BẠN THỰC SỰ TỰ DO KHI KHÔNG PHẢI LÀ CON NGƯỜI

DEEPAK CHOPRA

Trích: Cuốn sách của những bí mật; Deepak Chopra; Thế Anh dịch; NXB Hồng Đức;2021

(Tìm hiều về DEEPAK CHOPRA  tại đây: VỀ TÁC GIẢ )

DEEPAK CHOPRA

DEEPAK CHOPRA

BẠN THỰC SỰ TỰ DO KHI KHÔNG PHẢI LÀ CON NGƯỜI

Cách đây 7 năm, trong một ngôi làng nhỏ gần New Delhi, tôi đã ngồi trong một căn phòng nhỏ, chật chội cùng với một ông già và một thầy tu trẻ. Thầy tu ngồi trên sàn nhà và nghiêng mình qua lại khi ngâm nga từng câu chữ được in trên một tài liệu trông rất cổ làm bằng vỏ cây. Tôi lắng nghe và không hiểu thầy tu đang ngâm nga điều gì. Anh ta đến từ vùng cực nam và ngôn ngữ của anh ta, tiếng Tamil, rất xa lạ với tôi. Tuy nhiên, tôi biết là anh ta đang kể cho tôi nghe về câu chuyện đời tôi, cả quá khứ lẫn tương lai. Tôi tự hỏi làm sao mà mình lại bị lôi kéo vào chuyện này và bắt đầu cảm thấy bối rối.

Một người bạn cũ đã phải thuyết phục tôi rất lâu để tôi đồng ý đến nơi này. “Đây không chỉ là Jyotish mà còn là điều gây ngạc nhiên hơn nhiều,” anh ấy nói. Thuật chiêm tinh Ấn Độ được gọi là Jyotish và nó đã hình thành từ cách đây hàng ngàn năm. Ghé thăm các nhà chiêm tinh là một truyền thống phổ biến khắp Ấn Độ, nhất là khi mọi người cưới hỏi, sinh con hoặc thậm chí những giao dịch kinh doanh bình thường liên quan đến các biểu đồ chiêm tinh. Tuy nhiên, thời hiện đại đã làm cho truyền thống này dần mai một. Tôi thường xuyên tránh đối mặt với Jyotish do là một đứa trẻ lớn lên trong xã hội Ấn Độ hiện đại và sau này còn làm việc như một bác sĩ ở phương Tây.

Tuy nhiên, người bạn cũ của tôi vẫn kiên trì thuyết phục và tôi phải thừa nhận rằng mình cũng tò mò muốn biết những gì sắp sửa diễn ra. Thầy tu trẻ, với những dấu hiệu của người miền nam – không vẽ biểu đồ sinh của tôi. Mọi biểu đồ mà anh ta cần đều đã được vẽ từ cách đây hàng trăm năm. Nói cách khác, ai đó ngồi dưới gốc cây cọ từ nhiều thế hệ trước đây đã bóc vỏ cây, được gọi là Nadi, và khắc cuộc sống của tôi lên đó.

Những tài liệu Nadi xuất hiện ở khắp Ấn Độ và việc bắt gặp một tài liệu áp dụng đúng cho cuộc sống của bạn hoàn toàn là điều ngẫu nhiên. Người bạn tôi đã mất nhiều năm săn tìm tài liệu Nadi của mình; thầy tu đã tạo ra bộ tài liệu dành cho tôi và người bạn tôi đã vô cùng sung sướng vì điều đó. Bạn tôi khăng khăng rằng tôi nhất định phải đến nghe đọc tài liệu này.

Ông già ngồi phía bên kia bàn bắt đầu giải nghĩa bằng tiếng Hindi cho những gì mà thầy tu đang ngâm nga. Do những ngày sinh có thể trùng nhau và sự thay đổi của lịch năm khi chúng tôi đang bàn đến câu chuyện trải qua hàng thế kỷ nên các tài liệu Nadi có thể trùng lặp và một vài trang đầu tiên không áp dụng đúng cho tôi. Nhưng bắt đầu từ trang thứ 3 trở đi thì những gì mà giọng nói đều đều của thầy tu đọc tỏ ra chính xác một cách ngạc nhiên: ngày sinh của tôi, tên bố mẹ tôi, tên tôi và vợ tôi, số con chúng tôi có và nơi chúng đang sống hiện tại, ngày giờ mà bố tôi qua đời mới đây, tên húy của bố tôi cũng như tên qua húy của mẹ tôi.

Lúc đầu, chúng tôi cứ ngỡ là đã gặp một sự cố nhỏ: Nadi đưa ra tên gọi sai của mẹ tôi khi gọi bà là Suchinta, trong khi bà tên là Pushpa. Điều này khiến tôi lúng túng nên tôi đã yêu cầu giải lao để đi gọi điện xác minh với bà. Nhưng ngạc nhiên thay, mẹ tôi nói với tôi rằng tên khai sinh của bà là Suchinta, nhưng do nó đồng âm với từ “buồn” trong tiếng Hindi nên một người chú đã đề nghị đổi tên cho bà vào năm bà 3 tuổi. Tôi gác máy và không hiểu trải nghiệm này có ý nghĩa gì, bởi lẽ thầy tu trẻ cũng nhắc rằng một người thân đã đề nghị đổi tên cho mẹ tôi. Không ai trong gia đình tôi từng nhắc đến sự kiện ấy nên thầy tu chắc chắn không thể viện đến kỹ thuật đọc tâm trí người khác.

Để giải thích cho những người hoài nghi, tôi xin làm rõ rằng thầy tu trẻ đã dành gần trọn phần đời mình ở Nam Ấn Độ và không biết nói tiếng Anh hay tiếng Hindi. Cả anh ta và ông già đều không biết tôi là ai. Dù sao, theo trường phái Jyotish này thì nhà chiêm tinh sẽ không lấy ngày sinh của bạn, vẽ ra biểu đồ rồi bắt đầu giải nghĩa. Thay vào đó, mọi người sẽ bước vào nhà của người biết đọc Nadi, người đọc sẽ lấy dấu chỉ tay và dựa vào đó, những biểu đồ phù hợp sẽ được chọn (hãy nhớ rằng các tài liệu Nadi có thể bị cuốn theo chiều gió). Nhà chiêm tinh chỉ đọc những gì mà người khác đã viết từ cách đây có lẽ hàng ngàn năm. Đây là một khía cạnh khác của sự bí ẩn: Tài liệu Nadi không nhất thiết phải nhắc đến tất cả những ai đang còn sống. Chúng chỉ nhắc đến những ai xuất hiện trước ngưỡng cửa của nhà chiêm tinh để nhờ đọc hộ mà thôi!

Với niềm say mê, tôi đã ngồi hơn một giờ để lắng nghe những thông tin bí ẩn về cuộc sống quá khứ của tôi ở một ngôi đền miền Nam Ấn Độ. Tôi cũng lắng nghe những thông tin liên quan đến việc sự tiến bộ của tôi trong thời gian ở đó dẫn đến những vấn đề hiện tại cũng như (sau một khoảnh khắc ngập ngừng, người đọc hỏi tôi có thực sự muốn biết hay không) ngày mà tôi qua đời. Ngày đó chắc chắn sẽ diễn ra khá xa trong tương lai, cho dù điều chắc chắn hơn là việc Nadi hứa hẹn rằng vợ con tôi sẽ trải qua một cuộc sống lâu dài tràn đầy hạnh phúc và thành tựu.

Tôi từ giã ông già và thầy tu trẻ để bước đi trong ánh nắng nóng nực ở Delhi, tự hỏi cuộc sống của tôi sẽ thay đổi như thế nào với kiến thức mới mẻ này. Không phải những chi tiết trong quá trình đọc tài liệu Nadi là quan trọng. Tôi đã quên gần hết những chi tiết ấy. Tôi cũng hiếm khi nghĩ đến trải nghiệm này trừ khoảnh khắc nhìn thấy một trong những tài liệu viết trên vỏ cây đầy ấn tượng, giờ đây được đóng khung và lưu giữ ở một nơi trang trọng trong nhà. Thầy tu trẻ giao nó cho tôi với một nụ cười ngượng ngùng trước khi chúng tôi chia tay. Thực tế mang lại ấn tượng sâu sắc nhất hóa ra lại là ngày mà tôi qua đời. Ngay khi nghe điều này thì tôi đã cảm thấy vừa bình yên, vừa tỉnh táo để thay đổi những thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mình kể từ đó.

Khi suy ngẫm lại về mọi việc lúc này, tôi ước giá mà có một tên gọi khác cho thuật chiêm tinh, chẳng hạn như “nhận thức phi định xứ” (nonlocal cognition). Ai đó sống cách đây nhiều thế kỷ lại hiểu rõ về tôi hơn cả bản thân tôi. Người ấy xem tôi như một khuôn mẫu trong vũ trụ đang thể hiện bản thân, liên kết với những khuôn mẫu trước đó hết lớp này đến lớp khác. Tôi cảm thấy với mẩu vỏ cây đó, tôi đang nhận được bằng chứng tức thì cho thấy tôi không hề bị hạn chế trong khuôn khổ thể xác, tâm trí hay những trải nghiệm mà tôi gọi là “Tôi.”

Nếu sống ở trọng tâm của thực tại duy nhất thì bạn sẽ nhìn thấy những khuôn mẫu đến rồi đi. Lúc đầu, những khuôn mẫu sẽ mang đến cảm giác cá nhân. Bạn tạo ra khuôn mẫu và chúng sẽ mang đến cảm giác gắn bó. Tuy nhiên, các họa sĩ thường không sưu tầm những tác phẩm của chính họ; hoạt động sáng tác mới chính là điều mang lại cảm giác thỏa mãn. Điều tương tự cũng đúng với những khuôn mẫu do chúng ta tạo ra. Trải nghiệm mất đi sức sống khi bạn biết rằng mình chính là người tạo ra chúng.

Khái niệm tách biệt, vốn xuất hiện trong mọi truyền thống tâm linh phương Đông thời kỳ đầu, đã khiến nhiều người lúng túng, những người tin rằng nó đồng nghĩa với sống thụ động và thiếu quan tâm. Tuy nhiên, ngụ ý thực sự ở đây là sự tách biệt mà bất kỳ kẻ sáng tạo nào cũng sẽ có khi hoàn thành công việc. Sau khi tạo ra trải nghiệm và sống với nó thì con người mới nhận thấy rằng sự tách biệt xuất hiện vô cùng tự nhiên. Tuy vậy, sự tách biệt lại không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta luôn cảm thấy ngạc nhiên trước tính hai mặt với những đặc điểm mâu thuẫn của nó.

Tuy nhiên, cuối cùng thì con người sẽ sẵn sàng để trải qua một trải nghiệm gọi là metanoia – một từ Hy Lạp có nghĩa là thay đổi trái tim. Do từ này xuất hiện rất nhiều lần trong kinh Tân Ước nên nó mang một ý nghĩa tâm linh nhiều hơn. Nó có nghĩa là thay đổi tâm trí của bạn trước việc sống một cuộc sống tội lỗi, sau đó ngụ ý đến cảm giác ăn năn và cuối cùng là mở rộng để mang ý nghĩa của một sự cứu rỗi mãi mãi. Tuy nhiên, nếu bạn bước ra khỏi các bức tường của thuyết thần học thì metanoia lại rất gần gũi với những gì chúng ta gọi là sự chuyển hoá. Bạn thay đổi cảm nhận về bản thể từ định xứ sang phi định xứ. Thay vì gọi mọi trải nghiệm là “của tôi” thì bạn lại xem mọi khuôn mẫu trong vũ trụ chỉ là tạm thời. Vũ trụ liên tục xáo trộn những vật chất căn bản của nó để tạo thành những hình dạng mới và trong một thời gian ngắn bạn đã gọi một trong những hình dạng ấy là “Tôi.”

Tôi nghĩ metanoia là bí mật đằng sau kỹ thuật đọc Nadi. Một nhà tiên tri sống cách đây rất lâu đã nhìn vào chính mình và chọn một phần nhận thức mang tên tôi. Ông viết tên gọi này ra cùng với những chi tiết khác vốn đang lan tỏa trong vũ trụ. Điều đó ngụ ý một cấp độ nhận thức mà tôi nên tìm đến trong bản thân mình. Nếu có thể xem mình như một con sóng lăn tăn trong trường ánh sáng (Jyotish là từ tiếng Phạn có nghĩa là “ánh sáng”), tôi sẽ tìm thấy sự tự do vốn không thể đạt được bằng cách duy trì bản thể của tôi bên trong những giới hạn đã được thừa nhận.

Nếu tên của bố mẹ tôi được biết đến trước khi tôi sinh ra, nếu ngày qua đời của bố tôi có thể được tính toán từ nhiều thế hệ trước khi ông ra đời, thì những điều kiện tiên quyết này chính là trở ngại đối với sự thay đổi.

Sự tự do đích thực chỉ diễn ra trong nhận thức phi định xứ. Theo tôi thì khả năng thay đổi từ nhận thức định xứ sang phi định xứ chính là ý nghĩa của sự chuộc lỗi hay cứu rỗi. Bạn đến nơi linh hồn cư ngụ mà không cần phải chết trước đó. Thay vì tranh cãi về những lý thuyết siêu hình của vấn đề này, hãy để tôi chuyển vấn đề phi định xứ thành điều mà tất cả mọi người đều đang theo đuổi: hạnh phúc. Nỗ lực để sống hạnh phúc hoàn toàn mang tính chất cá nhân, do đó đây chính là điều mà chúng ta trao lại cho cái tôi, thực thể mà mục đích duy nhất là khiến “tôi” hạnh phúc. Nếu hạnh phúc hóa ra lại là thứ nằm bên ngoài “tôi” xét trong phạm trù nhận thức phi định xứ, thì đó hẳn phải là một lý lẽ thuyết phục dành cho metanoia.

Hạnh phúc là một khái niệm phức tạp dành cho con người. Chúng ta rất khó trải nghiệm hạnh phúc nếu không được nhắc nhở về những điều có thể gây hủy hoại hạnh phúc. Một trong số những điều đó luôn gắn liền với chúng ta từ quá khứ đau thương; số khác lại đến từ những dự đoán đầy lo lắng về tương lai hay những suy nghĩ về thảm họa.

Hạnh phúc khó hiểu vốn không phải là lỗi của bất kỳ ai. Sự xuất hiện của những điều đối nghịch chính là bi kịch của vũ trụ và tâm trí của chúng ta đã quen với điều đó. Như tất cả mọi người đều biết thì hạnh phúc là điều quá tốt đẹp nên khó có thể kéo dài. Điều này sẽ đúng nếu bạn định nghĩa hạnh phúc như hạnh phúc “của tôi”; bởi lẽ khi làm thế thì bạn đã trói buộc bản thân với một vòng quay vốn phải quay ngược chiều. Metanoia, hay nhận thức phi định xứ, giúp giải quyết vấn đề bằng cách siêu việt nó do không còn cách nào khác. Những yếu tố tạo nên cuộc sống của bạn vốn dĩ mâu thuẫn với nhau. Ngay cả khi bạn có thể kiểm soát mọi yếu tố để mang lại cuộc sống hạnh phúc thì vẫn còn đó vấn đề nan giải của nỗi đau khổ tưởng tượng.

Các nhà trị liệu phải mất hàng năm để tách biệt người bệnh ra khỏi những thứ mà họ tưởng tượng là sẽ diễn ra không ổn trong cuộc sống của mình, những thứ không liên quan gì đến hoàn cảnh thực tế.

Điều này khiến tôi nhớ đến một trải nghiệm xảy ra cho một đồng nghiệp y khoa khi tôi đang trong giai đoạn thực tập cách đây nhiều năm. Anh có một bệnh nhân luôn đến khám tổng quát sau vài tháng do sợ viễn cảnh bị mắc bệnh ung thư. Kết quả chụp X-quang luôn âm tính, nhưng cô vẫn tiếp tục quay lại bệnh viện, lần nào cũng tỏ thái độ lo lắng như thế. Cuối cùng thì sau nhiều năm, kết quả X-quang của cô cho thấy sự xuất hiện của một khối u ác tính. Với vẻ mặt của người chiến thắng, cô vừa khóc vừa nói: “Thấy chưa, tôi đã bảo rồi mà!” Nỗi đau khổ tưởng tượng cũng mang lại cảm giác chân thật như bao điều khác và đôi khi chúng còn hòa nhập với nhau.

Việc con người bám víu vào sự bất hạnh cũng mãnh liệt như khi bám víu vào niềm hạnh phúc là điều rất khó hiểu, trừ khi bạn phân tích kỹ hơn nhận thức định xứ. Nhận thức định xứ xuất hiện ở ranh giới giữa cái tôi và vũ trụ. Đây là một nơi gây ra lo lắng. Một mặt, cái tôi hoạt động như thể nó đang chiếm quyền kiểm soát. Bạn sống trong thế giới với giả định ngầm rằng mình là người quan trọng và việc có được những gì bạn muốn là điều đáng nói. Tuy nhiên, vũ trụ lại vô cùng rộng lớn và những sức mạnh của tự nhiên lại không liên quan đến các cá nhân. Cảm giác kiểm soát và tự cho mình quan trọng của cái tôi cũng giống như một ảo tưởng điên rồ, bởi lẽ con người thực chất chỉ là một đốm nhỏ xíu trong bức tranh vũ trụ. Không một sự đảm bảo nào có thể dành cho những người nghĩ rằng họ đang giả vờ là trọng tâm của quá trình sáng tạo – bằng chứng cho thấy sự thiếu quan trọng của bạn là quá rõ ràng.

Nhưng việc trốn thoát có khả thi không? Trong khả năng của mình thì tôi sẽ trả lời là không. Tính cách của bạn là một khuôn mẫu thuộc nghiệp chướng gắn liền với chính nó. Tuy nhiên, khi bạn tách biệt bản thân khỏi nhận thức định xứ thì bạn sẽ không còn chơi trò chơi của cái tôi nữa – có nghĩa rằng bạn sẽ thoát khỏi vấn đề của việc khiến “tôi” hạnh phúc. Các cá nhân sẽ không bao giờ bị vũ trụ chèn ép nếu như không có cá nhân. Nếu bạn gắn kết nhân dạng của mình dù chỉ với một phần nhỏ của tính cách thuộc cái tôi thì mọi thứ khác cũng sẽ thuận theo điều đó. Việc này giống như khi bạn bước vào rạp hát muộn và nghe thấy diễn viên đang nói câu: “Tồn tại hay không tồn tại.” Ngay lập tức bạn hiểu rõ nhân vật, lịch sử và số phận bi kịch của anh ta. (chú thích: đó là câu nói nổi tiếng của nhân vật Hamlet trong vở bi kịch cùng tên của W. Shakespeare.)

Các diễn viên có thể rũ bỏ vai diễn này và khoác lên mình một vai diễn mới mà không cần phải làm gì nhiều ngoài việc điều chỉnh trạng thái tâm lý. Việc ghi nhớ để diễn vai Hamlet thay vì Macbeth không phải là công việc được làm bằng từng từ ngữ. Hơn nữa, khi bạn thay đổi một nhân vật này sang một nhân vật khác thì bạn sẽ nhìn thấy chính mình ở một nơi khác – Scotland thay vì Đan Mạch, một khu trại phù thủy bên đường thay vì một tòa lâu đài gần Biển Bắc.

Một trong những cách để từ bỏ nhận thức định xứ là nhận ra rằng bạn đã sở hữu nó. Khi về nhà của cha mẹ, bạn chắc chắn sẽ tự động rơi vào vai trò của một đứa trẻ mà bạn đã từng thể hiện trước đây. Ở nơi làm việc, bạn sẽ đóng một vai trò khác so với khi bạn đi nghỉ mát. Tâm trí của chúng ta rất giỏi trong việc lưu giữ những vai trò hoàn toàn mẫu thuẫn với nhau, ngay cả trẻ con cũng biết cách chuyển đổi dễ dàng từ vai trò này sang vai trò khác. Một số nhà tâm lý học trẻ em còn khẳng định rằng công tác nuôi dạy con chỉ đóng một phần nhỏ trong việc định hình nhân cách cho chúng sau này. Hai đứa trẻ được nuôi dạy ở cùng một nhà với sự chú ý của bố mẹ là như nhau vẫn có thể trở thành hai nhân cách hoàn toàn khác nhau khi ra khỏi nhà, đến mức mọi người không thể nhận ra họ là anh chị em ruột của nhau. Tuy nhiên, sẽ đúng hơn nếu nói rằng trẻ con đang lớn học hỏi nhiều vai trò một cách đồng thời. Vai trò học được ở nhà chỉ là một trong rất nhiều vai trò – chúng ta cũng không nên trông chờ vào điều ngược lại.

Nếu bạn có thể nhận thấy điều này ở bản thân mình thì nhận thức phi định xứ sẽ không còn xa nữa. Điều bạn cần nhận ra là tất cả vai trò đều tồn tại một cách đồng thời. Cũng giống như diễn viên, bạn lưu giữ các nhân cách của mình ở một nơi vượt khỏi phạm trù không gian và thời gian. Macbeth và Hamlet được tìm thấy một cách đồng thời trong ký ức của người diễn viên. Phải mất hàng giờ để diễn hai vai này trên sân khấu, nhưng nơi cư ngụ đích thực của chúng lại là một nơi không chịu ảnh hưởng của thời gian. Trong tâm thức thì vai trò tồn tại một cách thầm lặng nhưng lại hoàn hảo đến từng chi tiết.

Tương tự như vậy, bạn lưu giữ các vai trò trùng lặp của mình ở một nơi gần gũi với bản thân hơn so với nơi bạn thể hiện các màn trình diễn. Nếu tìm cách phân tích những vai trò trùng lặp này thì bạn sẽ thấy không một vai trò nào trong số đó là bạn. Bạn là người nhấn nút tâm trí để cho phép vai trò được trình diễn trong cuộc sống. Từ vốn tiết mục đa dạng của mình, bạn sẽ lựa chọn những tình huống thể hiện nghiệp chướng cá nhân, mỗi tình huống sẽ được tổ chức gọn gàng để mang lại ảo tưởng về sự tồn tại của một cái tôi riêng.

Bản thể đích thực của bạn tách biệt hoàn toàn với mọi vai trò, mọi bối cảnh, mọi màn trình diễn. Xét trên phương diện tâm linh thì sự tách biệt không phải là cứu cánh – nó đã phát triển thành một kỹ năng. Khi sở hữu kỹ năng này thì bạn có thể chuyển sang nhận thức phi định xứ bất kỳ lúc nào bạn muốn. Đây là điều mà Shiva Sutras muốn nói khi nhắc đến việc sử dụng ký ức thay vì để ký ức sử dụng bạn. Bạn rèn luyện sự tách biệt bằng cách thoát khỏi vai trò được ghi nhớ của bản thân, sau đó thì nghiệp chướng gắn liền với bất kỳ vai trò nào cũng không còn tồn tại nữa. Nếu cố gắng thay đổi nghiệp chướng của bạn từng chút một thì bạn có thể đạt được những kết quả hạn chế, nhưng bản thể cải thiện của chính bạn sẽ không tự do hơn bản thể chưa cải thiện.

Nếu thực sự tồn tại bí mật của hạnh phúc thì bí mật ấy chỉ có thể được tìm thấy ở cội nguồn hạnh phúc, với những đặc điểm sau đây:

CỘI NGUỒN HẠNH PHÚC LÀ…

  • Phi định xứ
  • Tách biệt
  • Phi cá nhân
  • Vũ trụ
  • Bên ngoài sự thay đổi
  • Hình thành từ điều cốt lõi

Cuốn-sách-của-những-bí-mật

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TINH HOA CỦA ĐỜI NGƯỜI
  2. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC – BÀI PHỎNG VẤN ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUKPA TRÊN TRANG WEB VAIROCANA
  3. Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG LÀ TẤT CẢ

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN