PHƯƠNG PHÁP NÀO CHUYỂN HÓA NGHIỆP TẬN GỐC

GYALWANG DRUKPA XII

Trích ấn phẩm “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”; Nguồn: http://daibaothapmandalataythien.org

Ngã chấp là nguyên nhân tạo ra thế giới khổ đau mà chúng ta đang sống. Khi bắt đầu tái sinh vào một cuộc sống mới chúng ta hoàn toàn không tự chủ, không tỉnh thức, do năng lực của vô minh chi phối. Cũng như vậy trong suốt cuộc sống của mình, do vẫn không có chút trí tuệ nào nên chúng ta bị sức mạnh của nghiệp lôi cuốn khiến mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử.

Nghiệp có thể được chuyển hóa

Nghiệp một phần được biểu hiện qua quy luật nhân quả. Những gì chúng ta đang trải qua là kết quả của các nghiệp nhân do chính ta đã tạo trước kia. Mặc dù không hề muốn nhưng những người tàn tật mù lòa đau ốm đang phải trải qua một cuộc sống vô cùng đau khổ, không có chút quyền lựa chọn, bởi vì họ đang nhận được nghiệp quả do chính họ đã gieo nhân (nghiệp nhân). Tuy nhiên các nghiệp nhân này có thể được chuyển hóa hoặc tiêu hủy trước khi trổ quả nhờ vào sự thực hành pháp. Vì thế bạn không nên hiểu lệch lạc rằng “nghiệp là cố định” để rồi nhắm mắt buông xuôi, bi quan yếm thế, buông đời mình cho dòng nghiệp cuốn lôi. Trên thực tế, nghiệp có thể được chuyển hóa, chỉ cần chúng ta khéo sử dụng trí tuệ của mình hướng đạo cho các hành động của thân, khẩu, ý một cách đúng đắn, thì mọi khổ đau sẽ được chấm dứt.

Có rất nhiều phương cách để tiêu trừ nghiệp xấu

Có rất nhiều cách để chuyển hóa và tiêu trừ các nghiệp nhân, trước khi chúng kết thành nghiệp quả. Một điều quan trọng bạn cần biết: tuy hiện đời chúng ta đang thụ nhận nghiệp quả đã chín, là những khổ đau hay hạnh phúc từ những nghiệp nhân của các đời trước, song cũng chưa hẳn là quá muộn, vẫn còn có rất nhiều cách để chuyển hóa chúng. Giống như khi mắc một căn bệnh, sẽ dễ dàng điều trị hơn nếu bạn phát hiện ra từ sớm.

Nếu chúng ta phát hiện ra căn bệnh quá muộn thì sẽ không còn hy vọng gì. Nghiệp cũng tương tự như vậy. Rất đáng tiếc, từ bao nhiêu kiếp rồi, do màn vô minh che phủ, chúng ta đã gieo trồng vô số nghiệp nhân bất thiện, vì vậy chúng ta đang phải gánh chịu những nghiệp quả bất thiện. Vì thế bạn phải quán sát và chuyển hóa nghiệp ngay từ hôm nay trở đi, thay vì chờ đợi đến ngày mai. Tôi nói như vậy bởi vì cuộc sống của chúng ta rất vô thường, không ai trong chúng ta có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai.

Tại sao chúng ta cần đến sự hướng đạo tâm linh?

Bạn không nên chờ đến khi các nghiệp xấu trổ quả. Có rất nhiều cách để chuyển hóa bất thiện nghiệp nên bạn không nhất thiết phải ngồi bất lực để gánh chịu những quả khổ. Bởi vậy, có được giáo pháp và sự hướng đạo tâm linh là vô cùng cần thiết. Ý nghĩa chính của con đường tâm linh là chuyển hóa và loại bỏ những nghiệp nhân bất thiện mà ta đã gieo trồng, để có thể chấm dứt khổ đau. Sự thực hành tâm linh sẽ không thể trợ giúp bất kỳ khía cạnh thế tục nào khác ngoài việc này.

Trong cuộc sống, chúng ta nên biết vừa lòng với những vật chất thế tục. Hiện tại, chúng ta vẫn có thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, nhà để ở, bởi thế chúng ta không nên tìm cầu những thứ thế tục từ sự thực hành tâm linh bởi con đường tâm linh chỉ nhằm vào việc chấm dứt khổ đau. Nếu có ai trong chúng ta muốn được khổ đau, người đó không cần thiết phải tìm kiếm và thực hành tâm linh. Họ chỉ cần ngồi yên, không cần làm gì cả và chắc chắn họ sẽ có khổ đau. Nhưng trên thực tế, không ai trong chúng ta lại thích đau khổ, nên chúng ta phải thực sự bắt tay vào việc thực hành tâm linh để tiêu trừ tất cả những bất thiện nghiệp mà chúng ta đã tích lũy. Để làm được việc này chúng ta cần phải trưởng dưỡng tuệ giác thông qua thực hành tâm linh.

Tâm của bạn nắm giữ toàn bộ trí tuệ của chân lý vũ trụ

Vậy nghiệp đến từ đâu? Nó tồn tại như thế nào? Cái gì đã tạo nên nghiệp? Đây là những điều mà bạn cần hiểu biết với trí tuệ chân thật. Nhờ đó, bạn mới có thể tiêu trừ tất cả nghiệp bất thiện. Bởi vậy, tất cả điều bạn cần là phát triển trí tuệ. Trí tuệ không phải là thứ mà tôi có thể chỉ cho bạn, tuy thế tôi có thể chỉ cho bạn chỗ để tìm kiếm trí tuệ, trí tuệ nằm ở chính trong tâm của bạn. Trí tuệ không phải là thứ bạn có thể mua hay lấy trộm từ bên ngoài, nó chỉ có thể được tìm thấy ở bên trong chính bạn, bên trong tâm bạn. Tâm của bạn nắm giữ toàn bộ trí tuệ của chân lý vũ trụ. Khi bạn có thể thực chứng được trí tuệ này, bạn sẽ thấu suốt được bản chất của vạn pháp.

Sự sáng tạo là một khía cạnh của tâm, ngã chấp là một khía cạnh của tâm, và trí tuệ cũng là một khía cạnh của tâm. Tâm chúng ta nắm giữ mọi thứ, bao gồm cả trí tuệ và vô minh. Chúng ta sống trong mê muội, bởi vì chúng ta đã không nhận ra bất kỳ thứ gì trên phương diện tâm linh. Theo phương diện này mà nói, chúng ta rất vô minh. Nhưng về mặt tuyệt đối, bản chất chân thật của tâm chúng ta là thuần khiết thanh tịnh, không có vô minh trong đó, chỉ cần chúng ta đừng cho rằng tâm của chúng ta có hai mặt.

Từ vô thủy cho đến nay chúng ta đã sống và tạo nghiệp dưới sự chi phối của ngã chấp. Vậy ngã chấp là gì? Nó thực sự là tâm mê lầm của bạn. Từ tâm vô minh này khởi sinh ái dục, từ ái dục phát sinh tất cả các loại cảm xúc, những cảm xúc này tác động toàn bộ đến hoạt động của thân và khẩu của bạn.

Trí tuệ là Thượng sư bên trong của bạn

Trí tuệ thực sự là bậc thầy “bên trong”, chỉ cho bạn thấy rõ tâm vô minh đang diễn tiến như thế nào. Bậc thầy bên ngoài là người giảng dạy giáo pháp và hướng đạo cho bạn trên con đường tâm linh, còn trí tuệ chính là bậc thầy bên trong của bạn, giúp cho bạn thấy rõ được chức năng của bản ngã. Khi nhận ra được điều này, bạn có thể hiểu được phương pháp về cắt bỏ ngã chấp hiệu quả hơn hàng trăm lần so với việc nương theo giáo pháp từ bậc thầy bên ngoài.

Bởi vậy, chúng ta nói có bậc thầy bên trong, bậc thầy bên ngoài và bậc thầy bí mật. Một người khi đã nhận ra được toàn bộ sự thật về ngoại cảnh một cách đúng đắn, họ sẽ nhận thấy tâm của họ tràn đầy trí tuệ.  Sau đó mọi khổ đau sẽ chấm dứt. Lúc này ngã chấp hay ái dục không còn ảnh hưởng chi phối, khiến họ tạo nên lầm lỗi nữa. Người này sẽ giải thoát khỏi mọi sự trói buộc. Bất kì những gì họ làm sau đó, họ sẽ làm với trí tuệ và tự do. Nếu bạn không muốn tái sinh, sự ra đi của bạn cũng là một sự giải thoát. Còn nếu bạn muốn tái sinh, sự tái sinh đó sẽ là một tái sinh tự chủ với tuệ giác. Bạn sẽ chứng ngộ được trí tuệ vĩ đại hay còn gọi là sự giác ngộ. Sự giải thoát này còn gọi là đại hỷ lạc hay Phật quả.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO HUẤN CHO PHỤ NỮ ĐẠT GIÁC NGỘ MÀ KHÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY
  2. BỐN HỶ LẠC – NI SƯ AYYA KHEMA – VÔ NGÃ VÔ ƯU
  3. CHUYỂN HÓA NGHIỆP

Bài viết khác của tác giả

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG
  3. QUÁN SÁT TÂM MÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ