YÊU THƯƠNG AI CŨNG NHƯ AI

BOB GOFF

Trích: Yêu Thương Ai Cũng Như Ai; Nguyễn Xuân Hồng dịch; NXB Hồng Đức.

Chính một luật sư như tôi mới là người cố dựng lên Jesus. Tay luật sư này hỏi Jesus điều răn dạy lớn nhất là gì. Tôi nghĩ anh ta đang tìm kiếm một kế hoạch, nhưng thay vào đó Jesus lại nói với anh ta về mục đích. Ngài nói đó chính là yêu thương Chúa bằng cả trái tim, linh hồn và tâm trí. Ngay sau đó, Jesus lại cho tay luật sư ấy một lời khuyên mang tính tự nguyện nhưng thiết thực. Jesus bảo anh ta cần yêu thương hàng xóm giống như anh ta yêu bản thân mình. Nhiều lúc chúng ta xem đây là hai ý tưởng riêng biệt, nhưng Jesus nhìn nhận việc yêu thương Chúa và yêu thương xóm giềng của chúng ta là một nhiệm vụ không thể tách rời.

Chúng gắn kết với nhau trước hết trong suy nghĩ của Jesus. Tôi nghĩ Jesus nói những điều này vì Ngài biết chúng ta không thể yêu thương Chúa nếu chúng ta không yêu thương những người Ngài sắp xếp chung quanh ta. Nói một cách đơn giản, chúng ta có thể ngừng trông đợi một kế hoạch và chỉ việc yêu thương tất cả mọi người.

Chẳng có trường học nào để học cách yêu thương hàng xóm của bạn, ngoài căn nhà kế bên. Chẳng có ai trông đợi chúng ta yêu thương họ một cách hoàn mỹ, nhưng chúng ta có thể yêu thương họ mà không hề sợ sệt, giận dữ và vô lý.

Chúng ta không hề được xác định phải yêu thương hàng xóm của mình, nhưng Jesus nghĩ chúng ta nên bắt đầu với họ. Tôi đánh cược Ngài biết nếu tình yêu của chúng ta không dành cho những người sống gần chúng ta, thì khi đó có lẽ nó sẽ chẳng tới được với thế giới còn lại. Jesus không nói hàng xóm của chúng ta là ai. Có lẽ vì thế chúng ta sẽ không lập danh sách những người mà chúng ta không cần yêu thương.

Hằng ngày mỗi người chúng ta đều có những người hàng xóm xung quanh. Họ ở trước mặt ta, đằng sau ta, hai bên ta. Họ ở khắp mọi nơi chúng ta tới. Họ mua sắm ở các tiệm tạp hóa và tham dự các cuộc họp hội đồng thành phố. Họ giương những tấm biển cát-tông ở các góc phố và cào gom lá rụng ở nhà bên. Họ chơi bóng trong trường trung học và phân phát thư báo. Họ là những người anh hùng, gái bán hoa, mục sư hay phi công. Họ sống trên phố và thiết kế những cây cầu cho chúng ta. Họ tới các trường dòng, hoặc sống trong tù. Họ quản lý chúng ta và họ cũng làm phiền chúng ta. Họ ở khắp mọi nơi chúng ta thấy. Có một điều tất cả chúng ta đều có chung: Tất cả chúng ta đều là hàng xóm của ai đó, và họ là hàng xóm của ta. Đây chính là kế hoạch tổng thể đơn giản nhưng tuyệt vời của Chúa ngay từ đầu. Ngài tạo ra cả một thế giới toàn những người hàng xóm. Chúng ta gọi đó là Trái đất, còn Chúa chỉ gọi đó là một khu dân cư thật sự rất lớn.

Thứ thường ngăn chúng ta yêu thương hàng xóm của mình chính là nỗi sợ trước những gì sẽ xảy đến nếu chúng ta làm điều đó. Thành thực mà nói, những gì khiến tôi sợ nhiều hơn là việc nghĩ về những gì sẽ xảy đến nếu chúng ta không làm vậy. Không sợ sệt không phải là điều chúng ta có thể quyết định được ngay, nhưng cùng với thời gian và sự giúp đỡ đúng đắn, ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi. Chúng ta có thể phát huy toàn bộ nghị lực chúng ta có, nhưng chỉ có Jesus mới có sức mạnh khơi gợi trong chúng ta lòng dũng cảm cần để sống cuộc sống mà Ngài nói đến.

Suốt hai mươi hai năm qua, chúng tôi tận dụng cuộc diễu hành Năm mới để tôn vinh hàng xóm của mình. Cuộc diễu hành của chúng tôi bắt đầu từ con ngõ cụt ở cuối khối nhà của chúng tôi và kết thúc tại sân trước nhà tôi. Năm nào cả gia đình tôi cũng thức dậy rất sớm, và chúng tôi bơm cả nghìn quả bóng bay bằng khí helium. Chúng tôi chính là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt helium. Trước khi chúng tôi bắt đầu mang bóng bay ra khỏi nhà, chúng tôi cảm ơn hàng xóm của mình và cảm ơn vì cái đặc quyền được sống cùng họ.

Khối nhà của chúng tôi chỉ có hai mươi căn nhà nếu bạn đếm cả hai bên đường, cho nên cuộc diễu hành của chúng tôi không kéo dài. Năm đầu tiên, chúng tôi chỉ có tám người đứng ở nơi bắt đầu lộ trình diễu hành. Chúng tôi cùng đứng ở cuối ngõ cụt, cố gắng trông cho giống một cuộc diễu hành. Có người nói: “Đi thôi”, chúng tôi bắt đầu đi dọc phố và vẫy tay với sáu người hàng xóm đang đứng xem. Bây giờ thì đã có khoảng bốn hoặc năm trăm người tham gia mỗi năm. Bọn trẻ kéo theo những chiếc xe đẩy đầy thú nhồi bông và cá vàng cảnh. Chẳng có những cỗ xe diễu hành lộng lẫy; chỉ là những chiếc xe đạp gắn thẻ bóng chày ở nan hoa. Đến giờ, lúc chúng tôi xếp hàng để diễu hành, chúng tôi đã về đến nhà mình và nhiều khi còn đi qua cả nhà trước khi ai đó bắt đầu cất bước.

Đây là lý do chúng tôi làm vậy: chúng tôi không thể yêu thương những người chúng tôi không biết. Bạn cũng vậy thôi. Nói rằng chúng ta yêu thương hàng xóm của mình thì rất dễ. Nhưng hãy đoán gì nào? Làm điều đó cũng dễ, Chỉ cần dành cho họ một cuộc diễu hành. Chúng tôi không nghĩ mệnh lệnh của Jesus “hãy yêu thương hàng xóm của ngươi” là một ẩn dụ cho điều gì khác. Chúng tôi nghĩ nó có nghĩa là chúng ta được tin rằng thực tế chúng ta đều biết yêu thương láng giềng của mình. Hãy để họ cùng tham gia. Hãy làm cho họ thích thú. Hãy tổ chức một bữa tiệc cho họ. Khi niềm vui là một thói quen thì tình yêu chính là sự khúc xạ.

Vì chúng tôi thực hiện diễu hành suốt nhiều thập kỷ nên chúng tôi hiểu hết những người sống gần chúng tôi. Tôi không rõ liệu họ có học được gì từ chúng tôi không, nhưng chúng tôi học được từ họ rất nhiều về việc yêu thương nhau. Chúa không trao cho chúng ta hàng xóm để làm cộng sự của chúng ta; Ngài để họ vây quanh chúng ta để làm những người thầy của chúng ta.

Chúng tôi không có kế hoạch cho cuộc diễu hành. Việc này giảm bớt thời gian chuẩn bị. Mà cũng chẳng hại gì. Tình yêu thương không tuân theo mọi quy tắc mà chúng ta cố gắng đưa ra. Hằng năm trước cuộc diễu hành một tuần, chúng tôi gõ cửa nhà một vài hàng xóm của mình để chọn ra một Chủ tế và một Nữ hoàng trong số họ. Được chọn làm Nữ hoàng là một việc trọng đại ở khu chúng tôi. Có năm Carol được chọn. Mười năm sau, mọi người vẫn cúi chào Carol khi họ nhìn thấy bà ấy ở chợ hay trạm xăng và gọi bà là “Lệnh bà”. Thật là tuyệt vời.

Một năm nọ, vì cuộc chiến đấu sinh tử, cam go trong người Carol, bà ấy không nghĩ mình có thể đi hết lộ trình diễu hành từ con ngõ cụt đến nhà chúng tôi nơi cuộc diễu hành kết thúc. Tôi có một chiếc xe Harley-Davidson cũ có thùng bên. Năm đó, tôi để Carol vào thùng xe và chở bà ấy đi. Bà ấy là tiêu điểm của cuộc diễu hành vì tất cả hàng xóm đều biết căn bệnh ung thư mà bà ấy đang phải chiến đấu. Carol, lúc nào cũng lịch lãm, vẫy tay với tất cả mọi người, và họ vẫy tay đáp lại. Ngay trước lúc chúng tôi về đến khúc cuối lộ trình diễu hành, Carol ngoảnh sang tôi và hít một hơi dài trầm ngâm. Cứ như thể bà ấy đang đi suốt cuộn phim cuộc đời mình khi bà ấy nói: “Anh biết không, Bob, tôi sẽ thật sự nhớ cuộc diễu hành này”. Tôi nhìn người hàng xóm của mình ngồi trong thùng xe cạnh tôi và nói: “Tôi cũng vậy, Carol. Tôi cũng vậy”. Ngay cả khi nói vậy, tôi vẫn hỏi Chúa liệu Ngài có để cho Carol tham dự thêm ít nhất một lần diễu hành nữa với chúng tôi không.

Bảy tháng sau, gia đình tôi trở về sau một chuyến du lịch nước ngoài. Tôi đang ở cùng con trai Richard thì chúng tôi nhận được tin Carol vừa quay lại bệnh viện để thực hiện thêm một cuộc phẫu thuật nữa. Chúng tôi nhảy vội lên xe và vội vã đến với bà ấy. Chúng tôi đi nhanh qua hành lang và rẽ vào phòng Carol, vừa hay bác sĩ đi ra. Một không khí im lặng ảm đạm tràn ngập căn phòng khi chúng tôi bước vào. Carol được đỡ ngồi dậy trên giường với những chiếc gối. Đầu bà ấy ngả ra sau hướng lên trần nhà. Mắt bà ấy nhắm chặt, và hai tay bà ấy khoanh lại. Bác sĩ vừa nói với Carol là bà ấy sắp chết. Chúng tôi cùng ngồi trên giường, khóc rất nhiều, và sau đó chúng tôi nói về bóng bay, những cuộc diễu hành, sự bất diệt và Jesus.

Carol về lại ngôi nhà bên kia phố để sống nốt những ngày cuối đời giữa bạn bè và xóm giềng. Bà ấy chẳng ăn uống gì và cơ thể bà ấy bắt đầu suy sụp. Chúng tôi liên tục thuyết phục bà ấy ăn gì đó. Chốc chốc bà ấy lại thèm phát điên một loại đồ ăn nào đó. Một hôm bà ấy bảo tôi bà ấy rất thèm một loại bánh kẹp xúc xích đặc biệt. Bà ấy nói chi tiết với tôi về kích thước và màu sắc món đó.

Công ty này chắc chỉ sản xuất bốn hay năm loại bánh kẹp xúc xích một năm, bởi vì tôi đã tới cả chục tiệm tạp hóa và cửa hàng đồ ăn để tìm cái thương hiệu bánh kẹp xúc xích Carol muốn mà đành chịu. Cuối cùng, tôi tìm được một gói nhỏ. Tôi cảm thấy như mình đã tìm thấy Jimmy Hoffa “Thế chứ!” tôi reo lên trong tiệm tạp hóa khi vớ lấy gói bánh kẹp xúc xích và vung cao tay lên khỏi đầu. Tôi giống như đã ghi được bàn thắng trong một trận bóng ở khu vực cấm địa nhưng chỉ bắt được chính mình.

Tôi vội quay lại nhà Carol và mở gói bánh kẹp xúc xích với vẻ trịnh trọng vốn dành riêng cho cái tủ đựng bản giao kèo. Tôi nói với Carol tôi đã lấy về đúng thứ bà ấy thèm. Carol bảo tôi là bà ấy muốn xem lớp giấy bọc. Ngay cả khi ở tình trạng rất yếu, bà ấy vẫn muốn bảo đảm rằng chúng tôi không tới Oscar Mayer.

Mỗi lần, Carol không thể ăn nổi hơn một thìa trà thức ăn. Sweet Maria tạo mô hình một suất bánh kẹp xúc xích cỡ đại để cho bà ấy xem và xếp thành đống cao. Trên cùng có cả núi hành thái vụn và một quả dưa chuột dầm cỡ bằng một suất bánh kẹp xúc xích nhỏ. Tôi đội chiếc mũ chơi bóng chày ưa thích của mình lên và lấy cả mũ của Carol, và chúng tôi đặt chiếc bánh kẹp làm mẫu lên một chiếc khay bạc ở trước mặt bà ấy. Tôi đút cho bà ấy bánh kẹp xúc xích đã xắt kỹ, mỗi lần chỉ một phần tư thìa trà, và tôi bảo bà ấy nhìn chiếc bánh mẫu rồi tưởng tượng bà ấy đang ngốn sạch nó bằng những miếng cắn thật lớn trong khi vẫn xem một trận đấu của đội Red Sox. Bạn bè của chúng ta làm những việc như thế này cho chúng ta. Họ giúp chúng ta hiểu cuộc sống Jesus nói đến trong khi dành cho chúng ta cuộc sống như vậy bằng những mảnh nhỏ – đôi khi chỉ là thìa trà mỗi lần.

Một số người có cả danh sách rất dài những việc họ luôn muốn làm. Tôi thì không có; tôi muốn làm mọi việc. Nếu tôi có một bản danh sách, tôi có thể liệt kê hai hay ba việc tôi không muốn làm trên đó – như là bị một con rắn cắn vào mặt chẳng hạn. Nhưng thành thật mà nói, tôi thậm chí còn không chắc chắn về việc đó. Tôi hỏi Carol rằng bà ấy có danh sách những việc bà ấy luôn muốn làm nhưng lại chưa từng xúc tiến không. Carol ngẫm nghĩ chuyện đó và rồi nói với ánh mắt lấp lánh “Anh biết đấy, tôi chưa bao giờ ném giấy vệ sinh ở nhà ai cả”.

Vài ngày sau, Carol gọi cho tôi trên bộ đàm lúc bốn giờ chiều. “Chúng ta đi nào!” bà ấy gần như hét lên. Tôi định giải thích với bà ấy việc ném giấy vệ sinh thường diễn ra trong bóng tối, nhưng rồi tôi nghĩ về chuyện đó trong khoảng một giây và đáp lời, “Tôi đang trên đường đây!” Tôi lấy mấy chiếc kính và mũi cao su giả để chúng tôi đeo, tôi chạy băng băng qua phố như mấy cậu học sinh trung học cùng với mấy cuộn giấy vệ sinh trên tay. Sweet Maria gặp chúng tôi ở đó và mang theo thêm chục cuộn nữa. Tới cổng nhà một người hàng xóm chúng tôi mến có mấy cây to ở trước cửa, Carol cười khanh khách tung những cuộn giấy vệ sinh lên mấy cái cây và chỉ trỏ những chỗ chúng tôi bị trượt. Tay bà ấy ném cũng rất cừ.

Chúng tôi vừa làm xong cái công việc oai hùng với mấy cái cây nhà hàng xóm thì cảnh sát xuất hiện trên phố trong xe tuần tra. Cứ y như thể họ được một đạo diễn phim nhắc xuất hiện đúng lúc Carol sẵn sàng ném cuộn giấy cuối cùng lên cành cây cao nhất. Bà ấy vừa vung cánh tay ra phía sau đầu thì họ đến. Bà ấy liếc nhìn họ, rồi nhìn cái cây, rồi lại nhìn họ. Họ bật đèn và bắt đầu ra khỏi xe – và bà ấy vẫn ném. Chúng tôi vẫn mặc nguyên đồ cải trang, cho nên có lẽ bà ấy hình dung chúng tôi có thể chạy thoát được. Mấy viên cảnh sát hỏi chúng tôi có biết ném giấy vệ sinh vào nhà người khác là một tội, dù nhẹ, không. Tôi nhìn họ, choàng một tay quanh người Carol, và nói: “Thưa ngài sĩ quan, tôi có miễn trừ ngoại giao, còn bà ấy bị ung thư. Xin cứ việc bắt giữ chúng tôi”.

Mấy viên cảnh sát nhìn nhau và cười ngoác. Họ hiểu chuyện gì đang diễn ra. Họ rất thông cảm và vui vẻ với Carol khi chúng tôi đứng trên phố nói về cuộc sống trong tù sẽ như thế nào với bà ấy. Tôi bảo bà ấy sẽ rất thích đồ ăn nhưng sẽ không khoái vòi tắm và gợi ý họ còng tay bà ấy trước khi đưa bà ấy tới trại giam để bảo đảm bà ấy không phạm thêm bất kỳ trọng tội nào vào hôm đó. Chúng tôi vẫy tay khi cảnh sát lái xe đi.

Hồi con cái tôi còn bé và khó ngủ, tôi thường dùng đầu ngón tay gãi gãi từ khoảng giữa hai lông mày xuống đến chót mũi chúng. Lần nào cũng có tác dụng, và chỉ sau vài phút chúng đều ngủ thiếp đi. Carol trụ được từ mùa thu tới Giáng sinh, nhưng rất mong manh. Tôi thường chạy sang nhà bà ấy thăm nom và dùng ngón tay gãi gãi mũi Carol để giúp bà ấy nghỉ ngơi và thoát khỏi cuộc chiến vẫn đang diễn ra bên trong bà ấy một lúc. Chúng tôi cùng cầu nguyện, cùng nói về Jesus và hàng xóm của mình. Một hôm, chính những người hàng xóm này tìm tới sau nhà bà ấy, họ chuyển số hoa mà họ trồng trong vườn qua cửa sổ nhà bà ấy và phủ kín hoa lên giường bà ấy. Tình yêu vị tha có sức mạnh cải biến ngay cả những nơi tăm tối nhất trên cánh đồng.

Khi Carol khỏe hơn, bà ấy gặp gỡ bạn bè trong phòng khách. Bà ấy dùng một ngón tay yếu ớt chỉ tay qua cửa sổ về phía mấy cái cây bên kia phố vẫn còn vương chút giấy vệ sinh phất phơ trên mấy cành cao nhất như những lá cờ bên trên một lều xiếc. Bà ấy cười khanh khách và nói: “Chính tay tôi đã làm đấy”. Suốt mùa đông, mỗi ngày Carol càng thêm bất lực trong việc tìm kiếm năng lượng. Bà ấy khó ngủ và ngủ nhiều hơn suốt cả ngày lẫn đêm, hai thời khắc mà với bà ấy giờ đã bắt đầu hòa lẫn với nhau.

Ngày đầu Năm mới, mạch sống của Carol chỉ còn rất mong manh, bà ấy yếu đến mức không ra khỏi giường được. Bà ấy trụ được tới tận ngày diễu hành mà bà ấy đã cùng chủ trì với tư cách Nữ hoàng. Đây là một mong muốn mà tôi nghĩ đã giúp bà ấy trụ được suốt những tháng cuối cùng trong cuộc chiến đầy can trường của bà ấy. Ngay trước khi buổi diễu hành bắt đầu, các con trai tôi Richard và Adam, cùng với Jon, chồng Lindsey, băng qua phố và đưa Carol rời từ phòng ngủ tới một chiếc ghế tựa đặt ở trước của số phòng khách của bà ấy, hướng ra phố.

Carol nghe được tiếng nhạc và biết cuộc diễu hành sắp diễn ra, nhưng bà ấy không thể nhìn quá được góc của số nhà mình. Bà ấy không biết rằng chúng tôi đã thay đổi lộ trình diễu hành, và chỉ trong vài phút, toàn bộ năm trăm người sẽ diễu hành qua sân trước nhà bà ấy.

Tôi ngồi cạnh Carol, cầm tay bà ấy khi cả trăm người bạn cùng hàng xóm của bà ấy bước tới cửa sổ nhà bà, áp mũi vào đó, vẫy tay với bà ấy và đập bóng bay. Trong lúc họ làm vậy, qua làn nước mắt, Carol chầm chậm đưa bàn tay yếu ớt của mình lên miệng và gửi từng người những cái hôn gió tạm biệt. Vài ngày sau, Jesus đón Carol lên Thiên đường. Đó là cuộc diễu hành thứ hai của bà ấy trong tuần.

Tôi không biết liệu đường phố trên Thiên đường có lát vàng không, nhưng tôi rất hy vọng chúng được trang trí bằng bóng bay hai bên đường. Và ở cuối cuộc diễu hành, tôi cược là chúng ta sẽ thấy Jesus gửi cho chúng ta những nụ hôn, gãi mũi chúng ta, và chào đón chúng ta tới khu dân cư tiếp theo của mình. Tôi chỉ hy vọng mình lại có được một căn nhà đâu đó gần nhà Carol.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TỪ CỬA SỔ CỦA NGỌN HẢI ĐĂNG
  2. LỜI CHÀO TỪ WALTER

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH