VẤN ĐÁP CÙNG DIPA MA

AMY SCHMIDT

Trích: Dipa Ma – Cuộc Đời và Di Huấn; Nguyên tác: The Life and Legacy of A Buddhist Master; Việt dịch: Thiện Nhựt

Các câu hỏi và lời giải đáp sau đây được ghi chép lại trong các cuộc phỏng vấn với Dipa Ma tại Ấn độ vào những năm của thập niên 1970 và tại Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society) vào những năm của thập niên 1980.

Tôi phải tập Thiền Minh Sát (Vipassana) như thế nào?

– Ngồi thẳng lưng. Nhắm mắt lại và theo dõi sự phồng lên và sự xẹp xuống của bụng, trong khi bạn đang thở. Hãy cảm nhận hơi thở. Khi theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, hãy tự hỏi, “Hơi thở chạm vào chỗ nào?”Phải đặt tâm ý vào chỗ chạm đó mà thôi. Bạn chẳng phải làm gì với hơi thở, mà chỉ cảm thấy nơi hơi thở chạm. Nếu hơi thở nặng nề, cứ để nó nặng nề. Nếu hơi thở ngắn, cứ dể nó ngắn. Nếu nó tế nhị, cứ để nó tế nhị. Chỉ cần cảm nhận nó thôi.

Khi tâm ý bạn đi vẩn vơ, hãy để ý đến việc đó và tự nói với bạn, “Suy nghĩ”, rồi trở lại với sự phồng lên và xẹp xuống của hơi thở. Nếu bạn cảm thấy có một cảm giác ở chỗ nào khác, thí dụ như nhức ở chơn, thì liền đưa tâm ý bạn đến chỗ nhức và ghi nhận, “Nhức”. Khi cơn nhức bớt dần hoặc hết nhức, thì bạn lại quay lại theo dõi chỗ chạm của hơi thở. Nếu có sự xao động đến, ghi nhận rằng “Xao động”. Nếu bạn nghe một tiếng động, hãy tự nói với bạn, “Nghe, Nghe”, rồi cũng trở lại với cảm giác về hơi thở. Nếu nhớ đến việc gì, thì hãy ghi nhận “Nhớ”.

Bất cứ việc gì bạn thấy, bất cứ sự gì đến trong tâm, chỉ cần biết đến sự việc đó. Nếu bạn thấy có hình ảnh hay ánh sáng, chỉ cần ghi nhận “Thấy” hoặc “Ánh sáng”. Chẳng cần giữ chúng lại, hay bắt chúng ở lại. Chỉ cần quan sát chúng mà thôi.

Trong Thiền Minh sát bạn phải quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của hơi thở và các hiện tượng khởi lên trong tâm và trên thân. Do đó, có việc dời tâm đi từ các cảm giác đã nhận, cảm giác thích thú, hay đau đớn, đến các ý tưởng khác nữa. Bất cứ có điều gì đang xảy ra, cũng đều được ghi nhận, rồi điều ấy qua đi, và có điều khác lại đến. Theo cách đó, sự tu tập Thiền Minh sát là một phương pháp quan sát. Tất cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; tâm ý là căn thứ sáu) sẽ khởi lên. Bạn chỉ cần quan sát khi chúng khởi lên, rồi chúng lại qua đi, thì bạn liền trở về với cảm giác nơi hơi thở. Bất cứ điều gì bạn thấy, bất cứ điều gì khởi lên trong tâm, bạn chỉ cần biết rõ nó, ý thức được nó, mà thôi.

Mục đích của Thiền Minh sát là gì?

– Mục đích của Thiền Minh sát là để diệt trừ Mười Kết sử; các kết sử nầy là những nút thắt gút, hay là chướng ngại trong tâm bạn. Từ từ, từ từ, do sự quán sát mỗi phút giây với sự tỉnh thức, bạn sẽ cởi mở hết các nút thắt buộc đó ra. Mười Kết sử đó là: ngã kiến (ý kiến sai lầm cho rằng có cái “ta” riêng biệt, cái tự ngã), nghi ngờ, giới cấm thủ (tuân theo các nghi lễ ngoại đạo và dị đoan), tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, kiêu mạn, trạo cử và vô minh.

Vào mỗi giai đoạn của sự giác ngộ, chầm chậm và từng cái một, các kết sử lần lượt tiêu mất, cho đến quả vị của giai đoạn thứ tư, bậc A la hán, thì tất cả mười kết sử mới tận diệt. Các kết sử có liên hệ đến sự tái sanh, cũng giống như chất dầu làm cháy ngọn đèn. Các kết sử cũng như là chất dầu trong tâm của bạn. Khi dầu cạn lần lần, ánh sáng ở ngọn đèn cũng lu mờ lần lần. Sau cùng khi dầu cạn hết thì ánh sáng cũng tắt mất. Một khi các kết sử được tận diệt, vòng tái sanh luân hồi cũng chấm dứt. Vào thời điểm nầy, bạn có thể hiểu được rằng sự sanh ra và tái sanh đang nằm trong tay của bạn.

Tôi phải làm gì khi bị ngủ gục trong lúc ngồi thiền?

– Ngủ gục chẳng hại gì cả. Các thiền giả cũng ngủ như thế, gọi là “thiền miên”(giấc ngủ thiền). Ðiều đó thường xảy ra. Ðừng lo ngại về điều đó. Khi tôi mới bắt đầu thiền quán, tôi thường khóc luôn, bởi vì tôi muốn nỗ lực theo đúng các lời chỉ dạy một cách thật nhiệt tâm, nhưng tôi chẳng thể làm được, bởi tôi buồn ngủ quá. Tôi cũng chẳng đứng thẳng lên và đi thiền hành cho đàng hoàng, vì tôi buồn ngủ quá. Trước kia, trong năm năm, tôi đã cố gắng để ngủ mà chẳng ngủ được. Và nay, ở đây, tôi đang cố gắng để tập thiền, thì sự buồn ngủ lại cản trở tôi. Tôi đã tận dụng tất cả năng lực của tôi để xua đuổi cơn buồn ngủ, nhưng tôi chẳng thể làm được thế. Rồi một hôm, đùng một cái, tôi đạt đến trạng thái mà sự buồn ngủ biến đi đâu mất; và rồi cơn buồn ngủ cũng chẳng đến với tôi, ngay cả khi tôi ngồi thiền hằng mấy giờ.

Có phải nghiệp (karma) giống như sổ kết toán được cất giữ lại hay không? Nếu phải, thì cất nó ở đâu?

– Mỗi người đều có một bánh xe nghiệp (nghiệp luân). Nghiệp đó nằm ngay trong tay của bạn; chẳng ai khác cất giữ nó cả. Mỗi khi bạn hành động, nghiệp được gom cất lại. Nghiệp trôi theo dòng ý thức. Ngày bạn sanh ra, nghiệp cùng đến với bạn. Những kẻ khác chỉ có thể trỏ đường đi cho bạn, chớ họ chẳng thể sửa đổi nghiệp của chính bạn. Chẳng một ai có thể lấy nghiệp của người khác. Chính bạn, bạn phải làm việc đó. Bởi do nghiệp mà có người tu tập tiến bộ nhanh, có người tiến bộ chậm. Vài kẻ bị đau nhức nhiều, có người thì không.

Hỏi: Tôi phải tập tâm từ bi như thế nào?

(Các đoạn sau đây là sự kết hợp giữa những lời dạy của Dipa Ma đã được ghi âm, với các hồi tưởng của Michelle Levey về lời Dipa Ma đã dạy. Michelle Levey đã thực tập thiền quán về tâm từ bi trong hơn hai mươi năm. Các bạn có thể chọn, hoặc dùng suốt thời thiền toạ để quán về tâm từ bi, hoặc khởi đầu hay chấm dứt thời khoá với tâm từ bi. Sau cùng, năm giai đoạn, được kể ra sau đây, có thể phối hợp tập chung trong một thời khoá; nhưng khi mới bắt đầu tập, tưởng nên mỗi lần chỉ chiếu soi kỹ vào một giai đoạn mà thôi).

a) Giai đoạn một

Giai đoạn đầu là phải thương ngay chính mình, là bạn thân với chính mình. Bắt đầu rải tâm từ bi đến cho mình. Bạn có thể dùng các câu nguyện sau đây, hay các bức ảnh, để soi đường cho bạn trong việc làm phát khởi và hướng dẫn tâm từ bi của bạn:

Nguyện tôi chẳng có kẻ thù.

Nguyện tôi chẳng vướng hiểm nguy.

Nguyện tôi chẳng âu lo

Nguyện thời thời tôi được thân an tâm lạc.

“Kẻ thù” có nghĩa là kẻ thù bên ngoài mà mình cũng làm kẻ thù cho chính mình nữa. Kẻ thù có thể thấy ở cảnh giới các cảm thọ, từ một chút bực bội cho đến sự sân hận mãnh liệt hoặc đối với mình hay đối với kẻ khác. Trong khi thầm niệm các câu trên, hãy nhìn vào trong tâm bạn thấy thật rõ ràng hình ảnh của chính bạn. Nếu chẳng thể dùng tâm nhãn như thế, thì cố nhớ lại bóng dáng bạn khi bạn soi gương. Nếu nhớ lại chẳng được hết, thì bạn cứ nhìn thẳng vào một bức ảnh còn mới của bạn cho đến khi nào bạn có thể thấy rõ bạn bằng mắt tâm.

Lặp lại các câu trên theo thứ tự. Nếu tâm đi vẩn vơ và đang quên mất một câu nào, thì nhẩm đọc lại ngay từ câu đầu. Ðem tâm quay về với mỗi câu nhiều lần như thế sẽ khiến cho định lực của bạn càng thâm sâu.

Ðiều quan trọng là bạn phải bỏ rơi nghĩa chữ và cảm tưởng của bạn dính sau các chữ ấy, mà vẫn để trọn lời nguyện trong câu hướng dẫn bạn, cắm sâu bạn vào sự thực tập mà đi tới. Hãy nuôi dưỡng trong tâm trí cảm giác an lạc cùng hình ảnh của bạn và miên mật niệm các câu nguyện trong bao lâu mà thời khoá cho phép.

Khi việc thực tập đã khá sâu, khi bạn cảm thấy bạn thật sự yêu chính bạn, khi bạn có thể lưu giữ vững trong tâm bạn hình ảnh rõ ràng của chính bạn, thời bấy giờ, nếu bạn muốn, hãy chuyển sang giai đoạn thứ hai, về cách rải tâm từ bi đến cho một người bạn lành.

b) Giai đoạn hai

Dùng các câu nguyện cũ như trước, hướng tâm từ bi đến một người bạn lành hay đến vị thầy đã tỏ ra thân ái với bạn. Cũng như khi bạn đã rải tâm từ bi đến cho chính bạn, hãy nhìn lâu thật rõ hình ảnh của người thân trong tâm bạn và rải tâm từ bi đến cho người ấy:

Nguyện cầu bạn chẳng có kẻ thù.

Nguyện cầu bạn chẳng vướng hiểm nguy.

Nguyện cầu bạn chẳng âu lo.

Nguyện cầu thời thời bạn được thân an tâm lạc.

Khi bạn cảm thấy rằng bạn thương người thân ấy cũng như bạn thương chính bạn vậy, hoặc khi bạn có lưu giữ tâm ảnh của người thân nơi tâm bạn thật lâu và thật rõ cùng với những câu cầu nguyện, thời nếu bạn muốn, bạn có thể chuyển sang giai đoạn thứ ba.

c) Giai đoạn ba

Nhóm người kế tiếp để rải tâm từ bi được gọi là những người đang đau khổ – bất cứ ai hoặc nhóm nào đang khổ sở. Trước đây, bạn lưu giữ vững trongtâm hình ảnh của mỗi một người, thì nay bạn hãy mở rộng nhãn quan để chiếu soi đến một nhóm đông người. Bắt đầu nhìn tâm ảnh của một nhóm người đang đau khổ. Rải tâm từ bi đến các người đó như bạn đã rải cho chính bạn và cho người thân:

Nguyện cầu các bạn chẳng có kẻ thù.

Nguyện cầu các bạn chẳng vướng hiểm nguy.

Nguyện cầu các bạn chẳng âu lo.

Nguyện cầu thời thời các bạn được thân an tâm lạc.

Nếu có những hình ảnh của các nhóm khác tự động khởi lên trong tâm bạn, ví dụ như những bịnh nhơn trong nhà thương, hoặc các nạn nhân chiến tranh, thời cũng tốt vậy, bạn cứ hướng tâm từ bi đến với họ, làm như thế là thiền quán theo một đường lối linh động với một dòng các hình ảnh di động.

Hãy tiếp tục niệm những câu nguyện trong khi cố gắng chú tâm càng nhiều đến các cảm giác về từ bi ẩn sau các chữ.

Từ trên căn bản biết thương chính mình, bạn nhận ra rằng sự tự mình thương yêu mình chính là căn bản và chất nhiên liệu để nới rộng tình thương đến người khác. Vừa thương mình, bạn thương luôn người thân như thương chính bạn. Rồi bạn thương đến những người đang đau khổ, như bạn đã thương người thân của bạn, và thương người nầy cũng như bạn đã thương chính bạn. Với sự tập luyện miên mật, tất cả mọi nhóm đều được hoà hợp lại thành một nhóm duy nhất.

d) Giai đoạn bốn

Trong giai đoạn thứ tư nầy, tâm từ bi và tâm bình đẳng được hoà chung nhau lại. Việc thực tập là lưu giữ trong tâm một ý nghĩa thật rộng rãi về mọi chúng sanh và rải tâm từ bi một cách đồng đều đến cho họ – các bằng hữu, các người đau khổ, các người mà bạn dửng dưng, các ngưòi gây khó khăn cho bạn, và tất cả chúng sanh khắp nơi.

Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng có kẻ thù.

Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng vướng hiểm nguy.

Nguyện cầu mọi chúng sanh chẳng âu lo.

Nguyện cầu mọi chúng sanh thời thời được thân an tâm lạc

Muốn được như thế, hãy khiến tâm của bạn trở thành tâm từ bi, bằng cách chú ý và quan tâm nhứt về tình cảm của mình đối với sự từ bi. Các chữ, các câu nguyện, mà bạn dùng đã nhiều lần đến nay, chỉ là những mốc chỉ đường cho bạn hướng về các tình cảm đó. Hãy để tâm trí bạn trở nên từ bi và an trú nơi đấy với sự bình đẳng chẳng cho nghiêng riêng về một hướng nào cả.

c) Giai đoạn năm

Giai đoạn cao điểm nhứt của sự quán chiếu tâm từ bi là phối hợp tất cả các giai đoạn lại, rồi chiếu rọi trong một lúc đến mỗi giai đoạn riêng biệt, vào suốt thời gian dành cho việc quán chiếu. Thực tập theo đường lối đó, sự quán tưởng trở nên như một buổi hoà tấu của tâm từ bi trong đó bạn khởi lên với chính bạn, rồi mở rộng ra, mở rộng thêm ra, mở rông mãi thêm ra, cho đến khi nào tâm bạn thật sự an trú trong bình đẳng tâm vô lượng và vô biên.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN SỐNG ĐỜI BẠN RA SAO?
  2. THIỀN SƯ DIPA MA: MƯỜI BÀI HỌC ĐỂ SỐNG ĐỜI

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU