NGUYỄN THẾ ĐĂNG
1/ Trí huệ thường quán chiếu
Trong những bài thuyết pháp, Lục Tổ Huệ Năng nói nhiều đến thấy tánh, trí huệ Bát nhã… nhưng ngài cũng nói nhiều đến lỗi, những phiền não như ghen tỵ, tham sân, đố kỵ, ngã mạn…
Trí huệ Bát nhã là bản tánh, là tự tánh của chúng sanh, “người đời vốn tự có”:
“Thế nên biết rằng bản tánh tự có trí Bát nhã, bản tánh ấy tự dùng trí huệ thường quán chiếu, cho nên chẳng cần mượn đến văn tự. Cả thảy sông ngòi đều chảy vào biển cả, hợp thành một thể. Trí Bát nhã là bản tánh của chúng sanh lại cũng như vậy.
Người tiểu căn nguyên có trí Bát nhã, không khác biệt với người đại trí, mà do sao nghe pháp lại chẳng tỏ ngộ? Do là sự che chướng của tà kiến còn nặng, gốc rễ phiền não ăn sâu, giống như đám mây lớn che khuất mặt trời, không có gió thổi tan thì ánh sáng mặt trời không hiện”.
(Phẩm Trí Huệ)
Hành trí huệ là không để mây vọng niệm che chướng mặt trời trí huệ:
“Tất cả nơi chốn, tất cả thời gian, niệm niệm chẳng ngu, thường hành trí huệ tức là hạnh Bát nhã. Một niệm ngu tức là Bát nhã tuyệt, một niệm trí tức Bát nhã sanh.
Thiện tri thức! Trí huệ quán chiếu, trong ngoài sáng suốt, biết bản tâm mình. Nếu rõ bản tâm tức là vốn giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát nhã tam muội. Bát nhã tam muội tức là vô niệm.
Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy biết hết thảy pháp mà tâm chẳng nhiễm dính, đó là vô niệm. Dùng thì khắp tất cả chỗ, mà cũng chẳng dính bám tất cả chỗ. Chỉ là bản tâm thanh tịnh, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở trong sáu trần không nhiễm, không tạp, đến đi tự do, thông dụng không trệ, tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh vô niệm”.
(Phẩm Trí Huệ)
2/ Lỗi là gì?
Lỗi là “duyên theo tâm mê”, một niệm ngu”, “tà kiến phiền não”.
“Trí Bát nhã giác ngộ, người đời đều vốn tự có, chỉ duyên theo tâm mê nên chẳng thể tự ngộ”
Lỗi là tâm tà, phiền não, độc hại, hư vọng, trần lao, tham giận, ngu si:
“Mê muội tự tánh tức là chúng sanh. Giác ngộ tự tánh tức là Phật. Từ bi tức Quan Âm, hỷ xả gọi là Thế Chí, thường tịnh tức là Thích Ca, bằng thẳng tức là Di Đà.
Nhân ngã là núi Tu di, tâm tà là nước biển, phiền não là sóng lớn, độc hại là rồng dữ, hư vọng là quỷ thần, trần lao là cá mập, tham giận là địa ngục, ngu si là súc sanh.
Thiện tri thức! Thường làm mười điều thiện thì thiên đường liền đến, trừ nhân ngã thì núi Tu di sụp, bỏ tâm tà thì nước biển cạn, không phiền não thì sóng lớn diệt, độc hại trừ thì cá rồng tuyệt.
Trên đất tâm mình là tánh giác Như Lai, phóng ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, hay phá các cõi trời Lục dục. Tự chiếu bên trong ba độc liền dứt, các tội địa ngục nhất thời tiêu diệt. Trong ngoài sáng suốt chẳng khác Tây phương. Chẳng tu như thế thì làm sao đến cõi kia được”.
(Phẩm Nghi vấn)
Trí huệ là thường quán chiếu tự tâm, dứt ác làm thiện, để tự mình khai mở cái thấy biết của Phật (Phật tri kiến):
“Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng nói thiện tâm nghĩ ác, tham giận, ghen ghét, dối nịnh, ngã mạn, lấn người hại vật, ấy là tự mình khai mở cái thấy biết của chúng sanh. Nếu có thể chánh tâm thường sanh trí huệ, quán chiếu tự tâm, dứt ác làm thiện, ấy là tự mình khai mở cái thấy biết của Phật”.
(Phẩm Cơ duyên)
Quán chiếu tự tâm, tự tánh, là thực hành trí huệ:
“Ba là Huệ hương, tâm mình không bị ngăn ngại. Thường dùng trí huệ quán chiếu tự tánh, chẳng tạo ra các xấu ác. Tuy tu các điều thiện lành mà tâm không bám níu, kính người trên nghĩ đến người dưới, thương xót những kẻ côi cút nghèo cùng. Ấy là Huệ hương”.
(Phẩm Sám hối)
Chính khi quán chiếu tự tâm, tự tánh mà người ta tìm thấy lỗi mình, và cũng do ánh sáng của trí huệ quán chiếu ấy mà lỗi lầm được chuyển hóa, tiêu tan, như bóng tối gặp ánh sáng mặt trời. Trí huệ chính là pháp thân vốn có nơi mình:
“Thiện tri thức! Trí như mặt trời, huệ như mặt trăng. Trí huệ thường sáng, do vì bám cảnh bên ngoài nên bị đám mây vọng niệm che khuất mà tự tánh chẳng được sáng tỏ. Nếu gặp thiện tri thức, nghe được pháp chân chánh, tự trừ mê vọng thì trong ngoài sáng suốt, trong tự tánh mình muôn pháp đều hiện. Người thấy tánh cũng giống như vậy. Đây gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật”.
(Phẩm Sám hối)
Thế nên chẳng lìa tự tánh, an trụ trong tự tánh trí huệ thì ánh sáng của nó sẽ làm tiêu tan những phiền não tham sân si để chuyển hóa thành giới định huệ của tự tánh:
“Hãy dùng đại trí huệ mà phá tan năm uẩn, phiền não, trần lao. Tu hành như đây thì quyết định thành Phật đạo, biến ba độc tham sân si thành Giới, Định, Huệ.
Pháp môn đây từ một Bát nhã sanh ra tám vạn bốn ngàn trí huệ. Tại sao thế? Vì người đời có tám vạn bốn ngàn trần lao. Nếu không có trần lao thì trí huệ thường hiển hiện, chẳng lìa tự tánh”.
(Phẩm Trí huệ)
Điều thứ hai, khi quán chiếu tự tâm, tìm thấy lỗi mình, nếu quán chiếu cho đến tận gốc rễ của những lỗi lầm phiền não thì người ta sẽ khám phá ra nền tảng của chúng mà từ đó chúng phát sanh. Nền tảng đó là tự tánh vốn có sẳn của mình.
Những lỗi lầm, phiền não, trần lao là những ý nghĩ lỗi lầm, những ý nghĩ xấu và kể cả những ý nghĩ tốt, chúng đều che lấp bản tâm, tự tánh khiến chúng ta không thể thấy bản tâm, tự tánh vốn thanh tịnh của mình:
“Sao gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật? Người đời tánh vốn thanh tịnh. Muôn sự đều từ tự tánh sanh: nghĩ lường tất cả sự ác tức sanh hạnh ác, nghĩ lường tất cả sự thiện tức sanh hạnh thiện. Như vậy các pháp ở trong tự tánh mình, như trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng nhưng vì những đám mây ý nghĩ che lấp nên trên sáng dưới tối. Khi gió thổi mây tan thì trên dưới đều sáng, muôn hình tượng đều hiện”.
(Phẩm Sám hối)
Khi biết rằng mọi ý nghĩ, mọi niệm đều khởi lên từ tự tánh, người ta nhận ra tự tánh, nền tảng của mọi khởi niệm:
“Tự tánh Chân Như khởi niệm, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi có thể niệm được. Chân Như có tánh do đó mới có niệm khởi. Nếu Chân Như không có thì mắt tai sắc thanh liền tiêu hoại ngay”.
(Phẩm Định Huệ)
Biết rằng mọi ý nghĩ tốt xấu, mọi niệm đúng sai đều khởi lên từ “tự tánh chân không”, thì các niệm ấy cũng sẽ tan vào tự tánh chân không. Chứng biết như vậy, người ta có thể giải thoát khỏi sự trói buộc của các niệm bằng cách để cho các niệm tự giải thoát lấy chính chúng, tự tan biến vào nền tảng của chính chúng.
Đây là hiệu quả thứ hai của việc thường tự thấy lỗi mình.
Tóm lại, việc thấy lỗi là để không bị lỗi trói buộc và che chướng, do đó thấy cái chân thật xưa nay.
3/ Thấy lỗi của người khác
Lỗi lầm là chấp ngã, chấp pháp, thấy có bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, từ cái thấy sai lầm ấy sanh ra tranh chấp, cải cọ, hơn thua, cao thấp, thế nên tự tánh vốn không có sanh tử lại tự tạo cho mình sanh tử khổ đau:
“Nếu tâm miệng đều thiện thì trong ngoài nhất như, định huệ bình đẳng.
Hãy tự ngộ tu hành chẳng phải ở nơi tranh luận. Nếu sanh niệm người trước người sau bèn đồng với người mê. Chẳng dứt được hơn thua, cao thấp thì càng thêm chấp ngã chấp pháp, chẳng lìa được bốn tướng”.
(Phẩm Định Huệ)
Lỗi lầm căn bản là sự phân biệt khiến xa cách với người khác, với môi trường xung quanh, từ đó những phiền não sinh sôi, thương ghét, lấy bỏ, tranh cãi, cho đến chiến tranh. Cứ như thế, người ta tự đưa mình vào sanh tử:
Tông này vốn không tranh
Tranh luận mất ý đạo
Giữ pháp môn trái cãi
Tự tánh vào sanh tử.
(Phẩm Phó chúc)
Muốn đạt đến một vị bình đẳng của tự tánh, phải không thấy lỗi của người khác và cố chấp vào đó để tranh hơn thua, như thế mới đạt được sự bình đẳng của ta và người, “trong ngoài nhất như, định huệ bình đẳng”.
Nếu thật người tu đạo
Chẳng thấy lỗi thế gian
Nếu thấy người khác lỗi
Tự mình đã sai rồi
Người lỗi ta chẳng chê
Ta chê, ta có lỗi.
Chỉ dẹp tâm thấy lỗi
Phiền não thảy phá trừ
Thương ghét chẳng dính tâm
Nằm duỗi hai chân nghỉ.
(Phẩm Trí huệ)
Sở dĩ như thế bởi vì khi thấy lỗi của người thì đó chính là phiền não của mình thấy, chứ chẳng phải tự tánh định huệ bình đẳng thấy.
Với chính mình, lỗi lầm là lìa tự tánh, là lìa trí huệ quán chiếu, để cho phiền não lôi kéo ra khỏi sự sống động, sáng tỏ của tự tánh khiến lạc vào sanh tử:
“Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không trệ ngại, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật, đó gọi là công đức.
Trong tâm khiêm hạ là công, ngoài là hành theo lễ là đức. Tự tánh kiến lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Chẳng lìa tánh mình là công, ứng dụng không nhiễm là đức.
Nếu tìm công đức Pháp thân, hãy y theo đây mà làm, đó là chân công đức”.
(Phẩm Nghi vấn)
4/ Thường thấy lỗi trong tự tâm
Khi dạy cho Sa di Thần Hội, Lục Tổ nói về tự thấy lỗi mình như sau:
“Có một đồng tử tên là Thần Hội, con nhà họ Cao ở Tương Dương, mười ba tuổi, từ chùa Ngọc Tuyền đến tham lễ.
Sư nói: Người tri thức khó nhọc từ xa đến, có đem theo được cái gốc chăng? Nếu có gốc thì phải biết ông chủ, nói thử xem.
Thần Hội thưa: Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ.
Sư nói: Sa di kia sao lại bắt chước lời nói của người.
Thần Hội bèn thưa: Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?
Sư lấy gậy đánh ba cái, nói: Ta đánh ngươi, đau hay chẳng đau?
Thần Hội thưa: Cũng đau cũng chẳng đau.
Sư nói: Ta thấy cũng chẳng thấy.
Thần Hội hỏi: Sao là thấy cũng chẳng thấy?
Sư nói: Ta thấy là thường thấy lỗi trong tự tâm, chẳng thấy những phải trái tốt xấu của người, đó là cũng thấy cũng chẳng thấy. Ngươi nói đau cũng chẳng đau là thế nào? Ngươi nếu chẳng đau thì đồng với gỗ đá, còn đau thì đồng với phàm phu, liền sanh giận hờn. Trước ngươi hỏi thấy hay chẳng thấy, đó là hai bên, cũng đau cũng chẳng đau, đó là sanh diệt. Tự tánh của ngươi, ngươi còn chẳng thấy, sao dám đùa cợt người?
Thần Hội lạy tạ xin lỗi
Sư lại nói: Nếu ngươi tâm mê chẳng thấy, thì hỏi thiện tri thức tìm ra con đường. Còn nếu ngươi tâm ngộ, tức là tự thấy tánh, thì y pháp tu hành. Ngươi tự mê chẳng thấy tự tâm, lại hỏi ta thấy hay chẳng thấy. Ta thấy thì tự biết, đợi gì cái mê của ngươi? Ngươi nếu tự thấy cũng chẳng dính dáng gì cái mê của ta. Sao chẳng tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy.
Thần Hội làm lễ hơn trăm lạy, xin tha tội lỗi, rồi chuyên cần hầu hạ bên Tổ, chẳng khi nào rời”.
(Phẩm Đốn tiệm)
Khi nhờ trí huệ thường quán chiếu để những lỗi lầm trong tự tâm tiêu tan trong ánh sáng thường sáng của trí huệ, không còn bị các lỗi lầm trói buộc, ngăn ngại, người ta sẽ có được “bao nhiêu của báu hiện giờ” của đời sống chân thật. Trong lời dạy cho sư Pháp Đạt về tụng Kinh Pháp Hoa, Lục Tổ dạy (ở đây chỉ trích ra một đoạn):
“…Huống gì văn kinh đã nói rõ cho ông, chỉ có một Phật thừa, không có thừa nào khác. Nếu kinh nói hai thừa, ba thừa cho đến vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên, thí dụ, ngôn từ thì các pháp ấy đều chỉ là một Phật thừa mà thôi.
Sao ông chẳng xét ba xe, ba thừa là giả, là chuyện thời trước, một thừa là thật, là chuyện bây giờ, ấy là dạy cho ông bỏ giả về thật. Đã về thật rồi thì cái thật ấy cũng không có tên nữa.
Vậy phải biết bao nhiêu của báu hiện có ấy đều thuộc về ông, tùy ông thọ dụng; lại chẳng tưởng của cha, cũng chẳng tưởng của con, cũng không có tưởng việc thọ dụng. Đó mới gọi là trì kinh Pháp Hoa, từ kiếp này sang kiếp khác tay chẳng rời cuốn kinh, từ ngày đến đêm, không lúc nào chẳng niệm”.
(Phẩm Cơ duyên)
Khi không còn bị các lỗi ràng buộc, che chướng, người ta được tự do, tự do này Lục Tổ gọi là thấy tánh:
“Nếu ngộ tự tánh thì cũng chẳng lập Bồ đề Niết bàn, cũng chẳng lập giải thoát tri kiến. Không có một pháp có thể đắc mới có thể kiến lập vạn pháp, nếu rõ ý này, cũng gọi là Phật thân, cũng gọi là Bồ đề Niết bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến.
Người thấy tánh thì lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngưng không ngại, ứng dụng tùy làm, ứng lời tùy đáp, hiện khắp hóa thân mà chẳng lìa tự tánh, tức là được tự tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là thấy tánh”.
(Phẩm Đốn tiệm)