về cô ấy khi cô ấy đã qua đời, khi cô ấy ở xa, khi cô ấy đã bỏ ngài. Nhưng khi cô ấy không còn gây phiền cho ngài nữa, khi ngài có thể nói, “Cô ta là của tôi”, lúc đó ngài không cần phải nghĩ về cô ấy nữa. Ngài không cần phải nghĩ về đồ đạc của mình, nó thuộc về ngài – đó là quy trình đồng hóa để không còn bị xáo động, tránh phiền muộn, lo âu, đau buồn. Vì thế chúng ta chỉ nhớ người mình yêu khi chúng ta bị xáo động, khi chúng ta đau khổ, và khi nào chúng ta sở hữu được người ấy, chúng ta không cần phải nghĩ về người ấy nữa, bởi vì sở hữu được rồi thì không có phiền toái. Nhưng đến khi sự sở hữu bị ảnh hưởng, chúng ta bắt đầu suy nghĩ, rồi nói, “Tôi yêu người ấy”. Như thế không phải tình yêu của chúng ta là một phản ứng của tâm trí sao? Nghĩa là tình yêu của chúng ta chỉ là sự xúc động mạnh, và sự xúc động chắc chắn không phải là tình yêu. Chúng ta có nghĩ về người mình yêu khi ở gần nhau? Khi chúng ta sở hữu, nắm giữ, thống trị, khống chế, khi chúng ta có thể nói, “Cô ấy là của tôi”, “Anh ấy là của tôi”, như thế chẳng có vấn đề gì. Bao lâu còn khẳng định được sự sở hữu của mình thì chẳng có vấn đề gì. Và xã hội, mọi thứ chúng ta xây dựng quanh mình, giúp chúng ta sở hữu để không bị phiền toái, nhờ đó không nghĩ về nó nữa. Suy nghĩ đến khi chúng ta bị phiền toái; và chúng ta bị trói buộc vào phiền toái khi nào suy nghĩ đó được gọi là tình yêu. Chắc chắn tình yêu không phải là sản phẩm của tâm trí. Chính vì các sản phẩm của tâm trí chiếm trọn tim mình nên chúng ta không có tình yêu. Sản phẩm của tâm trí là ghen tuông, ganh tị, tham vọng, mong ước giống ai đó, giành được thành công. Các thứ của tâm trí chiếm đầy tim mình, và chúng ta bảo mình yêu, nhưng làm sao có thể yêu khi trong chúng ta có các thứ hỗn loạn này? Khi có khói thì làm sao có được ngọn lửa thuần khiết? Và tình yêu lại là giải pháp duy nhất cho các vấn đề của chúng ta. Tình yêu không phải là sản phẩm của tâm trí, tình yêu không thuộc tâm trí và người nào tích lũy tiền bạc hay kiến thức không bao giờ biết tình yêu, bởi vì họ sống với các sản phẩm của tâm trí; các hoạt động của họ thuộc về tâm trí, và bất cứ điều gì họ tiếp xúc đến họ đều biến nó trở thành vấn đề, rối loạn, khốn khổ.
Vậy nên cái chúng ta gọi là tình yêu của mình là một sản phẩm của tâm trí. Hãy nhìn lại mình và các ngài sẽ thấy điều tôi đang nói rõ ràng là đúng, nếu không đúng thì cuộc sống chúng ta, hôn nhân của chúng ta, tương giao của chúng ta. đã hoàn toàn khác hẳn, chúng ta đã có một xã hội mới. Chúng ta buộc mình với người khác, không phải qua sự hợp nhất, mà qua bản hợp đồng được gọi là tình yêu, hôn nhân. Tình yêu không phải là hòa nhập vào nhau, không phải là điều chỉnh cho thích hợp – nó không có tính riêng tư hay vô tư; nó là trạng thái hiện thể. Người nào muốn hòa nhập với điều gì đó vĩ đại hơn, muốn hợp nhất chính mình với một người khác, là đang lẩn tránh khốn khổ, hỗn loạn, nhưng trong tâm hồn họ vẫn chia ly, tan tác. Tình yêu không biết đến hòa nhập lẫn bất hòa, nó không riêng tư lẫn vô tư, nó là trạng thái hiện thể mà tâm trí không tìm ra được. Tâm trí có thể mô tả nó, gán cho nó một tên, một biệt ngữ, nhưng ngôn từ hay sự mô tả không phải là tình yêu.
Chỉ khi nào tâm trí tĩnh lặng thì nó mới biết được tình yêu, và trạng thái tĩnh lặng đó không phải là điều trau dồi được. Sự trau dồi vẫn là hành động của tâm trí; kỷ luật vẫn là một sản phẩm của tâm trí, và một tâm trí tự khép mình, bị không bị khuất phục, một tâm trí đối kháng, biện hộ, đều không biết được tình yêu. Chúng ta có thể đọc sách, nghe nói về tình yêu, nhưng đó cũng không phải là tình yêu. Chỉ khi chúng ta vất đi các thứ thuộc tâm trí, chỉ khi trái tim mình không có các thứ thuộc tâm trí, lúc đó mới có tình yêu, lúc đó chúng ta mới biết yêu mà không có sự chia ly, không xa cách, không thời gian, không sợ hãi – và điều này không dành riêng cho một vài người. Tình yêu không phân loại, chỉ có tình yêu thôi. Khi nào còn phân biệt thành tình yêu dành cho nhiều người, dành cho một người, tình yêu độc nhất, khi đó chúng ta vẫn không biết yêu. Khi yêu, không có “anh” cũng không có “tôi”. Trong trạng thái đó chỉ có ngọn lửa không khói.