JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: J. Krishnamurti Nói Về Tình Yêu; Biên soạn và dịch thuật: Từ Hóa Hoàng Lan; NXB. Dân Trí; Công ty TNHH Xuất bản Thiện Tri Thức, 2022
Một giáo sư trẻ đến từ một trường đại học, hơi bồn chồn, với giọng nói cao the thé và đôi mắt sáng, nói rằng anh đã đi một chặng đường dài để đặt một câu hỏi rất quan trọng đối với anh:
“Tôi đã nếm qua đủ thứ niềm vui: niềm vui của tình yêu vợ chồng, niềm vui của sức khỏe, có quyền lợi và có tình bạn tốt đẹp. Là giáo sư văn chương, tôi đọc nhiều và say mê sách. Nhưng tôi đã thấy ra rằng mọi niềm vui về bản chất đều là thoảng qua, từ niềm vui nhỏ nhất đến niềm vui lớn nhất, tất cả chúng đều lụi tàn theo thời gian. Dường như không có gì tôi chạm đến mà có chút gì lâu bền, và ngay cả văn chương, là tình yêu lớn lao nhất của đời tôi, cũng đang bắt đầu mất đi niềm vui của nó.
Tôi cảm thấy rằng chắc phải có một suối nguồn thường trực của mọi niềm vui, nhưng mặc dầu đã tìm kiếm rất nhiệt thành, tôi vẫn chưa tìm được nó.”
Krishnamurti: Tìm kiếm là một hiện tượng cực kỳ dối trá phải không? Không thỏa mãn với hiện tại, chúng ta tìm kiếm một cái gì vượt thoát khỏi nó. Đau đớn với hiện tại, chúng ta lần tìm đến tương lai hay quá khứ, và ngay cả cái mà chúng ta tìm được cũng tiêu tan trong hiện tại. Chúng ta không bao giờ dừng lại để nghiên tầm tìm hiểu toàn bộ nội dung của hiện tại, mà luôn luôn theo đuổi những giấc mơ xa xôi của tương lai, hoặc từ trong những ký ức đã chết, chúng ta lựa chọn cái phong phú nhất và thổi sức sống vào cho nó. Chúng ta bám vào Cái Đã Là, hoặc từ chối nó trong ánh sáng của ngày mai, và vì thế bỏ qua hiện tại; nó chỉ là một lối đi được băng qua càng nhanh càng tốt.
“Cho dù nó thuộc về quá khứ hay ở tương lai, tôi muốn tìm ra suối nguồn của niềm vui đó”, vị giáo sư nói tiếp. “Thưa ông, ông hiểu tôi muốn nói gì chứ? Tôi không còn tìm kiếm những đối tượng đem đến niềm vui nữa – ý tưởng, sách vở, con người thiên nhiên – mà tìm kiếm chính bản thể của nguồn vui, vượt qua tất cả sự vô thường tạm bợ. Nếu ta không tìm thấy nguồn cội ấy, ta sẽ mãi mãi bị vướng kẹt trong sự đau khổ của vô thường.”
Krishnamurti: Thưa bạn, bạn không nghĩ rằng chúng ta phải hiểu ý nghĩa của từ “tìm kiếm” sao? Bằng không thì chúng ta sẽ mãi mãi nói mà không hề hiểu nhau. Tại sao lại có sự hăm hở tìm kiếm này, sự nôn nóng truy tìm này, sự thúc đẩy muốn đạt được này? Có lẽ nếu chúng ta có thể vén mở ra được cái động cơ và thấy được những ẩn ý của nó, chúng ta sẽ có khả năng hiểu được ý nghĩa của sự tìm kiếm.
“Động cơ của tôi đơn giản và trực tiếp: tôi muốn tìm cái suối nguồn bền vững của niềm vui, bởi vì tất cả những niềm vui tôi đã nếm trải đều trở thành một sự việc thoáng qua. Động lực thôi thúc khiến tôi tìm kiếm là nỗi khổ không sở hữu được bất cứ cái gì lâu bền. Tôi muốn thoát khỏi cái đau khổ của sự không bền vững này và tôi không cho là có gì bất thường về điều này. Bất cứ ai có chút suy nghĩ, ắt phải tìm kiếm cái niềm vui mà tôi hằng tìm kiếm. Người khác có thể gọi nó bằng một cái tên khác: Thượng đế, chân lý tự do giải thoát, Moshka, vân vân… nhưng nó chủ yếu vẫn cùng là một vật giống nhau mà thôi.”
Krishnamurti: Vướng mắc trong nỗi khổ của vô thường, tâm trí bị thúc đẩy tìm kiếm cái thường tồn, dưới bất cứ tên gọi nào, và chính cái khát khao theo đuổi cái thường tồn tạo ra cái thường tồn, vốn là cái đối nghịch lại với Cái Đang Là. Thế nên, thật ra không có sự tìm kiếm, mà chỉ có nỗi thèm khát tìm kiếm sự thỏa mãn êm đềm của cái thường tồn. Khi tâm trí trở nên ý thức là nó đang ở trong trạng thái thay đổi liên tục, nó liền tiến hành tạo dựng cái đối kháng lại tình trạng đó, do đó, nó bị vướng kẹt trong sự xung đột của nhị nguyên, và sau đó muốn đào thoát khỏi sự xung đột này, nó lại vẫn theo đuổi một đối kháng khác. Vì vậy, tâm trí bắt buộc phải xoay tròn trong những cái đối nghịch.
“Tôi ý thức được tiến trình phản ứng này của tâm trí, như ông đã giải thích, nhưng người ta không nên tìm kiếm gì hết sao? Cuộc sống sẽ trở thành một thứ quá tầm thường nghèo nàn nếu không có khám phá gì cả.”
Krishnamurti: Liệu chúng ta có khám phá được bất cứ điều gì mới mẻ thông qua sự tìm kiếm không?
Cái mới không phải là cái đối nghịch lại cái cũ, nó không phải là phản đề của Cái Đang Là, “hiện thể”. Nếu cái mới là một sự phóng chiếu của cái cũ thì nó chỉ là sự tiếp nối chắp vá của cái cũ đã được cải biến mà thôi. Mọi sự nhận biết đều dựa trên quá khứ, và cái có thể được tìm ra thì không phải là cái mới. Sự tìm kiếm phát sinh từ nỗi đau đớn ở hiện tại, vì vậy cái gì được tìm ra đều đã được biết rồi. Ông đang tìm kiếm nguồn an ủi, sự khuây khỏa, và có thể ông sẽ tìm thấy, nhưng rồi nó cũng sẽ vô thường tạm bợ, vì chính sự thúc đẩy tìm kiếm vốn cũng đã vô thường tạm bợ rồi. Mọi khát vọng theo đuổi một điều gì – niềm vui, Thượng đế hay bất cứ cái gì – đều vô thường chóng qua.
“Không biết tôi hiểu có đúng không, có phải ý ông là sự tìm kiếm của tôi là kết quả của ham muốn và ham muốn thì nhất thời, vì vậy sự tìm kiếm của tôi là vô vọng?”
Krishnamurti: Nếu bạn trực nhận được chân lý của điều này, bấy giờ sự vô thường tự nó là niềm vui, niềm hoan lạc vậy.
“Làm thế nào tôi có thể trực nhận được chân lý của nó?”
Krishnamurti: Không có “làm thế nào”, không có phương pháp gì cả. Phương pháp sản sinh ra ý tưởng về cái thường tồn. Bao lâu mà tâm trí còn khát vọng thành đạt, thủ đắc, đạt đến, thì nó vẫn còn nằm trong vòng xung đột. Xung đột là không nhạy cảm. Chỉ tâm thức nhạy cảm mới trực nhận được cái chân thật. Tìm kiếm sinh ra từ xung đột và với sự chấm dứt xung đột thì không cần phải tìm kiếm gì cả. Bấy giờ sẽ có phúc lạc.