BẦU TRỜI VÀ NHỮNG ĐÁM MÂY

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Bản chất của Tâm, Soygyal Rinpoche/ Trường Tâm- Thanh Long dịch, NXB Phương Đông, 2012

Bởi thể, dù đời ta có thế nào đi nữa, Phật tánh của ta cũng luôn luôn ở đấy. Và nó luôn luôn toàn hảo. Ngay cả chư Phật với trí huệ vô biên cũng không thể làm cho nó tốt hơn được, và chúng sanh với tất cả vô minh có vẻ bất tận, cũng không thể làm cho nó lấm lem. Tánh bản nhiên của chúng ta có thể ví như bầu trời, và sự mờ mịt của tâm thông tục giống như mây. Có những ngày bầu trời hoàn toàn bị mây phủ kín. Khi ấy nếu nằm xuống đất mà nhìn lên, thì ta thật khó mà tin nỗi trên trời còn có cái gì khác ngoài ra mây. Nhưng chỉ cần bay trong một chiếc phi cơ ta sẽ thấy tít trên cao xa nữa là một vùng trời xanh trong bao la vô tận. Từ đấy mà nhìn xuống thì thấy những đám mây – mà khi ở dưới đất, ta tưởng là tất cả mọi sự – thật xa xăm nhỏ bé làm sao.

Ta phải cố nhớ luôn luôn rằng: Những đám mây không phải là bầu trời, và không “thuộc về” bầu trời. Chúng chỉ lơ lửng giữa tầng không, và đi qua với kiểu hơi lố bịch, không lệ thuộc vào đâu. Nhưng chúng không bao giờ có thể để dấu vết làm lấm lem nền trời.

Vậy thì Phật tánh ấy đích thực nằm ở đâu? Nó nằm ngay nơi tự tánh của tâm, cái tự tánh được ví như bầu trời ấy. Hoàn toàn cởi mở, tự do, vô biên, Phật tánh ấy thật đơn giản, tự nhiên như nhiên tới nỗi không bao giờ có thể trở thành phức tạp, hư hỏng, hay bị nhiễm ô; nó thuần tịnh tới nỗi vượt ngoài cả ý niệm dơ sạch. Nhưng nói về tự tánh của tâm ví như bầu trời ấy chỉ là một ẩn dụ để giúp ta bắt đầu tưởng tượng được tính chất vô biên bao trùm tất cả của nó; vì Phật tánh có một tính chất mà bầu trời không có được, đó là tính sáng chói của tỉnh thức. Như có câu:

“Đó là cái giác tánh hiện tiền không lỗi nơi bạn, biết nhận thức mà vẫn trống rỗng, giản đơn mà sáng suốt.”

Dudjom Rinpoche viết:

Không lời nào có thể mô tả,

Không ví dụ nào để chỉ rõ

Sinh tử không làm nó xấu hơn

Niết bàn không làm nó tốt hơn

Nó chưa từng sinh

Nó chưa từng diệt

Chưa từng giải thoát

Chưa từng mê lầm

Chưa từng có cũng chưa từng không

Nó không có một giới hạn nào

Không thể xếp nó vào một phạm trù nào cả.

Nyoshul Khen Rinpoche nói:

Sâu xa vắng lặng, thoát mọi rắc rối

Sáng suốt không do kết hợp mà thành

Vượt ngoài tâm phân biệt đặt tên;

Đấy là tâm sâu xa của những Đấng Chiến Thắng.

Trong đó không một vật gì phải vứt ra

Cũng không một vật gì cần thêm vàol

Đấy thuần là cái vô nhiễm

Đang nhìn vào chính nó một cách tự nhiên.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BẢN TÁNH SÁNG NGỜI CỦA TÂM THỨC
  2. VỀ TÂM CHA MẸ
  3. PHẨM TÍNH RÕ BIẾT CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
  2. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  3. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN