ÁC CẢM

SYLVIA BOORSTEIN

Trích: Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ; Nguyễn Duy Nhiên dịch; Nhà Sách Phương Nam.

Ngược lại với lòng ái dục là ác cảm, một năng lượng của sân hận và tiêu cực. Ác cảm không dễ chịu. Đức Phật nói đến lòng sân hận như là một thứ độc dược trong tâm, nó là một chất độc làm lu mờ tâm ý ta. Khác với một tâm đầy ái dục lúc nào cũng tìm kiếm chung quanh một vật gì nắm bắt để thỏa mãn, tâm ác cảm ngược lại muốn loại trừ chúng đi.

Đôi khi người ta lại cho rằng sự tức giận có một cảm giác thú vị, vì nó là một loại năng lượng kích thích rất mạnh. Ví dụ, một người đang ở trong trạng thái buồn ngủ hoặc rã rượi, đột nhiên sẽ cảm thấy trở nên sống động và tỉnh thức hơn. Cơn giận đôi khi khiến ta cảm thấy như mình rất có quyền lực, nhất là khi ta nghĩ cơn giận của mình là chính đáng. Nhưng cuối cùng thì sự giận dữ chỉ là một cơn bão trong tâm mà thôi, nó chỉ làm cho ta mệt mỏi và rối loạn thêm.

“Tôi phải đối xử với cơn giận của mình bằng cách nào?” là một trong những câu hỏi tôi thường được nghe nhiều nhất. Khi người ta nghĩ tôi sẽ khuyên rằ sự biểu lộ cơn giận ra ngoài là hoàn toàn không cần thiết, họ thường cảm thấy hơi lo và phản đối ngay. Tôi nghĩ, có lẽ người ta sợ là một khi họ không còn được tranh cãi và chống đối nữa, họ sẽ không còn có thể truyền thông một cách tự nhiên và thành thật với kẻ khác.

Tôi rất thích dạy cho người ta hiểu là nếu ta truyền đạt thông điệp của mình mà không nổi giận, ta sẽ có thể nói bất cứ một điều gì ta muốn cho bất cứ một ai trên thế giới này, mà vẫn có thể nhấn mạnh được quan điểm của mình, và cảm thấy được lắng nghe. Thông điệp ấy có thể nói lên sự thật là ta đã hoặc đang cảm thấy tức giận, nhưng không nhất thiết nó phải là một sự biểu lộ của cơn giận ấy!

Trong bộ Vinaya, tức những giới luật và uy nghi của bậc xuất gia, đức Phật có để lại những lời hướng dẫn sau đây cho việc biểu lộ cơn giận. Ngài nói:

Trước khi khiển trách một người nào, ta nên suy ngẫm những điều này… Lời nói phải hợp thời, hợp lúc. Lời nói phải chân thật, không dối trá. Lời nói phải vì lợi ích của người ấy, không phải để gây sự mất mát. Lời nói phải ôn hòa, không được gay gắt. Lời nói phải vì từ bi, không phải vì giận dữ.

Trong nhiều năm qua, tôi đã ghi chép lại những lời dạy ấy trên một tấm thẻ nhỏ để trong phòng làm việc. Và tôi thường đưa cho những cặp vợ chồng xem, khi họ đến tham vấn tôi về những khó khăn trong đời sống hôn phối.

Tôi rất thích ý tưởng về việc “hợp thời, hợp lúc”. Nó nhắc nhở là ta không cần phải biểu lộ sự tức giận của mình ra ngay tức thì, và chọn một thời gian khác thích hợp hơn sẽ có thể giúp cho người kia dễ dàng tiếp nhận thông điệp của mình hơn. “Chân thật”, theo ý tôi, có nghĩa là ta có đủ thời giờ để suy ngẫm về điều gì đã thật sự làm cho mình tức giận, thay vì đưa ra những nguyên cớ nông cạn như chúng ta vẫn thường làm.

Anh không bao giờ chịu đậy nắp của ống kem đánh răng lại mỗi khi dùng xong!” có lẽ là không đúng sự thật. “Thường thường” thì có lẽ chính xác hơn là “không bao giờ”. Và cũng rất có thể, sự thật không phải ống kem đánh răng là nguồn gốc của nỗi bực tức của ta. “Khi anh không đậy nắp của ống kem đánh răng lại, em cảm thấy là anh không biết chiều ý em, và điều ấy làm cho em lo sợ” thì có lẽ gần đúng với sự thật hơn.

“Ôn hòa”, “từ bi” và “vì lợi ích của người ấy” có nghĩa là ta biết bỏ thì giờ để quán xét lại ý định của mình trước khi bày tỏ sự bất bình. Nó có nghĩa là ta phải chắc rằng ý định của mình là để giải hòa hoặc để hướng dẫn với lòng từ ái, chứ không phải có mục đích gây đau đớn để trả thù cho sự tổn thương của mình.

Đôi khi có những cặp vợ chồng xin phép tôi đem tấm thẻ ấy về để in lại, và sẽ trưng bày trong nhà ở nơi để thấy nhất. Nhiều năm nay tôi đã từng mơ ước là phải chi có một hãng sản xuất loại giấy trang trí dán tường nào lại muốn sáng chế kiểu mới này, để chúng ta có để trang trí hết những căn phòng trong nhà với những lời dạy của đức Phật về phương cách biểu lộ cơn giận.

Vài năm trước, tôi có đi tham dự một khóa hội thảo, khi có người đứng lên hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma. “Ngài có bao giờ nổi giận không?”. Ông trả lời: “Lẽ dĩ nhiên. Nếu có điều gì xảy ra mà tôi không thích, nếu đó là chuyện mà tôi không muốn xảy ra, cơn giận sẽ khởi lên”. Qua giọng nói của ông, tôi nhận thấy rất rõ là mặc dù cơn giận có khởi lên, nhưng đối với ông nó chẳng có gì là đáng kể. Chúng ta hiểu, mỗi khi cơn giận phát khởi lên ta chỉ cần làm những gì thích đáng để giải quyết vấn đề và rồi cơn giận sẽ qua đi. Nhưng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà tôi nghĩ rằng có một tâm thức lành mạnh nhất trên thế giới này, lại có thể biểu lộ cơn giận của ngài bằng một phương cách nào bất thiện.

Nhận diện được sự phát khởi bất ngờ của cơn giận cũng giống như ta có một nhiệt kế trong tâm vậy. Mỗi khi tôi thấy nhiệt độ tăng vọt lên, tôi biết ngay là có một chuyện gì đó vừa xảy ra, hoặc đe dọa, hoặc làm tôi buồn bực. Nếu khôn ngoan thì thay vì biểu lộ phản ứng giận dữ ra bên ngoài, tôi có thể ngồi xuống để tìm hiểu nguyên nhân của sự sợ hãi hoặc nỗi buồn ấy là gì. Khi thấy được nguyên nhân rồi, từ đó tôi sẽ có thể giải quyết vấn đề khôn khéo hơn, không bị rối loạn vì năng lượng tiêu cực của cơn giận.

Lòng sân hận thường là một vấn đề lớn đối với những ai sinh trưởng trong một gia đình mà sự biểu lộ cơn giận ra ngoài là chuyện thường tình. Họ có quá nhiều cơ hội để thực tập sự tức giận và không hề ý thức đến những phương cách nào khác hơn. Với họ, sân hận trở thành một phản ứng tự nhiên của tâm đối với những hoàn cảnh khó chịu. Đôi khi người ta than với tôi họ cảm thấy mình là nạn nhân của một “nút bấm tức giận”. Hoặc tệ hơn nữa, có người lớn lên với một mặc cảm xấu bởi vì họ rất dễ “nóng tánh”. Có người tâm sự với tôi: “Tôi cảm thấy trong tôi tràn ngập một sự căm thù”.

Tôi rất buồn khi nghe điều ấy, vì biết rằng người ta đã bám chấp vào một thứ năng lượng đặc biệt của tâm và cho đó là bản chất thật sự của mình. Khi người ta bắt đầu thấy được cơm giận, cũng như mọi năng lượng khác của tâm, chỉ là một hiện tượng nhất thời, và vì vậy có thể đối trị được, họ cảm thấy rất nhẹ nhõm. Ý kiến của họ về con người mình cũng tiến triển hơn. Họ có thể nghĩ: “Cái này đâu phải là tôi, nó chỉ là một yếu điểm phản xạ của tôi mà thôi! Tôi có thể bước đi khập khiễng trong chốc lát đấy, nhưng rồi tôi sẽ lấy lại được quân bình!”.

Một khi chúng ta thấy được tâm phiền não chỉ là những năng lượng, ta sẽ có thể đối phó với chúng khôn khéo hơn. Chúng ta có thể ghi nhận chúng, tìm hiểu chúng, có những quyết định cân nhắc về chúng, và từ đó ta có thể hành động khôn ngoan hơn. Ta sẽ không còn cảm thấy bị chúng đàn áp và tấn công nữa. Mỗi khi tôi bị áp đảo bởi một năng lượng nào của tâm, tôi có cảm tưởng như là có một bàn tay khổng lồ không biết từ đâu, bắt lấy tâm ý tôi, và nắm lắc nó một cách thô bạo.

Bây giờ, mỗi khi tôi kinh nghiệm bất cứ một trạng thái tâm thức nào, dù có là khó khăn và không kiểm soát được, tôi vẫn biết nguồn gốc của chúng là từ nơi chính tâm tôi, chứ không phải do một nguyên nhân nào bên ngoài. Và cho dù có một biến cố nào bên ngoài khơi ngòi cho những phản ứng sợ hãi hoặc buồn lo đi nữa, mà chúng được biểu lộ qua hình tướng của sự giận dữ, thì thật ra chính cái khuôn mẫu trong tâm tôi đã uốn nắn nên những phản ứng ấy.

Cũng có đôi khi tâm ta cảm thấy buồn lo, sợ hãi hoặc tức giận mà không có một lý do bên ngoài nào rõ rệt hết. Đôi khi cơn giận dường như tự phát khởi một mình. Như có hôm ta bắt đầu một ngày với tâm trạng rất bực bội. Đó là một tâm thức bực dọc, đang kiếm cớ để gây sự. Lẽ dĩ nhiên, cũng phải có một vài nguyên nhân nào đó, vì mọi việc đều do duyên khởi. Nhưng việc ấy không nhất thiết phải là do một sự kiện nào ở bên ngoài ta. Có lẽ đêm qua chúng ta có một giấc mộng không lành. Có lẽ chúng ta bị thiếu ngủ. Có lẽ có một biến chuyển về những kích thích tố trong cơ thể ta. Có lẽ vì ảnh hưởng của mặt trăng. Dầu sao thì những chất hóa học trong cơ thể ta bao giờ cũng ít nhiều có trách nhiệm về những năng lượng khó chịu trong tâm mình.

Vì đôi khi ta cảm thấy quạu quọ, mà dường như nó xuất hiện từ đâu đâu không giải thích được, nên chúng ta thường hay đi tìm một nguyên cớ để bực mình, một hoàn cảnh nào đó bên ngoài để ta đổ trút năng lượng tiêu cực ấy lên.

Ngay cả trong những khóa tu thiền, khi người ta hoàn toàn không biết nhau, cũng nhiều khi có những mối thù truyền kiếp được dựng lên đối với những người hoàn toàn xa lạ, để đáp ứng cho cái trạng thái bực dọc nhất thời của họ. Đột nhiên, một người nào đó vô tình trở thành tấm bia nhận lãnh hết những bực dọc, ác cảm bên trong của người khác, chỉ vì cô ta đi đúng hơi ồn ào hoặc anh ta ho hơi lớn tiếng trong thiên đường. Và rồi người ấy tự nhiên trở thành một người mà bạn nhất định không ưa nổi, mỗi mỗi cử chỉ của anh ta, từ giờ phút ấy, sẽ đem lại cho bạn những lý do để bạn tự bào chữa cho cái ác cảm của mình.

Nhưng chúng ta không thể nào nói rằng vì những cảm giác tiêu cực chỉ có tính cách nhất thời, nên chúng ta cứ phớt lờ chúng đi. Cho dù nếu, đặc biệt là nếu, chúng chỉ là một phản ứng do sự chuyển biến hóa học trong cơ thể ta, hoặc sự thất thường của tính khí, ta vẫn cần phải ý thức rõ ràng được sự có mặt của chúng. Bằng không, ta có thể tin vào lời phán xét của chúng đối với những gì đang xảy ra chung quanh, và từ đó ta sẽ có những hành động thiếu sáng suốt. Chúng ta cần nhớ, bất cứ một tính khí nào đang có mặt cũng đều ảnh hưởng đến kinh nghiệm của ta.

Mặt khác, nếu cơn giận trong tâm là một phản ứng đối với một sự kiện nào bên ngoài, chúng ta cần nên tìm hiểu tính chất buồn lo hoặc sợ hãi của nó, và rồi làm những gì cần làm để giải quyết chúng. Biết rằng sự tiêu cực hoặc ác cảm chỉ là một năng lượng nhất thời không bao giờ có nghĩa là ta nên phớt lờ nó. Trái lại, ta cần biết nhận diện nó cho rõ rệt, và luôn luôn xử sự sao cho thật khôn khéo.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÁI ĐỘ CỞI MỞ
  2. SỰ GHEN TỴ KHÔNG PHẢI LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BỚT SỢ HÃI
  2. BÁC THỢ SỬA MÁY MAY: QUÊN ĐI CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH
  3. CHÁNH NIỆM: BA TÔI VÀ CUỐN PHIM CUỐI

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ