7 THÓI QUEN TẠO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Thói quen 1: Sống chủ động

Gia đình và các thành viên phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của chính họ, dựa trên những nguyên tắc và giá trị thay vì dựa vào hoàn cảnh hay tâm trạng. Họ sử dụng bốn kỹ năng: tự nhận thức, lương tâm, trí tưởng tượng (tầm nhìn) và ý chí độc lập – và cách tiếp cận từ trong ra ngoài để sáng tạo nên những thay đổi.

Thói quen 2: Bắt đầu với một mục tiêu

Các gia đình định hình tương lai của họ bằng cách tạo ra trong tâm trí một tầm nhìn và những mục tiêu cho bất kỳ dự định nào, dù lớn hay nhỏ. Họ không sống ngày qua ngày mà không có mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống. Hình thức cao nhất của sự sáng tạo trong tâm trí là một bản tuyên ngôn nhiệm vụ của hôn nhân hay của gia đình.

Thói quen 3: Ưu tiên những việc quan trọng

Các gia đình tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “ưu tiên những việc quan trọng”, đã được mô tả trong bản tuyên ngôn nhiệm vụ cá nhân, hôn nhân, gia đình. Họ định ra cơ cấu thời gian dành cho gia đình hàng tuần, và thời gian gắn kết cá nhân. Họ sống có mục tiêu, chứ không sống theo những áp lực tác động lên họ.

Thói quen 4: Tư duy “cùng thắng”

Các thành viên trong gia đình suy nghĩ trên quan điểm vì lợi ích chung. Họ hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau. Họ suy nghĩ tập thể – “chúng ta” chứ không phải “tôi” và xây dựng tư duy “cùng thắng”. Họ không suy nghĩ một cách ích kỷ (“Thắng – Thua”) hay theo cách hy sinh chịu đựng vì người khác (“Thua – Thắng”).

Thói quen 5: Hiểu người trước, hiểu mình sau

Mỗi thành viên trong gia đình, trước hết, tìm cách lắng nghe để hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của người khác, sau đó mới tìm cách để bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình. Thông qua sự thấu hiểu, họ xây dựng những mối quan hệ sâu sắc dựa trên sự tin tưởng và yêu thương. Họ đưa ra sự phản hồi có hiệu quả. Họ không từ chối đưa ra phản hồi, và cũng không tìm cách để được thấu hiểu trước.

Thói quen 6: Hợp lực

Các thành viên trong gia đình dựa vào sức mạnh của mỗi cá nhân và sức mạnh của cả gia đình, dựa trên sự tôn trọng và trân trọng sự khác biệt của mỗi người, để cả gia đình trở nên mạnh hơn. Họ xây dựng một môi trường văn hóa chung tay nhau giải quyết vấn đề và chớp lấy cơ hội. Họ nuôi dưỡng & phát triển tinh thần học hỏi, yêu thương và giúp đỡ. Họ không thỏa hiệp (1+1 < 1) hay cộng tác đơn thuần ( 1+1=2) mà là cộng tác một cách sáng tạo ( 1+1= 3, và nhiều hơn thế nữa…) 

Thói quen 7: Rèn giũa bản thân

Các thành viên trong gia đình tăng cường tính hiệu quả thông qua sự làm mới bản thân và gia đình một cách thường xuyên, trên bốn khía cạnh cơ bản của cuộc sống: vật chất, xã hội/tình cảm, tinh thần và trí tuệ. Họ xây dựng truyền thống để nuôi dưỡng tinh thần luôn luôn làm mới gia đình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH