HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
Trích Chương VII Bình An Trong Dân Gian; Thaihabooks và NXB Thời Đại
Trên lập trường của người tu thiền bàn luận về gia đình đầm ấm và sự nghiệp thành công thì ta có thể dùng hai câu để biểu thị:
“Dốc toàn tâm toàn lực chăm sóc gia đình, dùng cả tính mệnh đầu tư vào sự nghiệp”.
Mỗi thành viên trong gia đình ai cũng dốc toàn tâm, toàn lực chăm sóc gia đình, dù giàu nghèo sang hèn ra sao thì mọi thành viên già trẻ trong nhà cũng nhất định có được sức khỏe và niềm vui. Còn nếu dùng toàn bộ sinh mệnh đầu tư cho sự nghiệp, dù địa vị cao thấp thế nào cũng được hưởng thành quả do mình tạo ra.
I. Cha mẹ và con cái cần tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau
Sự sung túc về đời sống vật chất chưa hẳn đã mang tới một gia đình đấm ấm, vẻ hào nhoáng bên ngoài cũng chưa khẳng định đó là người thành công trong sự nghiệp. Chỉ có việc khiến mọi thành viên trong gia đình cảm thấy được tôn trọng, được quan tâm thì gia đình mới hạnh phúc, chỉ có dốc hết tâm huyết vào công việc mới có được người xuất sắc trong hàng trăm ngành nghề.
Con người hiện đại ngày nay do thường đề cao bản thân mà hình thành lên khoảng cách xa xôi giữa các thế hệ trong gia đình, đặc biệt là khoảng giữa cha mẹ và con cái, sự rạn nứt trong quan hệ vợ chồng, thậm chí là sự ngăn cách xa lạ giữa anh chị em ruột. Cùng chung sống dưới một mái nhà, nhưng việc của ai người ấy lo, yêu cầu người khác phục tùng mình, thậm chí xảy ra tranh quyền đoạt lợi, kết quả là cha mẹ không hiểu tâm tư của con cái, còn con cái không thấu hiểu nỗi khổ tâm của cha mẹ, vợ chồng không tin tưởng nhau, không nhường nhịn nhau, dường như ai cũng mất đi sự tín nhiệm vào gia đình và mất cảm giác an toàn.
Hệ quả tất yếu của vấn đề này là những cha mẹ lớn tuổi bị đưa vào viện dưỡng lão, con cái còn ít tuổi thì nghịch phản, thanh niên thì rời xa gia đình tự lập, hôn nhân nam nữ trên bờ đổ vỡ, và cái gọi là gia đình đầm ấm hạnh phúc chỉ là câu cửa miệng, là khẩu hiểu, là giấc mộng mà thôi.
Thực tế, giữa vợ chồng tôn trọng, tha thứ, học hỏi, trung thành, quan tâm yêu thương lẫn nhau thì việc xây đắp được một mái ấm hạnh phúc không còn là chuyện khó khăn nữa.
II. Sự nghiệp kinh doanh buôn bán cần phải thực tế
Quan niệm về giá trị của xã hội ngày càng hỗn loạn điên đảo, rất nhiều người chỉ biết coi tài sản, danh vọng, địa vị, quyền thế làm giá trị đo lường cho sự thành công trong sự nghiệp mà không hề biết rằng đó là phúc báo trời cho và sự nỗ lực của bản thân mà có. Nếu không có phúc báo trời cho mà chỉ đơn thuần dựa vào nỗ lực thôi thì không thể có được sự vừa lòng hợp ý, mãn nguyện về danh lợi, quyền thế địa vị. Nhiều người không hiểu được ý nghĩa đạo lí này, vì thế mà mải theo đuổi mưu lợi cá nhân, không màng tới lợi ích của người khác, lợi ích công cộng; thậm chí còn tham thú kẽ hở của xã hội, của pháp luật mà giở mọi thủ đoạt lừa gạt cướp đoạt của kẻ khác, lấy danh nghĩa việc công để mưu lợi riêng, đổi trắng thay đen, vô hình chung chúng đã làm tổn hại đến vô vàn chúng sinh vô tội, và làm xáo trộn trật tự xã hội. Có thể chúng thăng quan tiến chức trong nháy mắt, nhưng cuối cùng cũng sẽ chịu sự trừng trị của pháp luật và sức ép của dư luận. Tuy có thể trốn tránh nhất thời nhưng không thể tránh được quả báo mà chúng gây ra.
Do vậy mà lí tưởng theo đuổi sự nghiệp thành công không có gì là sai trái, nhưng những kẻ mù quáng làm liều mãi là tội đồ ngông cuồng hại mình hại cả người khác, là phạm nhân của toàn xã hội.
Con người trong xã hội hiện đại ngày nay chỉ ham hố cái lợi trước mắt. Khi bản thân tự nhận thức được áp lực mình gặp phải mới nảy sinh ý niệm khác thường. Do vậy mà tỉ lệ lao động chuyển ngành nghề ngày càng cao, thậm chí có người hết đổi nghề này sang nghề khác, chuyển hết chỗ làm này sang chỗ làm khác, như vậy cái tâm của họ không hề được yên ổn an nhàn, nghiêm trọng hơn nữa còn khiến cho gia đình không hạnh phúc.
Đương nhiên nó sẽ là quá trình trưởng thành và là bước ngoặt bắt buộc phải trải qua để đi đến thành công nếu đây là sự chuyển đổi mang tính giai đoạn tạm thời, là sự thay đổi có kế hoạch hoặc là sự thăng chức có điều chỉnh. Có điều, nếu ta bất mãn với môi trường làm việc hoặc không chuyên tâm đến công việc trước mắt thì dù làm bất cứ việc gì ở bất cứ ngành nghề nào cũng không có được thành công.
III. Người có nhiều thời gian nhất là người luôn bận rộn
Con người hiện đại hầu như không có ai là không bận rộn, vì đáp ứng nhu cầu cuộc sống mà họ không dừng lại ở một công việc, có khi phải kiêm nhiệm nhiều việc, ban ngày có thể bận đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi, đến khi đêm về lại ra ngoài tiếp khách xã giao, kết quả là một số người do bận rộn công việc mà không chăm lo được cho gia đình, ngày nào cũng đi sớm về tối, một tuần khó khăn lắm cũng chỉ gặp mặt con cái được một, hai lần, thậm chí vợ chồng còn không có thời gian trò chuyện với nhau. Trong nhịp sống vội vàng và gấp gáp như vậy làm sao để chăm sóc được cho con cái và gia đình? Đây quả là một vấn đề nan giải!
Theo kinh nghiệm của tôi và những điều mắt thấy tai nghe, có thể chứng minh được người bận rộn có nhiều thời gian nhất. Bởi chỉ cần có tâm, thì người bận rộn sẽ dùng hết quỹ thời gian của mình, sắp xếp thời gian hợp lí chăm sóc gia đình và sự nghiệp vẹn cả đôi đường.
Tôi không có vợ con, nhưng tôi có một gia đình thật lớn, đó là chùa chiền cùng với tín đồ tăng ni Phật tử, bản thân tôi cũng có ba trách nhiệm lớn lao của một người cha, người thầy. Tôi phải dốc hết tâm sức chăm lo chùa chiền, quan tâm đến các tín đồ Phật tử. Trong mỗi hành trình truyền bá Phật giáo, tôi luôn nghĩ đến từng tín đồ, đệ tử. Có khi khuyến khích họ bằng phương pháp hướng dẫn thảo luận theo nhóm, có khi lại dùng phương pháp nói chuyện riêng. Tục ngữ có câu: “Không ai hiểu rõ con bằng cha”, tôi là thầy, là cha của họ, tôi nên trở thành người bạn tâm giao tri kỉ, có như vậy họ mới cam tâm tình nguyện làm đệ tử của mình.
Cũng giống như vậy, là bậc phụ huynh cần hiểu rõ chí hướng, tính cách, sở thích, tư chất, tài năng của con cái. Dù không biết hướng dẫn đường đi nước bước cho chúng ra sao, nhưng cũng nên giúp chúng chọn ra con đường nào thích hợp nhất. Khi không thể đồng hành cùng với sự trưởng thành của con cái, không thể làm bạn tri âm tri kỷ của các con thì tốt nhất không nên lấy đi lòng tin với chúng, mà cha mẹ nên tạo cho chúng cảm giác an toàn.
IV. Toàn tâm toàn lực chăm lo gia đình và sự nghiệp
Chỉ cần toàn tâm toàn lực chăm nom cho gia đình và sự nghiệp thì sẽ thắng lợi cả đôi bề. Khi hướng dẫn cách tu thiền, tôi thường nhắc nhở mọi người: “Ta sống ngày nào, thì Phật cũng bên ta ngày đó”. Nói cách khác, cần nỗ lực và an định nhân tâm kịp thời, sinh mệnh này tuy ngắn ngủi nhưng ta phải biết tự thức tỉnh bản thân bằng những hành động chân thực, có như vậy sinh mệnh mới có giá trị riêng của nó.
Trong cuộc sống ngày nay, việc dùng sinh mệnh để thích ứng, để cảm nhận và sau đó không còn vướng mắc thành công hay thất bại nữa là ý nghĩa chân chính của việc đối diện với sự thật, tiếp nhận nó, xử lí nó, và buông lỏng nó.
Nói tóm lại, không cần tốn nhiều thời gian, chỉ cần mỗi thành viên trong gia đình dùng sự quan tâm chân thành để lĩnh hội thế giới nội tâm của các thành viên còn lại thì họ sẽ là một mái ấm gia đình hạnh phúc. Còn trong sự nghiệp, chỉ cần có tâm huyết, dùng hết khả năng giải quyết vấn đề thì sẽ gặt hái được nhiều thành quả huy hoàng.
Dù không có nhiều thành công về đời sống vật chất, nhưng cái tâm được an định, ta sẽ trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn, và cống hiến cho xã hội nhiều hơn, và dĩ nhiên đây cũng chính là thành quả đáng được chấp nhận và đánh giá cao.