CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Con Người Toàn Diện Và Tự Do; Nhà xuất bản Thiện Tri Thức - Những bài viết đã được in trong tạp chí Giác Ngộ và Văn Hoá Phật Giáo từ năm 1989 đến năm 2006

Phật (lý tưởng đạt đến của Bồ tát), bậc thành tựu tất cả mọi khả năng có thể có của một con người, được gọi là Lưỡng Túc Tôn, bậc đã thành tựu viên mãn hai sự tích tập trí huệ (tự giác) và sự tích tập phước đức phụng sự chúng sinh (giác tha), nghĩa là bậc Trí và Bi trọn vẹn.

I. Ý nghĩa Bồ tát

Bồ tát, từ người mới bắt đầu (sơ phát tâm) cho đến những vị dã nhiều đời sống theo hạnh Bồ tát (Đại Bồ tát) đều có một hướng đi rõ rệt: nỗ lực sống giải thoát và giác ngộ bằng chính cuộc đời mình và dùng cuộc đời đó để giúp đỡ những người khác giải thoát và giác ngộ, và hơn nữa, chính trong nỗ lực giúp đỡ những người khác giải thoát và giác ngộ mà vị ấy giải thoát và giác ngộ. Như vậy, Bồ tát có hai công việc chính:

– Tự mình giải thoát và giác ngộ, đây là công việc của trí huệ soi thấy tánh Không hay vô tự tánh của tất cả các hiện tượng (các pháp), của tất cả không gian và thời gian. Công việc này được gọi là tích tập trí huệ.

– Phụng sự chúng sinh (để họ giải thoát và giác ngộ), đây là công việc của lòng đại bi. Sở dĩ gọi là “đại”, bởi vì đó không phải là công việc của một đời mà là công việc của một số đời bằng số đời của tất cả chúng sinh, công việc của một đời sống “không bỏ chúng sinh” và do đó mà “không sợ sinh tử luân hồi”. Phụng sự, làm lợi lạc cho chúng sinh trải qua nhiều đời, trong mọi mặt, công việc này được gọi là tích tập phước đức. Và cũng vì điều này Bồ tát được gọi là “Anh hùng”.

Bởi vậy, Phật (lý tưởng đạt đến của Bồ tát), bậc thành tựu tất cả mọi khả năng có thể có của một con người, được gọi là Lưỡng Túc Tôn, bậc đã thành tựu viên mãn hai sự tích tập trí tuệ (tự giác) và sự tích tập phước đức phụng sự chúng sinh (giác tha), nghĩa là bậc Trí và Bi trọn vẹn. Cũng do sự tích tập phước đức mà một vị Phật có Sắc thân với đủ 32 tướng tốt, và do sự tích tập trí tuệ vị ấy có Pháp thân, sự giải thoát tự do rốt ráo, đồng nhất giữa tất cả những vị Phật.

Bồ tát là một đời sống hòa hợp được hai cái mâu thuẫn: một mặt nỗ lực giải thoát khỏi sinh tử, mặt khác không lìa bỏ sinh tử. Giải thoát sinh tử bằng tánh không (sự thật vô ngã và vô pháp) đồng thời không bỏ sinh tử vì lòng đại bi. Như thế, trên con đường Bồ tát cuối cùng hai cái tưởng chừng như mâu thuẫn, tánh Không và đại bi trở thành một, bất khả phân và Bồ tát hòa hợp được hai phương diện mâu thuẫn này là nhờ phương tiện thiện xảo. Nhưng cũng chính từ phương tiện thiện xảo này, với một trí tuệ sâu sắc và một lòng bi bao la, Bồ tát thấy được ý nghĩa của sinh tử. Sinh tử không phải là cái gì đáng ghét và ghê gớm như một đống rác hôi hám nên vứt ra ngoài càng sớm càng tốt, mà rác cũng có cái ích lợi của nó; đây là mặt tích cực của sinh tử trên con đường thành Phật. Cũng do đó mà Bồ tát có sự nhớ ơn đối với sinh tử, với chúng sinh, và trong hạnh Bồ tát có bao hàm phần nào sự nhớ ơn đó:

“Nếu thấy cái Vô vi (vô sinh, tánh không, Niết bàn) mà nhập chánh vị thì không còn có thể phát tâm vô thượng Bồ đề được nữa. Tuy nhiên, người sống giữa những cái hữu vi, trong những nẻo phiền não, dù chưa thấy chân lý rốt ráo, cũng có thể thật sự phát tâm Bồ đề.

Ví như chỗ đất cao không thể sinh hoa sen. Nơi bùn lầy ẩm thấp mới sinh hoa ấy. Như vậy thấy pháp vô vi rồi nhập chánh vị rốt cuộc chẳng còn sinh được những phẩm tính Phật. Trong bùn lầy phiền não mới có chúng sinh khởi sinh những phẩm tính Phật. Lại như gieo hạt giống giữa không trung, rốt cuộc chẳng sinh được, ở đất phân bùn mới tốt tươi… Thế nên phải biết: hết thảy phiền não là hạt giống Như Lai. Ví như không lặn xuống biển cả thì không thể được ngọc quý vô giá, cũng vậy không vào biển cả phiền não thì không thể được Nhất Thiết Trí vô giá (Kinh Duy Ma Cật – phẩm Phật đạo).

Ở mức độ bình thường của con người, có thể nói rằng Bồ tát là người bên trong thì hiểu và thâm nhập tánh Không, an trụ trong tánh Không, bên ngoài thì hoạt động trong thế giới hiện tượng. Bồ tát là người sống trong thế giới sai biệt, nhưng trong tâm thì tương ưng với tánh Không, do đó mà không phân biệt, không động, như kinh Duy Ma Cật diễn tả:

Hay khéo phân biệt tướng các pháp (mà) nơi đệ nhất nghĩa (tánh Không, pháp tánh) thường không động.

Chúng ta thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có những gương mặt tiêu biểu rõ nét cho sự nhập thế tích cực đồng thời tâm thức rất giải thoát như Thái sư Khuông Việt, các Thiền sư Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, Thiền sư Hương Hải… chúng ta cũng thấy cuốn kinh được dịch đầu tiên ở nước ta là Lục Độ Tập Kinh, một kinh điển nói về hạnh Bồ tát (Lục độ). Có lẽ vì thế mà động lực của dòng chảy Phật giáo Việt Nam là con đường Bồ tát chăng? Và một vị chỉ mới cách đây 40 năm mà chúng ta tôn vinh là Bồ tát Quảng Đức, khi ngài tự thiêu để bảo vệ Phật pháp, hình ảnh ngài ngồi trong lửa mà nét mặt vẫn bình thản, nếu không nói là vui tươi, đã dạy cho chúng ta ít nhiều về Bồ tát: ngồi trong biển lửa sinh tử mà vẫn an trụ trong lòng pháp tánh (hay tánh Không) nên vẫn điềm nhiên bất động. Hình ảnh của ngài đúng như hai câu thơ của Thiền sư Ngộ Ấn ở thế kỷ XI

Trên non ngọc cháy màu thường thắm

Lò lửa hoa sen nở vẫn tươi.

II. Tính cách của Bồ tát

Dĩ nhiên chúng ta không thể nào nói hết những phẩm tính của Bồ tát, bởi vì trong quá trình tiến hóa qua nhiều kiếp sống, những đức tính nào con người có thể có, đều được khai triển mức hoàn hảo nơi một Bồ tát. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên vài tính cách của Bồ tát phù hợp với ngữ cảnh của bài này

1. Lạc quan không bờ bến

Con đường Bồ tát có thể gian khổ, nhưng con đường đó đặt trên một nền tảng: tôi và tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều sẽ đạt dến mức toàn thiện và toàn diện nhất, tức là thành Phật. Do đó, mọi tương quan tôi có với người này người nọ, dù tốt dù xấu, dù thuận dù nghịch, đều là tương quan của những vị Phật sẽ thành, tương quan tác thành cho nhau giúp nhau thành Phật. Mỗi người là một hoa sen, bởi thế tương quan giữa những con người là tương quan của những vị Phật sẽ thành. Như thế toàn bộ đời sống là một sự “sẽ thành Phật” bao la, rộng khắp, tất cả đều được chuyển hóa trong sự việc “đều sẽ thành Phật” này. Và đây là một nguồn lạc quan không bờ bến của một người theo hạnh Bồ tát.

2. Giúp đỡ và chia xẻ.

Bồ tát là người muốn giúp đỡ và chia xẻ với người khác. Thậm chí giải thoát là cái vô hình vô tướng, hầu như không chia xẻ được, vậy mà Bồ tát cũng muốn chia xẻ với mọi người. Bồ tát đạt giải thoát là để chia xẻ với mọi người. Và như vậy giác ngộ trở thành cái gì chung như kinh điển thường nói: “Như thế đến hai muôn Đức Phật đều đồng một tên hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại cùng đồng một họ Phả La Đọa” (kinh Pháp Hoa). Bồ tát không những muốn chia xẻ giải thoát với chúng sinh, mà còn chia xẻ cùng với chúng sinh sự khổ đau, những vấn nạn, cả cuộc sinh tử của chúng sinh. Sự giúp đỡ và chia xẻ này sâu rộng đến mức tột độ thì như Bồ tát Quán Thế Âm: “Trên hợp với Bản Giác Diệu Tâm của mười phương chư Phật, dưới hợp với tất cả chúng sinh trong sáu nẻo, cùng với các chúng sinh đồng một Bi ngưỡng” (Kinh Lăng Nghiêm).

3. Bồ đề tâm

Hiểu đơn giản, Bồ đề tâm là ý nguyện giải thoát và giác ngộ, đồng thời giúp cho người khác giải thoát và giác ngộ. Nói tóm, đó là phụng sự chúng sinh bằng Phật pháp. Đó là cốt lõi mà mọi hành động, mọi ý nghĩ, mọi biến cố trong cuộc đời một Bồ tát quay quanh. Thiết lập cuộc đời trên Bồ đề tâm, lý tưởng của mình, đời một con người thôi lao đao nghiêng ngã, thôi dật dờ phiêu bạt, và trong một mức độ nào, nó đã liên kết được cuộc đời nó với tất cả những cuộc đời của những bậc đã đi trước mình, đã vững vàng và làm được những Phật sự rộng lớn bao la, nói cách khác, theo kinh Hoa Nghiêm, nó đã đặt cuộc đời bèo bọt của nó vào trong “biển đại nguyện” thường trụ của chư đại Bồ tát và chư Phật.

4. Chuyển hóa những khó khăn, trở ngại, thất bại, khổ đau thành chính con đường giải thoát

Bồ tát làm được điều này nhờ phương tiện thiện xảo.

III. Con đường Bồ tát và xã hội hiện đại.

Thật ra đạo Bồ tát hay hạnh Bồ tát không phải là cái gì xa lạ quá với con người bình thường – giúp đỡ và chia xẻ thì có gì là lạ lùng với cuộc sống bình thường? Từ khi sống trong nhóm bộ lạc cho đến những hình thái xã hội ngày nay, con người luôn luôn thấy trách nhiệm của mình với người khác, luôn luôn gắn liền sự tiến hóa của bản thân mình với sự tiến hóa của cộng đồng. Trong những kinh điển nói về hạnh nguyện Bồ tát, từ ngữ “quyến thuộc của Bồ tát” thường được nhắc đến nhiều. Ngay cả một thực tại cao siêu như đại bi, thì đó cũng là sự khai triển đến mức cùng tột của cái mà chúng ta thường nói hàng ngày là “tình người”. Như vậy, những gì đạo Phật chỉ dạy không phải là một lý thuyết xa lạ được gán ghép một cách giả tạo vào số phận con người, mà trái lại, nó là một số phận tất yếu, con đường tiến hóa tất yếu mà con người phải trải qua, như những đại Bồ tát và những vị Phật là những người tiến hóa, đi trước chúng ta.

Tích tập phước đức đơn giản là làm lợi ích cho một ai đó. Như vậy tích tập phước đức chỉ có trong tương quan. Và trong xã hội ngày nay nhờ giao thông, thông tin… những tương quan giữa người trở nên phong phú, đa dạng, mở rộng trên toàn thế giới. Ngay trong việc kiếm sống hàng ngày, trồng lúa gạo, cây trái, hay sản xuất trong nhà máy, phẩm vật đó sẽ đi đến một tỉnh nào hay nước nào trên thế giới. Vậy thì trong việc làm hàng ngày này, bằng sự nghĩ đến lợi ích cho người khác, thêm vào một chút tình thương và lòng bi, thêm vào sự không chấp thủ ta và cái của ta (tích tập trí tuệ: không trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp mà bố thí), chúng ta đã làm một công việc Bồ tát, đó là sự tích tập phước đức và trí tuệ. Và trong đó có niềm vui của phụng sự, niềm vui của tình thương, niềm vui của sự không chấp thủ, niềm vui của con đường Bồ tát.

Trong kinh điển, chúng ta thấy có Bồ tát làm cầu đường, làm nghề dược, nghề y… như kinh Hoa Nghiêm, phẩm “Thập Địa” nói: “Đại Bồ tát này vì lợi ích chúng sinh nên học tập đủ tất cả kỹ nghệ thế gian, thông đạt văn tự, toán số, ấn loát. Lại giỏi những thứ văn bút, tán vịnh, ca vũ, kỹ nhạc, diễu cười, đàm luận. Biết rành cách thức kiến trúc, hầm mỏ… tất cả các việc thế gian khác”. Như thế, tất cả mọi người, trong tất cả lĩnh vực đều đã sẵn sàng ở trên mặt bằng của sự tích tập phước đức, chỉ cần thêm vào đó một phần “tinh thần Bồ tát” là công việc ấy trở thành một phần của đạo Bồ tát. Với trí tuệ và lòng bi, công việc hàng ngày trở thành phương tiện thiện xảo để thực hành đạo Bồ tát. Và với trí tuệ và lòng bi, nghề nghiệp và tài năng của một người trở thành phương tiện để phụng sự, và như vậy được phát triển, nâng cấp trong sự mở rộng thay vì dính mắc vào đó (dính mắc nào cũng gây ra khổ đau), và vì không dính mắc, không chấp chặt, mà chính nghề nghiệp ấy có không gian hoạt động rộng hơn, cái nhìn sáng tạo hơn. Từ đó chúng ta thấy rằng nghề nghiệp, tài năng, công việc, đức tính trở thành “hạnh” như những Bồ tát và những vị Phật đã thành tựu qua hạnh của các ngài, như danh hiệu của ngài đã diễn tả: “Lắng nghe âm thanh cuộc đời” (Bồ tát Quan Thế Âm), “Thiện ý” (Phật Thiện Ý – trong Nghi thức sám hối), những Bồ tát Địa Tạng, Phổ Nhãn, Vô Tận Tạng… những vị Phật Dược Sư, Phật Từ Tạng, Phật Vô Lượng Quang…

Theo những kinh điển Đại thừa, thế giới là tánh Không, và do đó thế giới là sự tương tác lẫn nhau một cách vô ngại của tất cả mọi hiện tượng. Như vậy, thân khẩu ý của một người có tham dự – dù cố ý hay vô tình, biết hay không biết – với thế giới. Chính từ cái nhìn như vậy mà chúng ta thấy rằng mỗi người, với thân khẩu ý của mình, đều chịu trách nhiệm với tất cả thế giới, với tất cả những gì xảy ra trong thế giới. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm với toàn bộ thế giới, chúng ta bắt đầu sống trong con đường Bồ tát.

Nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta thấy có sự đan xen nhiều lĩnh vực vào trong một lĩnh vực. Một biến cố nào ở một phần nào của thế giới đều ảnh hưởng lên tất cả thế giới. Mỗi người trở nên “quốc tế” hơn, tham gia vào mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghĩa là toàn bộ đời sống của thế giới. Dĩ nhiên đó chỉ là cái nhìn trên bề mặt hiện tượng. Nhưng tính cách đan xen tương tác này cũng khiến chúng ta nghĩ đến tính cách trùng trùng duyên khởi vô tận của pháp giới của các đại Bồ tát; đó cũng là môi trường sinh hoạt của các ngài. Ít ra dù chỉ trên mặt hiện tượng, chúng ta cũng phần nào cảm nhận ra tính cách đan xen, tương tác lẫn nhau, tính cách “xã hội hóa”, “toàn cầu hóa”, nghĩa là tính cách mở rộng mọi mặt của cuộc sống bình thường của chúng ta. Và trước sự mở rộng ra của thế giới, chúng ta cảm thấy tâm thức chúng ta cũng cần mở rộng ra, để ôm lấy thế giới, trong chiều rộng cũng như chiều sâu, bằng ánh sáng của trí tuệ và sự sống động ẩn mật của lòng bi. Và phải chăng ôm trọn toàn bộ đời sống bằng trí tuệ và lòng bi như vậy chính là sự an vui, ý nghĩa của con đường Bồ tát?

Tất cả đời sống con người đang được đa dạng hóa, toàn cầu hóa. Chúng ta cũng thấy toàn cầu hóa không phải là một nền kinh tế áp đặt luật lệ của mình lên những nền kinh tế khác và không chỉ riêng về mặt kinh tế. Xã hội hóa, toàn cầu hóa là sự tương thông lẫn nhau, chia xẻ với nhau những mặt vật chất và tinh thần, chia xẻ với nhau sự sống vốn hàm chứa nhiều ý nghĩa bí mật. Đó là một quá trình mở rộng phạm vi tâm thức, mở rộng giới hạn cuộc sống của mỗi chúng ta. Trong một thế giới đan xen lẫn nhau, tương tác hỗ tương lẫn nhau như vậy, nếu chúng ta biết mở rộng tâm thức để nhìn, để thấy, để sống thì có lẽ cuộc sống hiện đại là một môi trường – đầy nguy hiểm đồng thời cũng đầy cơ hội – để chúng ta khám phá ra một thế giới rộng lớn hơn (pháp giới) và những gì là lớn, là đại: đại trí, đại bi, đại hạnh… Sự khám phá bằng cách mở rộng tâm thức, làm cho tâm thức thêm tinh tế này sẽ đưa chúng ta bước vào một đời sống sâu rộng hơn, bao trùm hơn, mầu nhiệm hơn, đó chính là ý nghĩa cuộc đời Bồ tát.

Như vậy, đạo Phật giúp chúng ta nâng cấp những tương quan, nhìn thấy ý nghĩa, nội dung chân thật của những tương quan để càng lúc càng đi sâu vào thế giới trùng trùng những tương quan vô tận mà đạo Phật gọi là pháp giới, môi trường sinh hoạt bình thường của những Bồ tát. Đó là đời sống của kinh Hoa Nghiêm: một thế giới trong đó cái Một tương quan với Tất cả và Tất cả tương quan với Một, pháp giới duyên khởi trùng trùng vô tận, pháp giới của sự tương quan vô ngại của Một với Tất cả, Tất cả với Một, và Tất cả với Tất cả.

Tóm lại, qua vài phân tích sơ bộ và hẳn có nhiều thiếu sót, chúng ta có thể thấy rằng con đường Bồ tát, con đường dẫn tới sự thành tựu trọn vẹn mọi mặt của con người (con đường thành tựu giác ngộ), không phải là cái gì xa lạ và giả tạo do từ bên ngoài bản thân chúng ta, mà là một cái gì rất gần gũi, rất thân thiết, khai triển từ chính chiều sâu của mỗi chúng ta, nằm trong chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TỰ HOÀN THIỆN VÀ HOÀN THIỆN CHO NGƯỜI
  2. BỒ TÁT HẠNH PHẬT HÓA THẾ GIAN
  3. TU QUÁN

Bài viết mới

  1. SỰ TIẾN HÓA CỦA TÂM HỒN
  2. CÁC LUÂN XA
  3. TẬN DỤNG TỐI ĐA THỜI GIAN