PHÂN BIỆT TỪ CÁI KHÔNG PHÂN BIỆT

PHỤNG SƠN

Trích: Cuộc Hành Trình Tâm Linh của Steve Jobs; Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay; NXB. Phương Đông, 2017
CUỘC HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA STEVE JOBS – PHỤNG SƠN
☘️☘️☘️
Tâm Phật nơi mỗi chúng sanh có ba thành phần là thể là tánh chân thật, vốn không sanh bất diệt, tướng là hình tướng bên ngoài chúng ta có thể thấy biết được và dụng tức là chức năng hay hoạt động đem lại những lợi ích. Nơi mọi người, thể thì không khác nhau hay vô sai biệt nhưng tướng và dụng thì nơi mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi vị thế xã hội khác nhau hay có sai biệt. Sự thực hành tuệ tri giúp cho chúng ta thấu suốt điều này một cách cụ thể, còn nếu khi tu tập mà lẫn lộn tánh, tướng và dụng thì đem đến nhiều tai hại cho mình và cho người.
Chúng ta có thể lấy ví dụ, cùng là hai ông vua Phật tử, cùng là những người tu hành siêng năng, thành tâm và đầy lòng từ bi, nhưng khi quân Nguyên Mông xâm lược chiếm bờ cõi, vua Trần Thánh Tông và kế tiếp là vua Trần Nhân Tông lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh bại quân xâm lăng ba lần, bảo vệ sự vẹn toàn cho xứ sở và hạnh phúc của người dân, còn vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa, khi bị bề tôi là Hầu Cảnh làm phản, đem quân lính bao vây kinh đô, các quan yêu cầu xuất quân đánh trả, nhà vua không nghe theo, khuyên tụng kinh cho giặc lui nên ông bị thảm tử vào năm 549.
Như vậy, các vị vua nhà Trần đã tuệ tri sâu sắc về chân lý tuyệt đối, hay thể, là vô phân biệt, nhưng rõ rằng quân Mông Nguyên là hung tàn và người dân Việt là vô tội, sự xâm lăng cướp phá là sai lầm. Đó là tướng. Hai vị minh quân đã vận dụng trí tuệ nghị ra mưu lược, điều động quân sĩ và thống nhất lòng dân quyết tâm chiến đấu chống quân cường bạo. Đó là dụng. Như vậy, từ tâm giác ngộ hay tâm không đó (thể) mà hai vị vua thống lãnh quan quân và dân chúng (tướng) để chiến đấu và thành công vẻ vang (dụng).
Vua Lương Võ Đế là một vị vua đáng kính trọng. Ông là người rất đức độ, có tu học, có lòng từ bi, nhiều lúc nhà vua còn khoác y vàng để thuyết giảng Phật pháp. Tuy nhiên khi gặp tổ Bồ Đề Đạt Ma, ông đã không ngộ được tâm không, không đủ trí tuệ phân biệt được thể, tướng và dụng của Phật tánh – chỉ có khả năng trạch pháp trên mặt suy luận mà chưa có được khả năng trực giác của tuệ tri hay trí tuệ Bát-nhã nên tổ Đạt Ma không lưu lại nước ông. Cái tướng và cái dụng nơi một vị vua khác với một vị tăng. Hai điều này không thể lẫn lộn được. Như nhà vua đắp y vàng để thuyết pháp và có lúc bỏ việc chính sự vào chùa tu, mà không báo cho các quan biết làm xáo trộn công việc điều hành quốc gia, là lẫn lộn giữa tướng và dụng trong đạo Phật. Nơi vua Trần Nhân Tông thì có sự phân biệt tánh tướng rõ ràng. Ngài giác ngộ tâm không khi đang còn làm vua nhưng không bao giờ ngài đắp y vàng khi còn là vua. Lúc có nhu cầu học đạo, ngài thỉnh các bậc cao tăng vào cung để giảng dạy Phật pháp cho vua và quan. Khi nước nhà bị xâm lăng, ngài lãnh đạo toàn thể quan quân và dân chúng chiến đấu anh dũng đánh bại quân xâm lăng.
Khi từ bỏ ngai vàng xuất gia thì con ngài là Trần Anh Tông kế vị làm vua, việc cai trị đất nước vẫn tiếp tục tốt đẹp. Khi làm ông thầy tu, ngài đi chân đất, mặc tăng bào, ăn mỗi ngày một bữa và đi đến mọi nơi để giảng dạy Phật pháp cho dân chúng. Như vậy, ngài thấu suốt bản tánh chân thật nơi mọi người không khác nhau nhưng tướng ông vua, như cách ăn mặc, lời nói, công việc làm, vốn khác với vị tăng và dụng hay chức năng của ông vua, như đem lại thịnh trị cho xã hội, cơm no ấm áo cho người dân, khác với vị tăng là đem lại hạnh phúc tâm linh cho người Phật tử. Trong đạo Phật, gọi đó là tánh tướng phân minh và theo ngôn ngữ bình thường là việc gì ra việc đó.
Điều này ngài Lâm Tế dạy rất rõ cho người tu tập khi sinh hoạt trong các hoàn cảnh khác nhau hay cảnh giới sai biệt.
“… vào tất cả cảnh giới sai biệt; trong khoảng một búng tay, vào suốt pháp giới, gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La hán nói La hán, gặp ngạ quỷ nói ngạ quỷ, dạo nát khắp quốc độ, giáo hóa chúng sanh mà không hề lìa một niệm.”
Khi hai vị vua Trần gặp ngạ quỷ, dù là người giác ngộ và có lòng từ bi, các ngài phải hành xử theo cách gặp ngạ quỷ, còn vua Lương Võ Đế khi gặp ngạ quỷ ngài lại hành xử theo cách gặp Phật! Đó là thảm kịch của một vị vua đạo đức và hiền lành. Do đó, Thiền sư Lâm Tế nhắc nhở:
“Cảnh thì sai khác muôn vàn, người thì chẳng sai khác; đó là tùy theo ngoại vật mà ứng hiện hình tướng, như trăng trong lòng nước.”
Cũng như vậy, thiền đã giúp cho Steve Jobs cảm nhận về tính không và ứng dụng vào trong công nghệ vi tính và sáng tạo ra những sản phẩm kỳ diệu. Ông ta làm việc rất siêng năng để đạt sự thành công tối đa. Chúng ta không biết mức độ thâm nhập vào tánh không của ông sâu xa đến mức nào nhưng quả thật ông đã thấu suốt tác động của tướng và dụng nên những khi trình bày các sản phẩm mới cho công chúng hay thuyết trình cho những người có trách nhiệm của công ty, ông đã luyện tập cách trình bày rất nhiều lần khi chuẩn bị thuyết trình. Không khác gì một kiếm sĩ tập đi tập lại các chiêu kiếm hàng trăm lần để sau đó có thể sử dụng kiếm (tướng) một cách tự nhiên không chút cố gắng để đánh bại đối phương (dụng), ông tập luyện các động tác, lời nói phối hợp với các hình ảnh được chiếu lên rất nhiều lần cho đến khi mọi thứ trở nên giản dị, đơn sơ, dễ dàng và tự nhiên một cách đầy nghệ thuật ‘hút hồn’ người nghe. Lúc đó, trước mặt người nghe chỉ có hình ảnh của một Steve Jobs rất giản dị, đáng tin cậy, các hình ảnh trình bày đơn giản nhưng đúng mức, lời nói hồn nhiên và chân xác trình bày rõ chi tiết chính yếu của đối tượng trình bày, hình ảnh với màu sắc gây ấn tượng chiếu trước mặt mọi người và tạo ra sự hòa hợp, cảm thông và thích thú thâm sâu giữa người nói và kẻ nghe. Đó là sự vô ngại pháp giới trong thương trường một cách đầy thông minh với nghệ thuật thượng thừa. Thật phù hợp với điều Steve Jobs nói: “Sự làm mới giúp thấy rõ sự khác biệt giữa người lãnh đạo và các người đi theo.”
Câu nói giản dị đó nói rõ tướng và dụng của người lãnh đạo xí nghiệp, đánh thức nhiều người tỉnh dậy trong cơn mê ngủ chạy theo người khác, chạy theo thị hiếu, chạy theo những đường mòn lối xưa. Câu nói này có thể ứng dụng trong mọi ngành nghề, mọi sinh hoạt thế tục hay tâm linh. Trong cuộc đời sống đạo, sống với niềm hạnh phúc tâm linh, sự làm mới là trở về với tâm ban đầu trong sạch, uyển chuyển, đơn sơ và thơ mộng. Đó là trở về với tự tánh uyên nguyên. Trong các ngành công nghệ, đó là tâm người lãnh đạo tỉnh thức để nhận biết chân thật và rõ ràng về mức độ giá trị thật sự của sản phẩm cùng sự đáp ứng của khách hàng với sản phẩm hay dịch vụ công ty đang cung cấp. Và dù cho sản phẩm hay dịch vụ đang được nhiều khách hàng ưa chuộng thì tâm người lãnh đạo cũng rất linh động để làm mới nhằm cống hiến những thứ tốt đẹp hơn. Điều này chính Steve Jobs đã làm mạnh mẽ và thành công khi các sản phẩm công nghệ mới mẻ và nổi bật liên tiếp xuất hiện đem đến những thành công nối tiếp như máy điện toán Apple 1 (năm 1976), máy điện toán Apple II ( năm 1977), nghe nhạc iPod ( năm 2001), dịch vụ nhạc và máy nghe nhạc, điện thoại di động iPhone (năm 2007), các tiệm bán và ứng dụng máy điện Apple Store (năm 2008), máy tính bảng iPad (năm 2010) và mới đây máy iPhone nâng cấp 4S.
Di sản lớn lao của ông để lại là ông đã làm thay đổi bảy ngành công nghệ gồm có công nghệ máy tính cá nhân, máy nghe nhạc, máy điện thoại, công nghệ phim hoạt họa, bảng máy tính, ngành xuất bản vi tính và các cửa hàng bán lẻ. Điều ông nhắc nhở “Hãy suy nghĩ khác biệt” có lúc xuất hiện trên màn ảnh truyền hình, với nét mặt tươi cười của ngài Đạt Lai Lạt Ma, luôn luôn kích thích giới trẻ cũng như người lớn.
Steve Jobs muốn tập trung hoạt động vào ngành mình có sở trường và tránh sở đoản nên tuy Công ty Apple với số vốn 30 tỷ Mỹ kim, 25 ngàn nhân viên, trong đó có 10 ngàn người làm việc tại các cửa hàng Apple, nhưng các sản phẩm làm ra, 30 thứ căn bản, và dịch vụ cung cấp đặt trên nguyên tắc làm mới chỉ tập trung vào máy tính cá nhân, máy nghe nhạc, máy điện thoại, bảng máy tính, ngành xuất bản vi tính và các cửa hàng bán lẻ. Nếu chúng ta muốn biết chi tiết hơn về các sản phẩm căn bản thì danh sách gồm có các thứ như sau:
Apple 1, Apple 2, Mac Plus, Mac SE, Macintosh II, Laser-writer Plus, Laserwriter II, Apple Newton eMate 300, Power Macintosh G3 and G4, iMac G3, iMac G4, Powerbook 100, Powerbook Duo, Powerbook 540c, Powerbook Duo 2400, Powerbook G3, Powerbook G4, iBook, Macbook, Macbook Air 3,1, iPod (4GB), iPod Touch (4GB), iPod Nano (2GB), iPhone 4 (32 GB), Apple TV, Airport Express, Airport Ex-treme, iPad 3GB (32GB), iPad 2 WiFi (32GB) và mới nhất là iPhone Jobs qua đời. Những người ái mộ ông cho rằng 4S nơi iPhone 4S có nghĩa là ‘cho Steve’. Chữ bốn hay four cũng đọc giống như chữ for là để cho.
☘️☘️☘️

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN ĐỊNH VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM
  2. NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM CHUYỂN ĐỘNG HAY TÂM NGHĨ TƯỞNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ