SỨC MẠNH ĐỂ DUY TRÌ TRẠNG THÁI TÍCH CỰC

ANTHONY STRANO

FREDERIC LABARTHE

TRISH SUMMERFIELD

Trích: Tư Duy Tích Cực – Bạn Chính Là Những Gì Bạn Nghĩ!; Dịch giả: Thu Vân – Hạnh Nguyên – Quỳnh Tâm

“Chuyện gì xảy ra không quan trọng bằng cách chúng ta phản ứng với nó như thế nào”.

_THADDEUS GOLAS

  1. Sức mạnh hình dung:

Khi thiếu một cái nhìn tích cực, chúng ta thường mường tượng ra các tình huống khó khăn và luôn lo sợ mình sẽ thất bại trong những tình huống ấy.

Vì trong tinh thần luôn tiềm ẩn nỗi sợ hãi và năng lượng tiêu cực nên khi đối mặt với những tình huống khó khăn thật sự, những cảm xúc tiêu cực cùng nỗi sợ hãi đó lại trỗi dậy và thường mang lại thất bại như những gì chúng ta đã mường tượng trước đó.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát suy nghĩ của mình và dùng sức mạnh của sự hình dung tích cực để tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ rằng mình sẽ vượt qua, sẽ thành công trong bất cứ tình huống khó khăn nào. Đây là cách tập luyện tạo ra những cảm xúc tích cực và tự tin giúp chúng ta thành công khi đối diện với thực tế.

  1. Tiếng nói bên trong – Hãy biến nó thành bạn của bạn:

Tất cả chúng ta đều có tiếng nói bên trong: hãy lắng nghe nó. Chẳng hạn khi bạn đang nghĩ đến việc thực hiện một điều gì mới hay đứng trước một thử thách mới, những dạng suy nghĩ nào sẽ xuất hiện trong đầu bạn? “Không làm được đâu! Lần trước mình cũng đã thử sức một chuyện tương tự và đã thất bại” hay “Được thôi. Sao lại không thử và cố gắng hết sức mình?”. Tiếng nói trong ta có thể là bạn hoặc là thù. Nó được hình thành qua thời gian và chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người có quan hệ mật thiết với chúng ta – bố mẹ, thầy cô và sau này là bạn bè. Những lời nhận xét hay và dở từ những người xung quanh thường xuyên tác động đến chúng ta trong suốt quá trình trưởng thành, vô tình định hình nên nhận thức của chúng ta về bản thân mình. Nhận thức này chính là nền tảng cho cách chúng ta suy nghĩ và nó quyết định mức độ tự tin của chúng ta.

Tôi nhớ đến một người mà tôi đã giúp xử lý stress. Đó là một người đàn ông trung niên, giám đốc một công ty lớn. Dù giàu có và sở hữu nhiều của cải, ông vẫn cảm thấy bất hạnh. Ông uống rượu nhiều và điều đó đang đe dọa hiệu quả công việc của ông. Khi chúng tôi trao đổi về thời thơ ấu, ông kể người cha chỉ thương yêu người anh trai và luôn miệng nói rằng ông là một đứa vô tích sự, sẽ chẳng làm được việc gì nên thân. Giờ đây, dù đã trưởng thành, nhưng mỗi khi nhìn vào gương ông vẫn tự bảo: “Ngươi chẳng làm gì ra hồn cả. Ta ghét ngươi!”. Tiếng nói trong ông như một kẻ thù, khiến ông trở nên căm ghét bản thân. Trò chuyện thêm, tôi mới vỡ lẽ rằng bố ông cũng là người sợ và căm ghét chính mình. Hiểu ra như thế, ông đã có thể chuyển hóa tiếng nói trong ông từ thù thành bạn. Mỗi khi giọng nói tiêu cực bắt đầu chê bai chỉ trích, ông lại tự bảo: “Nào, để xem người bạn hữu ích của mình nói gì với mình đây?”. Ông biến tiếng nói ấy thành chỗ dựa và dần dần giành lấy lòng tự tin, tình yêu thương bản thân, tự giúp mình vượt qua nỗi bất hạnh.

Nhiều khi, thầy cô là những người có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến lòng tự tin của chúng ta. Tôi còn nhớ hồi bảy tuổi, đứng trong đội đồng ca, tôi đã hát rất to với niềm tự tin, hăng hái, say sưa. Được nửa bài, cô giáo bước đến chỗ tôi và đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho tôi. Có hai cách hiểu, một là tôi hát quá to, hai là hàm ý tôi hát không hay. Ngay lập tức, tôi chấp nhận hàm ý thứ hai là thật và suốt trong nhiều năm sau đó, tôi không bao giờ hát trước mọi người. Và nghĩ sao thì ra vậy, giọng hát của tôi như bị nhốt vào một chiếc lồng sắt và không thể nào thoát ra được, nếu có thì cũng chỉ là những âm thanh ư ử được phát ra từ cổ họng yếu ớt!

Cho dù môi trường xung quanh từ thuở thiếu thời khiến chúng ta mạnh mẽ hay yếu đuối thì việc xây dựng một tiếng nói bên trong sẽ khuyến khích và tạo dựng sự tự tin trong mỗi chúng ta.

Bước đầu tiên là lắng nghe. Chúng ta cần lắng nghe “cuộc tự trò chuyện bên trong mình”. Nếu nhận ra giọng nói ấy đang chỉ trích hay làm nản chí thì chúng ta cần quyết tâm chuyển nó thành tiếng nói hỗ trợ, khuyến khích.

Sự quyết tâm rất quan trọng vì chúng ta rất hay tạo được vài suy nghĩ truyền sức mạnh cho bản thân nhưng rồi sau đó lại không quan tâm để tiếp tục điều đó. Như thế chẳng khác gì chúng ta để ngỏ cửa cho những suy nghĩ yếu đuối, tiêu cực quay trở lại. Nếu đã quen có những suy nghĩ như “Mình sẽ thất bại” hay “Mình không có hy vọng đâu” thì nay chúng ta cần tạo thói quen suy nghĩ rằng “Mình sẽ thành công” hay “Mình rất xứng đáng”.

  1. Xem những khó khăn là bài học:

Một chìa khóa quan trọng để duy trì cách nhìn tích cực là khả năng học hỏi từ những khó khăn, không để thất bại che phủ tương lai hoặc bào mòn lòng tự tin của chúng ta. Nếu đã mắc sai lầm, hãy coi đó như một bài học và tự hỏi: “Tôi có thể học được kinh nghiệm gì từ chuyện này cho tương lai?”. Một tấm gương điển hình tuyệt vời về khả năng này là Thomas Edison, người đã thử 2.000 chất liệu khác nhau trong quá trình sáng chế bóng đèn tròn. Sau 2.000 lần thất bại, phụ tá của ông ca cẩm: “Tất cả công sức của chúng ta thế là vô vọng! Ta chẳng học hỏi được điều gì cả”. Edison đã đáp lại rất tự tin: “Chúng ta học được rất nhiều và đã tiến bộ nhiều. Giờ đây, chúng ta đã biết rằng có 2.000 chất liệu không phù hợp để dùng chế tạo bóng đèn tròn”.

“Được khen không mừng, bị chê không khó chịu – một tính cách xuất chúng cần phải tự biết rõ những phẩm chất và thế mạnh của mình”.

BÀI TẬP GIẢM STRESS

Sự lo lắng không xua tan nỗi buồn của ngày mai mà đang xua đi hạnh phúc của hôm nay.

_Corrie Ten Boom

Hiện tượng stress ngày nay đã trở nên phổ biến trên thế giới. Do vậy, mỗi người cần tự trang bị và phát triển những kỹ năng để có thể duy trì sự cân bằng đối với cuộc sống của mình và luôn giữ được một trạng thái tâm trí tích cực.

Bài tập 1

Tôi ngồi thoải mái trong phòng… Tôi cảm thấy cơ thể mình được thư giãn… Tôi thở chậm và sâu… hít vào, tôi cảm thấy tôi đang mang vào cơ thể và tâm trí mình sự bình an và thư giãn… thở ra, tôi xua tan mọi căng thẳng trong tâm trí và cơ thể tôi… Cơ thể tôi nhẹ nhõm và thư thái… Tâm trí tôi lắng dịu… Tôi thoát khỏi mọi lo âu và cảm thấy bình an… Những ý nghĩ của tôi giờ đây chậm hơn… Sau một lúc thư giãn, tôi nhẹ nhàng đưa tâm trí trở lại với căn phòng và những cảnh vật xung quanh tôi, nhưng tôi vẫn giữ cảm giác bình an ấy….

Bài tập 2

Tôi ngồi thoải mái… Tôi thở sâu và buông trôi mọi căng thẳng trong cơ thể và tâm trí tôi… Tôi nghĩ về đôi bàn chân mình… Tôi buông lỏng các cơ trên đôi bàn chân… Cho phép chúng có được cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái… Tôi nghĩ về đôi chân tôi… Tôi xua tan bất cứ căng thẳng nào trên đôi chân tôi… Tôi nghĩ về dạ dày tôi… Tôi cho phép tất cả các cơ trong dạ dày tôi thư giãn và tĩnh lặng… Tôi tập trung vào lồng ngực của tôi…Tôi cảm nhận mình đang thở… Hơi thở tôi trở nên êm ả và dễ dàng… Với mỗi hơi thở, tôi cảm thấy mình bình an và thư thái hơn… Thả lỏng vai và tay… Tôi để tâm trí và cơ thể mình thư giãn hoàn toàn… Cơ thể tôi trở nên nhẹ nhàng không trọng lượng… Tâm trí tôi tĩnh lặng và bình an… Tôi tận hưởng cảm giác thư giãn này…

Bài tập 3

Tôi ngồi thoải mái và thư giãn… Tôi thở sâu và khi thở ra, tôi xua tan mọi lo lắng hay căng thẳng… Tôi hình dung những ngôi sao trên bầu trời đêm… Tôi nhìn thấy những vì sao tỏa sáng lấp lánh và chúng khiến tôi cảm thấy bình yên… Tôi cũng hình dung mình như một ngôi sao bình yên đang chiếu sáng… một ngôi sao nhỏ tỏa sáng… Tôi cảm thấy mình được bao quanh bởi một đám mây mềm mại bình an… Tôi cảm thấy rất an toàn và bình yên… Bất cứ khi nào tôi cảm thấy lo lắng hay sợ hãi… là tôi nghĩ về những ngôi sao bình an trên bầu trời đêm và tôi nhớ rằng tôi cũng là một ngôi sao bình an…

Bài tập 4:

Đây là một bài tập đặc biệt, giúp thay đổi cách cư xử không mong muốn của bản thân.

Ngồi thoải mái và thư giãn cơ thể… Thở sâu và buông trôi mọi căng thẳng trong tâm trí… Hãy hình dung một tình huống mà bạn thường giận dữ hay khó chịu… Quan sát tình huống ấy và nghĩ xem bạn sẽ phản ứng ra sao… Nghĩ về một phẩm chất mới hay một cách phản ứng khác để thay thế cách cư xử tiêu cực đó… Bây giờ, hãy tái hiện tình huống này và phản ứng theo cách mà bạn có sử dụng phẩm chất mới ấy… Hãy kiên định sử dụng phẩm chất mới và cách phản ứng mới này trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÁI ĐỘ SỐNG TÍCH CỰC
  2. LẠC QUAN VÀ TƯ DUY TÍCH CỰC
  3. SỐNG TÍCH CỰC LÀ CON ĐƯỜNG TỚI THÀNH CÔNG

Bài viết khác của tác giả ANTHONY STRANO

  1. SỨC MẠNH VÀ HIỆU QUẢ CỦA Ý NGHĨ
  2. CHU KỲ CỦA TƯ DUY
  3. XÂY DỰNG MỘT CUỘC SỐNG TÍCH CỰC

Bài viết khác của tác giả FREDERIC LABARTHE

  1. SỨC MẠNH VÀ HIỆU QUẢ CỦA Ý NGHĨ
  2. CHU KỲ CỦA TƯ DUY
  3. XÂY DỰNG MỘT CUỘC SỐNG TÍCH CỰC

Bài viết khác của tác giả TRISH SUMMERFIELD

  1. SỨC MẠNH VÀ HIỆU QUẢ CỦA Ý NGHĨ
  2. CHU KỲ CỦA TƯ DUY
  3. XÂY DỰNG MỘT CUỘC SỐNG TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP