TIỂU SỬ THIỀN SƯ HÁM SƠN

THIỀN SƯ HÁM SƠN

Trích " Thiền Đạo Tu Tập" của Chang Chen Chi
Bản dịch Như Hạnh, Kinh Thi
Xuất bản lần 1, 1972

Tôi sinh ở Toàn Tiêu thuộc quận Nam Kinh. Mẹ tôi một Phật tử mộ Đạo, suốt đời thờ Đức Đại Sĩ Quan Thế Âm. Một hôm bà nằm mộng thấy Đức Đại Sĩ dắt đến một đứa trẻ bà vui mừng ôm lấy. Sau đó bà mang thai, và tôi ra đời ngày 12 tháng 10, 1545.

Vào năm 1574 tôi hai mươi chín tuổi. Tôi đã từng gặp khó khăn không hiểu nổi luận “Vật Bất Thiên” của Tăng Triệu, nhất là phần về Toàn Lam và Yển Nhạc mà tôi đã thắc mắc bao năm nay. Nhưng lần này khi xem đến chỗ vị Phạm Chí già trở về nhà sau khi làm tăng cả đời và nghe hàng xóm la, “Ồ, xem kìa cái người ngày xưa vẫn còn!” và vị Phạm Chí trả lời, “Không đâu, trông tôi có thể giống người xưa ấy nhưng thật ra tôi không phải là hắn”. Tôi hoát nhiên ngộ. Đoạn tôi tự nhủ, “Thật ra, vạn pháp nào có đến đi ! Ôi, chân lý này đúng biết nhường nào!”. Tôi lập tức rời chỗ ngồi ra lạy Phật. Đang khi đảnh lễ tôi cảm thấy, “Chẳng có động khởi”. Tôi bèn vẹt màn cửa và ra đứng ở bục bên ngoài. Một cơn gió bỗng thổi qua cây cối trong sân, cuốn lá bay lên trời. Tuy nhiên, trong khi nhìn lá bay, tôi chẳng cảm thấy có gì động cả. Tôi tự nhủ: “Đây chính là ý chỉ của Toàn Lam và Yển Nhạc. À giờ đây ta hiểu rồi!”. Từ đó trở đi, vấn đề sinh tử -mối nghi “sinh tùng hà lai, tử tùng hà khứ”- hoàn toàn thấu suốt. Tôi liền làm một bài kệ:

Sinh tử ngày đêm,
Nước trôi hoa tạ.
Hôm nay mới biết,
Lỗ mũi hướng hạ.
(Sinh tử trú dạ,
Thủy lưu hoa tạ.
Kim nhật phương tri,
Tỉ khổng hướng hạ.)

Vào năm 1575 tôi ba mươi tuổi. Thức ăn thường ngày của tôi là cháo cám, cỏ hoang và nước cơm. Khi tôi mới đến núi này có người cho hai, ba thưng gạo, có thể ăn được hơn sáu tháng. Một hôm sau khi ăn cháo xong đi kinh hành. Bỗng nhiên tôi đứng lặng, thấy mình không còn thân tâm. Tôi chỉ thấy một Toàn Thể chiếu diệu – biến tại, viên mãn quang minh. Như đại viên kính mà sơn hà đại địa chỉ là ảnh hiện trong ấy. Sau khi bừng tỉnh khỏi kinh nghiệm ấy, tôi thấy thân tâm “trạm nhiên” như thể không có, bèn làm kệ:

Hốt nhiên, tâm thôi vọng động;
Nội thân, ngoại cảnh – trạm nhiên,
Sau lần chuyển thân,
Thấu thoát cái Không lớn.
Ôi! Vạn pháp thung dung lai khứ!

Từ đó trở đi, cả kinh nghiệm nội lẫn ngoại tại trở nên trong suốt. Các âm thanh, tiếng nói, hình ảnh, cảnh vật, sắc tướng, và đối tượng không còn là trở ngại nữa. Tất cả những mối nghi trước đây đều tiêu tán. Khi tôi về trù phòng, tôi thấy cái nồi lớn phủ đầy bụi. Nhiều ngày đã trôi qua suốt cái kinh nghiệm ấy mà tôi không hay biết, vì chỉ có riêng mình với mình.

Vào 1576 tôi ba mươi mốt tuổi. Tôi mặc tọa và bắt đầu quan sát chung quanh, vẫn chưa chắc chắn là tôi đang ở đâu. Đoạn tôi nhớ lại những kinh nghiệm đã qua, và cả những kinh nghiệm ấy lẫn các kinh nghiệm hiện tại hình như là các biến cố trong mộng – không còn đạt đến được hay hiện hữu nữa. Bất cứ gì đã làm phiền não tôi biến mất như mây đen trước một bầu trời trong trẻo. Tất cả không gian trong suốt như thể vừa được tẩy rửa. Tất cả những hình ảnh bóng dáng tan dần vào cái không khoảng khoát thanh tịnh. Tâm tôi quá trống trải, thế gian quá êm đềm, niềm vui quá to tát, chữ nghĩa không thể nào mô tả được. Tôi bèn viết bài thơ như sau:

Khi nào hoàn toàn bình tịnh,
Ta đạt được Chân Giác.
Vì mặc chiếu dung nhiếp cả không gian
Ta nhìn lại được thế gian,
Chỉ toàn đầy mộng huyễn!
Ôi! Hôm nay ta thực sự liễu ngộ
Giáo lý của đức Phật chân thực nhường nào!

Vào năm 1579 tôi ba mươi bốn tuổi. Tôi mải miết chép kinh. Trong khi chép, mỗi một nét chữ mỗi một chấm câu, tôi niệm danh hiệu Phật một lần. Trong khi ở núi chép kinh, tôi luôn luôn có những giấc mơ kỳ diệu. Một đêm tôi mơ tôi vào hang Kim Cương. Trên cửa hang bằng đá, có khắc “Đại Trí Điện”. Khi tôi bước vào, một khoảng mênh mông mở rộng. Những lâu đài nguy nga trang nghiêm không thể tả sừng sững trước tôi. Trong lâu đài ở giữa chỉ có một toạ cụ vĩ đại, trên đó Đại Sư Thanh Lương nằm, trong khi bạn tôi Diệu Phong đứng cạnh làm thị giả. Lập tức tôi sụp lạy trước ngài, đoạn đứng bên trái ngài. Rồi Thanh Lương Đại Sư giảng giáo lý Hoa Nghiêm cho chúng tôi. Trước hết ngài giảng Nhập Pháp Giới Viên Dung Quang Cảnh. Ngài giảng sự tương nhập của vô lượng Phật sát và sự “tương dung” của Chủ, Bạn – Cảnh Giới khứ lai bất động. Ngài giảng đến đâu, cảnh giới hiện tiền lập tức. Nhờ thế tôi hiểu sự tương nhập của thân tâm. Sau bài pháp, Diệu Phong hỏi, “Đây là cảnh giới kinh nghiệm gì?” Đại Sư cười đáp, “Đây là cảnh giới phi cảnh giới”. Khi tỉnh dậy tôi thấy thân tâm trạm nhiên hài hoà – không còn trở ngại và hoài nghi.

Một đêm khác tôi mơ thấy thân tôi bay lên trời, trôi nổi trên vòm trời cao ngất. Đoạn tôi từ từ đáp xuống một nơi mà tôi chẳng thấy có gì cả. Ở đó mặt đất trong suốt, như một mặt kính pha lê vĩ đại. Tôi nhìn về nơi xa tít nơi có một lâu đài nguy nga, lớn đến nỗi choáng cả bầu trời. Tất cả các biến cố, tất cả thiên hạ và hành động của họ, kể cả những chuyện tầm phào nơi chợ triền đều phản chiếu và hiển hiện trong toà lâu đài mênh mông ấy. Ở giữa có một tòa to cao, mầu tím. Tôi tự nhủ, “Đây hẳn phải là Kim Cương toà. Sự rực rỡ của tòa nhà này, đến mức mà trí tưởng tượng của con người không hình dung nổi. Hoan hỉ được ngắm một cảnh tuyệt như vậy, tôi muốn đến gần lâu đài. Đoạn tôi nghĩ, “Làm thế nào mà những sự thể bất tịnh và tầm thường của thế gian lại được hiển hiện trong tòa lâu đài thanh tịnh và thiêng liêng này?”. Ngay khi ý tưởng này khởi lên, tòa lâu đài dang xa khỏi tôi. Tôi bèn nói, “Tịnh hay bất tịnh, đều do tâm mình!”. Lập tức tòa lâu đài hiện ra gần gũi.

Sau một lát tôi nhận thấy có nhiều tăng thị giả tất cả đều cao lớn duyên dáng và đẹp đẽ đứng trước Đại Tòa. Bỗng một ông tăng từ sau tòa xuất hiện cầm một cuốn kinh trong tay và nói với tôi, “Thầy sẽ giảng kinh này. Thầy sai tôi đưa kinh cho ông”. Tôi nhận kinh và quan sát, thấy kinh toàn viết bằng chữ Phạn – một ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Tôi bèn hỏi ông tăng, “Thầy là ai?”. Ông tăng đáp, “Di Lặc Bồ Tát”. Theo chân ông tăng tôi leo những bậc lên một bục cao tôi đứng lặng ở đó mắt nhắm, thấy vừa hồi hộp vừa hoan hỉ. Nghe tiếng chuông ngân; tôi thấy Di Lặc Bồ Tát đã lên gần đến Tòa. Tôi đảnh lễ. Gương mặt ngài rực rỡ ánh vàng không gì trên thế gian này sánh được. Rõ rệt rằng tôi là khách danh dự và Di Lặc Bồ Tát sẽ giảng kinh này đặc biệt cho tôi. Tôi quỳ xuống và mở kinh ra thì nghe ngài nói, “Phân biệt là Thức, vô phân biệt là Trí. Dựa vào Thức là Nhiễm, dựa vào Trí là Tịnh. Nhiễm tất có sinh tử; Tịnh chẳng có chư Phật”. Bỗng nhiên cả thân lẫn tâm thấy trống không, và tôi tỉnh giấc với tiếng ngài còn vẳng bên tai. Từ ấy tôi thấu triệt được sự dị biệt giữa Thức và Trí. Tôi biết tôi đã lên cõi Trời Đâu Suất – Cung điện của Đức Di Lặc.

Vào 1581 tôi ba mươi sáu tuổi. Tôi nguyện khai một Pháp Hội vĩ đại. Cũng năm ấy Diệu Phong đã thích máu chép trọn Kinh Hoa Nghiêm, Sư cũng muốn lập một Pháp Hội vô phân biệt. Để thực hiện mục đích Sư lên kinh sư quyên tiền. Trong một thời gian ngắn thu được tiền và thực phẩm cần thiết, mà còn mời được cả năm trăm cao tăng khắp nước đến dự Hội. Tất cả các vấn đề quản lý, như chuẩn bị đồ tiếp tế và lương thực, chỗ ở, vân vân, đều do một tay tôi lo liệu. Tôi bận bịu đến nỗi suốt chín mươi ngày đêm tôi không có dịp để ngủ. Vào một ngày tháng mười Diệu Phong đến với năm trăm vị tăng. Tất cả Pháp Hội kể cả trong lẫn ngoài có khoảng một ngàn người. Tất cả tiện nghi, đồ tiếp viện, và thực phẩm đều đâu vào đấy. Suốt cuộc hội không hề có thiếu thốn hay mâu thuẫn.

Trong bẩy ngày đầu tiên chúng tôi tổ chức một hội cầu nguyện cho các sinh linh ở dưới nước cũng như ở trên cạn. Suốt thời gian này tôi không ăn lấy một hạt cơm, mà chỉ uống nước. Mỗi ngày tôi lo thay năm trăm bàn đồ cúng Phật, tất cả đều hoàn hảo mỹ mãn. Thiên hạ không hiểu làm sao tôi có thể làm được; họ tin rằng tôi phải có thần thông. Nhưng thật ra, tôi biết tôi đủ sức làm vậy nhờ ân điển của Đức Phật.

Vào 1586 tôi bốn mươi mốt tuổi. Sau một thời gian dài hành cước và làm việc, tôi đã có thể ở yên trong liêu mới cất của riêng tôi. Cả thân tâm được ngơi nghỉ nên tôi bắt đầu cảm thấy an lạc kỳ diệu. Một buổi chiều trong khi thiền định tôi thấy rõ rệt cái Toàn Thể Chiếu Diệu, trong suốt, trạm nhiên, trống không, và minh nhiên như một đại dương trong vắt – chẳng có gì hiện hữu! Tôi liền thốt ra bài kệ sau:

Biển lặng trời thanh tuyết nguyệt quang,
Bên trong phàm thánh tuyệt hành tàng.
Mắt kim cương mở không hoa rụng;
Đại địa đều qui tịch diệt tràng!

Sau kinh nghiệm này tôi trở về phòng. Trên bàn tôi có cuốn Kinh Lăng Nghiêm. Tôi tình cờ mở ra và gặp câu văn như sau:
“Rồi ông sẽ thấy cả thân lẫn tâm, cùng với núi, sông, không gian, và trái đất của thể giới bên ngoài thẩy đều ở trong cái Chân Tâm linh diệu này”.
Bỗng nhiên chỉ thú của cả cuốn kinh liễu ngộ rõ rệt trong tâm tôi và hiện ra linh động trước mắt tôi. Tôi liền viết một tiểu luận “Lăng Nghiêm Huyền Cảnh”, trong khoảng thời gian một cây nến cháy. Tôi vừa viết xong thì Thiền đường mở cửa. Gọi vị duy na vào, tôi cho ông đọc luận tôi vừa viết. Khi nghe ông đọc tôi cảm thấy như tôi nghe những ngôn ngữ từ một giấc mộng.

Vào 1589 tôi bốn mươi bốn tuổi. Vào năm này tôi bắt đầu đọc Đại Tạng. Tôi cũng giải Kinh Pháp Hoa và Khởi Tín Luận.
Từ ngày rời Ngũ Đài Sơn tôi đã có ý định về thăm song thân, nhưng tôi sợ bị những hệ luỵ thế gian làm mờ mắt. Lúc ấy tôi tự xét mình kỹ lưỡng để quyết định xem tôi đủ sức về thăm cha mẹ hay không. Một buổi chiều trong khi thiền định, tôi ngẫu nhiên thốt ra bài kệ sau:
Ngày ngày sóng nổi ngập thái không,
Chim cá cùng bơi một kính trong.
Đêm qua trăng bỗng rụng bên trời,
Sáng bừng như lẫn ngọc ly long.

Lập tức tôi gọi thị giả và bảo ông ta, “Bây giờ tôi có thể về quê thăm cha mẹ được rồi!”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÁNH HẠNH NIỆM PHẬT
  2. HÁM SƠN NGỮ LỤC

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ