SUY NIỆM VỀ MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc - Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyễn Trung Kỳ dịch; NXB; Thế Giới & Cty Sách Nhã Nam

 

Khi Đạt Lai Lạt Ma ngồi trong sa mạc Arizona tuần lễ ấy, phân tích bản chất con người và xem xét tâm trí con người với sự tỉ mỉ của một khoa học gia, một chân lý giản đơn dường như chiếu ra và rọi sáng mọi cuộc thảo luận: mục đích của đời sống chúng ta là hạnh phúc. Lời khẳng định đơn giản ấy có thể được dùng như một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta tìm đường băng qua những vấn đề của cuộc sống mỗi ngày. Từ quan điểm ấy, công việc của chúng ta trở thành dẹp bỏ những gì đưa đến khổ đau và tích lũy những điều đưa đến hạnh phúc. Phương pháp, tức việc thực hành hằng ngày, từ từ gia tăng sự ý thức và hiểu biết của chúng ta về cái gì thực sự đưa đến hạnh phúc, cái gì không.

Khi đời sống trở nên quá đỗi phức tạp và chúng ta cảm thấy bị choáng ngợp, việc đứng lại và tự nhắc nhở về mục đích tổng thể của mình, mục tiêu tối hậu của mình thường rất hữu ích. Khi đối diện với cảm giác chán nản và bối rối, có thể sẽ hữu ích nếu ta dành ra độ một giờ, một buổi chiều, thậm chí cả nhiều ngày chỉ để phản tỉnh về việc đâu là cái sẽ thực sự mang đến hạnh phúc cho chúng ta, và rồi sắp đặt lại các ưu tiên của chúng ta trên cơ sở ấy. Việc này có thể đặt lại đời sống chúng ta vào khung cảnh phù hợp, cho phép có một nhãn quan mới và giúp chúng ta nhìn thấy hướng nào cần phải chọn.

Thỉnh thoảng, chúng ta bị đặt trước những quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể quyết định cưới vợ, có con, hoặc theo một khóa học để trở thành luật sư, nghệ sĩ hoặc kỹ sư điện. Giải pháp quyết định để trở nên hạnh phúc – tìm hiểu các nhân tố đưa đến hạnh phúc và bước những bước tích cực để xây dựng một đời sống hạnh phúc hơn – có thể chỉ là một quyết định như thế. Việc chuyển hướng về hạnh phúc như một mục đích có giá trị và quyết định có ý thức hầu tìm kiếm hạnh phúc một cách có hệ thống có thể thay đổi sâu sắc phần còn lại của cuộc đời chúng ta. Cách hiểu của Đạt Lai Lạt Ma về những nhân tố tựu trung đưa đến hạnh phúc là dựa trên cơ sở cả một đời quan sát tâm trí của chính mình một cách có phương pháp, khảo sát bản chất của hoàn cảnh con người, tìm hiểu những điều ấy trong khuôn khổ đã được Đức Phật thiết lập trước đó hai mươi lăm thế kỷ. Và từ bối cảnh này, Đạt Lai Lạt Ma đã đi đến một số kết luận chắc chắn về những hoạt động hay tư tưởng nào là đáng giá nhất. Ngài đã tóm tắt những niềm tin của ngài trong những lời sau đây, mà ta có thể sử dụng như một bài thiền định.

Đôi khi, gặp lại những người bạn cũ, tôi lại nhớ thời gian qua nhanh đến nhường nào. Và nó làm tôi băn khoăn liệu chúng ta đã sử dụng thời gian của mình hợp lý hay chưa. Việc sử dụng thời gian hợp lý rất quan trọng. Tuy chúng ta có được thân xác này, và đặc biệt là bộ óc diệu kỳ này của con người, tôi nghĩ mỗi phút giây đều là cái gì vô cùng quý giá. Cuộc hiện tồn từng ngày của chúng ta luôn tràn đầy hy vọng, mặc dù chẳng có gì bảo đảm được cho tương lai cả. Không có gì bảo đảm rằng ngày mai vào giờ này chúng ta sẽ ở đây. Nhưng chúng ta vẫn làm việc cho điều đó, chỉ thuần túy dựa trên niềm hy vọng. Vì thế, chúng ta cần sử dụng tốt nhất thời gian của mình. Tôi tin rằng việc sử dụng hợp lý thời gian của mình là như thế này: nếu có thể, ta hãy phục vụ người khác, phục vụ những loài có ý thức khác. Nếu không, ít nhất hãy tránh đừng làm hại họ. Tôi nghĩ đó là toàn bộ cơ sở triết lý của tôi.

“Vì thế, hãy suy nghĩ về điều gì thực sự có giá trị trong đời sống, điều gì mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta, và đặt ra những ưu tiên trên cơ sở đó. Mục đích đời ta cần phải có tính tích cực. Chúng ta không sinh ra với mục đích gây rắc rối, làm hại người khác. Để đời sống chúng ta có giá trị, tôi nghĩ chúng ta phải phát triển các phẩm chất tốt đẹp cơ bản của con người – nồng hậu, tử tế, yêu thương. Khi ấy đời sống ta trở nên có ý nghĩa và bình an hơn – hạnh phúc hơn.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả HOWARD C. CUTLER

  1. NHỮNG ĐAU KHỔ DO CHÍNH MÌNH TẠO RA
  2. THAY ĐỔI GÓC NHÌN
  3. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH