HẠNH LẮNG NGHE

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích "Trái tim của Bụt"; NXB Tổng Hợp TP.HCM

Trong giới thứ tư của năm giới, chúng ta học: “Biết rằng lời nói có thể đem lại khổ đau hay là hạnh phúc cho nên tôi thực tập chánh ngữ để có thể làm vơi bớt khổ đau và mang lại hạnh phúc cho người.”. Và một điều thực tập cần thiết là hạnh lắng nghe. Cái nói liên hệ tới cái nghe. Nói mà không biết nghe tức là chưa có chánh ngữ. Muốn cho lời nói của ta là chánh ngữ thì ta phải lắng nghe người khác. Cho nên tập lắng nghe là một phần của sự thực tập chánh ngữ. Điều này là một ý kiến mới bổ túc cho giới thứ tư. Từ nay nói về chánh ngữ ta phải nói cả về chánh thính (right listening). Trong kinh ta vẫn đọc: “Chúng con xin học hạnh lắng nghe”, tức là hạnh của bồ tát Quán Thế Âm. Nếu không nghe, thì ta sẽ không hiểu và chánh ngữ sẽ không vững vàng. Trong Kinh có danh từ đế thính: Nhữ đẳng tỳ kheo đương đế thính, này các tỳ kheo, các thầy lắng nghe tôi nói đây. Đế thính là lắng nghe cho kỹ. Chữ đế này giống như trong tứ đế. Đế thính là nghe với tất cả tấm lòng của mình, nghe với một tâm hồn lắng dịu, không sôi động, không thành kiến. Đế thính là một nghệ thuật; nếu tâm hồn còn xao động, còn đầy dẫy tư duy và thành kiến, nếu chỉ dùng trí năng (intellect) của mình để nghe, đó chưa phải là đế thính. Có một Kinh về Bát chánh đạo, thay vì dùng từ chánh ngữ đã dùng từ đế ngữ và chánh định thì gọi là đế định. Đế thính cần cho đế ngữ. Vậy khi nghe, ta đừng nghe với thành kiến. Ta phải nghe bằng cả trái tim của mình. Phải nghe bằng cái tâm trống không, nghe như vậy mới có thể hiểu được. Nghệ thuật nghe là không phải chỉ nghe bằng tai. Mắt theo dõi người nói, nét mặt tự nhiên biến đổi theo những lời phát biểu, ta nghe bằng toàn thể thân tâm ta. Nhiều khi chỉ cần lắng nghe thôi ta đã giúp cho người bớt khổ rồi.

Có những lúc ta chỉ nghe bằng tai, còn tâm ta không nghe, trong tâm ta vẫn đang nói. Tuy không nói thành lời, nhưng ở trong lòng ta tầm và từ đầy ắp, không còn chỗ để ta nghe nữa. Nghe một câu, trong lòng ta có phản ứng. Tuy không nói ra nhưng trong tâm ta đã bắt đầu phê bình, lên án, bắt bẻ, v.v… Như vậy không phải là đế thính. Nghe lời dạy của Bụt ta phải đế thính, mà nghe lời của những người khổ đau ta cũng phải đế thính. Nghe lời của bạn hay của thù cũng phải đế thính. Trong tâm lý học Tây phương có phương pháp nghe gọi là emphatic listening, tức là vừa nghe vừa đồng nhất mình với người nói, không lên án, không chê bai, không có thành kiến. Emphatic listening, dịch tiếng Việt là nghe thẩm thấu, nghe và để lời nói thấm vào. Khi lắng nghe những người khổ đau, như bác sĩ tâm lý trị liệu, thì ta phải nghe với tất cả tâm hồn. Lắng nghe như vậy người nói cảm thấy rằng họ có thể nói sự thật và họ sẽ nói sự thật. Muốn nghe như vậy trong lòng phải đạt một trình độ tĩnh lặng, một mức độ từ bi.

Người bác sĩ tâm lý trị liệu phải có từ bi và tĩnh lặng, phải có tuệ giác ở trong lòng thì phẩm chất của sự trị liệu mới cao. Cho nên người bác sĩ tâm lý trị liệu nào cũng phải thực tập chánh kiến, phải thực tập đế thính, phải thực tập từ bi. Khi ta nghe mà mắt ta biểu lộ hiểu biết và thương yêu thì người nói mới có can đảm nói những điều họ chưa bao giờ nói. Chỉ ngồi nghe không thôi đã làm sứ giả của Như Lai rồi.

Ở Làng Hồng đại chúng có Hiệp Ước Sống Chung An Lạc, một phương pháp rất mầu nhiệm. Thực tập Hiệp Ước Sống Chung An Lạc phải quán chiếu, nhìn sâu sắc vào chính ta và vào người khác, đó là phép thực tập căn bản. Không phải cứ họp nhau, nói qua nói lại là có thể giải quyết các vấn đề. Cần thực tập chánh ngữ, căn cứ trên sự thực tập chánh kiến và chánh tư duy. Có chánh kiến và chánh tư duy thì tự nhiên có tình thương. Khi tất cả mọi người đều đã nắm được nghệ thuật đế thính và chánh ngữ, những lời nói ra đều mang chất liệu của sự hiểu biết, của lòng tha thứ và thương yêu. Danh từ đế thính (sravana) ta đọc thấy trong Kinh Trường A Hàm, cũng có thể tìm thấy ở Thắng Thiên Vương Bát Nhã Kinh. Sau này mỗi khi nói đến chánh ngữ thì chúng ta phải nói tới đế thính, tại vì nghe là một phần quan trọng của nói. Nếu không biết nghe thì ta sẽ không biết nói.

Một vài điều ta cần nói thêm để kết luận về phần thế gian, tức là phần tục đế, của chánh ngữ. Chúng ta biết, cũng như khi thực tập chánh tư duy, muốn thực tập chánh ngữ ta phải liên hệ với sự thực tập quán chiếu về tưởng (perception). Thực tập Chánh ngữ, ta phải thấy sự liên hệ với chánh niệm hoặc thất niệm. Nếu sống trong thất niệm mãi thì chúng ta không có hy vọng tiến bộ trên con đường thực tập chánh ngữ. Nói phải biết rằng mình đang nói gì. Trước khi nói ta biết ta sẽ nói gì, chứ đừng có để lời nói chạy ra trước rồi mình chạy theo sau.

Tu tập chánh niệm giúp ta nắm được thân, tâm và ngôn ngữ của ta.

Thực tập chánh ngữ phải quan tâm đến tập khí. Ta có những tập khí, những thói quen, cho nên đôi khi lời nói ta chỉ là phản ứng rất máy móc. Nghe một điều, ta tự nhiên có những phản ứng tự động và bật nói ra. Đó là do tập khí. Chúng ta phải nhận diện các tập khí, mỉm cười mỗi khi chúng xuất hiện, và nói: “tập khí ơi, chào mi!”. Rồi thực tập chánh ngữ, tình thương và bồ đề tâm. Cần quán chiếu, cần thấy nỗi khổ của người, cần thấy hạt giống của niềm vui nơi người, nhờ đó ta có thể tạo hạnh phúc cho những người xung quanh ta. Ta có thể ban phát rất nhiều hạnh phúc, chỉ cần nhờ thực tập chánh ngữ. Và cố nhiên khi tạo nên hạnh phúc cho người thì chính ta không thể nào không có hạnh phúc.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỪ BI LÀ NHÂN MÀ TRÍ TUỆ LÀ QUẢ
  2. LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM
  3. ĂN CHAY NHƯ LÀ MỘT TRỊ LIỆU

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH