CUỘC HÀNH TRÌNH QUA SỐNG CHẾT

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng Thư Sống Chết; Nguyên tác “The Tibetan Book of Living and Dying”; Tác giả: Sogyal Rinpoche; Việt dịch: Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Theo sự minh triết của Phật, thì chúng ta có thể thực sự dành cả đời mình để chuẩn bị cho cái chết. Chúng ta không cần chờ đến khi có người thân đang chết một cách khó nhọc, hoặc khi gặp bạo bệnh bất ngờ, mới miễn cưỡng nhìn lại đời mình. Chúng ta cũng không buộc phải đi tay không vào lúc chết để gặp cái điều xa lạ mình chưa biết. Ta có thể khởi sự ngay tại đây và bây giờ, tìm ra ý nghĩa cho đời mình. Ta có thể biến mọi lúc thành một cơ hội để cho ta thay đổi và chuẩn bị – một cách nhiệt tình, minh bạch, và an tâm – cho cái chết và vĩnh cửu.

Theo đạo Phật, sống và chết được xem như một toàn thể, ở đây chết chỉ là khởi đầu của một chương mới. Chết như một tấm gương trong đó phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời.

Quan điểm ấy là cốt tủy trong những giáo lý thuộc trường phái cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nhiều độc giả có lẽ đã nghe nói về quyển Tử thư của Tây Tạng. Điều tôi định làm trong tác phẩm này là giải thích và khai triển cuốn Tử thư ấy, để bao gồm không những cái chết mà cả đến sự sống nữa, bổ túc chi tiết toàn thể nền giáo lý trong đó Tử thư chỉ là một phần. Trong nền giáo lý vi diệu này, chúng ta tìm thấy toàn bộ sự sống chết được trình bày song hành như một chuỗi dài những thực tại thoáng chốc luôn luôn biến chuyển được biết dưới danh từ Bardos, sự mờ mịt, danh từ này thông thường dùng để mô tả trạng thái trung gian giữa chết và tái sanh, nhưng kỳ thực, Bardo đang xảy ra liên tục suốt cả trong đời sống lẫn trong cái chết, và là những giao thời cao điểm mà nếu biết vận dụng, nó có thể đưa đến giác ngộ giải thoát.

Những Bardos là cơ hội ngàn năm một thuở để giải thoát bởi vì, theo giáo lý, có một vài thời điểm có mãnh lực hơn những lúc khác rất nhiều, đầy tiềm năng hơn, vào lúc ấy bất cứ gì ta làm đều có một ảnh hưởng quan trọng sâu xa. Tôi nghĩ Bardo giống như lúc mà bạn bước qua lề của một vực thẳm; chẳng hạn như lúc bậc thầy khai thị cho đệ tử thấy bản lai diện mục của y. Nhưng một trong những thời điểm lớn lao nhất, đầy tiềm năng nhất, đó là lúc chết.

Theo Phật giáo Tây Tạng, ta có thể chia toàn thể hiện hữu của mình thành bốn thực tại liên tục nối tiếp nhau:
Đời sống, Hấp hối và chết, Sau khi chết, và Tái sinh. Bốn giai đọan này được gọi là bốn Bardo:

Thứ nhất là Bardo tự nhiên của đời này,
Thứ hai là Bardo đau đớn của sự chết,
Thứ ba là Bardo chiếu sáng của dharmatta hay pháp giới tánh.
Thứ tư là Bardo nghiệp lực đưa đến tái sinh, trở thành.

Vì giáo lý về Bardo có tính chất lớn lao bao trùm toàn diện như thế, nên sách này đã được cấu trúc khá kỹ lưỡng. Bạn đọc sẽ được hướng dẫn từ giai đoạn này đến giai đoạn khác trong quá trình khai mở tri kiến về cuộc hành trình sinh tử. Cuộc thám hiểm của chúng ta đương nhiên phải khởi sự bằng một sự suy nghiệm chân xác để biết chết nghĩa là gì, và nhiều mặt khác nhau của sự thật về vô thường. Đó là loại tư duy có thể giúp ta tận dụng đời sống này trong khi chúng ta còn có thời gian, để bảo đảm khi chết sẽ không còn gì ân hận hay tự trách đã uổng phí một đời. Như Milarepa bậc thánh thi sĩ nổi tiếng của Tây Tạng đã nói:
– Tôn giáo của tôi là sống và chết làm sao để khỏi ân hận.

Khi quán chiếu sâu xa về thông điệp của vô thường – cái gì quả thực đang nằm bên kia vô thường và sự chết – chúng ta đi thẳng tới trong tâm của giáo lý cổ xưa và đầy quyền năng của Tây Tạng, đó là bản chất tinh túy của tâm, hay tự tánh của tâm. Sự trực nhận bản chất của tâm (trực ngộ bản tâm) – mà ta có thể gọi là tinh túy sâu xa nhất của chúng ta, cái sự thật mà tất cả chúng ta đều mong tìm đạt – chính là chìa khóa của sự thấu hiểu về sống chết. Vì vào lúc chết, điều thực sự xảy ra là, chỉ có cái tâm thường ngày (tức là ý thức do năm giác quan đem lại) và những vọng tưởng của nó chết đi, và trong khoảng hở này, bản chất vô biên của tâm ta, như một bầu trời bao la vô hạn, được hiển lộ. Bản chất tinh túy này của tâm, hay tâm bản nhiên, chính là bối cảnh cho toàn thể sự sống và chết, giống như bầu trời ôm trọn cả vũ trụ.

Giáo lý dạy rõ rằng, nếu chúng ta chỉ biết về tâm như là cái phần phải tan rã khi ta chết (nghĩa là ý thức thuộc năm giác quan – ND), thì chúng ta sẽ không biết gì về những gì sẽ tiếp tục, không có một ý niệm nào về một “chiều không gian mới”, nghĩa là về cái tâm bản nhiên, một thực tại sâu xa hơn nhiều. Bởi thế, điều tối cần với chúng ta là phải làm quen với tâm bản nhiên trong khi ta còn sống. Có vậy chúng ta mới sẵn sàng để đón nhận nó khi nó hiển lộ một cách tự nhiên và mãnh liệt vào lúc ta chết; có vậy ta mới có thể nhận ra nó “một cách tự nhiên như một đứa trẻ chạy đến nấp vào gối mẹ”, như giáo lý đã nói. Và khi ta an trú trong trạng thái đó, cuối cùng sẽ được giải thoát.

Sự mô tả về tâm bản nhiên đương nhiên dẫn đến một nền giáo dục đầy đủ về thiền định, vì thiền là cách duy nhất, giúp ta có thể hé thấy, rồi dần dần trực nhận và an trú cái tâm bản nhiên ấy. Kế tiếp sẽ đến phần giải thích bản chất của tiến hóa nhân loại, tái sanh, nghiệp, để bạn đọc có một ý niệm đầy đủ về ý nghĩa cuộc lộ trình của chúng ta qua sinh tử.

Ngang đây có lẽ bạn đọc đã có đủ tri kiến để có thể đi vào trọng tâm của quyển sách này: Một trình bày bao quát về cả bốn Bardos và các giai đoạn khác của sự chết, rút từ nhiều kinh điển. Giáo lý, lời khuyên thực tiễn, những sự luyện tâm, được trình bày chi tiết để giúp chúng ta và những người khác kinh quá cuộc sống, kinh qua giai đoạn hấp hối, cái chết và giai đoạn sau khi chết. Sách này kết thúc bằng một viễn tượng về giáo lý Bardo có thể giúp ta hiểu thấu bản chất thâm sâu nhất của nhân tâm và vũ trụ như thế nào.

– Làm sao ta biết được những Bardos ấy là gì, từ đâu có được giáo lý minh bạch một cách lạ lùng về Bardo, trí kiến khúc chiết về từng giai đoạn một của quá trình chết, về sự chết và tái sinh ấy?

Đối với nhiều độc giả, câu trả lời mới nghe dường như khó hiểu, bởi vì khái niệm về tâm mà tây phương hiện có, là một khái niệm hết sức hẹp hòi. Mặc dù những năm gần đây có những sự vượt rào đáng kể, nhất là về khoa học tâm sinh lý và về tâm thức siêu việt, đại đa số các nhà khoa học vẫn tiếp tục xem tâm chỉ là những quá trình vật lý trong não bộ, điều này đi ngược lại chứng cứ của hàng ngàn năm kinh nghiệm của các nhà thần bí và các thiền giả thuộc mọi truyền thống tôn giáo.

Vậy thì từ nguồn thẩm quyền nào mà một quyển sách như thế này được viết ra? Một học giả Hoa kỳ đã viết:
– Nội minh của đạo Phật được căn cứ trên một tri kiến bao quát về thực tại, trên một tuệ giác sâu xa về tự ngã và hoàn cảnh xung quanh; nghĩa là, trên sự toàn giác của đức Phật (*).

Nguồn gốc của giáo lý về Bardo là tâm giác ngộ, cái tâm đã hoàn toàn tỉnh thức của Phật được chứng nghiệm và giảng giải bởi một dọc dài những bậc đạo sư kể từ đức Phật Nguyên thủy trở về sau. Những khám phá tỉ mỉ và thận trọng – có thể bảo là rất khoa học – của các ngài, và cách lập thành công thức những khám phá ấy về tâm linh qua nhiều thế kỷ, đã cho ta một bức tranh đầy đủ nhất có thể có về cả sự sống lẫn sự chết. Chính bức tranh toàn diện này mà, được cảm hứng từ Jamyang Khyentse thầy tôi và những bậc thầy vĩ đại khác, lần đầu tiên tôi đang cố truyền đạt lại cho người tây phương.

Trải qua nhiều năm thiền quán, giảng dạy và thực tập, thỉnh vấn những bậc thầy để sáng tỏ vấn đề, tôi đã viết ra quyển Tạng thư về sống chết này, như một đúc kết tinh hoa những lời khuyên tâm huyết của các bậc thầy tôi, để trở thành một Tử thư Tây Tạng và một Sinh thư Tây Tạng mới. Tôi muốn nó sẽ là một sách dẫn, một sách tham khảo, và một nguồn cảm hứng thiêng liêng. Chỉ nhờ đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi xin gợi ý, bạn mới có thể khám phá được nhiều tầng ý nghĩa sâu xa của nó. Bạn sẽ thấy rằng càng sử dụng nó bao nhiêu, bạn càng thấy những hàm ẩn của sách này bấy nhiêu, và càng nhận thức được chiều sâu của sự minh triết đang được truyền đạt đến bạn qua nền giáo lý này.

Giáo lý Bardo chứng minh cho ta thấy rõ những gì sẽ xảy đến nếu ta có chuẩn bị cho cái chết và những gì sẽ xảy đến nếu chúng ta không chuẩn bị. Thật không thể có chọn lựa nào minh bạch hơn. Nếu bây giờ chúng ta không chịu chấp nhận cái chết trong lúc ta đang sống, thì chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt suốt cuộc đời, vào lúc chết, và sau khi chết. Hậu quả sẽ là, ta tàn phá cả cuộc đời này và tất cả những đời sắp tới. Ta sẽ không thể sống cuộc đời mình một cách viên mãn, ta sẽ cứ bị giam hãm trong cái phần phải chết của ta. Sự vô minh này sẽ cướp đi của ta cái căn bản của cuộc hành trình tiến đến giác ngộ, và khiến chúng ta mãi mãi vướng vào cái bẫy của ảo tưởng, vào chu kỳ sống chết không được kiểm soát, cái biển khổ mà Phật tử thường gọi là luân hồi.

Nhưng thông điệp chính của giáo lý Phật là, nếu ta có chuẩn bị, thì có hy vọng tràn trề ở trong đời sống cũng như vào lúc chết. Giáo lý đó cho ta thấy cái khả tính về một sự giải thoát vô giới hạn, mà ta phải đạt đến ngay bây giờ trong đời này, sự giải thoát làm cho chúng ta có thể chọn lựa cái chết của mình và bởi thế, chọn lựa sự sinh ra của mình. Đối với một người có chuẩn bị và thực tập, thì cái chết đến với họ không phải như một chiến bại mà là một chiến thắng, cái giờ phút vinh quang nhất của cuộc đời.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MỘT TÁI SINH TỐT LÀNH
  2. VIỆC TÁI SINH LÀM NGƯỜI TRÂN QUÝ THỰC SỰ HIẾM HOI – BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU BỒ TÁT
  3. TIẾN TRÌNH PHỔ QUÁT CỦA SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
  2. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  3. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN