BẠN SỐNG ĐỜI BẠN RA SAO?

AMY SCHMIDT

Trích: Dipa Ma – Cuộc Đời và Di Huấn; Nguyên tác: The Life and Legacy of A Buddhist Master; Việt dịch: Thiện Nhựt

“Trọn con đường của chánh niệm là: Ðang làm gì, phải ý thức việc đang làm.”

Tôi được nghe một vị thiền sư có lần nói với bạn: “Tôi biết anh ta đang học được một việc gì, bởi vì bây giờ thấy bớt khó sống gần anh ấy.” Tuệ giác, tuệ giác thật sự, thay đổi cả lối sống của chúng ta; tuệ giác khiến ta trở nên dịu hiền hơn đối với mỗi người với nhau, và đối với cả hành tinh. Sự tu tập của bạn có thể mang lại phần thưởng lớn về tuệ giác. Nhưng dầu cho tuệ giác đến mức thần diệu đến đâu, các kinh nghiệm về tuệ giác cũng vút qua, nhứt thời. Dầu có được giác ngộ cùng không, thì vấn đề vẫn là: Bạn đã sống đời bạn ra sao? Ðây, một trắc nghiệm giản dị, nhưng quan trọng: Bạn rửa chén bát ra sao? Bạn phản ứng như thế nào khi có người lái xe cắt ngang bạn trên xa lộ?

Dipa Ma là một tấm gương sáng sống động cho lối sống trên cõi thế gian nầy, cho sự dung hợp thành một giữa sự tu tập và các hoạt động thường nhựt nơi trần thế. Bà nhấn mạnh rằng việc tu tập cần được thực hiện vào mọi thời, và chúng ta nên làm bất cứ việc gì trong ngày mà chẳng biến chúng trở thành vấn đề. Dipa Ma muốn biết, “Bạn đã tỉnh giác đến mức nào, trong đời bạn? Có phải bạn đang nghĩ đến sự tỉnh giác, hay là bạn đang thật sự tỉnh giác?”

Dipa Ma bảo, ngay cả khi bước chân đi, bà cũng thiền quán. Nói năng, ăn uống, làm việc, nhớ đến con gái, chơi với cháu ngoại — chẳng có việc nào cản trở sự tu tập của bà, bởi vì bà thi hành mỗi việc trong chánh niệm. “Khi tôi đang di chuyển, mua hàng, làm mọi sự việc, tôi luôn luôn làm trong chánh niệm. Tôi biết đấy là những sự việc mà tôi phải làm, nhưng chẳng hề xem chúng như một vấn đề khó. Mặt khác, tôi chẳng mất thì giờ nói chuyện tào lao, hay đi thăm viếng, hoặc làm việc gì mà tôi chẳng thấy cần thiết cho đời tôi.”

Bạn buộc dây giày cách nào?

“Bà khuyến dạy tôi phải nên sống đúng theo điều tôi đang dạy. Phẩm chất của sự hiện diện của bà cũng tựa như giai thoại Hasidic (nhóm tín đồ mật tông Do thái gốc Hung gia lợi) sau đây: Một người hỏi, “Tại sao ông lại đến gặp ông giáo sĩ (Rabbi, tu sĩ Do thái)? Có phải ông đến để nghe giáo sĩ thuyết một bài đại pháp về Kinh luật Torah (toàn bộ Luật tạng của Do thái), hay là ông đến để xem vị ấy làm việc thế nào với các đệ tử?” Và người kia trả lời: “Không, tôi chỉ đến để xem vị ấy buộc dây giày cách nào!” Dipa Ma chẳng muốn thiên hạ đến nơi đây và sống luôn mãi tại Ấn độ, hoặc trở thành tu sĩ hay vào ở trong đền thờ Ấn giáo. Bà thường bảo: “Hãy sống cuộc đời của bạn. Hãy rửa chén bát. Hãy giặt quần áo. Hãy dắt sắp nhỏ đến nhà trẻ. Hãy nuôi nấng, dạy dỗ các con của bạn, các cháu của bạn. Hãy giúp đỡ cộng đồng mà bạn đang sống chung. Bạn hãy lấy tất cả việc đó làm con đường đạo của mình, và đi theo con đường đạo ấy với tất cả tấm lòng.” _Jack Kornfield

Ủi quần áo trong tỉnh giác.

“Bà tin tưởng là bạn sẽ được chứng ngộ ngay trong khi đang ủi quần áo… Bà bảo, mọi hoạt động đều phải làm trong chánh niệm. Và tình thương ân cần nữa cũng có mặt ở đó – ân cần thương người mà ta đang ủi quần áo giùm cho.” _Michelle Levey

Phơi quần áo với Thánh. 

“Cái cảnh đắc ý nhứt của tôi trong khúc phim 8 mm mà tôi quay theo cách tài tử, đã thâu được hình ảnh lúc Dipa Ma đang phơi quần áo. Có một câu thiền ngôn nói (đại khái như sau): “Sau phút xuất thần ngây ngất, là việc phơi quần áo.” “A, tôi đã quay được cảnh ấy, lâu gần hai hay ba phút, cảnh Dipa Ma đang tươi cười và thích thú phơi quần áo.

Thật là tuyệt diệu khi nhìn bà dưới ánh nắng ngoài sân. Tôi muốn lộng khuôn kiếng để treo bức tranh đó lên và đặt tên là “Phơi quần áo với Thánh”. _Jack Kornfield

Thiêng liêng ngay trong phàm tục.

“Khi tôi đến gõ cửa, con gái bà là Dipa ra mở. Tôi rất nôn nóng kích thích để gặp gỡ bà và tôi có cả một bụng câu hỏi về thiền quán để thưa trình bà. Sau đôi phút, một người đàn bà lớn tuổi bước ra. Bà dường như chẳng để ý đến sự có mặt của tôi. Bà chẳng nhìn tôi, và cũng chẳng thấy đã nhận ra sự hiện diện của tôi. Bà thật hết sức im lặng và lắng dịu, thật an vững và tự tại, khiến tôi biết tôi phải chờ đến khi bà sẵn sàng nói chuyện với tôi. Ðó chẳng phải là sự lãnh đạm lạnh nhạt, mà là một biểu lộ của sự trầm lặng thật sự.

Khi bước vào phòng, bà cúi nhặt lên một món đồ chơi nhỏ bằng plastic, hình con vịt, chắc là của đứa cháu ngoại trai của bà. Bà đem con vịt đó lại một thau nước bên bệ cửa sổ. Dưới ánh nắng nhạt xế chiều xuyên qua khung cửa sổ, bà bắt đầu tắm cho con vịt plastic, chẳng khác chi đang làm thánh lễ rửa tội cho nó. Ðiều làm cho tôi cảm kích nhứt là bà tắm rửa nó với cả một tấm lòng chú ý. Ðây là những vật thật hết sức tầm thường, phàm tục, chẳng chút nào có ý nghĩa tâm linh, thế mà cung cách bà làm hết sức chú tâm trịnh trọng. Ðiều ấy đã làm tôi bừng tỉnh để biết chỉ cần quan sát bà mà thôi.” _Andrew Getz

Giới đức nghiêm tịnh.

“Khi trời thu sắp bước sang đông, ở Hội Thiền Minh sát (Insight Meditation Society, IMS), nhiệm vụ của tôi là quyên góp tất cả những quần áo cần thiết cho mùa đông dành cho Dipa Ma. Có người may cho Dipa Ma một chiếc khăn choàng, những người khác lo đóng góp để sắm sửa y phục cho bà. Một trong những món tôi đem đến cho bà là một đôi vớ ấm rất tiện nghi, để bà mang đi tới lui trong nhà. Tôi rất vui sướng thấy món quà nhỏ bé của mình đã tỏ ra rất ích lợi cho bà. Nhưng giữa sự bận rộn trong những ngày ấy, tôi lại sơ suất phạm vào lỗi là chẳng theo đúng các nghi thức hiến tặng các vật phẩm.

Sau bảy tuần lễ cùng nhau chia xẻ cuộc sống chung hằng ngày với nhau, đã đến lúc tôi phải đưa bà và gia đình bà lên phi trường và nói lời giã biệt. Khi tôi trở về nhà, lòng tôi buồn man mác, thấy thời gian nỗ lực nhiều để tu tập đã trôi qua. Căn nhà như quá trống trải.

Khi tôi bước vào căn phòng bà nghỉ lúc trước, tôi nhìn thấy một số vật dụng đặt ở chân giường rất có thứ tự. Một trong các món đó là đôi vớ ấm của tôi. Tim tôi như ngưng đập. Tôi chẳng thể nào hiểu được vì sao bà lại cố ý để chúng lại. Sau một hồi suy nghĩ, tôi hiểu ra rằng, đôi vớ đó đã được trao tặng một cách chẳng được minh bạch, bà đã chẳng thể nào xem đó như là những vật bà có quyền giữ lấy. Dầu chuyện đó xảy ra xem như quá nhỏ nhiệm, nhưng nó lại mạnh mẽ dạy tôi một bài học về giới đức nghiêm tịnh (sila, giới luật) cần phải giữ gìn một cách chẳng thể chê trách được – một bài học đôi lúc hơi đau khổ, nhưng mà tôi muốn nhớ nó mãi trong lòng.” _Michael Liebenson Grady

Hiện diện bất động chuyển. 

“Tôi thưa với Dipa Ma, “Xin mời bà sang phòng bên để ngồi. Có một nhóm thiền sinh đang tới ở bên ấy.”

– Tôi đang ngồi hiện giờ. Sao lại phải sang ngồi bên ấy?

– Vâng, chúng tôi định toạ thiền bên ấy.”

– Thì chúng ta đang ngồi vậy.

– Nhưng các người khác đang đến, và họ muốn toạ thiền bên ấy.

Sau cùng, tôi cũng mời được bà sang ngồi ở phòng bên. Bà ngồi đấy, bất động chuyển. Mắt bà có thể mở ra, có thể nhắm lại, nhưng đó chẳng có gì khác biệt. Sự hiện diện của bà, ở trong nhà chúng tôi, đã làm nổi bật lên ý nghĩa của việc “Sao lại dời chỗ? Còn gì thật sự đáng làm ở đó?”

Trong những buổi toạ thiền như thế, đôi khi có đến năm mươi người tới để được bà ban phước lành; nhưng dầu nhiều mấy đi nữa, bà cũng đến với từng người, từng người một, và hoàn toàn hiện diện với người ấy. Nhìn đôi mắt bà chiếu thẳng vào tiêu điểm nơi người đối diện và mối giao cảm tỏa ra, tôi thấy cách bà đang liên hệ với mỗi người, cũng giống như Thượng Ðế.” _Steven Schwartz

Ðứng thẳng, ngồi ngay.

“Tôi chưa hề bao giờ thấy Dipa có một phút lơ đãng hay xao động, và tôi thường quan sát bà trong tất cả mọi thời. Khi bà đứng, thì thẳng như hòn đá dựng. (…) Và khi bà ngồi, thì bà ngồi. Chấm. Chẳng bao giờ có việc gì khác thêm nữa cả. Bà chẳng hề nhìn quanh hoặc để mất tiêu điểm của mắt bà bao giờ.” _Michael Liebenson Grady

Thẳng đến Phật đà.

“Ở Calcutta, một học viên của Dipa Ma và của Munindra vừa góp đủ tài chánh để mở tiệc tân gia, mời đông khách đến ăn mừng nhà mới. Tôi bước lên cầu thang cùng với Dipa Ma và giúp bà cởi giày. Tân khách chuyện vãn, ăn uống, và máy stereo đang vang dội. Không khí ồn ào như một dạ yến sâm banh, trong cảnh sôi động. Dipa Ma bước qua ngưỡng cửa, khoan thai và đều bước, bà tiến thẳng ngay đến bên tượng Phật phiá tường bên kia. Khi bà đã đến trước bức tượng, bà quỳ sát xuống nền và bắt đầu lạy, ngay giữa đám thực khách đang dùng mấy món ăn chơi và vui vẻ dự tiệc. Tôi nhận thấy ra, với Dipa Ma, bất chấp việc gì đang xảy ra, bà chỉ có một mục tiêu: Chơn Lý.” _Ajahn Thanasanti

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. VẤN ĐÁP CÙNG DIPA MA
  2. THIỀN SƯ DIPA MA: MƯỜI BÀI HỌC ĐỂ SỐNG ĐỜI

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ