NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Trích: Đi Vào Kinh Hoa Nghiêm; NXB.Thiện Tri Thức
Thế giới chúng ta đang sống đây luôn luôn có Phật, có thân Phật:
Như trong hội này thấy Phật ngồi
Tất cả vi trần đều như vậy
Phật thân không đến cũng không đi
Bao nhiêu cõi nước đều hiện rõ.
Như Lai xuất hiện khắp mười phương
Trong mỗi vi trần vô lượng cõi
Vô lượng cảnh giới đều hiện ra
Đều trụ vô biên vô tận kiếp.
Phật trụ Chân Như pháp giới tạng
Vô tướng vô hình không cấu nhiễm
Chúng sanh xem thấy được Phật thân
Tất cả khổ nạn đều tiêu diệt.
(Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm)
Cũng một biển thế giới Hoa Tạng là Biển quả của Phật (phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4), tùy theo tâm thanh tịnh hay bất tịnh mà thấy có cõi Phật thanh tịnh hay có sanh tử khổ đau:
Biển thế giới Hoa Tạng
Đồng không khác pháp giới
Trang nghiêm rất thanh tịnh
An trụ nơi hư không…
Ví như trong rừng cây
Các thứ quả sai khác
Như vậy những thế giới
Các loài chúng sanh ở.
Ví như hạt sai khác
Sanh quả đều sai khác
Vì nghiệp lực sai khác
Cõi chúng sanh không đồng.
Ví như ngọc tâm vương
Tùy tâm thấy màu sắc
Khi tâm chúng sanh tịnh
Thấy được cõi thanh tịnh…
Hoặc có các cõi nước
Hiểm trở không bằng phẳng
Do chúng sanh phiền não
Thấy theo cách như vậy.
Tạp nhiễm và thanh tịnh
Vô lượng các thế giới
Tùy tâm chúng sanh khởi…
Thế giới tự như vậy
Thấy nhiều loại không đồng
Nhưng thật không có sanh
Cũng lại không diệt hoại.
(Hoa Tạng thế giới, thứ 5)
Để thấy được thế giới Hoa Tạng, chúng ta phải thanh tịnh tâm mình, đó là tích tập trí huệ, và mở rộng tâm mình, đó là tích tập công đức. Trí huệ và công đức gắn liền với nhau, không rời nhau. Như trong sự thờ phụng, Đức Phật Thích Ca ngồi giữa, bên phải là Bồ tát Văn Thù, cực điểm của trí huệ, bên trái là Bồ tát Phổ Hiền, cực điểm của đại hạnh công đức.
Khi tích tập trí huệ và công đức đến mức khá đủ, chúng ta sẽ tương ưng với trí huệ Phật, tức là Pháp thân Phật và công đức Phật, tức là Báo thân và Hóa thân Phật. Khi nói thế giới Hoa Tạng là y báo của Phật, nghĩa là thế giới Hoa Tạng là Báo thân và Hóa thân của Phật. Do đó mà nói tất cả thế giới đều có Phật
Về tích tập trí huệ thấu rõ tánh Không, chương kinh nào cũng có nói, nhưng có những chương chuyên biệt hơn như phẩm Thập Định (thiền định và thiền quán để thấy Phật), phẩm Thập Thông (để thấy trí thần lực vô ngại của Phật), phẩm Thập Nhãn (để kham nhẫn và lãnh thọ sự thật vượt quá sức tưởng tượng của ý thức)… Về tích tập công đức là hạnh Phổ Hiền, như phát tâm (phẩm Sơ phát tâm công đức), tin (phẩm Hiền Thủ), hồi hướng, cúng dường, sám hối… Tích tập trí huệ và công đức khiến ta có thể bước vào thế giới thanh tịnh của chư Bồ tát, chư Phật.
Khi đã bắt đầu tiếp thông được thế giới Hoa Tạng hay pháp giới Hoa Nghiêm, chúng ta mới thấy được rằng thật tướng của thế giới chúng ta đang sống đây chính là pháp giới Hoa Nghiêm. Trong pháp giới đó tất cả đều được trang nghiêm bằng hoa và các thứ báu (phẩm Hoa Tạng thế giới), do đó kinh có tên là Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là được trang hoàng bằng hoa trí huệ và công đức của Phật, trang hoàng bằng giải thoát giác ngộ, tất cả công đức và tất cả thần biến của Phật. Sự trang hoàng ấy vào đến những không gian nhỏ nhất như vi trần, những thời gian ngắn nhất như niệm, sát na, khoảnh khắc.
Thấy chỗ nào, thời gian nào cũng có đầy đủ trí huệ và công đức Phật, thậm chí trong mỗi hạt bụi, mỗi khoảnh khắc đều đầy đủ hoa và các báu trí huệ và công đức Phật. Đó là pháp giới Hoa Nghiêm, một thế giới trang hoàng bằng hoa không lúc nào ngừng nghỉ, chấm dứt. Thế giới ấy luôn luôn được trang nghiêm bằng hoa giác ngộ và công đức là một mùa xuân không dứt, vì “không thật có sanh, nên cũng không diệt hoại”. Mùa xuân vĩnh cửu trang nghiêm thanh tịnh ấy có thể gọi là mùa xuân Hoa Nghiêm.
Chúng ta vẫn luôn luôn sống trong mùa xuân Hoa Nghiêm ấy. Ngày nào chánh báo (thân tâm) và y báo (cảnh vật, môi trường) của chúng ta tương ưng được với Chánh báo và Y báo viên dung vô ngại của Phật thì chúng ta thấy trực tiếp được pháp giới Hoa Nghiêm của Phật. Nhưng cũng không nên tưởng rằng tương ưng là phải ngang bằng, vì trí huệ chánh báo và công đức ý báo của chúng ta có làm trong nhiều kiếp cũng chẳng nghĩa lý gì so với biển chánh báo và y báo của Phật, như một giọt nước so với đại dương.
Theo kinh Hoa Nghiêm, trí huệ và công đức của Phật Tỳ Lô Giá Na là vốn đã có sẵn, vốn đã viên thành. Quả Phật đã viên thành, biển Quả ấy đã có sẵn, chúng ta có sanh ra và chết đi bao nhiêu lần thì vẫn nằm trong biển Quả ấy. Quả Phật đã viên thành, đã sẵn đủ, và chúng ta tu hành trên và trong Quả đó, thế nên kinh Hoa Nghiêm là Quả thừa (Phalayana), quả của Phật Tỳ Lô Giá Na đã viên mãn, thay vì Nhân thừa (Hetuyana), tạo lập nhiều nhân để có ngày thành quả.
Chúng ta chỉ cần một số trí huệ, một số công đức để chạm vào biển trí huệ và công đức vốn đã viên thành của Phật thì pháp giới Hoa Nghiêm liền hiện tiền. Ví như vũ trụ là một kho nhiên liệu không lồ, chỉ cần chúng ta châm một mồi lửa đúng vào nó thì tất cả sẽ bừng cháy. Ví như một giọt nước, chỉ cần chạm vào đại dương thì giọt nước ấy trở thành đại dương.
Thế nên kinh nói: “Ngay khi phát tâm liền được tất cả chư Phật mười phương đồng khen ngợi, liền có thể thuyết pháp giáo hóa điều phục chúng sanh trong tất cả thế giới, liền có thể chiếu sáng tất cả thế giới, liền có thể nghiêm tịnh tất cả quốc độ, liền có thể khiến tất cả chúng sanh đều được vui mừng, liền có thể vào tánh tất cả pháp giới, liền có thể giữ gìn chủng tánh Phật, liền có thể được trí huệ quang minh của chư Phật”.
Như thế bởi vì chánh báo và y báo nhỏ nhoi của chúng ta đồng một thể tánh với chánh báo, y báo của Phật. Chánh báo và y báo nhỏ nhoi của chúng ta được thiết lập chính ngay trên chánh báo và y báo của Phật. Đến một lúc nào đó mà có con mắt pháp thanh tịnh, chúng ta sẽ thấy rằng chánh báo và y báo của chúng ta chính là chánh báo và y báo sẵn có và viên dung vô ngại của Phật. Khi ấy sanh tử biến mất, chỉ còn pháp giới Hoa Nghiêm hiện bày.
Đó là một mùa xuân vĩnh cửu vì chư Phật thường hiện tiền:
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu hiểu được như thế
Chư Phật thường hiện tiền
(Tu Di đảnh kệ tán, thứ 14)
Sống được pháp giới Hoa Nghiêm vô ngại ấy thì đời sống bình thường của chúng ta có một ý nghĩa pháp giới:
“Có thể dùng một cái hoa để trang nghiêm tất cả thế giới mười phương” (Thập Hồi hướng, thứ 25).
“Trong một niệm cùng với tất cả chúng sanh đồng ở” (Nhập pháp giới, thứ 39).