TRƯỚC KHI ĐƯỢC SINH RA CẬU LÀ CÁI GÌ?

Ramesh S. Balsekar

Trích: “Chân Lý – Là” Pointers from Nisargadatta Maharaj to the Eternal Truth That IS Tác giả: Ramesh S. Balsekar Người dịch: Vũ Toàn Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2009 Ảnh: Nguồn internet

Trong số những người mới đến gặp Maharaj có một thanh nên người Mỹ khoảng hai mươi lăm tuổi, đầu cạo trọc, cao trên một mét tám mươi và vóc dáng rất to lớn, cậu ta có khuôn mặt dài và mỏng với những nét sắc như chạm, mình khoác y mầu đất đỏ thuộc một trong nhiều giáo phải của Ấn Độ.

Thanh niên tự giới thiệu là một du tăng và cho biết hai năm qua đã chu du hầu hết khắp vùng bắc Ấn. Trước đó cậu ta đã từng tu tập tâm linh khoảng ba năm. Để trả lời câu hỏi của Maharaj là cậu ta đã tìm thấy cái đang tìm chưa, người thanh niên cười và cho biết bắt đầu hoài nghi rằng cậu ta có thể tìm thấy cái muốn tìm chỉ bằng cách lang thang khắp nơi; thật vậy, bây giờ cậu ta tự hỏi có phải chính cậu đã chưa bao giờ xa lìa nó.

Rồi người thanh niên cho biết gần đây tình cờ đọc cuốn I AM THAT (Ta là Cái Đó), và khi đọc xong cậu ta có cảm nhận rõ ràng một cách khác thường là mình đã đến nơi, nhất là sau khi thấy chân dung của Maharaj ở các trang đầu trong cuốn sách. Khi nhìn vào mắt của Maharaj trong ảnh, người thanh niên nói tiếp, phải sau một lúc lâu cậu ta mới có thể rời bức chân dung. Cậu ta cảm thấy phải đến gặp Maharaj để tỏ lòng tôn kính và ngồi dưới chân ông.

Maharaj: Cái gì là cái cậu thực sự mong muốn? Cậu có biết rõ không? Có phải cậu đang tìm Thượng đế? Một cách chính xác, cậu tìm cái gì?

Khách: Một cách nào nó, tôi luôn luôn biết và cảm nhận sâu sắc rằng chẳng có gì mà cuộc sống trên thế gian này cống hiến có thể làm cho tôi thỏa mãn vì tất cả đều vô thường. Một cách chính xác tôi muốn gì? Hừ, tôi muốn đạt đến thực tại. Đó là cái tôi muốn.

Maharaj: (cười rung người nhưng không thành tiếng) Phải chi cậu nhận ra điều cậu nói buồn cười đến thế nào – ‘tôi muốn đạt đến thực tại’. Ai là cái ‘tôi’ muốn đạt đến thực tại? Có phải cái phức-hợp-thân-xác này, bộ máy thân tâm này muốn đạt đến thực tại? Và nó có chắc chắn là thực tại đồng ý chấp nhận nó hay không? Ngoài ra, cái tôi này đạt đến thực tại bằng cách nào? Bằng cách nhẩy cao hay nhẩy xa? Hay, có lẽ phải nhờ đến hỏa tiễn? Hay, bằng bước nhảy vọt của tâm thì mới có thể đạt đến thực tại này? Và sau cùng, một cách chính xác cậu hiểu thế nào là thực tại mà cậu muốn đạt đến?

Khách: (cười) Bây giờ nếu ông nói như thế thì điều đó có vẻ khôi hài, nhưng có lẽ tôi phải nói là bi kịch.

Maharaj: Ai là kẻ đang nghe những lời này, cho dù là hài kịch hay bi kịch?

Khách: Tôi. Tôi, kẻ đang ngồi đây. Tôi đang lắng nghe những lời này và tôi đang nói với ông.

Maharaj: Các giác quan tương ứng, cùng với sự trợ lực của Prana, tức sinh lực, làm các công việc đó. Thế có phải là do cái gì đó – gọi nó là ý thức về sự hiện diện của cậu – mà nếu không có nó thì không giác quan nào của cậu có thể biết bất cứ gì, có phải thế không? Cái ban tri giác cho một sinh vật tri giác là gì?

Khách: Vâng. Nếu không có ý thức thì các giác quan của tôi không hoạt động.

Maharaj: Vậy hãy hiểu rằng, sự hiện diện hữu thức này chính là cái mà cậu là, cho đến khi nào thân xác còn. Khi thân xác hư hoại thì ý thức cùng với hơi thở của sự sống cũng ra đi. Chỉ cái có trước sự xuất hiện của thân-xác-và-ý-thức này, cái Tuyệt đối, cái thường tại là diện mạo đích thực của cậu. Đó là cái mà tất cả chúng ta là. Đó là thực tại. Nó ở ngay đây và bây giờ. Đâu là câu hỏi có người nào đạt đến nó?

Cậu đã là cái gì trước khi được sinh ra? Trong trạng thái đó, có sự cần cầu, mong muốn nào không – ngay cả sự mong muốn thực tại, tự do, giải thoát? Thật vậy, đó là trạng thái nguyên thủy, chơn thật hay bản tánh đích thực của cậu – trạng thái của sự nguyên vẹn, của thiêng liêng, của sự hiện diện tuyệt đối, và sự vắng mặt tương đối. Ảnh phản chiếu của trạng thái đó là ý thức, hay cái biết Ta hiện hữu, hay hiện hữu, nhưng ảnh phản chiếu của mặt trời không phải mặt trời. Cậu là sự hiện diện hữu thức này chứ không phải thân xác, thân xác chỉ là nơi trú ngụ cho ý thức trong sự thị hiện của nó. Khi thân xác chết ý thức được giải thoát khỏi thân xác, và cậu không còn nữa cho dù là sự hiện diện hữu thức, vì lúc đó không còn sự hiện diện tương đối nào nữa. Lúc đó cậu ở trong Tánh Biết Tuyệt Đối nguyên thủy. Không có sự hiện diện tương đối có nghĩa là có sự hiện diện Tuyệt đối, mà không có ý thức về đang hiện diện.

Sự khao khát tự do, phát sinh trong lòng của người tìm kiếm vào những giai đoạn đầu tiên, dần dần biến mất khi người tìm kiếm nhận ra mình chính là cái mình đang tìm kiếm. Tính giai dẳng của sự khao khát này bao hàm hai ‘chướng ngại’. Chướng ngại thứ nhất: nó khoác lấy sự hiện diện và tồn tại của một thực thế mong cầu ‘tự do’ khi [nó], một khách thể hiện tượng thì không thể nào có tự do, vì nó không hề có sự tồn tại độc lập. Chướng ngại thứ hai: sự khao khát này dựa trên lòng mong muốn nắm bắt thực tại ở bình diện của tâm; điều này có nghĩa tìm cách nắm bắt cái không biết và cái không thể biết trong nội vi của cái biết! Điều này không thể thực hiện được.

Khách: Vậy hành Sadhana để làm gì?

Maharaj: Một lần nữa, hành Sadhana có nghĩa là khoác lấy sự tồn tại của một bóng ma. Ai là kẻ hành Sadhana và để làm gì? Thấy cái hư giả là hư giả chưa đủ hay sao? Cái thực thể mà cậu cho là cậu, là hư giả. Cậu là thực tại.

Một khi điều này đã được hiểu, hay đúng hơn được nhận ra bằng trực giác, rằng một thực thể chỉ là ý niệm có tính cách khái niệm thuần túy, thì những gì còn lại là sự tái hội nhập – Yoga – vào tính cách vũ trụ. Lúc đó, không còn gì được làm vì không có người làm, và quan trọng hơn nữa, cũng không có người tránh không làm! Cái còn lại ‘được sống’ thuần túy vô ý chí, vì trong tương đối chúng ta chỉ là những con rối trong một thế giới chiêm bao bị điều khiển trong giấc chiêm bao nguyên thủy. Chính cá nhân kẻ chiêm bao phải tỉnh khỏi giấc chiêm bao con người của mình. Nhận ra điều này là tỉnh thức!

Người thanh niên Mỹ, lắng nghe Maharaj với tất cả chú ý, cúi đầu trước ông và nói: “Thưa ông, thuyết giáo của ông đã quét sạch tất cả mọi rác rưởi trong tâm tôi. Bây giờ tôi biết thực tại là gì. Tôi biết, Tôi nhận ra Tôi chính là thực tại.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG CÓ NGƯỜI NHẬN THỨC, CHỈ CÓ HÀNH VI NHẬN THỨC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP