BÀI HỌC TỪ CẬU BÉ HARVARD

TRẦN THỊ THÙY TRANG

Trích: Tìm Đường Tuổi 20s; NXB. Lao động – Xã hội; Công ty CP Sách Alpha, 2017

Tuổi trẻ như con tàu lần đầu lao ra biển lớn. Háo hức, nhiệt huyết bao nhiêu thì cũng dễ lung lay, dễ bị quật ngã bấy nhiêu. Ngồi trên con tàu đó, có người thích làm hành khách. Có người lại muốn được chủ động lái tàu. Sự lựa chọn nghe tưởng đơn giản nhưng lại quyết định tâm thế của cả hành trình.

Nguyễn Quang Minh là một bạn trẻ đặc biệt. Ngay từ những ngày cấp ba, em đã lựa chọn nắm thế chủ động trên con tàu ấy. Tôi gặp em tại buổi tiệc trưa tại nhà Đại sứ Mỹ nhân dịp lãnh đạo Vụ Giáo dục và Văn hóa Mỹ sang thăm Việt Nam.

Minh được học bổng ngành công nghệ thông tin, Đại học Harvard. Điều đặc biệt ở em là tất cả những gì em đạt được đều do tự thân vận động và là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt lên những khó khăn của hoàn cảnh, vượt lên những bất lợi của bản thân so với bạn bè cùng trang lứa ở các thành phố lớn.

Minh sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Bố mẹ em đều đã về hưu, gia đình cũng không khá giả gì. Ngay từ những ngày đầu quyết định theo con đường du học, mơ về trường Đại học Harvard, tự em đã biết mình phải nỗ lực rất nhiều.

Em phải hoàn toàn tự mò mẫm, tìm tòi, nghiên cứu, dù gặp không ít khó khăn, thử thách. Em không có người chỉ lối, dẫn đường. Quanh em cũng hiếm nguồn tài liệu hay các lớp học, các môi trường hỗ trợ con đường du học. Trong em lúc ấy chỉ có một khát khao, một ước mơ rất lớn, thúc đẩy em phải tìm được lời giải cho tất cả vấn đề của mình. Và cậu bé 15 tuổi ngày ấy đã quyết định chủ động lái tàu lao ra biển lớn, bất chấp hiểm trở, giông bão phía xa khơi.

Ngày cấp ba, tôi cũng từng mơ được đi du học. Nhưng khác với Minh, khi ấy, tôi không có được thế chủ động, sẵn sàng vượt lên khó khăn về ngoại cảnh như em. Đối với tôi, du học là cái đích quá lớn quá xa khi gia đình không có điều kiện, xung quanh chẳng có trường lớp, chẳng có ai hướng dẫn, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi chỉ biết nhìn những vật cản, khó khăn xung quanh và tự bó buộc mình vào cái khung sắt đóng kín, Mãi đến khi ra Hà Nội học đại học, tôi mới dần học được giá trị của việc tự chủ trong cuộc sống của mình.

Có lẽ vì thế mà nghe Minh kể câu chuyện của em, tôi cảm thấy được truyền lửa cảm hứng lắm, muốn ngả mũ, nghiêng mình trước cậu nhóc đầy can đảm, biết tự lập tự chủ từ những ngày còn bé.

Minh đam mê công nghệ thông tin từ khi mới học lớp ba. Tuổi thơ của em là những buổi tối mê mẩn với chương trình Robocon được chiếu trên truyền hình. Em thường mang sổ ra ghi chép điểm và phân tích cách di chuyển của từng đội. Em bị cuốn hút bởi những điểu kỳ diệu con người có thể làm được với máy móc và công nghệ.

Khi Minh bắt đầu lên cấp hai, nhìn thấy mẹ là giáo viên hàng đêm phải chép tay soạn giáo án rất vất vả, em thấy thương lắm. Vì muốn giúp mẹ, em tự mày mò học Word, Excel rồi Powerpoint. Dần dần em thấy mình bắt đầu yêu máy tính, yêu công nghệ từ lúc nào chẳng rõ.

Lên cấp ba, em tham gia cuộc thì Technology Problem Solving for High School Students (tạm dịch: Học sinh Phổ thông tham gia Giải quyết các Vấn đề Công nghệ) do Hội Học sinh Công Nghệ tổ chức, Nhờ cơ hội đó, em bắt đầu nhận ra mối quan tâm đặc biệt của mình với các hoạt động cộng đồng. Em kể lại rằng đã rất hứng khởi khi được viết một ứng dụng giới thiệu về Đền Hùng. Từ đó, em ôm giấc mơ được học sâu về công nghệ thông tin để mang đến những giải pháp sáng tạo, giải quyết được các vấn đề của cộng đồng, xã hội.

Tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết rằng tất cả các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin của em hoàn toàn là tự học. Em đã chủ động lên internet, mày mò các trang web của các tổ chức quốc tế để học các chứng chỉ tin học, tự tìm những giáo trình hay để nâng cao kiến thức cho bản thân. Xung quanh em không có môi trường thì em tự tìm cách tạo ra thế giới học tập của riêng mình. Khi mình đã mong muốn, khao khát, ước mơ đủ lớn thì sẽ chẳng có gì là không thể làm.

Quá trình Minh ôn luyện các chứng chỉ để đi du học cũng rất đáng khâm phục. Để đủ điều kiện ứng tuyển vào đại học bên Mỹ, thí sinh nào cũng cần có TOEFL và SAT.

Những ngày đầu tiên học TOEFL, em thấy vất vả, khó khăn lắm. Ở tỉnh em chẳng có trường lớp nào để ôn thi chứng chỉ, tài liệu cũng hạn chế. Em lo lắng, bối rối nhất ở kỹ năng nghe do các chủ đề đều vượt quá khả năng, kiến thức chuyên môn của em. Em phải luôn nhắc nhở bản thân về động lực bên trong của mình để cố gắng học. Dần dần, em lại thấy thích chính những bài nghe ấy. Vì nhờ phải nghe các chủ đề em không quen, không nắm rõ, em cảm thấy mình được mở mang thêm kiến thức về nhiều mảng khác nhau, biết thêm nhiều điều thú vị về cuộc sống.

Tuy nhiên thử thách với chứng chỉ TOEFL không là gì so với quá trình vật vã vì SAT. Lần đầu thử làm bài luyện tập, em làm sai hơn nửa, do vốn từ vựng còn nghèo nàn và hai phần đọc, viết quá khó. Em thấy nản, thất vọng vì bản thân lắm. Nhất là ngày ấy lại chẳng biết phải học thế nào, cũng không có người hướng dẫn, nên càng bối rối, mông lung.

Sau đó, em bắt đầu lên Internet, vào các trang liên quan đến kỳ thi SAT để nắm vững các tiêu chí đánh giá, các nội dung sẽ thi, cũng như cách ôn thi trước khi lao vào luyện tập. Em chủ động bắt xe xuống Hà Nội, tìm các hiệu sách cũ để mua tài liệu về học thêm. Em xác định mình cần nắm được kỹ năng rồi mới áp dụng vào việc luyện tập và tự rút kinh nghiệm. Có như vậy, khi luyện tập nhiều, khả năng đọc và vốn từ vựng mới phát triển được. Để nâng cao kỹ năng viết SAT, chẳng ngại vất vả, mệt nhọc, cứ mỗi thứ Bảy hằng tuần sau khi học xong lớp buổi trưa, em chủ động bắt xe xuống Hà Nội để theo một lớp viết với các bạn trường Amsterdam, rồi tối Chủ nhật lại quay về Phú Thọ.

Bận rộn cho học hành, thi cử như vậy, nhưng hằng tuần, Minh vẫn dành thời gian đi dạy tiếng Anh ở làng trẻ SOS, mang đến tri thức và niềm vui cho các em bé nơi đây. Em cũng mở quỹ tặng sách cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mổ côi, khuyết tật và hiện tại đã tiếp nhận được hơn 10.000 đầu sách. Minh còn làm dự án về môi trường, giúp các bạn học sinh thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, chuyển sang dùng túi giấy. Em cũng tham gia dự án câu lạc bộ du học ở các tỉnh lẻ, hướng dẫn cách chuẩn bị hồ sơ, cách ôn luyện các chứng chỉ cho các bạn, để dù không ở thành phố lớn, ai cũng có cơ hội tiếp xúc và đến gần hơn với ước mơ đi du học.

Tôi rất cảm phục em, một người trẻ xuất sắc không chỉ bởi khả năng tư duy, bởi việc dám nghĩ khác, làm khác, mà còn bởi người ấy có tinh thần tự chủ, dám vượt lên những hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi đam mê, ước mơ, hoài bão của mình.

Nghe câu chuyện đầy cảm hứng của em, tôi cũng dễ dàng hiểu được vì sao em nhận học bổng Harvard.

Có những người thích cầm lái, muốn được làm chủ cuộc sống của mình như vậy. Họ ít than vãn và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ đứng ra chịu trách nhiệm cho việc học, cho sự nghiệp, cho các vấn đề của bản thân. Những con người tự chủ ấy luôn tự nhìn vào trong mình để tìm kiếm động lực. Họ không cần chờ đợi người khác đồng ý, ủng hộ hay cho phép để làm điều mình muốn.

Vì không bị lệ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, vì khao khát và nội lực của họ rất mạnh mẽ, nên dù khó khăn và thử thách đến đâu, chắc chắn họ sẽ tìm ra lối đi đến đích. Và điều tuyệt vời nhất, những con người ấy luôn nhìn cuộc sống qua một lăng kính tràn đầy hy vọng và những điều tươi sáng.

Những người lái tàu đặc biệt ấy luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao người trẻ vẫn còn trầm mình trong những hoang mang, lo lắng, tự ti, sợ hãi và chẳng dám tiến về phía trước.

Đa số trong chúng ta vẫn thường tìm động lực từ những nhân tố bên ngoài. Chúng ta tin rằng cần phải có một môi trường học tập, làm việc hoàn hảo, mình mới phát triển được. Chúng ta nghĩ rằng mình không có được cảm hứng vì môi trường xung quanh không đủ thú vị, chúng ta thường không thấy vui vẻ vì môi trường xung quanh quá trầm lắng.

Và rồi chúng ta luôn chờ một ai đó ngoài kia có thể cho mình lời giải cho tất cả các vấn đề của mình, luôn cần sự cho phép hay ủng hộ của người khác để làm điều mình muốn.

Vì thế mà chúng ta rất dễ bất an và rất mong manh. Một nhận xét, lời nói, ám chỉ của người khác cũng đủ để khiến ta mất phương hướng, mất niềm tin vào chính mình.

Chỉ khi đặt mình vào thế chủ động để giải quyết những vấn đề của bản thân, chúng ta mới dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào những nhân tố bên ngoài. Khi ấy, dù khó khăn và thử thách lớn đến đâu, chúng ta cũng sẽ tìm ra cách vượt qua chúng.

Nếu thấy mình vẫn bị cuốn theo những gió bão ngoài kia, vẫn dựa vào môi trường để có động lực tiến lên, hãy thử một lần chủ động cầm lái. Chúng ta sẽ được nhìn cuộc sống qua một lăng kính khác: nhiều hy vọng và tràn đầy ánh sáng.

Khi ấy, con tàu tuổi trẻ sẽ tự tin tiến ra biển lớn, hướng đến mọi bến khát vọng, ước mơ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. DŨNG KHÍ
  2. 1% CƠ HỘI CŨNG VẪN LÀM: ỨNG TUYỂN HỌC BỔNG TOÀN PHẦN SANG MỸ

Bài viết khác của tác giả

  1. VƯỢT LÊN SỰ NGHI NGỜ BẢN THÂN
  2. 1% CƠ HỘI CŨNG VẪN LÀM: ỨNG TUYỂN HỌC BỔNG TOÀN PHẦN SANG MỸ
  3. GẠT ĐI CÁI TÔI TỰ ÁI ĐỂ VƯƠN LÊN

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ