NGUYÊN CẨN
Nguồn: Chùa Xá Lợi
Đi tìm chuẩn mực cho cái đẹp hôm nay
Chúng ta nhớ đến câu chuyện cách đây hơn 2.500 năm trước ghi trong kinh Thất nữ, Đức Phật nói về cái đẹp của con người:
“Có một người nhà giàu sinh được bảy cô con gái xinh đẹp tuyệt trần. Vừa là bậc đại phú gia, lại có con gái nhan sắc không ai bì, ông nhà giàu rất lấy làm hãnh diện.
Một hôm, có một người bạn nói với ông:
-Anh hãy đưa các con anh vào trong thành dạo chơi, dân chúng trong thành trông thấy con anh, nếu có người chê một trong bảy cô xấu thì anh đưa cho tôi năm trăm lạng vàng, bằng như không có ai chê thì tôi thua anh năm trăm lạng.
Người nhà giàu đồng ý đánh cuộc với người bạn. Thế là hai người dẫn bảy cô gái đi dạo khắp nơi trong thành. Họ đi đến đâu, mọi người đều hết lời ngợi khen bảy cô con gái xinh đẹp. Thời gian dạo chơi đến chín mươi ngày mà họ không nghe thấy một ai chê bảy cô con gái xấu dù chỉ nửa lời.
Bấy giờ, hai ông nghe tin đức Phật đang giảng pháp tại tinh xá Kỳ Viên, bèn rủ nhau đến gặp Phật mà thưa rằng:
– Ngài hay du hóa nhiều nơi, đi khắp các nước, Ngài đã từng thấy có người con gái nào xinh đẹp như các con của tôi không?
Đức Phật mỉm cười bảo:
– Những cô gái này không có gì đẹp cả.
Ông nhà giàu hết sức kinh ngạc, tỏ ra không bằng lòng, thắc mắc:
– Cả nước không một ai chê các con tôi xấu, cớ sao Ngài lại chê chúng xấu?
Đức Phật đáp:
– Người đời họ cho cái đẹp của sắc thân là đẹp, còn ta cho rằng cái thân chẳng làm điều xấu ác, cái miệng chẳng nói lời xấu ác, tâm ý chẳng nghĩ điều xấu ác mới là đẹp vậy.
Qua câu chuyện đó, đức Phật đã chỉ ra chân giá trị của một con người, là khi tâm hồn của người đó hướng thiện, dù nam hay nữ. Cái đẹp lý tưởng không chỉ về ngoại hình mà còn ở tư cách, suy nghĩ, ngôn ngữ và hành vi hay lối sống.
Vả chăng cái đẹp bên ngoài mang tính chủ quan thay đổi theo quan niệm của dân tộc, khu vực, không có tính chất phổ quát về không gian, vĩnh cửu với thời gian. Cái đẹp ấy, nói theo cách ngôn của người Anh, chỉ là bên ngoài (Beauty is but skin deep) còn những nét tính cách, phẩm chất làm nên một con người đẹp phải từ bên trong.
Chẳng thế mà cha ông ta đề cao “công – dung – ngôn – hạnh” cho phụ nữ và “nhân – lễ – nghĩa – trí – tín” cho phái nam do ảnh hưởng Nho giáo. Đối với Nho giáo, thì mỹ chính là thiện, tận thiện, tận mỹ tồn tại trong một sự vật hiện tượng, là tiêu chuẩn và yêu cầu cao nhất của cái đẹp. Khổng Tử quan niệm, thiện chủ yếu là sự bình giá có tính công lợi của sự vật. Còn đối với mỹ, thì ngoài tính công lợi ra, nó còn phải đáp ứng sự hài hòa giữa nội dung và hình thức. Nên khi nói thiện tức là mỹ, thì Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất thiện- nội dung, mỹ – hình thức trong văn chương – nghệ thuật. Là biểu hiện giữa đức và văn. Ông cho rằng, người có đức tất có lời, người có lời tức có đức.
Tuân Tử cho rằng: Tính người là ác, cái thiện ở nó là ngụy. Ngụy hàm nghĩa những quy phạm, sự tu dưỡng (cái mà ông nói có thể học mà biết, làm mà nên). Tính là thuộc tiên thiên, còn ngụy là thuộc hậu nhiên. Bởi vậy, theo Tuân Tử, cái đẹp của con người thể hiện ở sự tu dưỡng đạo đức, học tập không ngừng, làm cho tính ác nhập vào quỹ đạo của thiện.Cả hai quan niệm, tưởng rằng đối lập nhau, đều lấy cái đẹp gắn liền với cái thiện, hạt nhân của thiện là lễ và nhân. Phụ nữ phải có tứ đức, con nam giới muốn làm kẻ quân tử phải theo ngũ thường nêu trên.
Còn quan niệm nhà Phật thì sao? Trong Kinh Bách phước trang nghiêm có nói: “Tu 100 phước mới trang nghiêm được một tướng”. Để có kết quả thân tướng đẹp về ngoại hình, phải hội đủ các yếu tố cao thượng (không phẫn nộ, không sân hận, không làm người khác buồn, và có tình thương yêu) bên trong tâm hồn được huân tập làm nhân duyên cho nhau mà hình thành thân tướng đẹp. Hay nói cách khác, chính cái đẹp của đức hạnh mà có kết quả cái đẹp hình thể, đó là tiến trình nhân quả. Phật dạy: “Tướng tự tâm sinh” là vì vậy.
Ngày nay, chúng ta chạy theo cái đẹp bên ngoài mà quên rằng cái đẹp tâm hồn nơi có sự an lạc tự tại là cái đẹp bền vững không tàn lụi theo thời gian.
Đẹp, theo quan điểm Phật giáo, là sự vắng mặt của tham, sân, si, sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã. Tất cả những gì gây nên đau khổ, khi chúng bị đoạn trừ là Niết bàn, là Đẹp. Chừng nào chúng ta thoát khỏi tham lam, thù hận và si mê thì chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Niết bàn hay là sự giải thoát khỏi những gông cùm của ngả và ngả sở. Đó là cái Đẹp nội tại. Đạt được bản lĩnh ấy là một quá trình tự vượt qua chính mình, trở thành một thắng nhân (self-made man). Một cuộc chiến đấu gay go gấp vạn lần ngoài bãi chiến trường. Lẽ thường, chúng ta dễ buông thả, tha hóa theo dục lạc. Do vậy, Phật dạy:
“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình, tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng.”
(Thích Minh Châu dịch, Pháp cú kinh, câu 103)
Chiến thắng mình là chiến thắng của vô ngả. Chiến thắng kẻ khác là chiến thắng của hữu ngả. Chiến thắng của vô ngả sẽ đem lại sự tự tại, an lạc. Chúng ta đã hiểu Tứ diệu đế của nhà Phật, trong đó Đạo đế là con đường chuyển hóa, chuyển hóa từ khổ đau đến an lạc; chuyển hóa từ cái Bi sang cái Đẹp.
“Ai sống trong đời này
Ái dục được đoạn trừ
Sầu não khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen.” – (sđd)
Như giọt nước lá sen bởi khi ấy tất cả những vọng tưởng điên đảo đều trôi đi. Những cô gái si mê lầm lạc, chìm trong tham dục thì còn quẩn quanh hoài trong cõi vô minh của chính tâm hồn mình. Phẩm tính của cái Đẹp là phải biết kiểm soát gốc ái dục của lòng mình – Giới và kiểm soát cảm thọ (Định), sau là nhìn vào thực tại đang là như thật: Vô thường; vô ngả bằng Tuệ giác. Con đường Giới-Định-Tuệ là con đường Trung đạo, vận hành trên cơ chế thăng bằng, không thiên lệch.
“Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại thêm hương
Cũng vậy lời khéo nói
Có làm có kết quả.”
(Thích Minh Châu, Pháp cú kinh. 52)
Danh xưng người đẹp hay gì gì nữa thì cũng phải đi kèm theo một đời sống đẹp, khi đã là người của công chúng thì chỉ nhan sắc thôi là chưa đủ và không thể gọi là đẹp nếu hành xử sai trái; chẳng thế mà người ta có quy định thu lại danh vị nếu phạm pháp. Còn khi người ta đã kính trọng hay yêu thương thì có là ai đi nữa, gọi bằng danh vị gì đi nữa thì cũng vẫn đẹp trong mắt tha nhân. Nói như chàng Romeo trong kịch Shakespeare thì:
“Có gì trong một cái tên đâu
Cái mà ta gọi đó hoa hồng
Cho dù có gọi tên nào nữa
Vẫn tỏa hương thơm ngát dịu lòng”.
(“What’s in a name? That which we call a rose
By any other name would smell as sweet.”)
(Shakespeare – Romeo and Juliet – II, ii, 1-2)
Phẩm tính cái Đẹp là thiết lập hài hòa trong – ngoài, dung mạo và đức hạnh, hành vi và nguyên tắc sống, tiến đến thoát khỏi những ràng buộc của vô minh và tham dục, vượt lên trên chấp thủ về ngả và ngả sở. Đó chính là sự nhận diện “thấy như thật” sự tan vỡ của vô minh.
Mong sao cái Đẹp của chúng ta tiệm cận những phẩm tính ấy để công chúng có thể hướng về một xã hội thiện – mỹ như chúng ta hằng mơ ước!