THỰC HÀNH TONG-LEN – VẤN ĐÁP CÙNG GARCHEN RINPOCHE

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Vấn đáp dưới đây được Garchen Rinpoche trả lời trong buổi gặp gỡ với nhóm Phật tử Hà Nội, nhân dịp tham dự Pháp hội trì tụng 100 triệu biến minh chú A Di Đà tổ chức tại Singapore năm 2014.

Câu hỏi 7: Xin Thầy hãy ban gia trì và chỉ dẫn để con thực hành Tong-len mà Khenpo Musel chỉ dạy.

Tong-len mà Khenpo Musel chỉ dạy thì cũng giống như những gì mà Thầy đã hướng dẫn ở trên. Khi con cảm thấy hạnh phúc, hãy cầu nguyện rằng tất cả chúng sinh cũng được hưởng hạnh phúc này. Ngài Tricksong Karbar (!) cũng nói rằng: “hạnh phúc cần được hồi hướng cho tất thảy hữu tình chúng sinh, còn đau khổ thì ta nhận lãnh thay cho tất cả”. Ở đây muốn nói tới bất kỳ vấn đề rắc rối hay khó khăn gì gặp phải. Khi chúng ta chịu đau khổ, ta nghĩ rằng: xin cho con chịu những đau khổ này thay cho tất cả các chúng sinh trên thế giới. Chúng ta không nên có nghi ngờ về điều này, mà hãy tin rằng ta đang nhận lãnh khổ đau của chúng sinh. Bởi vì tâm của chúng ta lan tràn và kết nối với tâm của tất cả hữu tình chúng sinh. Trong lời cầu nguyện tên là “công hạnh tuyệt hảo” có nói rằng: “nếu chúng ta muốn tâm mình lan tràn khắp tâm của chúng sinh và hòa vào tâm chư Phật thì chúng ta cần trưởng dưỡng một tình yêu vĩ đại, một tình yêu không biên giới”. Nếu chúng ta có một tình yêu không biên giới cho tất cả chúng sinh thì bởi vì [nền tảng] tâm của chúng ta là một, nên dù có nhiều bao nhiêu chúng sinh đi chăng nữa thì tình yêu vĩ đại đó cũng sẽ lan tỏa vào tất cả các chúng sinh. Nếu làm được điều này sẽ làm cho chư Phật hoan hỷ.

Phẩm hạnh của các cõi Tịnh Độ của chư Phật chính là phẩm hạnh của tình yêu thương và lòng bị mẫn. Các cõi Tịnh Độ là sự phản chiếu của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Vì vậy nếu chúng ta trưởng dưỡng được tình yêu thương thì tình yêu thương đó ngay lập tức sẽ trở thành món cúng dường lên chư Phật. Và cùng lúc đó chấp ngã sẽ biến mất. Đó gọi là sự cúng dường không gián đoạn lên chư Phật, sự lợi lạc không gián đoạn cho chúng sinh, và sự thành tựu không gián đoạn cho bản thân. Trong kinh luân Thầy đang quay hay trong những chuỗi tràng minh chú của Kim Cang Thừa đều mang lợi ích đó. Chúng ta quay kinh luân với nguyện ước muốn làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Hàng triệu triệu câu minh chú sẽ tỏa ra trong mỗi vòng quay mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Và tất cả các câu minh chú sẽ hóa hiện thành đức Quán Thế Âm hay đức Quan Âm. [Chúng ta quán tưởng rằng] Đức Quán Thế Âm giúp đỡ tất cả các chúng sinh nam, và đức Quan Âm giúp đỡ tất cả các chúng sinh nữ, sau đó các vị đi thẳng lên các cõi Tịnh Độ và dâng cúng dường ở đó.

Và khi chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương thì chúng ta tịnh hóa che chướng của chính bản thân. Khi tình yêu thương và lòng bi mẫn càng nhiều, thì đó chính là sự cúng dường liên tục không gián đoạn lên chư Phật, và mang lại lợi ích liên tục không gián đoạn cho chúng sinh, và tịnh hóa liên tục không gián đoạn cho tâm thức của bản thân. Tất cả là do phẩm hạnh của tình yêu thương.

Tình yêu thương là cái chúng ta trao cho người khác, còn cái chúng ta nhận lãnh là mọi khó khăn và mọi đau khổ. Khi chúng ta đau ốm, chúng ta cảm thấy đau đớn, nhưng hãy nhớ rằng có nhiều chúng sinh khác đang chịu khổ đau hơn chúng ta nhiều. Và nên nghĩ rằng đau khổ con đang chịu thì đại diện cho khổ đau của mọi chúng sinh và cầu nguyện cho họ không phải chịu khổ đau nữa. Nguyên nhân của mọi khổ đau là cảm xúc ô nhiễm, và gốc rễ của cảm xúc ô nhiễm là tâm chấp ngã. Khi chúng ta tức giận, chúng ta hiểu rằng sự sân hận của tôi và sự sân hận của chúng sinh là như nhau, sự sân hận của tôi cũng giống như sự sân hận của con rắn. Ta và con rắn có thân thể khác nhau, nhưng sự sân hận thì giống nhau. Hoặc là con trưởng dưỡng tình yêu thương và cơn giận tan biến đi, hoặc con có thể thiền định Đại thủ ấn [Mahamudra] và cơn giận cũng tan biến đi. Khi chúng ta có tình yêu thương thì chúng ta sẽ mang lại lợi lạc cho những người ở xung quanh chúng ta, cho cộng đồng ở đó.

[Chúng ta cần có hiểu biết và tín tâm vào luật nhân quả]. Gần đây có một số người bị chết trong động đất, có thể là do kiếp trước họ đã làm điều gì tồi tệ, họ không hiểu biết về nhân quả và không cảm thấy hối hận sau khi đã tạo ác nghiệp. Vì vậy mà không ai có thể giúp được họ. Còn người khác, họ hiểu về nhân quả, họ biết ăn năn và biết sám hối những ác nghiệp đã tạo, vì vậy có thể họ cũng ở trong cùng một hoàn cảnh, cũng sống trong vùng động đất, nhưng họ lại được ai đó giúp đỡ và được bảo vệ thoát chết. Nếu ai không biết sám hối thì chẳng ai có thể giúp được họ. Ví dụ như gần đây có tai nạn máy bay và tất cả những người trên máy bay đều tử nạn. Nhưng cũng có những máy bay gặp nạn nhưng lại có điều kỳ diệu xảy ra và mọi người được cứu thoát. Vì vậy nếu không tin tưởng vào nhân quả thì là một điều hết sức ngu ngốc vì nó sẽ gây ra sự hủy hoại cho chính bản thân.

Ví dụ khi ta cho ai vay 100.000USD và người đó không trả lại tiền. Nếu ta hiểu về nhân quả thì sẽ nghĩ được là: đó chính là nghiệp của tôi, vì trong quá khứ tôi đã không trả món nợ mà tôi đã nợ họ. Họ chính là chủ nợ của tôi. Vì vậy bây giờ họ đến đòi nợ, và điều đó cũng tốt vì đã giúp tịnh hóa nghiệp quá khứ của tôi. Và chúng ta sẽ không tức giận. Nếu không hiểu về nhân quả, chúng ta sẽ nghĩ rằng: ô, họ vay tiền của tôi và không trả tôi, bây giờ tôi sẽ kiện họ ra tòa. Và khi đó ta lại còn tốn tiền của hơn, và kết quả có thể chúng ta lại thua kiện và càng tốn kém hơn nữa. Nhưng mà tệ hại hơn cả là chúng ta lại tức giận và vì thế tích lũy thêm ác nghiệp. Và ta lại phải trả nợ ác nghiệp đó trong tương lai. Nếu hiểu được về nghiệp, chúng ta có khả năng chấp nhận những đau khổ mình phải chịu. Và hiểu rằng, nguyên nhân của việc tôi bị mất tiền là do quá khứ đã trộm cắp. Và vì vậy từ giờ trở đi tôi sẽ không bao giờ trộm cắp nữa. Và thay vào đó tôi cần phải rộng lượng với người khác. Hiểu biết về nhân quả sẽ mang lại lợi ích tạm thời và hạnh phúc tối hậu. Hiện thời chúng ta sẽ có khả năng chấp nhận những đau khổ phải chịu. Tối hậu chúng ta sẽ biết cách thoát khỏi mọi nguyên nhân của khổ đau, không làm bất cứ nhân gì dẫn đến đau khổ.

Nếu chúng ta không hiểu về nhân quả thì sẽ rất khó, sẽ không có khả năng đối mặt và vượt qua khó khăn và đau khổ. Một số người ở Phương Tây, họ khi trưởng thành rồi nhưng vẫn nói là: ồ cha mẹ tôi đã đối xử tệ bạc với tôi khi tôi còn bé, nhiều năm sau khi đã trưởng thành mà họ vẫn còn khóc, họ thậm chí còn tự tử, cả cuộc đời họ nghĩ về điều đó. Nhưng một người thực hành Pháp cần phải hiểu đó là nghiệp của tôi và bây giờ tôi trả nghiệp đó. Ví dụ khi Thầy đã có thời gian rất lâu ở trong tù. Thầy đã nghĩ là cảm ơn thời gian trong tù, Thầy đã trả xong ác nghiệp quá khứ. Thầy đã không phàn nàn về thức ăn đạm bạc hay lao động cực nhọc và trở nên giống như người anh hùng can đảm sau thời gian ở tù. Và thậm chí Thầy còn nghĩ rằng càng chịu nhiều đau khổ càng tốt.

Và trên cả điều đó, nếu chúng ta không bao giờ chịu đau khổ thì ta cũng không biết hạnh phúc là gì. Ở nhiều quốc gia phương Tây, một số người gặp vấn đề nhỏ xíu nhưng họ lại phát điên cả lên. Thậm chí họ sống ở nơi có nhiều hạnh phúc giống như cõi Tịnh Độ mà họ lại không cảm nhận được. Họ cứ bám chấp vào một vấn đề nhỏ và rồi phóng đại nó ra, và họ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Và họ khóc rất nhiều, đau khổ rất nhiều. Nếu chúng ta hiểu được về nhân quả thì chúng ta có thể tạo dựng được hạnh phúc của mình.

Giáo Pháp của đức Phật được bao hàm trong hai sự thật. Sự thật đầu tiên [hay sự thật tương đối] là luật nhân quả. Chúng ta cầu nguyện “Xin cho mọi chúng sinh có được hạnh phúc”, vậy nguyên nhân của hạnh phúc là gì? – đó chính là tình yêu thương. “Xin cho mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau”, nguyên nhân của khổ đau là gì – đó chính là sự chấp ngã. Tất cả mọi đau khổ đều đến từ nhân đó, đều đến từ sự chấp ngã và các cảm xúc ô nhiễm. Còn sự thật thứ hai hay sự thật tuyệt đối là hạnh phúc toàn hảo, tự do khỏi mọi đau khổ – và đó là tâm Đại thủ ấn [Mahamudra]. Tâm đó không hề có đau khổ, vượt thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Khi chúng ta có thân thể thì rồi thân sẽ phải già và chết. Nhưng tâm chúng ta không chết. Vì vậy khi chết, cũng giống như là khi chúng ta phải bỏ đi bộ quần áo cũ, chúng ta không nên bám chấp vào thân thể. Chúng ta có thể cảm thấy lạnh hay đói, thì cũng đừng để tâm bị bám chấp hay bị đồng nhất với thân thể. Khi đó chúng ta không sợ đói, không sợ lạnh, không sợ đau đớn.

Bây giờ chúng ta chuẩn bị tham dự Pháp hội A Di Đà, chúng ta muốn gửi tình yêu thương cho tất thảy hữu tình chúng sinh, đặc biệt những người không biết Phật Pháp. Với tất cả những người không có may mắn được biết đến Phật Pháp, chúng ta sẽ giúp họ thông qua việc tu tập tại Pháp hội này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ CHẤM DỨT CỦA NGHIỆP
  2. TRƯỞNG DƯỠNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN
  3. QUY LUẬT CỦA NGHIỆP QUẢ

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH