VIỆC TÁI SINH LÀM NGƯỜI TRÂN QUÝ THỰC SỰ HIẾM HOI – BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU BỒ TÁT

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Bình Giảng 37 Pháp Tu Bồ Tát, Ấn tống cúng dường cho chuyến hoằng pháp của Đại sư Garchen Rinpoche lần thứ 2 tại Việt Nam 1/2014

Đã được thân người quý hiếm với đầy đủ sự tự do và thuận duyên, vậy hãy chuyên cần lắng nghe, suy tư, thiền định bất kể ngày đêm để giải thoát cho chính mình và chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi. Đó là pháp tu Bồ Tát.

Milarepa đã nói với người thợ săn Gonpo Dorje: ‘Việc tái sinh làm người trấn quý thực sự hiếm hoi nhưng tái sinh để có một cuộc sống như con thực ra chẳng hiếm hoi gì. Con phải quán tưởng riêng biệt tám điều kiện tự do và mười điều kiện thuận duyên để hiểu được các phẩm chất vĩ đại của thân người này. Tám điều kiện tự do là không bị tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, kẻ man rợ, vị trời, kẻ tà đạo, kẻ khuyết tật và kẻ sống trong thời kỳ không có vị Phật nào xuất thế. Ngay cả khi con đã tái sinh làm người, con sẽ không thể thoát khỏi cõi Luân hồi nếu tất cả các điều kiện tự do này không được viên mãn. Không có các điều kiện này, cuộc sống con người chẳng khác biệt nhiều so với đời sống con vật. Khi chúng ta quán tưởng từng điều kiện tự do này thì chúng ta sẽ thấy mình không bị đọa sinh vào các cõi nói trên nhưng chúng ta cũng cần có đầy đủ mười điều kiện thuận duyên. Trước hết, [năm] điều kiện thuận duyên khách quan là: Phật đã xuất thế, Phật đã xoay chuyển Pháp luân, giáo pháp vẫn được lưu truyền, có người thực hành Pháp và con tu tập vì lợi ích của người khác. Năm điều kiện thuận duyên chủ quan là: con được tái sinh làm người, được sinh ra trên vùng đất trung tâm, có ngũ quan lành lặn, không sa vào ác đạo và có tín tâm vào Tam Bảo. Nếu con hoàn toàn có đủ mười tám phẩm tính này thì con đã có được thân người thực sự hiếm quý. Dường như tất cả chúng ta, khi đã bước vào cánh cổng của các giáo lý đến từ Đức Phật, đều hội đú mười tám yếu tố này. Khi con quán tưởng về từng điều kiện một thì con phải nghĩ rằng: ‘À, mình đã bước vào cánh cổng của các giáo lý đến từ Đức Phật, đây là điều thực sự quý báu!’ Rồi con quyết chí cho rằng đời mình thực sự quý báu, như viên ngọc quý vậy và con sẽ quyết tâm sử dụng tốt và không lãng phí đời sống của mình.

Nhiều người không xem các pháp tu dự bị là quan trọng vì tự cho là mình đã hiểu rõ mười tám điều kiện tự do và thuận duyên vì đã đọc qua bản văn và không cần quán tưởng về chúng nữa. Đây là điều rất sai lầm. Trước hết, con phải tu học bốn tư tưởng chuyển tâm thật kỹ càng và sau đó thực hành liên tục. Con phải nhanh chóng nhớ ra bốn tư tưởng này. Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng, chúng ta nghĩ: ‘À! mình muốn ngủ nướng thêm một chút.’ Nhưng, ngay lúc đó, chúng ta phải nhanh chóng nhớ lại: ‘À, khoan! mình không muốn phí phạm cuộc sống làm người vốn trân quý và vô cùng khó đạt’. Sau đó, chúng ta sẽ thức dậy ngay lập tức. Chúng ta phải nhớ đến điều này từng ngày một. Đức Jigten Sumgon đã nói rằng các pháp tu mở đầu còn thâm sâu hơn cả pháp tu chính bởi vì việc tu tập pháp mở đầu cũng giống như xây dựng nền móng vững chắc cho căn nhà và như vậy, căn nhà cũng sẽ kiên cố. Để thực hành các pháp tu mở đầu này, con phải lĩnh hội được ý tưởng rồi sau đó là tự chứng nghiệm. Con phải quán chiếu từng khía cạnh một, từng niềm vui, nỗi khổ trong sáu cõi cho đến khi thực sự hiểu ra để rồi con nhận thức được toàn bộ Luân hồi đích thực là khổ dau. Con sẽ xác quyết được rằng mặc dù chư Thiên được hưởng lạc thú và của cải sung túc nhưng đời sống của chư vị này không có thực chất bởi vì họ không hướng đến trạng thái giác ngộ. Đó là lý do vì sao đức Milarepa đã nói rằng cuộc sống làm người có tác dụng rất mãnh liệt cho cả chánh đạo lẫn ác đạo. Cuộc sống làm người có tác dụng cực kỳ mạnh mẽ đến nỗi chúng ta có thể đạt được giác ngộ chỉ trong một kiếp sống nếu chúng thực hành giáo pháp chánh đạo. Mặt khác, nếu chúng ta vào đường ác đạo, chúng ta sẽ đọa sinh vào các cõi giới thấp trong một thời gian rất dài. Tất cả đều là do thân người. Đức Sakyapa đã nói rằng thân người ta cũng giống như kẻ thù và nếu các con không thực hành giáo pháp thiêng liêng, thân này thực sự là một kẻ thù. Do thân này, chúng ta tạo nhiều nghiệp báo là các nguyên nhân dẫn đến việc bị đọa sinh ở các cõi giới thấp; do đó, thân người là kẻ thù. Thân này cũng tạo ra mọi tư tưởng phiền não. Chi bằng cách không bám luyến vào thân này, chúng ta sẽ không còn tư tưởng phiền não. Đây là một điểm quan trọng.

Trong 37 Pháp tu Bồ tát, thân người được ví như con thuyền đưa chúng ta vượt qua đại dương khổ não bao la và sâu thẳm. Đại dương này trông có vẻ bao la nhưng chúng ta phải nhìn vào trong tâm thức của mình. Sự vô minh của những kẻ có thân người bé nhỏ lại bao la và sâu thẳm vì nó đã được tích tụ từ thời vô thủy. Sự tinh giác siêu việt ấn tàng trong từng tâm thức phải được đánh thức. Viên ngọc trong tâm thúc phải được chiếm hữu. Chúng ta phải nuôi dưỡng thân này nhưng phải làm theo lời đức Phật dạy là không phạm vào hai biên kiến (Ghi chú 1). Dĩ nhiên chịu được gian khó như đức Milarepa, là thân tâm không hề dao động, lại là một chuyện khác nhưng chúng ta phải làm theo lời dạy của đức Phật và nuôi dưỡng thân mình không thái quá mà cũng chẳng khắc nghiệt quá. Dùng thân này để gặt hái kết quả tốt là điều quan trọng nhất. Chúng ta phải thu hoạch được sự chín muồi của tâm thức: đó là Bồ đề tâm.

Bằng cách tu tập sáu Ba la mật, con thuyền [thân người] sẽ đưa chúng ta đến hòn đảo Giác ngộ trân quý. Về mặt chủ quan, con phải trưởng dưỡng tín tâm và về mặt khách quan, giáo pháp vẫn phải được lưu truyền; hai cái này phải đi đôi với nhau. Đức Phật phải tuyên thuyết giáo pháp và Phật pháp vẫn phải được lưu truyền. Nhưng nếu con không tuân theo các giáo huấn này thì chúng là vô nghĩa. Cho dù năm điều kiện thuận duyên liên quan đến lời dạy của đức Phật vẫn hiện hữu nhưng chúng sẽ là vô nghĩa, trừ phi con thực hành các lời dạy này. Con phải bước vào cánh cổng của các giáo lý của đức Phật thông qua việc quy y v.v.. Nếu Phật pháp vẫn lưu truyền và có một ngôi chùa chẳng hạn nhưng con chẳng hề quan tâm thì cũng vô nghĩa. Mọi ngôi chùa của bốn dòng truyền thừa tượng trưng cho giáo pháp của Đức Phật; do đó, chừng nào mà chùa vẫn tồn tại thì chúng ta có thể nói rằng Phật pháp vẫn được lưu truyền. Nếu con trở thành Phật tử, con phải trưởng dưỡng tín tâm và Bồ đề tâm. Đây là ý nghĩa của việc trở thành Phật tử. Nếu con quán tưởng sau xa rằng điều gì sẽ xảy ra nếu Phật pháp không còn lưu truyền, trong khi Luân hồi có bản chất là đau và không có thực chất; Khi đó một nỗi sợ hãi khó tin sẽ phát khởi trong tâm con. Con phải đặc biệt quán tưởng đến mười điều kiện thuận duyên thật kỹ lưỡng và liên tục. Trước hết con phải nghe Pháp kỹ càng và sau đó quán tưởng không ngừng. Những gì mà các con đã lĩnh hội phải trở thành một phần của nhận thức thông qua việc quán tướng liên tục. Vào buổi sáng, hãy quán tưởng về sự khó khăn để có được các điều kiện tự do và thuận duyên.

Trong mọi hoạt động hằng ngày của con, hãy tịnh hóa tâm thức bằng cách quán chiếu đến tính tất yếu của nghiệp, nhân và quả. Còn buổi tối trước khi đi ngủ, hãy quán chiếu đến cái chết và sự vô thường. Thầy Jigme Dorje đã nói rằng hằng ngày con phải liên tục quán chiếu như vậy. Việc này là hữu ích. Thỉnh thoảng, khi con cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, nếu nhớ đến những khó khăn để có được các điều kiện tự do và thuận duyên thì con sẽ nhanh chóng tỉnh ngủ. Con phải thực hành cả ngày lẫn đêm. Cũng có thể con tự hỏi khi nào mình sẽ đi ngủ và làm việc nhưng không nên nghĩ như vậy. Trong thân, khẩu và tâm thì tâm là quan trọng nhất và nếu con tụng chú OM AH HUNG theo nhịp thở khi cảm thấy buồn ngủ thì đó chính là sự tu tập. Chánh niệm này là Chân đế. Mỗi khi con nhớ đến sự khổ dau của chúng sinh và nuôi dưỡng tình yêu thương thì đó là lúc con tích lũy tình yêu thương cũng giống như con ong đang tích trữ mật vậy. Tụng chú OM AH HUNG theo nhịp thở là một cách tu dễ tập dàng. Nếu con thực sự muốn tụ tập thì con sẽ hiểu ra điều này. Đức Milarepa đã dạy rằng: ‘Nếu có thiện tâm thì ngay cả đất, đá, có và cây cung sẽ trở thành nguyên nhân của các thiện hạnh’. Dù đi đến nơi đâu mỗi khi trông thấy đất, đá, cỏ, cây, con có thể dùng chúng để cúng dường mạn đà la và việc này sẽ trở thành thiện hạnh. Nếu không có thiện tâm, không có Bồ đề tâm thì dĩ nhiên là đất, đá, cỏ, cây sẽ không trở thành nguyên nhân của thiện hạnh. Ví dụ như khi chuẩn bị ngủ, con tụng chú và quán tưởng OM AH HUNG theo nhịp thở thì hơi thở tụng chú sẽ không ngừng luân chuyển ngày đêm và như vậy sẽ mang lại nhiều lợi lạc. 

Khi nghe Pháp, hãy nhớ lại nội dung chủ yếu của những gì vị thầy hay đạo hữu mình đã nói bất kể người này là ai và người này đang theo dòng truyền thừa nào. Chúng ta phải nhớ lấy cốt lõi của giáo pháp và các chi tiết phụ mà mình có thể nhớ được. Chúng ta không thể nhớ mọi điều nhưng chúng ta phải hiểu được nội dung tóm tắt. Cốt lõi mà thầy sẽ nói bây giờ là Bồ đề tâm. Có nhiều cách để phát khởi Bồ đề tâm nếu Bồ đề tâm chưa được phát khởi và không để nó thoái chuyển. Nếu theo Hiến giáo, con sẽ thực hành sáu pháp Ba-la-mật trong mọi hoạt động của tích lũy công đức. Trong Mật giáo, các pháp tu tập trong các giai đoạn sinh khởi và thành tựu là các phương tiện để chứng ngộ Chân đế. Nếu con hiểu được chân nghĩa thì mọi giáo pháp từ mọi vị thầy đều mang lại lợi lạc, và mọi quán đảnh đều mang lại lợi lạc. Dĩ nhiên là các thầy khác nhau sẽ nói về các điều khác nhau và sẽ tuyên thuyết tri kiến của dòng truyền thừa mà họ đang theo. Nhưng chúng ta không phải sợ và trốn như đứa bé dưới một chiếc áo lớn. Chúng ta có thể thọ nhận nhiều giáo pháp từ các dòng truyền thừa khác để thực hành nhưng chúng ta không nhất thiết phải theo dòng truyền thừa cụ thể đó. Khi chúng ta nghe Pháp, chúng ta phải chăm chú hết sức. Bồ đề tâm là quan trọng nhất và để trưởng dưỡng Bồ đề tâm, Mật giáo giảng về các giai đoạn khởi sinh và thành tựu, và Hiến giáo giảng về sáu pháp Ba-la-mật. Về phương diện tu tập riêng của bản thân con, việc trưởng dưỡng Bồ đề tâm hạnh và Bồ đề tâm nguyện là quan trọng nhất. Ngoại đạo gây ra hậu quả rất nguy hiểm khi cho rằng việc này không mang lại lợi lạc gì cả. Rất nguy hiểm vì nó gây sự chia rẽ giữa các dòng phái. Thật ra thì chúng ta cần tất cả các dòng phái vì mọi dòng phái đều gìn giữ giáo pháp của đức Phật. Nếu không theo cách tiếp cận này thì chúng ta chỉ còn biết sợ hãi như đứa trẻ trốn trong một cái áo lớn.

Ghi chú: (1) Biên kiến dục lạc và biên kiến khổ hạnh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÂN THỂ LÀ ĐỀN THỜ TÂM LINH

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT