CHỈ CẦN CÚI ĐẦU THÌ SẼ KHÔNG VA PHẢI BẤT KỲ THỨ GÌ

HAE MIN

Trích: Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã; Việt dịch: Nguyễn Việt Tú Anh; NXB. Hội Nhà Văn; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2021

Đây là lời mà một vị cao tăng đã dạy cho Maeng Sa Seong, một vị quan văn thời Jo Seon. Maeng Sa Seong nổi tiếng là người có học thức uyên thâm, năm mười chín tuổi ông đỗ trạng nguyên, đến năm hai mươi tuổi được chọn làm quận thủ. Đạt được một chức vụ lớn khi tuổi đời còn trẻ, Maeng Sa Seong bắt đầu sinh lòng kiêu ngạo. Đến một ngày nọ, ông tìm đến hỏi chuyện một vị cao tăng nổi tiếng trong quận.

– Theo sư thầy nghĩ, với tư cách là người cai quản quận này, ta phải lấy gì làm phương châm đây?

Vị cao tăng trả lời:

– Chuyện đó không hề khó. Chỉ cần đại nhân không làm chuyện ác và làm nhiều việc thiện là được.

– Đó là nguyên tắc mà đứa trẻ con ba tuổi cũng biết. Ta đã lặn lội đường xa đến đây, chẳng lẽ ngươi chỉ có câu đó để nói với ta?

Nói xong câu nói đầy hợm hĩnh ấy, Maeng Sa Seong định đứng dậy ra về. Vị cao tăng liền giữ ông lại uống một tách trà đã rồi hãy đi. Thế rồi vị cao tăng liên tục rót trà vào tách của Maeng Sa Seong, cho dù nó đã đầy và tràn ra khắp bàn. Khi Maeng Sa Seong thét lên hỏi nhà ngươi đang làm gì vậy, thì vị cao tăng trả lời:

– Đại nhân biết rằng nước trà tràn ra sẽ làm bẩn sàn nhà, vậy sao đại nhân lại không nhận ra số tri thức dồi dào mà đại nhân có đang làm hỏng nhân phẩm của đại nhân?

Maeng Sa Seong xấu hổ, vội vàng đứng dậy, mở cửa định bước ra ngoài nhưng vì hấp tấp, đầu ông va mạnh vào khung cửa. Thấy vậy, vị cao tăng mỉm cười và nói:

– Chỉ cần cúi đầu thì sẽ không va phải bất kỳ thứ gì.

Trong cuộc sống, có những trường hợp chỉ cần hạ mình một chút thì sẽ tìm được cách giải quyết rất dễ dàng trong những mối quan hệ với những người hay làm khó ta. Nhưng chỉ vì lòng tự trọng nhỏ bé của mình mà chúng ta vẫn cố ngẩng cao đầu một cách bướng bỉnh, nhất quyết không chịu thua thì tất dẫn đến những cuộc đối đầu.

Có những việc chỉ cần nhún nhường một chút là sẽ được giải quyết nhanh chóng, nhưng chỉ vì cãi vã mà tất cả đều cảm thấy mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần và còn lãng phí thời gian. Hơn nữa, khi hai bên cứ cố gắng phân định xem ai đúng ai sai thì sẽ có nhiều người nữa bị kéo vào trận chiến, và đến cả họ cũng cảm thấy mệt mỏi và tổn thương.

Lấy một ví dụ, nếu như có ai đó đến nói với tôi “Hãy tranh luận với tôi xem tôn giáo của ai là tôn giáo đúng đắn nhất?” thì tôi sẽ lắng nghe tất cả những gì người đó nói, sau đó trả lời “Rất cảm ơn vì đã dạy cho tôi những điều tôi chưa biết.” Chỉ cần như thế thì cuộc tranh luận sẽ không kéo dài. Nếu tôi quyết tâm nói cho ra nhẽ xem tôn giáo của ai đúng, tôn giáo của ai sai, thì dù tôi có là người chiến thắng đi chăng nữa, tâm trí tôi cũng mệt mỏi mà lòng tự trọng của đối phương cũng bị tổn thương, và thay vì hiểu được bản chất tôn giáo của tôi, sự căm ghét của người ấy sẽ còn lớn hơn nữa.

Cuối cùng, để tạo và giữ được những mối quan hệ tốt, khi nhận được sự giúp đỡ, lời khen, hay món quà nào đó từ người khác, ta phải ghi nhớ và đền đáp lại họ bằng bất kỳ hình thức nào.

Ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống của chúng ta là một chuỗi “cho và nhận”. “Sự giúp đỡ” không chỉ là giúp đỡ tài chính, mà còn là giúp đỡ bằng lời nói, tình cảm, hành động. Chúng ta sống và cho đi rồi nhận lại những sự giúp đỡ ấy. Tôi đã nhiều lần gặp trường hợp một người giúp đỡ người khác nhưng không nhận lại được lời nói hay hành động cảm ơn nào nên cảm thấy bị coi thường, và từ đó mối quan hệ giữa họ không thể tiến triển được nữa. Ngược lại, khi giúp một ai đó và thấy đối phương rất cảm kích về hành động của mình, thì ta sẽ càng muốn giúp họ thêm nhiều lần nữa.

Chuỗi “cho và nhận” càng dài thì mối quan hệ sẽ càng khăng khít, tình cảm cũng sâu sắc hơn. Chuyện ta đã cho gì và nhận gì thật ra không quan trọng. Chỉ cần giữa cả hai phía có sự qua lại gắn bó thì cũng đã đủ để làm cho mối quan hệ thân tình và đặc biệt hơn rất nhiều.

Mỗi chúng ta đêu lớn lên trong những điều kiện khác nhau, có những kinh nghiệm khác nhau, suy nghĩ và tình cảm cũng khác nhau. Để những con người hoàn toàn khác nhau có thể tạo dựng những mối quan hệ và sống với nhau vui vẻ thật chẳng dễ dàng gì. Cũng giống như việc chăm chút cho vẻ bề ngoài, bạn nên nỗ lực đầu tư cho các mối quan hệ, bởi đó chính là điều kiện cần thiết để hạnh phúc. Trong Bảo vương tam muội niệm cũng có nói “Đừng mong chờ rằng người khác sẽ nghe và phục tùng theo ý của mình”. Nếu tất cả mọi việc đều diễn ra theo ý ta thì ta sẽ rất dễ trở nên tự mãn. Vì vậy hãy sống thật khôn ngoan, hãy nghĩ tất cả những người gây khó dễ cho ta đều là thầy dạy cho ta những bài học về cuộc sống.

Ngày hôm nay, người làm khổ bạn cũng là thầy của bạn, người làm bạn vui cũng là thầy của bạn đấy.

✨✨✨

Bạn có nhiều kẻ thù?

Vậy hãy tập bỏ thói quen phê phán người khác trước.

Và hạ mình khiêm tốn hơn.

So với một người có sức mạnh chiến thắng được tất cả kẻ thù của mình

Thì một người không bao giờ tạo ra kẻ thù cho mình

Đáng ngưỡng mộ hơn nhiều.

✨✨✨

Dù muốn hay không

Tất cả chúng ta đều có liên kết với  nhau.

Vì vậy đừng bao giờ nghĩ rằng

Mình có thể hạnh phúc khi chỉ có một mình.

_Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHIÊM NHƯỜNG – CHÌA KHÓA CỦA THÀNH CÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NẾU CẢM THẤY MỆT MỎI, HÃY NGHỈ MỘT LÁT RỒI ĐI TIẾP
  2. NGHỈ NGƠI – BƯỚC CHẬM LẠI GIỮA THẾ GIAN VỘI VÃ
  3. LẮNG NGHE LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG