NHỮNG ĐIỀU CUỘC ĐỜI LÀM KHỔ CHÚNG TA

AJAHN BUDDHADĀSA

Trích: “Dưới Cội Bồ Đề” Tác giả: Ajahn Buddhadāsa Người dịch: Chương Ngọc Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Ảnh: Nguồn internet

Những điều cuộc đời làm khổ chúng ta

Tôi xin nêu ra đây mười ví dụ rõ ràng, dễ hiểu về những điều khó chịu và gây đau khổ trong tất cả mọi thiên đường, cuộc sống và những lần sinh. Các bạn hãy xem xét thật cẩn thận.

Sự yêu thích: Bạn có thể thấy yêu thích và ưa chuộng tất cả các loại thiên đường khác nhau và các cấp độ khác nhau của cuộc sống. Tất cả các bạn đều biết thế nào là tình yêu và sự say đắm. Các bạn đã từng yêu thương và được yêu thương. Vậy các bạn hẳn đã biết cái khổ của sự yêu thích.

Sự giận dữ: Khi một điều gì có vẻ tốt đẹp thì chúng ta thích. Khi một điều gì có vẻ xấu xa thì chúng ta giận tức và khổ sở vì sự giận tức này. Tất cả các bạn đã từng giận dữ trước đây, các bạn đã biết cái khổ của sự giận dữ.

Sự căm ghét: Chúng ta căm ghét mà chẳng có lý do gì, trong lòng tràn đầy sự căm ghét vô lý, do sự vô minh và ngu ngốc. Chúng ta căm ghét đến mức không còn có thể chịu đựng được một điều gì khác, lòng đầy bực bội và ác ý. Trước đây, các bạn đã từng căm ghét; các bạn biết là những gì chúng ta căm ghét đã làm khổ chúng ta như thế nào.

Sự sợ hãi: Chúng ta có những nỗi sợ vô lý gần như về bất cứ điều gì. Chúng ta sợ bệnh tật, sợ nghèo túng, sợ danh tiếng bị huỷ hoại, và sợ những thứ mình chưa hề thấy. Những người giàu có tự tử khi đối diện với nỗi sợ tài sản của mình bị tiêu tan. Đủ loại lo sợ giày vò tâm trí chúng ta.

Sự kích thích: Chúng ta thích những gì kích động đầu óc chúng ta. Nhiều người lang thang khắp nơi vì muốn tìm kiếm sự kích thích và phiêu lưu. Khi ở nhà thì họ cần có những môn thể thao và những trò giải trí kỳ lạ để kích thích bản thân. Chúng ta chứa đầy nhà những món đồ kỳ lạ và thú vị để kích thích đầu óc. Không có điểm dừng cho sự năng động và hỗn loạn của tâm trí.

Sự hy vọng: Quan tâm quá nhiều đến tương lai, chúng ta chất chứa hy vọng vì sự tham lam. Ai ai cung xây những lâu đài trên trời bằng những ước mơ và hy vọng của mình cho tương lai. Những điều này cũng làm day dứt tâm trí chúng ta.

Sự nhớ nhung: Sống trong quá khứ và bám víu vào quá khứ, chúng ta nhớ nhung những gì đã mai một, tàn phai hoặc suy giảm, đặc biệt là những gì mà chúng ta đã yêu thương trong quá khứ. Chúng ta không thể ngăn được sự nhung nhớ những điều đó, chúng cũng khiến ta đau lòng.

Sự ganh tị: Không vì lý do gì, chúng ta thấy ganh tị với một người nào đó vì họ đẹp hơn, có nhiều tiền của hơn, và có bất cứ những gì mà chúng ta cho là có thể làm cho họ sung sướng hơn. Điều này nung nấu tâm trí chúng ta. Sự ganh tị khiến chúng ta bứt rứt khó chịu, trong khi con người mà chúng ta ganh tị chẳng hay biết gì về chuyện ấy. Những so sánh xấu xa của sự ganh tị làm chúng ta khổ sở.

Sự giữ chặt: Đây là một hình thức sở hữu và keo kiệt – có mà không muốn chia sẻ cho ai. Đầu óc hẹp hòi sẽ không biết cho đi hoặc chia sẻ. Nó bị nhốt trong sự nhỏ nhen. Sự giữ chặt thường gây ung nhọt trong tâm trí chúng ta.

Sự ghen tuông: Đây là một hình thức đặc biệt và mạnh mẽ của sự giữ chặt. Sự ghen tuông đối với chồng, vợ, hay bạn tình là vô cùng mãnh liệt, Người ta có thể giết nhau vì chuyện này.

Trong cuộc sống hàng ngày, ngay trong cuộc đời này, mười sản phẩm trên đây của quy luật duyên khởi không ngừng hành hạ chúng ta. Bạn sẽ thấy là tất cả mười điều trên đều gây khó chịu và giày vò chúng ta trên các cõi trời, chưa kể đến cuộc sống trong địa ngục. Mọi kiểu sống, mọi cuộc đời, không có ngoại lệ, đều có cả mười điều trên để gây khó chịu cho chúng ta. Vậy nên có thể nói rằng ở đâu có cuộc sống thì ở đó có cái khổ. Ngay cả cuộc sống trên trời và của chư thiên cũng đầy khó chịu. Làm sao mà những người bình thường khỏi bị giày vò? Cuộc sống thật không thể chịu đựng.

Cuộc sống trong vòng duyên khởi

Chúng ta đang suy ngẫm về những hậu quả mà chuỗi duyên khởi không ngừng gây ra cho mọi cấp độ và phạm vi của cuộc sống ở mọi phương diện, và những thứ này đều do chấp thủ mà ra. Ở đâu có thủ thì nơi đó có hữu, cái ý thức “mình là thế này”, “mình giống thế kia”. Người ta tự mình thu xếp để cho “là thế này” hoặc “giống như thế kia”, để có cuộc sống dục giới, sắc giới hay vô sắc giới. Một trong những kiểu sống ấy thâm nhập vào tâm trí chúng ta và rồi bộc lộ đầy đủ vào lúc chúng ta sinh ra. Nó được sinh ra theo những ý đồ, động lực và khát khao của nó. Giờ đây thì có một cái tôi hiện hữu trong mỗi cuộc sống: một con người dục giới trong cuộc sống dục giới, một con người sắc giới trong cuộc sống sắc giới, một con người vô sắc giới trong cuộc sống vô sắc giới. Mỗi con người mang nặng một sự chấp thủ mang tính vị kỷ. Người nào trong số họ cũng đều hứng chịu cái khổ tương ứng của mình.

Trong mọi vòng quay duyên khởi đều luôn luôn có hữu và có sinh. Chỉ trong một ngày thôi, hễ có bao nhiêu vòng quay – dù là dựa trên mắt, tai, mũi lưỡi, thân hay thức – cũng đều có bấy nhiều sự hữu và sinh. Đối với hầu hết chúng ta, số lượng này quá nhiều không thể đếm xuể và quan sát kỹ càng được. Vậy nên, để bắt đầu, hãy để ý là với mỗi sự trải nghiệm cái khổ thì đã có một vòng quay của duyên khởi. Hãy thừa nhận cuộc sống với những nghiệp quả đắng cay của nó, nghĩa là cuộc sống luôn có những phiền não và gánh nặng. Cuộc sống làm khổ chủ của nó bởi vì trong cuộc sống nào cũng có một cái ngã được sinh ra. Hầu hết mọi người đều bỏ sót những thự tế như vậy. Vậy từ nay, xin hãy vui lòng có sự quan tâm và chú ý. Cuộc đời của bạn tuỳ thuộc vào điều đó.

Dòng chảy duyên khởi chính là dòng chảy của cuộc đời. Hãy quán xét sự trải nghiệm của cuộc đời mình cho đến khi hiểu được dòng đời chính là dòng duyên khởi. Nếu hiểu nguyên lý duyên khởi, bạn sẽ nhìn thấy mọi sự việc một cách rõ ràng, tức khắc và thấu đáo.

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP