TRÍ HUỆ, ĐỨC TƯỚNG VÀ VỌNG TƯỞNG CHẤP TRƯỚC CHỈ TRONG MỘT TÂM

ẤN QUANG ĐẠI SƯ

Trích “Ấn Quang Văn Sao
Chuyển ngữ : Như Hòa
Giảo chính : Minh Tiến – Huệ Trang

66. Lời tựa cho bài Phổ Thuyết Tam Quy Ngũ Giới tại nhà giam thứ nhất ở kinh đô trong ngày Nguyên Đán năm Giáp Tý

Tâm tánh của chúng sanh không khác gì chư Phật; nhưng do mê chưa ngộ nên làm chúng sanh lâu dài. Phẩm Như Lai Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm có câu: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ, đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng, chấp trước thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Ngại Trí đều được hiện tiền”. Phải biết trí huệ, đức tướng và vọng tưởng, chấp trước chỉ trong một tâm, thoạt đầu vốn không phải là hai vật. Hễ mê thì toàn thể trí huệ, đức tướng biến thành vọng tưởng, chấp trước; ngộ thì toàn thể vọng tưởng, chấp trước lại biến thành trí huệ, đức tướng. Ví như nước kết thành băng, băng tan thành nước. Tướng tuy có khác biệt, thể vốn chẳng hai. Hiểu rõ điều này thì ai chẳng nguyện đoạn Hoặc nghiệp huyễn vọng, khôi phục tâm tánh sẵn có? [Những chuyện như] đề cao thánh cảnh, cam phận phàm ngu, chấp tánh phế tu, dùng kiến giải lầm lạc lấy phàm làm thánh sẽ đều không thể do đâu mà sanh khởi được!

Kinh Thư nói: “Thánh mất niệm nên thành cuồng,cuồng khắc chế được ý niệm bèn thành thánh”. Mạnh Tử nói: “Ai cũng có thể là Nghiêu – Thuấn. Đạo của Nghiêu – Thuấn chỉ là hiếu – đễ mà thôi!” Do vậy, biết: Chẳng thể hành hiếu đễ để làm Nghiêu – Thuấn, chẳng khắc chế ý niệm để thành thánh và chẳng thể khôi phục trí huệ, đức tướng để trở thành Phật thì đều là hạng tự ruồng rẫy, tự vứt bỏ, chẳng chịu gắng sức thực hiện vậy! Như Lai lúc mới thành Chánh Giác, vì khắp hết thảy phàm – thánh nói Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới, có câu: “Các ông là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành. Thường tin tưởng như thế thì giới phẩm đã đầy đủ”. Lại nói: “Chúng sanh nhận lãnh giới của Phật chính là đã dự vào địa vị chư Phật; địa vị giống như Đại Giác, thật sự là con của chư Phật vậy”. Điều chánh yếu là muốn làm cho con người hiểu thấu suốt một niệm tâm tánh nhỏ nhoi này chính là cội gốc của đạo Bồ Đề do chính Như Lai đã chứng vậy. Đã biết như thế thì ai còn chịu thuận theo nhiễm duyên phiền não khiến cho bầu trời chân tánh thanh tịnh rốt ráo bị mây mê sương Hoặc ngăn lấp nữa ư?

Lại khéo léo khuyên dụ dần dần để hàng căn cơ nhỏ trước hết thọ Tam Quy, đem thân tâm quy y Phật Pháp Tăng Bảo, tự có thể phản vọng quy chân, trái trần hiệp giác, rồi dạy cho Ngũ Giới “chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu” thì những lời lẽ, hành vi thường ngày sẽ không phạm những tội lỗi, thân tâm thanh tịnh. Có những người phát tâm đại Bồ Đề thì lại dạy họ tiến lên thọ Bồ Tát đại giới, khiến cho lý – sự viên dung, phước – huệ cùng tiến, hòng trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Kinh đô là chỗ đầu não của thiên hạ, vì thế tội phạm trong nhà tù rất đông. Lại do thói đời ngày càng suy bại, chiến tranh, mất mùa liên tiếp, đến nỗi bọn lưu manh ngây ngô, phạm phải phép nước bị giam cầm trong ngục. Há phải đâu chỉ trói buộc làm khổ thân tâm họ, mà thật ra là muốn cho họ sửa lỗi đổi mới, trở thành lương dân tuân theo luật pháp. Lại do gần đây Phật học xương minh, chánh phủ đặc biệt mời những vị cao tăng thông đạt Phật pháp thường đến trại giam khai thị những ý nghĩa trọng yếu của Phật pháp và cái nhân gây ra sanh tử luân hồi, cũng như pháp liễu sanh thoát tử, ngõ hầu ai nấy đều biết tâm này là tâm Phật, ắt sẽ tự tuân hành hạnh Phật. Muốn liễu sanh thoát tử, mà chẳng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương quyết khó được như nguyện.

Bọn họ nghe vậy như đối trước gương sáng, xấu – tốt tự biết, như gặp mẹ hiền, mừng vui không gì ví dụ được. Tiếng kinh, danh hiệu Phật sáng tối không gián đoạn, biến nhà ngục thành đạo tràng, khiến bạn tù thành pháp lữ. Quả thật là chuyện lạ từ xưa đến nay chưa từng nghe. Đủ chứng tỏ Phật pháp quả thật là lò nung lớn lao để nung phàm đúc thánh vậy. Bất luận vàng cứng sắt chai đến đâu hễ bỏ vào trong ấy đều đúc thành tượng Phật, tượng Bồ Tát vi diệu trang nghiêm. Những ai bảo Phật pháp vô ích cho quốc gia, có hại cho đời, đều là những kẻ chưa thấy màu sắc đã bàn luận mù quáng, khiến mình tự lầm, làm người khác lầm lạc. Viên quan giám ngục do phát đại tâm, bèn đặc biệt thỉnh bậc pháp sư có đức vào ngày Nguyên Đán năm Giáp Tý, nói Tam Quy Ngũ Giới cho khắp các Phật tử trong nhà giam, ngõ hầu họ dùng Quy Giới chế phục thân tâm, khiến cho vọng tưởng, chấp trước không hề còn nữa, trí huệ, đức tướng sẽ được triệt để phô bày trọn vẹn. Hàng Phật tử các ông thoạt đầu đã phạm quốc pháp đến nỗi bị cầm tù, kế đến do được nghe Phật pháp liền nhiễm Phật hương, trở thành pháp khí của Phật. Do nhân duyên ác trở thành nhân duyên thiện, nếu chẳng phải là đã trồng thiện căn từ nhiều kiếp, vạn phần chẳng được may mắn như thế này đâu!

Ví như Ma Ni bảo châu có thể thỏa ý người mưa ra khắp các món báu. Do không hay biết nên quăng trong hầm xí, chẳng những không có công năng mưa ra các báu, mà thể chất còn chẳng khác gì những vật nhơ. May gặp được người trí biết là của quý báu nhất, vào nhà xí nhặt ra, gột rửa đủ cách, lại dùng hương xông để khôi phục lại tánh chất sẵn có. Sau đấy, treo trên tràng cao, châu lại phóng quang minh, tùy ý người cần gì bèn mưa ra khắp các báu. Phật thấy hết thảy chúng sanh cũng giống như vậy. Do đó, dẫu kẻ mê đến cùng cực, làm đủ mọi chuyện ác nghịch, như vua Ca Lợi cắt chặt thân thể, hoàn toàn không có một niệm buông bỏ, mà vẫn thường tìm cơ hội để chỉ dạy, khơi gợi, khiến cho họ được độ thoát. Ấy là vì Phật chỉ xem trọng Phật tánh, còn hết thảy tội cấu ác nghịch Ngài chẳng buồn xét đến. Nếu các ông hiểu được những điều vừa nói trên đây dù là pháp hay ví dụ, ắt sẽ tự chẳng cô phụ Phật giáo hóa, chẳng phụ bạc tánh linh của chính mình, mà một phen hậu ý của chánh phủ, của giám ngục quan, của vị Tăng thuyết pháp, thuyết giới cũng chẳng bị trở thành uổng công. Lại mong ai nấy nỗ lực tấn tu thì may mắn lắm thay! 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI KÝ TỰ TRÁCH LỖI TRONG VIỆC CHÉP KINH HOA NGHIÊM (Viết thay sư Khoan Huệ)
  2. KHUYÊN NÊN GIỮ LÒNG THÀNH KÍNH
  3. NHÂN DUYÊN QUÁ KHỨ CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY