JIDDU KRISHNAMURTI
Trích “Bút Hoa” - Krishnamurti
Dịch giả: Ẩn Hạc
J.Krishnamurti (1895–1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm. Cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là “làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện”, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.
Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ “triết thuyết” nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.
Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh. Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.
Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Ojai, California.
CÁI ĐANG LÀ
Tỉnh dậy rất sớm với một cảm thức mạnh về “bờ bên kia”, về một thế giới vượt trên tất cả tư tưởng. Điều này thật là mãnh liệt, trong sáng và tinh khôi như buổi sáng sớm, như nền trời không gợn mây. Tâm trí được tẩy sạch hết tưởng tượng, ảo tưởng, bởi vì không còn có thời gian. “Tất cả đang là”, mà không bao giờ đã có. Mọi khả năng kéo dài đều có ảo tưởng kèm theo.
Buổi mai vẫn còn trong sáng, nhưng chẳng bao lâu mây đã dồn tới. Nhìn qua khung cửa sổ, cây cối và đồng cỏ hiện ra rõ ràng. Một điều kỳ lạ xảy ra: một sự củng cố về tính nhạy cảm, không chỉ trước vẻ đẹp, mà còn trước hết mọi sự. Mỗi cọng cỏ, xanh một cách lạ lùng, một mình nó chứa đựng hết quang phổ màu sắc; cọng cỏ rất phong nhiêu, rực rỡ, mặc dù rất ư là nhỏ bé, dễ tan hoại. Những cây cối này, chiều cao và chiều sâu, chính là sự sống đó; những đường nét uy nghi của những ngọn đồi uốn lượn, những hàng cây đơn độc là ý nghĩa của toàn bộ thời gian, của toàn bộ không gian; và những ngọn núi đứng sững chọc lên nền trời xanh nhạt, vượt lên trên thần thánh của con người. Thật là quá sức tưởng tượng khi thấy và cảm nghiệm được mọi điều này, chỉ có nhìn qua khung cửa sổ. Mắt đã được mở lớn ra.
Thật lạ lùng, trong một hoặc hai lần tiếp chuyện, sức mạnh đó, thần lực đó đã tràn ngập khắp phòng. Hình như thẩm thấu vào mắt, vào hơi thở. Thần lực bỗng chốc hiện hành, thật là hoàn toàn bất ngờ, với một sức mạnh, hoặc một cường lực không cưỡng lại được, và vào những lúc khác thì thật là dịu dàng, hiện hữu một cách lặng lẽ. Nhưng thần lực đang ở đó, dù muốn hay không. Không thể nào quen thuộc với sự hiện diện này được, bởi vì thần lực không bao giờ đã có, cũng không bao giờ sẽ có. Nhưng thần lực đang ở đó.
Trích “Bút Hoa”
Tác giả: Krishnamurti
Dịch giả: Ẩn Hạc