BA ĐỘC TÂM

LAMA ZOPA RINPOCHE

Chân Như Việt dịch; Nguồn: thuvienhoasen.org

Tâm người bị ba thứ độc tố trói buộc, chính vì vậy chúng ta không sao vượt thoát được cảnh trầm luân khốn khổ. Chúng ta bị mắc kẹt trong phiền não của ba độc, chẳng hạn như sân hận, một độc tố cực kỳ hiểm hại, tựa như ngọn lửa thiêu rụi hết thảy mọi phúc lạc. Ngọn lửa có thể tàn phá những vật dụng đẹp đẽ nhất, tài sản, nhà cửa; lửa giận có thể thiêu hủy chúng ta và gây xiết bao hiểm họa trong đời sống này.

Sân hận vì vậy là một nhân tố cực kỳ bạo lực đối với tâm, tối nguy hiểm đối với an lạc hạnh phúc của chính ta và những hữu tình khác.

Khi khởi sân, người ta nổi đóa với những người trong gia đình, chửi rủa, đánh đập họ thậm chí sát hại họ và có thể sát hại luôn những người xung quanh nữa. Khi tâm hung hãn bùng phát, người ta có thể giết chóc hàng trăm người, hàng ngàn thậm chí hàng triệu người – tâm sân hận đẩy con người vào sự nguy khốn của chết, của giết chóc hoặc bị giết chóc. Có nhiều thứ người ta thường làm khi nổi điên, chẳng hạn như đập phá đồ đạc. Chẳng lợi ích gì khi đập phá đồ đạc cả – ví dụ như bàn ghế, chén đĩa. Song một khi cơn điên giận nổi lên, đương sự đập phá cả những thứ này dù rằng đập phá thật vô bổvô dụng. Như vậy, chúng ta gây ra rất nhiều phiền não vô ích. Sân giận phá hủy tất cả những điều đẹp đẽ, nói cách đơn giản, nó cực kỳ hiểm hại đối với sự an hưởng cuộc sống.

Sự bám luyến tựa như mực đen vấy bẩn vào bộ trang phục đẹp hay vào bức họa, bản vẽ mỹ lệ của chúng ta. Khi mực đen vấy bẩn, nó che chướng bản vẽ đẹp đẽ khiến ta không thể thưởng thức được điều gì cả. Không giống như khi ta làm rớt một giọt nước vào bức tranh rồi lau đi, một khi mực đen đã nhuốm vào bức họa, nó sẽ bám chết vào giấy vẽ và che phủ mọi hình ảnh. Ta không thể thấy rõ ràng nữa. Bỗng dưng mà tách rời ngay mực đen vấy bẩn ra khỏi giấy vẽ là rất khó . Đây cũng chính là bản chất của sự bám luyến và là lý do vì sao thầy nói rằng nó cản trở khả năng nhìn thấy nét chữ hay hình vẽ trên giấy. Đây là một thí dụ về sự bám luyến sinh khởi và che chướng khả năng tri biết sự thật về chính mình. Nó che chướng sự thật về bản ngã và khả năng nhận chân sự thật về những người khác.

Tương tự như vậy, bám luyến hiện diện gây ra những ảo giác và người ta nhận diện bản thân bằng tri kiến lầm lạc về một cái tôi thực hữu tự tồn. Tri kiến sai lầm nhìn thấy ngã tướng hiện hữu thật có và nó lừa dối ta, khiến ta suy niệm hoàn toàn lầm lẫn về người khác, hoàn toàn trái ngược với thực tướng của họ. Bám luyến gây ra ảo giác, khiến ta thấy tướng trạng của vật và người hoàn toàn sai lạc. Ta thấy chúng theo đường lối trái ngược với thực tướng của chúng. Sự bám luyến đã che lấp khả năng nhận chân tánh giác của chính ta và kẻ khác.

Một cách khác để lý giải bản chất của bám luyến là nó giống như việc quý vị bị mắc kẹt, mặc dù đây chưa phải là ý thật mà chỉ là ví dụ. Nếu quý vị rớt vào cái hố nước thì có thể bơi mà thoát ra – đặc biệt là ở đây, chắc chắn mọi người đều bơi được một cách dễ dàng. Nhưng nếu trong hố chỉ có bùn nhơ và ta không thể nào bơi được, vậy thì sẽ khó thoát ra ngoài. Quý vị sẽ mắc kẹt hoàn toàn trong bùn nhơ và chết chìm vì không thể nào chui ra khỏi đống bùn đó. Đấy là một cách khác để diễn đạt bản chất của sự bám luyến và tâm ta bị ràng buộc vào nó như vậy đó….

Tựa như sân hận, bám luyến gây ra biết bao nhiêu rắc rối trong đời sống của ta và của người. Thứ nhất, khi tâm bị mắc kẹt trong tham ái chấp bám thì chưa bao giờ đó là vấn đề của riêng một cá nhân. Sự bám luyến giống như chất keo. Nếu tay ta dính đầy keo thì khi gặp bất cứ đối tượng nào quý vị cũng đều dính mắc nhiều rắc rối với đối tượng đó.  Dù cho sự vật có tinh tươm đến mấy thì khi xúc chạm, ta đều bám dính vào nó. Một cách khác nữa để giải thích là: quý vị bám luyến vào mọi thứ trên đời, quý vị không có tự do và ngay cả khi buông một thứ ra thì quý vị lại tóm ngay một thứ khác. Cứ như thể ngón tay ta như có mật ong hay keo dán, bám dính vô độ vào mọi thứ. Kể cả khi vứt bỏ một vật đi rồi, quý vị vẫn cứ luyến ái vào đó. Tham ái bám luyến hoành hành và gây ra biết bao rắc rối cho đời mình và đời người là như vậy đó.

Mọi chướng ngại trong đời đều khởi từ những niệm tưởng đầy ắp chấp bám. Những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày như bất hòa trong các mối quan hệ – gia đình, lứa đôi không hòa thuận được với nhau dù chỉ một ngày – tất cả những rắc rối như vầy đều do chấp bám mà sinh ra. Nếu từ đầu mà không có chấp bám thì những chướng ngại như thế đâu có xảy ra.

Rồi nhiều khi cũng chỉ vì tham luyến vào vật mà rất dễ nổi sân. Khi thứ mà quý vị tham luyến vào chẳng may có gì trục trặc, khi quý vị không giữ được nó, bị ai đó chiếm đoạt mất, hoặc khi có chuyện không hay này kia xảy ra, rất dễ nổi tâm sân và đố kỵ. Sân hận vô cùng tai hạisân hận chính là nhân tố khiến tham luyến trở nên hết sức nguy hiểm.

Rất dễ hiểu sân hận hiểm hại ra sao, song phức tạp hơn khi hiểu bám luyến độc hại như thế nào vì rằng nó cũng hơi khó nhận ra. Kỳ thực thì cũng không quá khó thấy, nó cũng khá rõ ràng. Quý vị trải nghiệm bao phiền não trắc trở rất nhiều phen mà không hề nhận ra, vì thế tri biết sự bám luyến tổn hại mình thế nào thật là khó, vì nó không dễ nhận diện. Nhận biết bám luyến vận hành ra sao, hậu quả cũng như tác hại của nó thế nào là cực kỳ quan trọng. Không chỉ bám luyến mà sân hận, vô minh cũng như bất kỳ loại vọng tưởng nào, ta luôn luôn phải điều nghiên vai trò của các loại vọng tưởng này và hậu quả tai hại của chúng. Thường xuyên kiểm soát và hiểu thấu đáo các vọng tưởng này là điều rất mực hệ trọng.

Bây giờ nói về vô minh. Như thầy đã giảng trước đó, khi tâm chấp bám khởi, nó che chướng thực tánh của ta và của người. Nói cách khác cái tâm này che chướng tự tánh của ngã và tha. Có nghĩa là tâm chấp bám làm gia tăng vô minh. Nó khiến cho vô minh, sân hận ngày một lớn mạnh. Vô minh là một thứ tâm hết sức nguy hiểm. Vào giấc tối, khi không có trăng, sao và cũng không có ánh đèn, trời tối như mực và quý vị cho rằng mình đang bước đi đúng lối, nhưng kỳ thực, quý vị đang bước trên sỏi đá và gai nhọn. Khi bị gai đâm vào chân, ta quỵ ngã vì thương tích. Ta cứ ngỡ có một bức tường che chắn bảo vệ mình khỏi vách đá lởm chởm mà không hề biết nguy cơ có thể ngã lộn nhào. Ta có biết đâu rằng chẳng hề có bức tường bảo vệ nào cả và vách đá kia mới nguy hiểm làm sao.

Chúng ta du hành trong đêm tối với một tín tâm sai lạc. Vô minh nguy hiểm là thế và những quan niệm sai lầm lạc đã gây cho ta biết bao phiền toái chướng ngại. Vô minh tựa như một kẻ mang giữ những tri kiến lầm lạc, không thể thực hiện được điều gì rõ ràng và không tri biết mình sắp vấp ngã. Bản chất của vô minh giống như một kẻ không lĩnh hội được vô minh nguy hiểm đến cỡ nào. Đây chỉ là một ví dụ đưa ra để cho quý vị thấy vô minh tai hại là thế, song thực ra, không có cách gì có thể so sánh được với hiểm họa của vô minh. Một người dò dẫm trong tư tưởng lầm lạc, té nhào vào vách đá, rồi gãy chân, rồi tử vong v.v… – điều này cũng không là gì so với sự nguy hại tột cùng, không tưởng tượng nổi của vô minh, thứ chúng ta phải trải nghiệm qua thời gian dài đằng đẵng với vô vàn những nguy hiểm khác nữa và chúng ta phải kinh nghiệm không chỉ một mà là vô số lần. Khi ví von như vậy, ví dụ Thầy giảng về sự nguy hiểm của vô minh vẫn không thấm tháp vào đâu.

Vậy ba tâm này thường được gọi là “ba độc”. Gọi chúng là chất độc rất có ý nghĩa – rất hợp lý. Ví dụ, một người khi nuốt phải chất độc và độc tố đó đi vào dạ dày bên trong cơ thể, anh ta sẽ không còn khỏe khoắn nữa mà sẽ phát bệnh. Nhưng những độc tố đó chỉ là thứ bên ngoài, được làm ra bởi vật chất. Còn những độc tố khác như vô minh, sân hận và bám luyến lại là độc tố bên trong. Ăn các độc tố bên ngoài thì quý vị bị ốm đau hành hạchúng ta bị choán đầy ảo giác rồi nôn mửa, gây hại cho cuộc sống. Tương tự, chứa chấp ba thứ độc trong tâm, quý vị sẽ luôn luôn bị đau khổ phiền não giày vò.

Trước hết, khi tâm bị ba thứ độc ràng buộc, nó không còn minh mẫn cường tráng, nó là một thứ tâm bệnh hoạn. Rồi với ba thứ độc này, quý vị tạo tác những hành vi bất thiện, những ác nghiệp. Nói cách khác, quý vị tạo tác bất thiện nghiệp từ thân, ngữ và ý. Vì tạo bất thiện nghiệp, bằng những cách lầm lạc nên hậu quảtác hạichúng ta phải gánh chịu mãi mãi là chính phiền não khổ đau triền miên.  Luôn luôn có chướng ngại mọc ra và ta không thể thọ nhận nguồn phúc lạc, ngay cả khi kỳ vọng sẽ hưởng phúc lạc từ hành động đó. Ví dụ, một người ăn mật ong trộn chất độc, kẻ vô minh này không biết đó là mật ong độc hại mà chỉ thấy thứ mật ong này đầy tinh khiết vì vị thơm ngọt của nó, y cứ ăn hoài ăn hoài. Kết quả là gì?  Kết quả là thân thể y ngày càng phát bệnh và đau đớn ngày một nhiều.

Cũng giống như thế với bất kỳ độc tâm nào: sân hận, bám luyến hay vô minh. Bất kỳ hành động sai khuấy hoặc các tà hạnh tạo tác nào từ thân, ngữ và ý cũng đều giống như gã nuốt phải mật ong chứa chất độc kia. Y cứ nghĩ là mình đang thưởng thức món mật ong tinh khiết thơm ngọt. Y cho rằng mật này ăn vào chẳng làm sao hết. Vậy đó, cái tâm thông thường thì sẽ giống như thế!

Vì các hành vi của thân, ngữ, ý tạo tác từ ba độc tâm là sai quấy, bất tịnh, nên hậu quả luôn là phiền não. Những hành vi đó không mang lại nguồn phúc lạc cho quý vị. Các đau khổ bất hạnh về cả thể xác lẫn tinh thần mà quý vị phải gánh chịu trong đời này, từ lúc thoát thai đến giờ, tất cả chướng ngại phát sinh từ trước đến giờ là hậu quả của ác nghiệp bất tịnh tạo tác từ ba độc. Do vậy, ba độc tâm là nguyên nhân cội rễ của mọi khổ đau phiền não.

Chính vì thế, nếu khôngphương pháp thực hành, không nương dựa vào chánh pháp mà nương dựa vào những yếu tố bên ngoài, quý vị sẽ không thể triệt phá được nguyên nhân khổ đau, tức ba độc tâm. Không gì có thể hủy diệt được chúng trừ việc thực hành chánh Pháp.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÓ NIỀM TIN, CÓ TẤT CẢ
  2. PHÁT TÂM BỒ-ĐỀ
  3. BẢN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG LỢI LẠC CỦA LÒNG KÍNH NGƯỠNG ĐÚNG ĐẮN ĐỐI VỚI MỘT ĐẠO SƯ
  2. KHÔNG THẤY CÁI TÔI ĐỂ NUÔNG CHIỀU
  3. YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP