SỨC MẠNH CỦA SỰ TƯỞNG TƯỢNG

RICHARD NICHOLLS

Trích: Cân Bằng Cảm Xúc Cả Lúc Bão Giông; Việt dịch: Phương Nguyễn; NXB. Thế giới, 2020

Khi bạn đã kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc của mình, bạn có thể bắt đầu sử dụng não bộ một cách hiệu quả hơn và chuyển suy nghĩ theo một hướng tích cực.

Suy nghĩ tích cực là một cụm từ bị lạm dụng quá mức và thường gắn với những câu thần chú như câu nói nổi tiếng của Émile Coué (1): “Mỗi ngày trôi qua, tôi sẽ ngày càng tiến bộ hơn trên mọi phương diện”, dù câu nói đó thường được trích dẫn trong những lời châm biếm. Nhưng những câu thần chú như thế liệu có thực sự hiệu quả? Tôi nghĩ là có, ở một mức độ nhất định. Dù sao não bộ cũng không thể phân biệt giữa sự thật và trí tưởng tượng, tôi sẽ quay lại nói rõ điều này sau. Bất kể thế nào, tôi chắc chắn sẽ không khuyến khích bạn hãy làm điều ngược lại và nhủ thầm: “Mỗi ngày trôi qua, tôi sẽ ngày càng tệ hại hơn trên mọi phương diện”.

Nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào suy nghĩ tích cực. Nếu tận sâu trong đáy lòng ta biết điều đó là không đúng, vậy thì những câu nói như vậy cũng chẳng có tác dụng gì nhiều, và thực tế còn có thể khiến chúng ta cảm thấy tệ hại hơn khi những nỗ lực bỏ ra trở thành vô ích. Rất nhiều bài nghiên cứu đã chỉ ra hiệu ứng tiêu cực phản trực giác khi nghĩ đến việc hoàn thành mục tiêu, ấy vậy mà nhiều cuốn sách self-help khuyên bạn nên dành nhiều thời gian để thực hiện điều đó. “Nếu bạn thấy được, bạn sẽ làm được!” không phải là tất cả.

Tôi sẽ lý giải vì sao. Tôi đã nhắc tới việc não bộ không phân biệt được giữa sự thật và tưởng tượng. Chắc chắn bạn cũng đã gặp những trải nghiệm chứng thực điều đó rất nhiều lần. Nếu bạn từng xem Bạn đã bị gài (2) và rùng mình khi tinh hoàn của một người đàn ông bị nghiền nát một cách đầy đau đớn do mắc vào khung xe đạp, bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Cũng tương tự như vậy, hồi con trai tôi còn nhỏ, nó thường xuyên về nhà với một tờ giấy nhắn từ giáo viên, yêu cầu phụ huynh hãy kiểm tra xem tóc con mình có chấy hay không. Cho đến giờ tôi cũng chưa một lần có chấy trên đầu nên tôi không biết cảm giác sẽ như thế nào, nhưng tôi có thể tưởng tượng. Cũng bởi tôi có thể tưởng tượng, não bộ truyền tín hiệu tới da đầu, như thể tôi thực sự có chấy. Thậm chí giờ viết ra những dòng này cũng khiến đầu tôi ngứa ngáy. Sau khi nghĩ tới lũ chấy trên đầu, có lẽ bạn cũng bắt đầu có cảm giác ngứa rồi đấy.

Lý do là bởi khi bạn nghĩ đến một việc gì đó, não bộ sẽ phát ra nơron giống như sự việc đang thực sự xảy ra.

Đây là điều tốt, nhưng cũng có thể là một nỗi phiền toái.

Nếu bạn tưởng tượng mình đang dắt chó đi dạo với nụ cười vui vẻ trên môi, có khả năng điều ấy sẽ xảy ra.

LIU SHIKUN

Liu Shikun sinh năm 1939, tại một tỉnh gần Bắc Kinh, Trung Quốc. Cha của ông là một ca sĩ được đào tạo bài bản. Từ khi Shikun còn rất nhỏ, ông đã được khuyến khích đi theo nghiệp của cha mình và đến khi ba tuổi, ông đã có thể chơi piano. “Tôi ngồi trên đùi cha mình…”, ông nói, “… vì tôi không thể với tới phím đàn.”

Cha ông dạy cách ghi nhớ những bản nhạc cổ điển bằng việc ngân nga theo giai điệu, tới khi năm tuổi, cậu bé Shikun đã có thể ngân nga toàn bộ các bản giao hưởng của Beethoven; chưa tới sáu tuổi đã trình diễn dương cầm trước công chúng.

Mọi người ai cũng kì vọng những điều tốt đẹp nhất về ông, và tới năm 12 tuổi, ông đăng kí vào học viện âm nhạc dành cho những người có tài năng thiên bẩm. Năm 17 tuổi, ông đã đủ điêu luyện để tham dự các cuộc thi quốc tế, và (khá lạ lùng) được tặng một mớ tóc của nhà soạn nhạc người Hungary, Franz Liszt (3), sau khi giành được hai giải thưởng tại Cuộc thi Dương cầm Quốc tế Liszt tại Hungary vào năm 1956.

Chẳng mấy chốc, Shikun đã trở thành một trong những nghệ sĩ trình diễn giao hưởng hàng đầu Trung Quốc. Chuyện là như thế cho tới năm 1966, với sự ra đời của cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông (4). Để có thể đạt được mục tiêu gìn giữ những tư tưởng “đúng đắn” bằng cách loại bỏ những tàn dư của chủ nghĩa tư bản ra khỏi xã hội Trung Quốc, hàng ngàn nghệ sĩ, nhà văn và nhà soạn nhạc đã bị tống vào ngục, nhạc cổ điển trở thành bất hợp pháp. Đáng buồn thay, Liu cũng bị bắt giữ trong suốt sáu năm.

Trong sáu năm ấy, Shikun không có việc gì làm, và cũng chẳng tương tác với ai ngoài những tên gác ngục, những kẻ thỉnh thoảng đánh đập ông. Khi chẳng có việc gì để làm, cũng chẳng có dương cầm để chơi, Shikun chỉ có thể tới một nơi duy nhất, thế giới tưởng tượng. Tuy là người khá kín đáo nhưng ông đã trả lời vài cuộc phỏng vấn trong những năm qua. Một trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên là với tờ tạp chí People (5), bảy năm sau khi ông được thả vào năm 1979. Ông đã kể việc mình ngồi trong căn ngục, ngày này qua ngày khắc, đêm này qua đêm khác, luyện tập bản concerto (6) yêu thích trong tâm tưởng. Ông bước lên sân khấu, gật đầu với khán giả bên dưới, hất tung phần đuôi áo, ngồi xuống trước cây dương cầm Steinway (7) rồi bắt đầu chơi nhạc. Bản concerto số 1, giọng Si giáng thứ, Op. 23, sáng tác bởi Pyotr Ilyich Tchaikovsky năm 1875, và được Liu Shikun chơi trong tâm trí suốt sáu năm.

Mỗi ngày ông đều trình diễn bản concerto số 1 giọng Mi thứ của Franz Liszt theo cách hết sức sôi nổi cho khán giả thân mến, với những cung bậc buồn vui thất thường trong khi cả dàn nhạc giao hưởng hào hứng đuổi theo tốc độ nguy hiểm của tiếng đàn dương cầm.

Liu không chỉ ghi nhớ bản nhạc, ông đã sống cùng với nó. Ông cảm nhận được sự ấm áp của ánh sáng và sự mát lạnh của những phím đàn dương cầm. Ông đắm chìm trong mùi hương của chiếc Steinway năm 1914, cái mùi thoang thoảng của gỗ xạ già được đánh bóng, trước khi nhìn người chỉ huy đứng trên bục biểu diễn. Ông dõi theo và lắng nghe tiếng người chỉ huy gõ cây gậy vào giá nhạc, trong lòng bừng lên nỗi phấn khích khi cả dàn nhạc bắt đầu chơi.

Ông viết cả những bản nhạc mới, thậm chí cả một bản concerto dù không có bút, cũng chẳng có giấy để ghi lại. Ông đã thu âm bản nhạc vào trong tâm trí, mỗi ngày ông chơi hết lần này tới lần khác, khóa chặt nó vào một miền ký ức.

Mỗi ngày Shikun đều trải nghiệm điều này trong suốt những năm ở tù, dù cho cánh tay bị thương do đánh đập. Trong tâm trí, ông vẫn hết sức điệu nghệ, khỏe mạnh và giỏi giang. Ngay sau khi được thả, ông tiếp tục chơi nhạc, vì chính phủ Trung Quốc muốn chứng tỏ nghệ sĩ dương cầm hàng đầu của đất nước vẫn còn sống và dập tắt tin đồn ông bị giết hoặc bị chặt tay. Bất chấp việc không nhìn thấy cây dương cầm thực sự nào trong suốt sáu năm liền, ông vẫn chơi đàn xuất sắc như xưa, cứ như thể ông dành hàng giờ liền luyện tập để giữ vững phong độ giống như bao nghệ sĩ điêu luyện khác.

Đó chính là sức mạnh của trí tưởng tượng – một khả năng chúng ta đều có nhưng thường xem nhẹ hoặc không dùng đến. Khả năng này sẽ trở thành kĩ năng với sự luyện tập thường xuyên, nó có thể dẫn chúng ta tới thành công hoặc thất bại, dựa vào việc chúng ta làm gì với nó.

Chú thích

(1) Emile Coué de la Châtaigneraie là một nhà tâm lý học và dược sĩ người Pháp, đã giới thiệu một phương pháp phổ biến của tâm lý trị liệu và tự cải thiện dựa trên tự kỷ tranh chấp lạc quan.

(2) You’ve Been Framed là một chương trình truyền hình của Anh. Khán giả gửi những video hài hước tự quay tới chương trình để tạo ra tiếng cười.

(3) Franz Liszt (1811-1886) là một nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc người Hungary. Ông là người biểu diễn có danh tiếng ở khắp châu Âu vào thế kỉ 19, đặc biệt là nhờ có kỹ thuật điêu luyện trên bàn phím. Ngày nay, ông vẫn được xem như là một trong những nghệ sĩ Piano lớn nhất từ trước đến nay.

(4) Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản là một phong trào chính trị xã hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ tháng 5/1966 tới tháng 10/1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên cũng được gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa”.

(5) Tạp chí People (Con người hoặc Dân Chúng), tên gốc People Weekly là một tuần báo của Mỹ chuyên viết về những người nổi tiếng.

(6) Concerto: một tác phẩm âm nhạc thường soạn thành 3 phần: khoan thai, chậm, nhanh. Trong đó, một nhạc cụ ví dụ: piano, violin, cello hay sáo sẽ giao hưởng cùng một dàn nhạc.

(7) Được thành lập ngày 5-3-1853 tại New York bởi Heineich Engelhard Steinway, Steinway & Sons được xem là nhà tiên phong đích thực trong ngành công nghiệp sản xuất, chế tác đàn dương cầm hiện đại.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ TƯỞNG TƯỢNG: SỨC MẠNH LỚN NHẤT CỦA CHÚNG TA
  2. SỰ QUÁN TƯỞNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ