KẾT NỐI VỚI GÃ NGỐC THIÊNG LIÊNG TRONG BẠN

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức

Trong mỗi chúng ta có một gã ngốc thiêng liêng, một tâm hồn đang nhìn vào sự truy cầu tâm linh với đôi mắt tràn đầy ngạc nhiên và kính phục. Đây là đứa trẻ không thể mua chuộc, đứa trẻ vĩnh hằng bên trong, tượng trưng cho sự tin cậy, hồn nhiên, tinh khiết. Ta đều bắt đầu cuộc sống của mình như những người điên thiêng liêng, nhưng với hầu hết mọi người, phải có nỗ lực tâm linh mới giữ được sự gắn kết với vị Phật bé nhỏ bên trong ấy. Dẫu vậy, ta có thể đánh thức lại vị Phật bé nhỏ ấy dù ở tuổi nào.

Bạn bè biết những chuyện như trên bảo với tôi rằng, trong cỗ bài tarot, quân bài Chàng ngốc (Fool) tượng trưng cho khởi đầu của một chuyến hành trình phiêu lưu và khám phá. Không ai có thể bắt đầu một chuyến hành trình khám phá mà không chạm đến gã ngốc thiêng liêng bên trong. Ta không thể đi tới nếu không tiếp cận được sự tinh khiết bẩm sinh và nhìn thế giới một cách mới mẻ với sự hồn nhiên của một đứa trẻ. Là người lớn, cái nhìn của ta thường bị che mờ bởi những định kiến, những phóng chiếu mệt mỏi, như những bức màn bưng mắt ta.

Chúng ta đều biết câu chuyện về một vị hoàng đế cần một bộ quần áo mới và nghe nói về một thợ may tài hoa phi thường. Khi vị hoàng đế tới thăm người thợ may, ông bị ấn tượng bởi những gì người thợ may nói, và đặt người ấy làm một bộ quần áo mới, phải là bộ quần áo đắt nhất, tuyệt vời nhất trên thế giới. Ngày bộ quần áo được mang tới, với sự phố trương ẩm ĩ, người thợ may mở một cái hộp, trong đó hoàn toàn rỗng, và giúp hoàng đế mặc thử bộ quân áo tưởng tượng. “Nhìn này”, thợ may nói, chỉ vào khoảng không. “Hãy để ý những viên ruby tinh xảo trên ve áo”. Đầu tiên, hoàng đế mình trần như nhộng diễu quanh lâu đài trong khi cả triều đình thán phục. Cuối cùng, hoàng đế đi ra đường để người dân có thể chiêm ngưỡng bộ quần áo lộng lẫy của ngài. Mọi người vỗ tay; họ hò reo tán thưởng. “Hãy nhìn hoàng đế kìa!”. Họ hét lên. “Trông ngài đẹp làm sao trong bộ quần áo tuyệt vời ấy!”. Sau cùng, phía cuối đám đông, một giọng trẻ con cất lên. “Nhưng mẹ ơi”, đứa bé nói, “hoàng đế cởi truồng”.

Gã ngốc là đứa trẻ mà một cách bản năng biết rằng hoàng đế không mặc quần áo, dù nó có được xã hội thuyết phục như thế nào. Nó không bị đè nặng bởi các khái niệm, các ý tưởng định trước về thực tại. Nó thấy cái gì là, và nó tự do nắm lấy cơ hội. Gã ngốc tự do nói những gì có trong tâm. Các triều đình thời Trung cổ thường có một gã ngốc hoặc anh hề, một người duy nhất được tự do nói ra suy nghĩ của mình với vua hay hoàng đế mà vấn giữ được cái đầu.

Đa số chúng ta hoàn toàn bị tước mất sự tự do sâu xa ấy; ta bị bao bọc bởi lớp nọ lớp kia những thái độ phù hợp với xã hội đến nỗi không thể nới lỏng những trở ngại đã thành thói quen, những ý kiến bị đóng hộp của mình. Chúng ta đã dành quá nhiều tâm huyết vào việc đạt được một địa vị nhất định, trở thành một phần của các thứ khác, hoà hợp vào hệ tư tưởng phổ biến của thời đại và những đòi hỏi có nhiều hơn, giá trị hơn của nó. Chúng ta lo lắng về vẻ ngoài, về hình ảnh, và điều người khác nghĩ về mình. Hầu như chúng ta chỉ thấy thứ chúng ta được dạy để thấy. Chúng ta thích những bộ phim, cuốn sách, vở kịch, điệu vũ mà giới phê bình bảo ta thích. Chúng ta ăn ở những nhà hàng đã nhận được lời bình luận tốt và được người khác khuyên. Chúng ta ngưỡng mộ những người mà chúng ta được nghe là họ có danh tiếng hay địa vị. Quả thực, đôi lúc chúng ta có cảm giác như toàn bộ cuộc sống bị lọc qua các ý kiến của ai đó. Chúng ta lấy mẫu mọi thứ thông qua con mắt của người khác trước khi tự mình trải nghiệm hay cảm nhận. Phần lớn điều này đến từ chỗ ta đã bị giám sát, góp ý từ cha mẹ mình. Đây là một vấn đề về phát triển từ khi còn nhỏ. Sau này, ta vật lộn để có sự chấp nhận từ bạn bè, và chẳng bao lâu sau, từ những người mà ta có sự quan tâm về tình cảm. Mỗi thế hệ có ý kiến của riêng nó về thế nào là hành vi có thể chấp nhận, kể cả khi nổi loạn hay lập dị.

Trí huệ mê cuồng luôn nhắc chúng ta hãy cảm nhận điều mình thật sự cảm nhận; nó nhắc ta giữ sự gắn kết với các giá trị bên trong của mình. Nó nhắc ta trở nên thành thật và nhạy cảm để kết nối với gã ngốc mắt mở to bên trong, với tâm hồn như đứa trẻ bên trong, không bị đè nặng bởi những quy ước xã hội.

Phật pháp khuyến khích ta học cách nhìn vào sự vật với cái nhìn mới mẻ, như thể lần đầu tiên. Đó là lý do Trungpa Rinpoche đặt tiêu đề cho tuyển tập thơ của ông là Ý Nghĩ Đầu Tiên, Ý Nghĩ Tốt Nhất (First Thought, Best Thought). Vị Phật bên trong ta có con mắt không có màn che, con mắt có khả năng thấy được chân lý. Nếu có thể có được tầm nhìn ấy, chúng ta sẽ mang đến sự cần bằng và niềm vui cho cuộc sống của mình thay vì lúc nào cũng dựa vào lý trí. Chúng ta có thể chạm đến nguồn vui tự nhiên chẳng bao giờ cạn kiệt bên trong.

Cách đây chưa lâu, Dave đang ăn trưa với vài người bạn ở một nhà hàng anh thường ăn. Anh gọi một bát súp gà. Khi món súp tới, Dave nhìn xuống và thấy không có thìa. Anh cười và bắt đầu kể cho bạn bè một câu chuyện vui anh đã nghe về một giáo sĩ Do Thái người Đông Âu sáng suốt và uyên bác thời xưa. Có vẻ vị giáo sĩ này tin vào minh triết mà chúng ta có thể đạt được bằng trải nghiệm cá nhân, và thích dạy bằng cách cho thấy thay vì nói. Một ngày, giáo Sĩ và vợ đi vào nhà hàng ưa thích và gọi món ăn ưa thích của ông, súp lúa mạch nấm. Người bồi bàn đặt món súp xuống trước mặt vị giáo sĩ rồi trở vào bếp. Giáo sĩ rất đói và muốn ăn, nhưng khi nhìn xuống, ông nhận ra bồi bàn đã quên mang thìa. A, cơ hội cho một bài học đây. Ông kiên nhẫn đợi người bồi bàn xuất hiện trở lại, và khi thấy anh ta, ông nói: “Bạn tôi, anh có thể nếm món súp này không?”.

Bồi bàn đáp: “Ôi, giờ tôi rất bận. Tôi không có thời gian nếm súp. Chưa kể, ông chủ sẽ nổi giận nếu thấy tôi ăn đồ ăn của khách hàng”.

“Xin cậu đấy”, giáo sĩ nói. “Tôi chỉ muốn cậu nếm món súp này. Nếu có ai nói điều gì, tôi sẽ giải thích. Xin làm ơn”.

Người bồi bàn thở dài, dặt khay xuống, đi tới để nếm món súp. Khi nhìn xuống, anh ta nhận ra giáo sĩ đang yêu cầu điều gì. Bật cười, người bồi bàn mang cho giáo sĩ một cái thìa.

Dave nhìn vào các bạn, và gợi ý họ thử làm như vậy với một cô phục vụ. “Helen”, anh gọi cô, “đến đây nếm món súp này đi”.

“Ôi Dave”, Helen đáp. “Tôi không có thời gian. Tôi đang bận. Có vấn đề gì với súp vậy?”.

“Chẳng có gì không ổn với món súp cá”, Dave tiếp. “Tôi chỉ muốn cô nếm nó”.

“Làm ơn đi…” Helen than. “Trông tôi chưa đủ bận rộn hay sao?”.

“Đi mà. Nếm thử chút thôi”, Dave nài nỉ.

“Thôi được”, Helen nói. Cô đi tới và nhìn xuống bàn. “Ối”, cô nói, “anh không có thìa”. Nói vậy rồi cô nhún vai, cầm bát súp lên tay, uống một miếng. “Tôi thấy ngon đấy”, cô nói, rồi quay đi phục vụ một khách hàng khác.

Câu hỏi đương nhiên là, ai là người khôn ngoan và ai là người ngốc nghếch?

Trong cuốn sách có ảnh hưởng sâu xa về chủ đề này, cũng được đặt tựa tương tự là Trí Huệ Mê Cuồng (Crazy Wisdom), Wes Nisker viết:

“Trí huệ mê cuồng là trí huệ của bậc thánh, thiền sư, nhà thơ, nhà bác học và kẻ ngốc. Trí huệ mê cuồng thấy rằng chúng ta sống trong một thế giới nhiều ảo tưởng, với những hoàng đế không mặc quần áo, rằng phần lớn niềm tin và hành vi của con người là một sự vô nghĩa được nghi thức hoá. Trí huệ mê cuồng hiểu được phản vật chất và thi ca cổ xưa của đạo Sufi, yêu thích sự ngược đời, sự chơi chữ và cười cợt kẻ khôn ngoan. Trí huệ mê cuồng lật ngược thế giới rồi lật trở lại cho tới khi mọi thứ trở nên rõ ràng trong trẻo như pha lê”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÂM VÀ BẢN TÁNH SÂU NHIỆM CỦA TÂM
  2. TÂM VÀ BẢN TÁNH CỦA TÂM
  3. NHỮNG CHỮ VÀNG: TÂM VÀ BẢN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH