RỦI RO THỰC SỰ LẠI NẰM TRONG NHỮNG CUỘC SỐNG KHÔNG RỦI RO

ROBIN SHARMA

Trích: Điều Vĩ Đại Đời Thường - The Greatness Guide; Phạm Anh Tuấn dịch; NXB. Trẻ

✨Chấp Nhận Rủi Ro Trong Cuộc Sống

Tôi từng thất bại nhiều hơn bất cứ người nào. Tôi thất bại mọi lúc. Tôi thất bại trong công việc. Tôi thất bại trong các mối quan hệ. Tôi thất bại trong đời. Tôi từng tự hỏi tại sao lại như vậy. Tôi từng đóng vai thảm bại và đau khổ vì mãi cứ là một nạn nhân. Nhưng giờ đây tôi đã nắm được nó. Tôi vẫn vấp ngã trên đường hướng tới một cuộc đời tươi đẹp. Thất bại là giá phải trả cho sự vĩ đại. Thất bại là thành phần cần thiết cho thành tựu rực rỡ. Chuyên gia về vấn đề cách tân David Kelly đã viết rằng: “Thất bại càng nhanh, thành công càng sớm”. Bạn không thể chiến thắng mà không rời bỏ khu vực an toàn của mình để nhận lấy vài rủi ro có tính toán. Không rủi ro, không phần thưởng. Và càng chấp nhận nhiều rủi ro khi theo đuổi mơ ước trong đời, bạn càng có khả năng gặp thất bại.

Rất nhiều người trong chúng ta thích sống trong một ao nhà an toàn, nhiều thứ quen thuộc. Cũng buổi sáng như thế suốt 20 năm. Cũng đi làm như thế 20 năm. Cũng nói chuyện như thế 20 năm. Cũng suy nghĩ như thế 20 năm. Tôi không xét đoán gì về một kiểu sống như thế, Nếu nó khiến bạn hạnh phúc thì tốt thôi, Nhưng tôi không chắc liệu có ai hạnh phúc khi sống như vậy chăng. Nếu cứ duy trì những gì đang làm, bạn sẽ tiếp tục nhận những gì mình đang nhận. Einstein định nghĩa sự điên rồ là khi làm cùng một kiểu nhưng lại mong đợi kết quả khác nhau. Thế mà nhiều người vẫn điều khiển cuộc sống theo cách đó. Niềm vui thực sự sẽ đến khi bạn chấp nhận rủi ro trong cuộc sống để nắm bắt cơ hội. Đúng, bạn sẽ khởi đầu với những kinh nghiệm thất bại. Nhưng bạn đoán xem? Thành công cũng đồng thời bắt đầu viếng thăm bạn.

Thất bại chỉ là một phần trong tiến trình bước vào thế giới. “Hỏng việc chính là dấu hiệu của sự xuất sắc”, nhà tư vấn quản lý Tom Peter đã nói thế. Công ty thành công nhất trên trái đất thường gặp thất bại nhiều hơn những công ty trung bình khác.

✨Rủi ro thực sự lại nằm trong những cuộc sống không rủi ro.

Không Thất Bại Nào Giống Sự Thành Công

Richard Carrion, CEO của một ngân hàng lớn tại Puerto Rico, từng chia sẻ với tôi một câu mà tôi không bao giờ quên: “Robin ạ, không thất bại nào giống sự thành công”. Một câu đầy ý nghĩa. Bạn, cũng như công ty của bạn, trở nên dễ tổn thương nhất khi thành công nhất. Thành công chắc chắn sẽ tạo mầm mống cho tính tự mãn, sự bất tài và tệ nhất là tính kiêu ngạo. Khi người ta đang trên đà thành công trong công việc, họ thường mến thương bản thân. Họ ngưng chăm chỉ, không dám chấp nhận rủi ro và ngủ quên trên chiến thắng. Họ tiếp tục phòng thủ, ra sức bảo vệ lấy thành công của mình thay vì sống thực tế với những gì giúp họ lên đỉnh cao. Mỗi khi tôi chia sẻ suy nghĩ này với các CEO khác, ai nấy đều gật đầu đồng ý. Sau đây là một minh chứng có thật xảy ra trong đời tôi.

Càng thành công, bạn càng phải khiêm tốn và tận tâm với khách hàng của mình.

Vào một dịp cuối tuần, tôi đưa các con đến một nhà hàng Ý. Thức ăn tại đây không chê vào đâu được, các món kiểu Ý nấu ngon miệng đến nỗi tôi muốn làm việc tại đây để được ăn mỗi ngày. Nhưng cách phục vụ tại nhà hàng này thì quá tệ (giống như bao nhà hàng bình dân khác). Tại sao? Bởi vì nơi đây luôn luôn đông khách. Và bởi vì đang làm ăn rất phát đạt, họ cho đó là điều hiển nhiên. Rồi chuyện gì xảy ra? Nó khởi đầu cho sự tàn lụi.

Tôi thích chụp ảnh. Bố tôi dạy tôi cách ghi lại đường đời của mình qua những bức ảnh, nên tôi thường mang theo máy ảnh. Tôi bèn nhờ một cô phục vụ chụp bức ảnh ba cha con đang ăn món spaghetti. Cô ta trả lời “Tôi đâu có rảnh!”. Không thể tin nổi. Quá bận không dành nổi năm giây để làm vui lòng khách. Quá bận không thể giúp nhau. Quá bận để biểu lộ tình người.

“Không thất bại nào giống sự thành công”. Richard Carrion nhận định điều này. Tổng giám đốc hãng hàng không JetBlue, David Neeleman, cũng vậy: “Khi bạn đang kiếm ra tiền và lợi nhuận cao, bạn có xu hướng sống cẩu thả”. Nhiều CEO không như thế. Càng thành công, bạn càng phải khiêm tốn và tận tâm với khách hàng của mình. Càng phải tận tụy với hiệu quả công việc và phát triển không ngừng. Càng phải làm việc nhanh hơn. Càng phải thêm giá trị cho mình. Bởi vì ngay lúc bạn ngừng không thực hiện những gì giúp mình lên đến đỉnh núi cao, thì bạn liền bắt đầu tụt dốc xuống chân núi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HỌC HỎI TỪ SAI LẦM NHIỀU HƠN TỪ THÀNH CÔNG
  2. ĐƯỜNG TỚI THÀNH CÔNG
  3. CHÌA KHÓA CỦA THÀNH CÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NGƯỜI CHO ĐI NHIỀU NHẤT SẼ THẮNG
  2. KHÁM PHÁ NGƯỜI LÃNH ĐẠO NỘI TÂM
  3. SỐNG ĐỜI TỐT ĐẸP

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ