BÀI KÝ TỰ TRÁCH LỖI TRONG VIỆC CHÉP KINH HOA NGHIÊM (Viết thay sư Khoan Huệ)

ẤN QUANG ĐẠI SƯ

Trích Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao/ Chuyển ngữ: Như Hòa/ Giảo chỉnh: Minh Tiến, Huệ Trang; NXB Phương Đông, 2008

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO

Ấn Quang Pháp Sư
ĐẠI SƯ ẤN QUANG (1862-1940) – Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông
???
Lớn lao thay giáo pháp kinh Hoa Nghiêm, xứng Pháp giới tánh, nói pháp thường trụ. Nương tâm Chân như chỉ bày đầy đủ thể; Lý vượt ngoài hiện tượng, đạo khế hợp hoàn vũ. Tịch lẫn Chiếu hiển lộ trọn vẹn, Năng lẫn Sở cùng mất. Lìa cái giả danh “phàm, Thánh”, dứt bặt xưng hô “chúng sinh, Phật”. Châu trong chéo áo, kẻ mê chẳng biết, không thể không trong cái “chẳng thể tu” lại bàn chuyện tu, trong cái “chẳng thể chứng” lại bàn chuyện chứng, cho nên mới có năm mươi hai địa vị theo thứ tự, Tín, Giải, Hạnh, Chứng sâu cạn, đó gọi là “toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh”; còn như viên chứng Diệu Giác chẳng qua là khôi phục bản thể! Ngoài bản thể ra, trọn chẳng tăng thêm gì; chỉ là khi Trí Đoạn rốt ráo thì quang cảnh nơi bản địa được phơi bày triệt để! “Viên mãn Bồ – đề thật ra chẳng có một pháp nào để đắc! Nhân trùm biển quả, quả thấu nguồn nhân”, chính là nói về ý này vậy! Mười phương chư Phật thành đạo, không vị nào chẳng nói pháp này, mười phương Bồ – tát tu hành, không vị nào chẳng nương theo khuôn phép này.
Kinh văn tuy gồm tám mươi mốt quyển, hơn sáu mươi vạn chữ, nhưng đều bao quát hết sạch hằng sa pháp môn, vô biên diệu nghĩa được hiển thị chẳng sót. Toàn bộ Sự chính là Lý, toàn bộ tu chính là Tánh, toàn thể nhiều chính là một, toàn Tha chính là Tự. Do vậy nói: “Mười đời xưa nay, từ đầu đến cuối chẳng lìa đương niệm; vô biên cõi nước tự, tha chẳng cách đầu lông”. Vì thế, được thọ trì đọc tụng kinh này thì núi tội sụp, biển phước rộng sâu; biên chép lưu truyền thì mây mê tiêu, mặt trời huệ sáng rỡ. Huệ tôi đời trước lắm may mắn nên được nhập pháp môn, nhưng nghiệp cũ rất sâu nên chẳng khế hợp đạo. Nghĩ muốn chép đại kinh rất sâu chẳng thể nghĩ bàn này để sám trừ túc nghiệp, được Hòa thượng Tịch Sơn, pháp sư Đế Nhàn và các thiện tri thức khuyến khích, khen ngợi, tán trợ, nên được toại nguyện. Chỉ vì ít đọc kinh giáo, chưa hiểu rõ quy cũ, tuy thường thắp hương, đốt đèn, chép đâu lễ đấy, nhưng dạng chữ tùy tiện, chưa thật đoan nghiêm, tề chỉnh. Cô lậu quả văn (thấy nghe kém cỏi) có lỗi chẳng biết! Trải hai lượt lạnh nóng, chép được hơn sáu mươi quyển.
Một ngày nọ, có vị lão túc trông thấy quở:
– Ông phát tâm chép kinh, toan nhờ đó để sám trừ túc nghiệp, hiển lộ cái mình sẵn có, siêu phàm nhập Thánh, liễu sinh thoát tử, lòng mong mỏi ấy lớn lao thì có thể trên cảm ứng Tam Bảo, dưới khế hợp tự tâm, đoạn phiền hoặc, chứng tâm thường, sinh về An Dưỡng , hầu hạ Đạo Sư? Há chẳng phải là cô phụ một phen khổ công của chính mình cũng như ân đức khen ngợi, giúp đỡ không gì lớn bằng của các Sư ư? Ông hãy lấy Hoa Nghiêm Cảm Ứng Truyện mà đọc đi, sẽ thấy các khuôn mẫu chép kinh tốt đẹp của các vị cổ đức như Đức Viên, Tu Đức v.v… cũng như những lợi ích mà họ đạt được, há chẳng thẹn đến chết ư?
Huệ tôi nghe dạy xong, lòng đau như cắt, tiếc hận sâu xa lúc ban đầu chẳng gặp được vị lão nhân này. Do vậy, bèn nhanh chóng sửa lỗi cũ, dốc kiệt lòng thành, cạn hết lòng kính, tuy vẫn thô vụng như cũ nhưng cung kính cẩn thận tột bậc. Nét bút của bộ kinh trước sau không giống nhau, chỉ sợ người đọc thấy lạ, nên bèn thuật bày duyên khởi trách lỗi, cũng mong hết thảy tứ chúng thọ trì đọc tụng hết thảy kinh điển thảy đều cạn hết lòng thành, tận hết lòng kính không coi thường chút nào, như đối trước Thánh dung đích thân nghe được viên âm, ngõ hầu tội lỗi của Huệ nhờ đó được tiêu diệt, mà phước huệ của người thọ trì ấy cũng mau được viên mãn!

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ÍCH LỢI CỦA VIỆC SÁM HỐI
  2. KHUYÊN NÊN GIỮ LÒNG THÀNH KÍNH
  3. TÙY TỰ Ý TAM MUỘI

Bài viết khác của tác giả

  1. KHUYÊN NÊN GIỮ LÒNG THÀNH KÍNH
  2. NHÂN DUYÊN QUÁ KHỨ CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
  3. NÓI VỀ THIỀN VÀ TỊNH

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?