NGUYÊN PHONG
Trích: Muôn Kiếp Nhân Sinh II; Nguyên tác: Many Lives – Many Times; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty VHST Trí Việt – First News, 2021
Chúng tôi mời ông Kris vào nhà, giới thiệu ông với mọi người. Đồng thời, mọi người cũng tự giới thiệu mình với ông. Sau khi chào hỏi qua một lượt, chúng tôi ngồi vào bàn, vừa ăn uống vừa trò chuyện. Trong lúc mọi người vui vẻ thưởng thức món ăn mới do Angie chuẩn bị, Connie quay sang ông Kris, giọng hào hứng:
– Angie nói rằng ông Kris đây là người thông thái, hiểu biết rất nhiều và cũng biết nhiều về Yoga. Chúng tôi rất hân hạnh được trò chuyện cùng ông. Là người tập Yoga nên tôi muốn tìm hiểu thêm về truyền thống của môn này. Nghe nói trước đây ông đã có buổi nói chuyện về Karma Yoga ở đây, thật tiếc là tôi không có mặt. Nếu có thể, xin ông nói thêm về môn này.
Ông Kris mỉm cười, vui vẻ giải thích:
– Karma là tiếng Phạn có nghĩa là hành động (Action). Một hành động xảy ra có thể vừa đến từ một nguyên nhân trong quá khứ, vừa là nguyên nhân cho những việc sẽ đến trong tương lai. Do đó nhân (Cause) và quả (Effect) có liên hệ mật thiết trong truyền thống Karma Yoga. Nói một cách khác, Karma chỉ sự liên hệ giữa nhân và quả trong tất cả hành động của con người.
Connie ngạc nhiên:
– Tôi đã tập Yoga với các đạo sư Ấn Độ nhưng không có ai nói gì về nhân quả. Họ chỉ nói Yoga là phương pháp làm cho cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật thôi.
Ông Kris giải thích:
– Đúng thế, họ chỉ dạy phương pháp chứ không đi vào tinh hoa, vì họ chỉ tập trung vào việc làm ra tiền. Con người thường muốn khỏe mạnh để hưởng thụ nên chỉ chú trọng vào phương pháp tập luyện để khỏe hơn, mấy ai biết tìm hiểu nguyên nhân thật sự gây bệnh tật. Tại sao những lực sĩ khỏe mạnh vẫn bị đủ thứ bệnh? Tại sao khoa học đã tiến bộ rất xa nhưng bệnh nan y vẫn gia tăng. Nếu chỉ nhìn Yoga như phương pháp thể dục thì quả là một sự thiếu sót rất lớn.
Brian lên tiếng:
– Phải chăng Karma là quan niệm của Ấn Độ giáo?
Kris lắc đâu:
– Không đâu. Mặc dù chữ Karma được sử dụng nhiều trong sách vở của Ấn Độ giáo và Phật giáo, nhưng Karma là luật của vũ trụ (Universal Law). Trong Kinh Thánh cũng nói về vấn đề này, khi Thánh Paul nói với người Galates: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”.
Brian hỏi:
– Vậy luật vũ trụ khác với luật xã hội như thế nào?
Kris nhìn Brian, mim cười:
– Ông là luật sư đúng không? Vậy hẳn ông cũng biết luật xã hội là do con người đặt ra. Nó có tính khuôn khổ, bắt buộc người ta phải làm hay phải tránh làm việc gì đó. Luật xã hội ám chỉ sự phán xét và trừng phạt nếu bị vi phạm. Luật này thay đổi tùy hoàn cảnh xã hội, văn hóa và thời đại. Có khi nó được áp dụng ở quốc gia này nhưng không được áp dụng ở nơi khác. Nó có thể hợp lý ở thời điểm này nhưng sẽ không còn dùng được ở thời điểm khác. Bởi luật xã hội là do con người đặt ra nên nó có thể thay đối. Trái lại, luật vũ trụ thì không bao giờ thay đổi, nó có tính chất bất di bất dịch và bất biến trong mọi không gian hay thời gian. Luật vũ trụ cũng không có những phiên xét xử vì hậu quả là lẽ tất nhiên, không thể tránh. Nếu anh đưa tay vào lửa thì anh sẽ bị bỏng, có thế thôi.
Brian hỏi thêm:
– Nói vậy là, theo ông, con người bất lực trước luật vũ trụ?
Ông Kris trả lời:
– Không hẳn. Nhờ biết rằng con người sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi việc làm của mình mà người ta có thể chọn những hành động đưa đến cái quả mà họ muốn, đồng thời tránh những gì họ không muốn. Đó chính là sự tự do hoàn hảo nhất. Người biết nhân quả chỉ làm những gì tốt đẹp để mang lại kết quả như ý, và tránh làm những việc sai trái vì biết rõ hậu quả của nó. Trái lại, người không hiểu biết nhân quả thì hành động bừa bãi rồi phải gánh chịu hậu quả cho những việc làm sai trái của mình. Nhưng cũng nhờ đó mà họ sẽ học được bài học mà họ cần. Bài học nhân quả này, không học lúc này thì sẽ học lúc khác, không học ở kiếp này sẽ phải học ở kiếp khác.
Brian tỏ vẻ hoài nghi:
– Nhưng luật Nhân quả mà ông nói phải chăng chỉ là quan niệm của tôn giáo? Bởi khoa học đâu nói gì về luật này.
Ông Kris mỉm cười trả lời:
– Nếu giải thích theo khoa học thì toàn thể vũ trụ này là một khối năng lượng (Energy) quân bình tuyệt đối. Năng lượng này có thể vô hình, không nhìn thấy được, cũng có thể biến chuyển thành vật hữu hình mà chúng ta có thể nhìn được bằng mắt. Thái Dương hệ là năng lượng biểu hiện dưới trạng thái hữu hình như Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất và các hành tinh khác. Tương tự như thế, tất cả mọi sinh vật như con người, thú vật, cây cỏ… đều là những năng lượng dưới dạng hữu hình, vì tất cả đều được cấu tạo bởi nguyên tử, mà nguyên tử chính là năng lượng đã đông đặc lại. Mọi việc xảy ra trong vũ trụ chỉ là sự chuyển hóa của năng lượng qua nhiều hình thức, có khi rõ ràng và có khi hư ảo. Con người giống như một cỗ máy vận hành năng lượng bằng tư tưởng, lời nói và hành động. Khi suy nghĩ, nói ra điều gì, hay làm gì ta đều phát ra một luồng năng lượng vào không gian, nó va chạm với các năng lượng khác, làm mất đi sự cân bằng vốn có. Do đó, vũ trụ tự động phản ứng ngược lại để tái lập lại sự cân bằng. Nói một cách khác, tư tưởng, lời nói, hay hành động của ta cũng đều là những năng lượng – đó là Nhân, gây mất cân bằng nên sẽ gặp phản lực ngược lại – đó chính là Quả. Do đó, chúng ta phải cẩn thận, vì mọi tư tưởng, lời nói hay hành động, dù xấu hay tốt, đều tạo ra những kết quả ảnh hưởng đến chính ta và những người xung quanh. Một lời nói ân cần, dịu dàng có thể làm chúng ta vui vẻ và những người xung quanh hạnh phúc. Một lời nói gay gắt không những làm tâm ta thêm sân hận mà còn gây thương tổn đến những người khác nữa. Nói tóm lại, luật Nhân quả chỉ là sự thuyết minh cho mối liên quan giữa nhân và quả khi con người vận hành năng lượng. Đây là điều mọi người cần hiểu rõ.
Ông Kris nhìn dụng cụ trượt tuyết và leo núi để ở cuối phòng rồi nói thêm:
– Hình như các ông vừa đi trượt tuyết hay leo núi về thì phải? Khi sống tại địa hình bình thường như New York, các ông có thể hít thở dễ dàng nhưng khi lên núi cao như Colorado thì không khí loãng khiến các ông hít thở khó khăn hơn, đúng chứ? Vì biết trước nên các ông đã chuẩn bị để ứng phó với việc này. Khi leo núi chúng ta thường phải mang theo bình dưỡng khí vì lên càng cao không khí càng loãng, phải có bình dưỡng khí hỗ trợ. Nhiều người không hiểu biết việc này nên không chuẩn bị, đến khi leo lên độ cao nào đó thì bị xây xẩm vì thiếu dưỡng khí, không thể tiếp tục được nữa. Sự hiểu biết về độ cao giúp cho người leo núi đạt được kết quả họ mong muốn. Con người đối với luật Nhân quả cũng thế, có hiểu biết về luật Nhân quả giúp chúng ta hành động đúng đắn. Vấn đề hiện nay là nhiều người chỉ hiểu luật này một cách mập mờ, có khi tin cũng có khi không tin. Đôi khi người ta chỉ tin nếu nó xảy ra hợp với điều mà họ muốn. Một số người đã hiểu nhầm lẫn Karma thành số mệnh (Fate), là cái gì đó đã được định đoạt trước chứ không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của luật này. Khi gặp nghịch cảnh, họ khoanh tay chấp nhận rồi than rằng đó là ý muốn của Đấng Tối cao hay sự an bài của định mệnh, do đó, họ không thể làm gì được nữa. Họ không biết cách thay đổi chính mình và nếu sự việc xảy ra không như ý, họ chỉ đổ lỗi cho số mệnh hay chỉ biết than trời trách đất chứ không hiểu rằng Karma chỉ là hành động, và họ có thể hành động để thay đổi số mệnh mình thông qua luật Nhân quả.
Brian ngạc nhiên, hỏi:
– Nhưng sách vở Yoga định nghĩa Karma là nghiệp, nghĩa là việc xảy ra mà người ta không thể tránh được. Chẳng phải vậy sao?
Ông Kris mỉm cười, lắc đầu:
– Đó là sự giải thích chưa hoàn chỉnh. Gieo nhân gì gặt quả đó là lẽ tất nhiên, nhưng không phải vì thế mà người ta cam chịu không làm gì hết, bởi người ta có thể hành động để chuyển nghiệp. Nếu hút thuốc là nhân, thì bị ung thư là quả, nhưng người ta cũng không thể chấp nhận rồi chẳng làm gì hết đúng không? Khi đau ốm, ông có quyền chạy chữa chứ không buông xuôi chỉ vì nghĩ đó là nghiệp.
Brian thắc mắc:
– Nhưng chính ông vừa nói gây nhân thì phải trả quả mà. Nếu tôi đã lấy trộm tiền của ai thì trước sau tôi phải trả lại cho người đó, làm sao không trả được?
Ông Kris thong thả giải thích:
– Đúng thế, chắc chắn ông sẽ phải trả số tiền đó. Chuyển nghiệp mà tôi đang nói đến ở đây không có nghĩa là ta tìm cách để không trả nợ, mà là ta có thể có nhiều cách trả nợ khác nhau. Để tôi lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Ví dụ, trong kiếp trước ông lấy của ai đó một triệu đô-la. Ông đã gây nhân nên kiếp này nghiệp quả bắt ông phải trả lại số tiền đó cho người ông đã lấy, bằng cách này hay cách khác. Đây là số tiền rất lớn, ông làm vất và mới có được mà nay phải mất đi nên ông vô cùng đau khổ. Vì không rõ cái nhân mình gây ra từ trước nên ông oán giận người kia, nghĩ họ cướp tiền của mình. Oán hận của ông lại tạo ra một nhân nữa. Đã có nhân thì ắt có quả, do đó hai người cứ vay trả, trả vay lẫn nhau, kéo dài qua nhiều kiếp sống không chấm dứt. Đó là sự phức tạp của nhân quả trong vòng luân hồi. Đa số mọi người, vì thiếu hiểu biết về luật Nhân quả nên cứ mắc nợ, đòi nợ, trả nợ, rồi lại mắc nợ, tạo thêm duyên nghiệp chồng chéo với nhau.
Brian không ngăn được thắc mắc, liền ngắt lời ông Kris:
– Nhưng làm sao biết ai nợ ai? Ai là người gây ra nợ trước?
Ông Kris gật đâu:
– Đúng thế, người ta trải qua biết bao kiếp sống, nhân quả chằng chịt, dễ gì tìm ra cái nhân đầu tiên. Nhưng nếu biết chuyển nghiệp bằng cách làm những điều lành thì có thể chuyển nghiệp, tức chuyển sang cách trả nợ khác và dần dần nghiệp sẽ được hóa giải. Hãy thử tưởng tượng ông nợ ai đó một triệu đô-la và đến lúc phải trả, nhưng vì kiếp này ông làm nhiều việc thiện lành nên ông là tỷ phú, có hàng trăm triệu trong tay thì việc thanh toán món nợ cũ chỉ là việc nhỏ, đâu đáng quan tâm nữa. Do đó, với cái tâm thiện lành, ông vui vẻ trả nợ, không gây thêm nhân và món nợ cũ có thể chấm dứt hoàn toàn. Có nợ thì vẫn phải trả nhưng cách trả nợ có thể khác tùy theo sự chuyển nghiệp. Nói theo toán học thì A+B = X, đã có điều kiện A và B thì chắc chắn kết quả phải là X. Tuy nhiên nếu ta thêm vào đó điều kiện mới là C thì A+B+C sẽ cho kết quả khác chứ không còn là X nữa, có đúng không?
Ông Kris mỉm cười, rồi kết luận:
– Tất cả mọi người sống trên đời đều ít nhiều có nợ với nhau. Có người nợ ít, có người nợ nhiều. Có người nợ tiền, có người nợ tình, có người còn nợ sinh mạng nữa, và khi nào phải trả nợ vẫn là câu hỏi không ai biết. Nhưng nếu biết làm các điều lành thiện, biết bố thí giúp đỡ người khác thì con người có thể giải quyết nợ nần, duyên nghiệp từ xưa dần dần và chuyển được nghiệp.
Brian có vẻ đã bị thuyết phục nên hỏi thêm:
– Nợ tiền có thể trả nhưng nợ sinh mạng thì trả như thế nào? Nếu khi xưa tôi giết người, bây giờ có người đến giết tôi thì tôi phải làm gì?
Ông Kris trả lời:
– Nợ sinh mạng không nhất thiết phải trả bằng sinh mạng. Có khi quả báo của việc giết hại sẽ đến bằng bệnh tật, các chứng nan y như ung thư, bại liệt… Bệnh nhân khổ sở, đau đớn quằn quại vì bị bệnh tật hành hạ, nằm dai dẳng rất lâu trên giường bệnh. Những người bị họ làm hại khi xưa, lúc này có thể đến đòi nợ bằng cách khiến họ càng khổ sở hơn, sống không ra sống chết không ra chết. Tình trạng đó còn đau khổ hơn cả cái chết.
Mọi người quanh bàn ăn đưa mắt nhìn nhau vẻ hoang mang. Angie sợ hãi:
– Ân oán như thế thì ghê gớm quá.
Ông Kris gật đầu, nhìn khắp một lượt quanh bàn và nói tiếp:
– Đó chỉ là trường hợp đòi nợ thông thường mà thôi. Còn nhiều trường hợp ghê gớm hơn mà tôi không muốn nói đến. Khi gây nhân mấy ai nghĩ đến hậu quả, đến khi trả quả cũng không mấy ai sẵn lòng đối diện. Người ta chỉ biết trách trời, trách đất, đổ lỗi cho người này người nọ mà không hiểu cái nhân của mình.
Brian lo lắng hỏi:
– Vậy con người phải làm những gì để chuyển được nghiệp?
Ông Kris nói:
– Cũng như việc trả nợ về tiền bạc vậy. Nếu người mang nghiệp giết chóc ở kiếp này biết làm những việc thiện lành, thường xuyên bố thí, giúp đỡ người khác thì họ sẽ gieo được nhân lành, khi lâm bệnh họ sẽ gặp thầy giỏi, thuốc hay thì kết quả trả nghiệp sẽ khác. Bởi vì nhân lành mà họ gieo ở kiếp này cũng trả quả lành cho họ, từ đó cân bằng với nhân ác mà họ đã gieo. Nhiều người không hiểu được việc bố thí, giúp người, làm việc thiện có sức mạnh lớn lao chuyển đổi nghiệp ác. Một khi đã biết, họ có thể ra sức hành thiện, từ đó có thể chuyển đổi nghiệp ác. Chuyển nghiệp là như thế đấy.
Angie thở ra như vừa trút được một mối lo, lên tiếng:
– Nếu tích cực hành thiện, làm việc lành thì mọi sự đều trở nên tốt đẹp, có đúng không?
Ông Kris mỉm cười:
– Như tôi vừa nói, nếu chúng ta biết làm những việc lành, điều thiện, bình thản lấy ân trả oán, thì ta tự nhiên sẽ dần trả được một số nghiệp. Nói cách khác, nhờ biết làm việc lành, ta có thể tránh được nhiều việc không may, vì món nợ đã được trả dần rồi.
Khi sinh ra ai cũng có sẵn tính cách tốt lẫn xấu. Nếu hiểu rằng tính cách này là hệ quả của cách chúng ta sống từ kiếp trước thì ta có thể thay đổi được tính cách bằng nỗ lực cá nhân. Con người có tự do lựa chọn để thay đổi chính mình. Bên cạnh những gì theo ta từ tiền kiếp, thì tính cách còn chịu ảnh hưởng của giáo dục và các trải nghiệm đời sống trong kiếp này của chúng ta, Kinh sách Ấn Độ có câu: “Con người suy ngẫm điều gì thì trở thành điều đó”. Do đó, một người vốn xấu nhưng biết tu tập đạo đức, suy ngẫm nhiều về điều hay lẽ phải thì vẫn có thể trở thành người tốt. Người vốn tốt nhưng đọc sách vở đồi trụy hay tiếp xúc với những người có suy nghĩ tham chấp rồi bị tiêm nhiễm thì vẫn có thể trở nên người xấu xa. Nói một cách khác, tính tình nào cũng có thể sửa được nếu biết cách, vấn đề là họ có muốn sửa hay không mà thôi. Ví dụ, một người có tính tình nóng nảy, nếu nhận ra được tính cách đó của mình là không tốt thì người đó vẫn có thể sửa đổi.
Brian bật cười, lên tiếng:
– Thế tôi là người có tính tình nóng nảy. Vậy tôi phải sửa như thế nào?
Ông Kris quan sát Brian rồi nói:
– Nếu ông coi đó là tính xấu thì ông có thể thay đổi được. Ông không nên suy nghĩ về sự nóng nảy của mình làm gì mà phải chuyển qua suy nghĩ về sự hòa nhã. Mỗi buổi sáng ông có thể dành vài phút suy ngẫm về sự hòa nhã. Ví dụ, ông hãy tập mỉm cười trước sự việc không như ý, ít lâu sau, ông sẽ thấy bản thân đổi khác. Dĩ nhiên, bởi hiện tại khi sự việc không như ý xảy ra ông liền nổi nóng sau đó mới nghĩ đến sự hòa nhã nên ông mới biết ông đã không làm chủ được mình. Nhưng giờ ông ý thức được mình cần hòa nhã, thì theo thời gian, khi vừa nổi nóng ông liền nghĩ ngay đến việc kiểm soát và trở nên điềm tĩnh hơn. Từ đó, tính tình nóng nảy sẽ giảm dần. Ít lâu sau, ông sẽ có thể giữ sự bình tĩnh, thái độ hòa nhã ngay khi sự việc không như ý xảy đến. Tư tưởng tạo ra tính tình, nếu ông suy nghĩ về điều gì đó mỗi ngày thì theo thời gian ông sẽ đạt thành điều đó. Cũng giống như người thợ xây tường, bắt đầu từ một viên gạch rồi cứ thế tiếp tục hết viên này đến viên khác cho đến khi hoàn thành.
Ông Kris dừng lại nhìn quanh một lượt rồi thong thả nói:
– Nguyên tắc của Karma Yoga là thúc đẩy con người hoạt động. Sự hoạt động sẽ tạo ra hoàn cảnh để cho họ học hỏi và chuyển hóa. Lúc nào cũng vậy, con người ít nhiều đều có ham muốn. Lòng ham muốn liên kết con người với đối tượng ham muốn như nam châm hút sắt. Có người ham tiền, có người ham sắc, có người thích quyền lực. Lòng ham muốn thúc giục con người hành động đến khi được thỏa mãn mới thôi. Nhưng thế nào mới là thỏa mãn? Khi có được những gì họ muốn thì họ lại muốn có thêm thứ khác, vì lòng ham muốn của con người là vô tận. Đôi khi lòng ham muốn tiềm ẩn dưới dạng chủng tử nằm sâu trong tiềm thức cho đến khi đủ duyên sẽ phát động. Karma Yoga nói rằng tư tưởng ham muốn sẽ dẫn dắt con người đến hoàn cảnh khiến họ phải học bài học mà họ cần. Ví dụ, người ham tiền tìm mọi cách để giàu có, đến khi tiền bạc đầy nhà thì lại mắc bệnh nan y, việc đó là để họ học bài học rằng tiền bạc không thể đảm bảo cho sức khỏe và hạnh phúc. Nhân quả trong vũ trụ này phức tạp vô cùng. May cũng như rủi, tốt cũng như xấu, đều nối kết với nhau, được cái này thì mất cái khác. Do đó, càng ham muốn nhiều thì người ta càng đau khổ nhiều. Các ham muốn tiền bạc, danh vọng, quyền lực thường đem lại sự việc không như ý hơn là niềm vui sướng, do đó việc bớt ham muốn chính là điều người ta cần phải học. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chính vì lòng ham muốn thúc giục con người hoạt động thay vì bất động, mà hoạt động là động lực của Karma Yoga giúp con người học bài học của mình, cho nên, nếu không có lòng ham muốn thì người ta sẽ bất động như gỗ đá, chẳng học được gì. Đôi khi lòng ham muốn sẽ đưa người ta đến với những người có thể đem đến bài học cho họ. Ví dụ, những người bủn xin, mê say tiền bạc thì thường gặp phải những người phung phí, kiếm bao nhiêu tiền đều bị họ tiêu hết bấy nhiêu. Những mối quan hệ vợ chồng, con cái đều do nhân quả đưa đến, có khi là tình, có khi là thù, có khi gặp để trả nợ và có khi gặp để đòi nợ.
Angie lên tiếng:
– Nếu tất cả đều do luật Nhân quả thì phải chăng các khổ đau của chúng ta hiện tại chỉ là kết quả của những đau khổ chúng ta đã gây ra cho người khác trước đây? Và mọi hành động làm cho người khác vui buồn lúc này sẽ tạo ra những hoàn cảnh tương tự như thế trong tương lai?
Ông Kris gật đầu:
– Nói giản dị thì chính là như thế. Tuy nhiên, khi trải qua vô lượng kiếp sống, chúng ta khó lòng biết được đâu là nguyên nhân và đâu là hệ quả. Một hoàn cảnh xảy ra đôi khi có thể khiến chúng ta nghĩ rằng nó trái với luật Nhân quả, nhưng thật ra còn những cái nhân sâu xa vốn được tích tụ từ lâu mà chúng ta không biết được. Ví dụ, bà có thể chứng kiến những người hung ác, xấu xa, tham lam, ích kỷ lại sống sung sướng trong sự giàu sang tột bực, trong khi người hiền lành, tốt bụng lại chịu nhiều nỗi đau khổ, gian truân. Tại sao thế? Đó là bởi những cái nhân mà họ đã gieo từ nhiều kiếp trước. Sự giàu sang của họ trong kiếp này là nhờ những nhân lành mà họ đã gieo từ trước, còn những việc làm xấu xa của họ ở kiếp này thì cũng đến lúc phải trả mà thôi. Không lúc này thì lúc khác, không kiếp này thì kiếp khác. Luật Nhân quả không bao giờ sai đâu.
Ông Kris dừng lại, nhìn khắp lượt, rồi nói tiếp:
– Luật Nhân quả đã thu xếp cho chúng ta sinh vào một tộc người, một quốc gia, hay một hoàn cảnh gia đình cụ thể để trả những nghiệp quả đã gây từ trước và đồng thời cũng tạo cơ hội cho chúng ta học hỏi để hiểu biết và tiếp tục tiến lên đời sống cao cả của các bậc thánh nhân. Trải qua vô lượng kiếp, tất cả chúng ta đều có sẵn một số nghiệp tích tụ, những nhân đã gieo từ kiếp trước và phải trả ở kiếp sau. Những nghiệp tích tụ này rất nhiều, không thể trả hết một lúc, nên chúng ta phải trải qua nhiều kiếp sống để trả dần. Vì nghiệp quả liên hệ đến nhiều người, mà mỗi lần chuyển kiếp thì người sinh ở nơi này, người sinh ở nơi khác, cũng có khi những đối tượng ân nợ của ta vẫn còn làm súc sinh chưa chuyển kiếp thành người, nên chúng ta không thể gặp hết để trả hay đòi trong một kiếp được. Một số nghiệp được thu xếp để trả ở kiếp này, một số trả ở kiếp khác. Tuy nhiên, nghiệp quả không phải là định mệnh, vì chúng ta có thể hành động để chuyển nghiệp được. Nghiệp quả chỉ là những động lực theo thời gian sẽ xảy ra nhưng chúng ta có thể tạo ra các động lực mới để sửa đổi chiều hướng của nó, khiến việc nặng có thể chuyển thành nhẹ.
Connie nãy giờ vẫn im lặng lắng nghe, đến giờ mới lên tiếng:
– Việc chuyển nghiệp mà ông nói là áp dụng cho cá nhân, còn nghiệp quả của số đông thì sao? Làm thế nào để thay đổi?
Ông Kris trả lời:
– Nhưng người được sinh vào cùng một nơi chốn hay quốc gia thường do sự sắp xếp để trả quả chung, mà ta gọi là cộng nghiệp. Do đó, các thiên tai như động đất, bão lụt, chiến tranh hay dịch bệnh ở một nơi chốn hay quốc gia nào đều ít nhiều do các nghiệp nhân của những con người tại đây đã gây từ trước mà nay họ phải sinh ra tại nơi này để trả. Tuy nhiên, những thiên tai, dịch bệnh này dù ghê gớm đến đâu thì vẫn có người không hề hấn gì. Có thể vì họ không gây nhân nên không phải trả quả, cũng có thể vì họ đã làm việc lành thiện nên chuyển từ nghiệp nặng thành nhẹ. Mỗi quốc gia có thể xem như một cá nhân trong vòng sinh hóa của trái đất. Tùy hành động vị tha hay ích kỷ mà quốc gia đó trở nên hùng cường hay suy bại. Không một quốc gia nào làm những điều hung ác như xâm lăng, chiếm đoạt, giết chóc mà có thể hưng thịnh lâu dài. Những đế quốc như Hy Lạp, La Mã, Mông Cổ,… chỉ hùng cường một thời gian rồi suy sụp. Cho đến nay, trải qua thời gian dài, những quốc gia này vẫn chưa vãn hồi được sự hưng vượng khi xưa. Con người sinh ra ở xứ nào là để học hỏi các đức tính của dân tộc xứ đó, vì mỗi nơi đều có những đặc thù văn hóa hay điều kiện đặc biệt giúp cho sự phát triển của họ. Một quốc gia phát triển thịnh vượng là nhờ những người tài giỏi được nhân quả thu xếp đến giúp cho quốc gia đó trở nên hùng cường. Một đất nước bị suy vong là do những người xấu xa, thấp kém được nhân quả đưa đến đó để làm cho lụn bại. Nếu một cá nhân có thể học hỏi để chuyển nghiệp thì một quốc gia cũng thế. Khi người dân xứ đó biết ý thức về nhân quả, biết làm điều lành, việc thiện, biết phát triển tình thương, biết giúp đỡ nhau, biết làm việc vì quyền lợi chung, thì xứ đó có thể giảm được rất nhiều tai kiếp.
Andrew im lặng từ đầu buổi, giờ cũng lên tiếng:
– Nói như vậy thì trong đời sống hiện nay, con người vừa trả quả, vừa gây thêm nhân, do đó mọi việc cứ chồng chất, bớt được chỗ này thì lại thêm vào chỗ khác. Mọi nơi, mọi quốc gia đều có người xấu và người tốt. Xã hội nào cũng có người này giúp người kia, nhưng người kia lại hại người nọ, ân oán cứ thế triền miên, có việc tốt cũng có việc xấu, cứ thế tiếp diễn thì làm sao có thể cắt đứt sợi dây nhân quả?
Ông Kris nhìn Andrew mỉm cười:
– Ông nói đúng đó. Sợi dây nhân quả vô cùng phức tạp nhưng nghiệp quả dù nặng đến đâu vẫn có thể giảm bớt nhờ sự hiểu biết, phát triển tình thương. Những người hiểu biết, dù bị đối xử bất công, vẫn biết tha thứ, không trả thù. Những người đã ý thức được nhân quả sẽ biết chấp nhận, không than vãn oán trách, đồng thời phát triển lòng từ bi hướng đến người xung quanh. Khi một số đông đã hiểu biết, sống đời lành thiện thì có thể tạo ra những động lực mới, thay đổi nghiệp lực cũ, cải thiện số phận quốc gia.
Connie lên tiếng:
– Tôi được biết ngoài Karma Yoga, ông còn dạy thiền nữa phải không? Khi tập Yoga, tôi cũng ngồi thiền khoảng mười phút trước khi tập.
Ông Kris mỉm cười:
– Hiện nay nhiều nơi dạy Yoga hay thể dục cũng hướng dẫn mọi người ngồi yên mười phút để cho đầu óc thoải mái trước khi tập. Nhưng việc đó không dính dáng gì đến thiền định hết.
Connie ngạc nhiên:
– Tại sao thế, tôi tưởng đó chính là thiền định chứ?
Ông Kris giải thích:
– Các phòng tập thể dục hay Yoga có trào lưu thêm thắt vài phương pháp mà họ gọi là thiền định Yoga hay khí công vào bài tập nhằm mục đích quảng cáo hay tạo ra vẻ huyền bí thôi. Không ai có thể ngồi thiền chỉ trong vòng vài phút như thế được. Nếu thực tập thiền định bà phải ngồi ít nhất nửa giờ hay lâu hơn nữa. Việc ngồi yên vài phút rồi đứng lên tập thể thao không dính dáng gì đến thiền định cả. Đó chỉ là một cách để nghỉ ngơi, xả giãn đầu óc trước khi tập thể thao thôi.