SUY NGHĨ VÀ THÓI QUEN ẢNH HƯỞNG ĐẾN CẢM XÚC NHƯ THẾ NÀO?

JUSTIN BARISO

Trích: EQ - Trí Thông Minh Cảm Xúc Trong Công Việc; Lưu Huỳnh Trọng Nghĩa dịch; NXB Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.

“Gieo suy nghĩ gặt lời nói, gieo lời nói gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận.” – FRANK OUTLAW

Một ngày nọ, khi đang ngồi trên chiếc ghế dài trong công viên đón nắng, bạn quan sát thấy có ông bố trẻ (chúng ta sẽ gọi anh ấy là James) đang vui đùa với bọn trẻ nhà mình.

Điện thoại James báo có tin nhắn đến. Vài phút sau, anh chuyển sang tập trung vào email công việc của mình. Bọn trẻ dần mất kiên nhẫn, đòi bố quay lại chơi với mình. “Đợi bố chút”, anh bảo nhưng mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại. Bọn trẻ liên tục không ngừng gọi to lên: “Bố ơi… Bố ơi… Bố ơi…”

James đột nhiên quát: “Bố đã bảo là đợi một chút rồi mà!”. Trong tích tắc, hình ảnh ông bố hiền lành và ôn hòa đã biến mất, khiến bọn trẻ hoảng sợ và khóc lớn. Anh lập tức cất điện thoại để dỗ bọn trẻ, hối hận vì khi trước đã lấy nó ra.

Ngày hôm sau, cảnh phim đó lặp lại.

Chuyện tương tự xảy ra với người phụ nữ tên Lisa. Cô đang trên đường đến ga tàu điện ngầm để chuẩn bị về nhà sau một ngày dài làm việc. Đột nhiên, cô bị phân tâm khi thấy chiếc bảng hiệu giảm giá ở cửa hàng mình yêu thích, rồi cô quyết định ghé vào “chỉ để xem”, dẫu biết rằng mình không đủ tiền mua bộ đồ mới. Trong vài phút, cô phát hiện ra một đôi giày mình không thể bỏ lỡ. Nhưng cô cũng biết rằng mình đang mắc nợ chồng chất và hóa đơn thẻ tín dụng cũng ngày một tăng nhiều hơn trong vài tháng qua.

“Đây là lần cuối cùng”, Lisa tự nhủ khi nhân viên thu ngân quẹt thẻ của cô.

Tiếp đó là Steve. Sau nhiều năm cố gắng cai thuốc lá, anh thấy mình cuối cùng cũng tiến bộ. Anh đã bỏ hút trong một tháng và không còn thấy thèm nữa.

Nhưng hôm nay là một ngày làm việc căng thẳng. Sau cuộc nói chuyện điện thoại không thuận lợi với quản lý của mình, Steve lẻn vào phòng bạn mình hút một điếu và quay trở ra ngoài. Xong xuôi, anh liền cảm thấy tội lỗi.

Bạn có thể nhận ra ít nhất một tình huống trong những câu chuyện này. Hoàn cảnh hay cám dỗ của riêng mỗi người có thể khác nhau, nhưng kiểu hành động thường là giống nhau. Tất cả đều dẫn đến một sự thật duy nhất không thể chối cãi: cảm xúc và thói quen của chúng ta liên kết rất chặt chẽ với nhau.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁ TRỊ CỦA MỐI QUAN HỆ BỀN VỮNG
  2. HÃY TÌM VIÊN KIM CƯƠNG CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP