1% CƠ HỘI CŨNG VẪN LÀM: ỨNG TUYỂN HỌC BỔNG TOÀN PHẦN SANG MỸ

TRẦN THỊ THÙY TRANG

Trích: Tìm đường tuổi 20s; NXB. Lao động - Xã hội; Công ty Cổ phần sách Alpha; 2017

Ngày mới lên đại học, tôi không dám thử sức nhiều vì ỷ lại suy nghĩ cho rằng bản thân kém cỏi, tầm thường, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng rồi tôi nhận ra nếu cứ như vậy thì cuộc sống của mình sẽ rất nhàm chán, cực kỳ vô vị. Mình có thể không giỏi, nhưng ít nhất mình cũng phải dám nỗ lực hết sức mình để biết thực sự mình có thể làm đến đâu.

Và tôi nhận ra càng dũng cảm đón nhận cơ hội, mình càng tự tin, trưởng thành. Kể cả thất bại cũng có sao. Những cú ngã nhỏ tạo nền tảng cho những cuộc thắng lớn hơn về sau.

Người ta hay gán cho sự may mắn sức mạnh quá lớn. Nhưng thực sự cơ hội luôn có mặt ở khắp nơi xung quanh ta, ai cũng có thể nắm bắt được nếu mình thật sự muốn. Chỉ có điều nếu chúng ta không bao giờ dám thử, hoặc thử một lần không được đã muốn bỏ cuộc, chẳng bao giờ chúng ta có thể chạm được đến sự may mắn đó.

Tôi vẫn nhớ ngày mình làm khách mời cho sự kiện trực tuyến video conference giữa ba nước Việt Nam, Philippines và Indonesia về Youth Entrepreneurship (tinh thần doanh nhân trong giới trẻ), nếu như các bạn ở hai nước kia rất nhiệt tình đặt câu hỏi và tham gia hoạt động thuyết trình trực tuyến thì ở Việt Nam chỉ có lèo tèo vài cánh tay giơ lên, thậm chí chỉ có duy nhất một bạn dám thực hiện bài nói. Dường như các bạn khác vẫn bị sức ỳ và nỗi sợ vô hình trước thất bại, trước sai lầm ngăn cản việc thử thách bản thân.

Ngược lại, nếu mọi người để ý sẽ thấy những bạn trẻ dám vượt qua nỗi sợ, dám khác biệt là những người đạt được rất nhiều thành tích ngay khi còn đang học đại học. Đó không phải vì các bạn ấy may mắn hơn, mà do họ sẵn sàng va vấp để học hỏi, trưởng thành. Họ nhận thức được rằng khi mình đủ chín, tự khắc cơ hội sẽ tìm đến.

Chuyện ứng tuyển học bổng sang Mỹ

Trong những ngày làm thực tập sinh tại đại sứ quán Hoa Kỳ, tôi có dịp được làm quen với một chị được chọn là ứng viên sáng giá của học bổng Global Ugrad của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cuộc trao đổi không dài nhưng cũng đủ để chị nhận thấy khao khát mạnh mẽ được đi du học của tôi. Chính chị là người đã khuyến khích tôi thử sức nộp hồ sơ xin học bổng năm sau để được sang Mỹ học.

Tôi vẫn thấy buồn cười khi hồi tưởng cái khuôn mặt ngơ ngác của mình lúc ấy. Trong khi không ít người thiếu niềm tin vào năng lực của tôi, chị lại hoàn toàn khác. Lần đầu tiên có người nghĩ tôi có khả năng được học bổng chính phủ đi du học, người ấy lại còn là “siêu nhân” với bản thành tích rất ấn tượng. Tất cả chỉ vì người ấy thấy được khao khát rất lớn trong tôi. 

Mới ngày nào ước mơ được học bổng sang Mỹ học đối với tôi còn xa xôi lắm. Cũng dễ hiểu thôi, vì tôi quá thiếu những bằng chứng rõ ràng về khả năng và kinh nghiệm của mình để có thể tin mình sẽ ứng tuyển thành công. Nếu như là phiên bản tự ti, rụt rè của tôi ngày nào, cho tôi sẽ chẳng bao giờ đủ dũng cảm để thử sức. Nhưng thời điểm đấy tôi đã được thấy phần nào những nỗ lực đầu tiên vươn lên từ con số 0, vượt lên các giới hạn mình tự đặt ra cho bản thân. Tôi tin rằng ứng tuyển học bổng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ là giới hạn tiếp theo tôi cần vượt qua.

Ngày ấy, tôi vẫn chưa thỏa mãn được nhiều tiêu chí có học bổng. Nhưng có sao đâu, tôi có một năm để chinh phục tất cả các yêu cầu đó. Điều quan trọng hơn, nhờ việc thử sức ứng tuyển học bổng, tôi có dịp đối mặt và vượt qua những nỗi sợ của mình.

Tôi tự nhủ với bản thân: Hãy dám đặt ra cho mình những mục tiêu và thử thách lớn. Kể cả nếu không đạt được, quá trình phấn đấu vì nó cũng giúp mình phát triển bản thân lên một tầm mới.

Tất cả bí quyết chỉ nằm ở sự quyết tâm. Dù 1% cơ hội thành công cũng vẫn làm. Nhưng cũng vì chỉ có 1% cơ hội thành công, tôi tự ép mình phải đầu tư vào một chiến lược nghiêm túc.

Điều quan trọng để đạt được học bổng là hồ sơ của mình không chỉ dừng ở việc thỏa mãn các tiêu chí đặt ra mà còn phải ấn tượng và khác biệt. Để làm được điều đó tôi đã dành gần một tháng để tìm hiểu về học bổng này: học bổng hướng đến đối tượng nào, những người từng được học bổng thường có những tố chất gì, đâu là những sinh viên nổi bật có khả năng ứng tuyển trong năm nay, thế mạnh và điểm khác biệt của tôi nằm ở đâu, tôi sẽ cần thêm những gì để thế mạnh đó được nổi bật?

Cuối cùng tôi đã chốt được chiến lược của mình: Tôi muốn họ thấy mình là một cô gái thú vị và có sức bật cực kỳ tốt, có thể tạo được nhiều bất ngờ và đột phá, là nhân tố quan trọng để tạo được nhiều thay đổi tích cực, có sức ảnh hưởng cho cộng đồng, xã hội. Ngoài ra, tôi cũng biết nhiều điều về nước Mỹ, lại tham gia nhiều các hoạt động liên quan đến văn hóa nên sẽ là cầu nối cực kỳ tốt cho giới trẻ hai nước. Chính nhờ những kiến thức về nước Mỹ nên tôi có định hướng rõ ràng về những gì mình sẽ học được từ khoảng thời gian bên đó, và biết nó sẽ ứng dụng được cho kế hoạch phát triển bản thân cũng như đóng góp cho cộng đồng của mình ra sao.

Khi đã có định hướng cho bộ hồ sơ ứng tuyển, tôi bắt đầu lên kế hoạch hành động chi tiết: Từ việc phải tạo ra được sự khác biệt trong những việc mình làm, đến việc rèn luyện kỹ năng lãnh đạo trong các hoạt động cộng đồng mà mình cần thực hiện, xác định rõ những kỹ năng nào cần luyện tập, những nỗi sợ nào, sức ỳ nào cần vượt qua…

Ngày ấy, tôi vốn lười đọc tin tức bằng tiếng Anh. Nhưng để hiểu được sâu hơn về nước Mỹ và rộng hơn là những gì đang diễn ra trên thế giới, tôi bắt buộc phải gò mình vào thói quen nghe tin tức và đọc báo bằng tiếng Anh mỗi sáng. Ngoài ra, tôi cũng đọc thêm các sách chuyên môn bằng tiếng Anh để hiểu sâu hơn các vấn đề được nói đến trên các kênh tin tức. Tuy nhiên, tôi không dừng lại ở đó. Để kiến thức là của mình, tôi dành thời gian tổng hợp lại những kiến thức mình đã được học, sau đó tự suy nghĩ, phân tích, trình bày quan điểm cá nhân bằng tiếng Anh. Tôi muốn mình không chỉ có tư duy, hiểu biết về cuộc sống tốt mà còn phải biết thể hiện năng lực, suy nghĩ, quan điểm của mình một cách sâu sắc bằng tiếng Anh. 

Thói quen cập nhật tin tức bằng tiếng Anh mỗi ngày và việc thường xuyên luyện tập chia sẻ quan điểm cá nhân có lẽ là một trong những nỗ lực khiến tôi tự hào nhất trong quá trình ứng tuyển. Một thói quen tưởng chừng như đơn giản nhưng lại giúp tôi có được rất nhiều cơ hội trong quá trình làm hồ sơ cũng như phỏng vấn.

Thời gian ấy, lớp tôi được học về kinh tế với một giáo sư người Mỹ. Ngoài các giờ học trên lớp, tôi thường xuyên đặt lịch đến văn phòng để trao đổi với giáo sư về suy nghĩ của mình với các vấn đề kinh tế trên thế giới, đặc biệt là về khủng hoảng kinh tế Mỹ. Giáo sư thấy tôi ham học đã cho tài liệu để tôi có thể nghiên cứu thêm về chủ đề này. Lớp tôi vốn khá đông nên thầy không biết hết được tên từng sinh viên trong lớp, chỉ biết qua loa từ kết quả học tập. Nhờ những buổi trao đổi ngoài giờ học, thầy hiểu hơn về con người và năng lực tư duy của tôi. Cuối khóa, trước khi về nước, thầy hẹn tôi đến văn phòng và đưa tôi thư giới thiệu để tôi ứng tuyển học bổng, nói rằng tôi là một trong những sinh viên đặc biệt nhất thầy từng dạy. 

Sau này khi đã được học bổng đi Mỹ, tôi mới được biết rằng hồ sơ của mình được xếp vào nhóm đứng đầu danh sách được gọi vào vòng phỏng vấn. Tôi tin lá thư giới thiệu của thầy đã đóng vai trò không nhỏ.

Thói quen tìm hiểu sâu về các vấn đề toàn cầu còn tiếp tục mang đến cho tôi những cơ hội đặc biệt khác.

Trong giai đoạn chuẩn bị cho vòng phỏng vấn học bổng, dù rất bận rộn, tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia một buổi tiệc mở cho public của đại sứ quán Hoa Kỳ.

Tại sự kiện, tôi có chút thời gian được nói chuyện với một bác người Mỹ. Nhờ quá trình chăm đọc tin tức bằng tiếng Anh, tôi hiểu khá rõ các vấn đề tại Mỹ thời điểm ấy và mạnh dạn trao đổi những suy nghĩ của mình về các chính sách kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trong cuộc nói chuyện, tôi cũng chia sẻ thêm việc mình sắp tham gia vòng phỏng vấn học bổng, hy vọng có cơ hội sang Mỹ để có thêm góc nhìn thực tế về những vấn đề đang quan tâm.

“I believe you’ll do well in the interview. You’re very smart.” (Tôi tin cháu sẽ phỏng vấn ổn thôi. Cháu rất thông minh đấy.)

Thực ra tôi biết bác không nằm trong bộ phận xét tuyển. Nhưng nghe vậy tôi đã rất vui rồi.

Đến ngày phỏng vấn, tôi được trưởng bộ phận xét tuyển mỉm cười “rào” ngay từ đầu:

“Mr… says that you’re very smart. But don’t think it will affect the result of the interview.” (Ông… có giới thiệu trước về Trang, khen em rất thông minh. Nhưng em sẽ không được lợi thế gì hơn trong vòng phỏng vấn đâu.)

Tôi cười toe. Tất nhiên tôi hiểu bộ phận xét tuyển ở đây làm việc rất công bằng và chuyên nghiệp. Nhưng ấn tượng đầu tiên lúc nào chẳng quan trọng. Và chỉ cần nụ cười ngay đầu cuộc phỏng vấn, tôi hiểu mình đã ghi điểm rất tốt rồi.

Và vào một ngày đẹp trời tháng Ba, tôi nhận được điện thoại thông báo mình được lựa chọn là một trong tám sinh viên toàn quốc được học bổng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Cuộc đời vốn nhiều bất ngờ, chẳng ai biết được mình có thể làm được đến đâu nếu không thử sức. Vậy nên còn trẻ thì cần dũng cảm đón nhận thử thách, đừng quá tính toán thiệt hơn mà mất đi nhiều cơ hội hấp dẫn.

1% cơ hội cũng có thể thành công nếu mình thật sự khao khát và quyết tâm làm đến cùng. Vì khi đó, tự bản thân sẽ có nguồn năng lượng đặc biệt tạo sức bật giúp mình vượt qua những hạn chế, rào cản, sức ỳ của bản thân để tìm ra giải pháp và làm nên điều kỳ diệu.                                                                                                     

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIỀM NĂNG CỦA CON NGƯỜI
  2. HỌC ĐỂ THẤY – TƯ DUY TÍCH CỰC TẠO THÀNH CÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. VƯỢT LÊN SỰ NGHI NGỜ BẢN THÂN
  2. BÀI HỌC TỪ CẬU BÉ HARVARD
  3. GẠT ĐI CÁI TÔI TỰ ÁI ĐỂ VƯƠN LÊN

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH