CHÖGYAM TRUNGPA
Trích: Xã Hội Giác Ngộ-Shanbhala Con Đường Thiêng Liêng Của Người Chiến Sĩ; Ban dịch thuật: Thiện Tri Thức
Hiểu rõ sợ hãi không phải là duyên cớ cho thất vọng và chán nản. Vì chúng ta có nỗi sợ như vậy, chúng ta mặc nhiên có quyền kinh nghiệm sự không sợ hãi. Không sợ hãi chân thật không phải là giảm trừ sự sợ hãi, mà vượt khỏi sợ hãi.
Để kinh nghiệm tính không sợ hãi, cần phải kinh nghiệm sự sợ hãi. Cốt lõi của sự hèn nhát là không hiểu biết thực thể của sợ hãi. Sợ hãi có thể khoác nhiều hình thức. Một cách logic, chúng ta biết chúng ta không thể sống mãi. Chúng ta biết rằng chúng ta sẽ chết, thế nên chúng ta sợ hãi. Chúng ta cứng đờ vì cái chết của chúng ta. Ở một cấp độ khác, chúng ta sợ rằng chúng ta không thể dàn xếp những đòi hỏi của thế giới. Sự sợ hãi này biểu lộ như một cảm giác thiếu tự tin. Chúng ta cảm thấy rằng cuộc đời chúng ta bị tràn ngập, và đương đầu với thế giới còn lại thì càng tràn ngập hơn. Bấy giờ có một sợ hãi đột ngột, hay kinh hoàng, khởi lên khi những tình huống mới thình lình xảy ra trong đời chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy không thể quản lý chúng, chúng ta nhẩy nhổm hoặc co giật lại. Đôi khi sợ hãi biểu lộ trong hình thức không yên: nguệch ngoạc trên tờ giấy, chơi với những ngón tay, hay cựa quậy trong ghế. Chúng ta cảm thấy rằng chúng ta phải giữ cho mình chuyển động mọi lúc, như một máy xe hơi đang chạy. Những pít tông lên xuống, lên xuống. Bao giờ những pít tông còn chuyển động, chúng ta thấy an toàn. Ngược lại, chúng ta sợ mình sẽ chết ngay tại chỗ.
Có vô số chiến thuật mà chúng ta dùng để đem nỗi sự hãi ra khỏi tâm thức. Một số người dùng thuốc an thần. Một số người tập yoga. Một số xem ti vi hay đọc báo hay đến quán uống bia. Từ quan điểm của người hèn nhát, buồn chán cần phải tránh, bởi vì khi chúng ta buồn chán chúng ta bắt đầu cảm thấy lo âu. Chúng ta thân thiết hơn với nỗi sợ hãi của chúng ta. Sự tiêu khiển thì nên cổ vũ và tư tưởng nào chết chóc thì nên tránh. Thế nên nhút nhát là cố gắng sống cuộc đời mình như thể cái chết không có mặt. Đã có những thời kỳ trong lịch sử người ta tìm kiếm thuốc trường sinh. Nếu có một thứ như vậy, nhiều người thấy nó chắc chắn là khủng khiếp lắm. Nếu họ phải sống trong thế giới này một ngàn năm không chết, thì không bao lâu sau ngày sanh, họ chắc phải tự tử. Dù bạn có sống mãi mãi, bạn cũng không thể tránh được sự thật của cái chết và khổ đau quanh bạn.
Sợ hãi phải được hiểu rõ. Chúng ta phải thấu hiểu sự sợ hãi của chúng ta và tự hòa giải với sợ hãi. Chúng ta cần xem chúng ta di chuyển thế nào, chúng ta cư xử thế nào, cắn móng tay như thế nào, có khi thọc tay vào túi quần một cách vô ích như thế nào. Bấy giờ chúng ta sẽ tìm ra một cái gì về sự sợ hãi được biểu lộ trong hình thức không yên nghỉ như thế nào. Chúng ta phải đối diện với sự kiện sợ hãi đang ẩn nấp trong đời sống chúng ta, luôn luôn trong mọi việc chúng ta làm.
Mặt khác, hiểu rõ sợ hãi không phải là duyên cớ cho thất vọng và chán nản. Vì chúng ta có nỗi sợ hãi như vậy, chúng ta cũng mặc nhiên có quyền kinh nghiệm sự không sự hãi. Không may, trong ngôn ngữ Anh, chúng ta không có một từ để chỉ điều đó. Không sợ hãi (vô bố úy) là từ gần nhất, nhưng không sự hãi (tiếng Anh fear less) chúng ta không muốn nói rằng ít sợ hãi, “less fear”, mà là “vượt khỏi sợ hãi”.
Vượt khỏi sợ hãi bắt đầu khi chúng ta xem xét sự sự hãi của chúng ta: sự lo âu, bồn chồn, lưu tâm và không yên nghỉ. Nếu chúng ta nhìn vào sự sợ hãi của chúng ta, nếu chúng ta nhìn xuống dưới vẻ bề ngoài của nó, cái đầu tiên chúng ta thấy là sự buồn rầu, bên dưới sự bồn chồn. Bồn chồn là quay quắt, rung động luôn luôn. Khi chúng ta chậm lại, khi chúng ta thư giãn với sự sự hãi của chúng ta, chúng ta tìm thấy sự buồn rầu, nó thì yên tĩnh và dịu dàng. Sự buồn rầu đánh vào tim bạn và thân bạn chảy một giọt nước mắt. Trước khi bạn khóc, có một cảm giác trong lồng ngực, và sau đó bạn chảy nước mắt. Bạn sắp chảy nước mắt thành dòng và bạn cảm thấy buồn và một mình, và có lẽ lãng mạn cùng một lúc. Đó là phần đầu tiên của sự không sợ hãi, và dấu hiệu đầu tiên của tính chiến sĩ đích thực. Bạn có thể nghĩ rằng, khi bạn kinh nghiệm sự không sợ hãi, bạn sẽ nghe phần mở đầu của bản giao hưởng số Năm Beethoven hay thấy một sự nổ lớn trên bầu trời, nhưng nó không xảy ra theo cách đó. Trong truyền thuyết Shambhala, khám phá sự không sợ hãi đến từ sự làm việc với sự mềm dịu của lòng người.
Sự ra đời của người chiến sĩ thì giống như sự mọc sừng lần đầu của một con nai tuyết. Ban đầu, những cái sừng rất mềm và gần như cao su, chúng có một ít lông mọc trên đó. Chúng chưa phải là sừng: chúng chỉ là sự lớn lên lõng bõng với máu bên trong. Rồi nai tuyết lớn dần, những cái sừng mạnh thêm, phát triển cứng chắc thành bốn nhánh hay mười nhánh hay thậm chí bốn mươi nhánh nhọn. Sự không sợ hãi vào lúc đầu, giống như những cái sừng lõng bõng này. Chúng giống như những cái sừng nhưng bạn hoàn toàn không thể chiến đấu với chúng. Khi một con nai tuyết lần dầu mọc sừng, nó không biết dùng chúng để làm gì. Nó phải cảm thấy rất lúng túng khi có những cái mềm mại, phồng lên trên đầu. Nhưng rồi con nai tuyết bắt đầu nhận thức nó cần có sừng: sừng là phần tự nhiên của con nai tuyết. Cũng như vậy, khi một người lần đầu làm nảy sanh tấm lòng dịu dàng từ ái của người chiến sĩ, người ấy cảm thấy cực kỳ lúng túng hay mơ hồ về việc làm sao liên hệ với loại không sợ hãi này. Nhưng bấy giờ, khi bạn càng lúc càng kinh nghiệm sự buồn rầu này nhiều hơn, bạn thấu hiểu rằng con người cần phải dịu dàng và mở rộng. Thế nên bạn không cần cảm thấy thẹn thùng hay bối rối nữa về sự dịu dàng. Thật vậy, sự mềm mại của bạn bắt đầu trở thành bi mẫn. Bạn muốn trải rộng bạn đến những người khác và tương thông với họ.
Khi sự dịu dàng này tiến hiển theo chiều hướng đó, bấy giờ bạn thực sự có thể cảm thông thế giới quanh bạn. Những tri giác giác quan trở nên những cái rất thú vị. Bạn đã dịu dàng và mở rộng đến độ bạn không thể ngăn chặn được việc mở chính bạn ra với những sự việc xảy ra quanh bạn. Khi bạn thấy đỏ hay lục hay vàng hay đen, bạn đáp ứng với chúng từ đáy lòng mình. Khi bạn thấy ai đó khóc hay cười hay sợ hãi, bạn đáp ứng với những điều đó. Ở điểm này, cấp độ bắt đầu của sự không sợ hãi được phát triển hơn nữa thành tính chiến sĩ. Khi bạn bắt đầu cảm thấy thoải mái làm người dịu dàng và tử tế, những cái sừng nai tuyết của bạn không còn ít lông mọc trên chúng nữa – chúng đã thành những cái sừng thật sự. Những hoàn cảnh trở nên rất thật, hoàn toàn thật, và mặt khác, hoàn toàn bình thường. Sợ hãi tiến triển thành không sợ hãi một cách tự nhiên, rất giản dị và hoàn toàn thẳng tắp.
Lý tưởng của tính chiến sĩ là người chiến sĩ phải biết buồn rầu và dịu dàng, và nhờ vậy người chiến sĩ có thể rất can đảm. Không có nỗi buồn rầu cảm thông sâu sắc này, sự can đảm là bấp bênh, như một cái tách Trung Hoa. Nếu bạn làm rơi nó, nó sẽ vỡ. Nhưng sự can đảm của người chiến sĩ thì giống như một cái tách sơn mài, nó làm bằng gỗ phủ lớp sơn mài. Nếu nó rơi, nó sẽ nảy tung lên thay vì bể tan. Nó đồng thời vừa mềm vừa cứng.