QUAN SÁT TÂM ÔNG

Sri Nisargadatta Maharaj

Trích: “Ta Là Cái Đó”. Tác giả: Sri Nisargadatta Maharaj. Việt dịch: Vũ Toàn. NXB Phương Đông – 2008. Ảnh nguồn Internet.

Hỏi: Trong khi tìm kiếm cái thiết yếu một người nhận ra ngay mình không đủ khả năng, và thấy cần phải có người hướng dẫn hay một đạo sư. Điều này hàm ý một hình thức kỷ luật nào đó vì người môn đồ được mong đợi phải tin tưởng người hướng dẫn, và hoàn toàn làm theo sự khuyên bảo và chỉ giáo của người đó. Tuy nhiên những thúc bách và sức ép của xã hội quá lớn, những ham muốn và lo sợ cá nhân quá mạnh, nên yếu tố cần thiết cho sự tuân hành – tức là sự hồn nhiên của tâm và ý chí – không thể sẵn sàng. Làm thế nào để tạo được sự quân bình giữa sự cần thiết phải có một đạo sư, và sự khó khăn trong việc tuân theo vị đạo sư một cách hoàn toàn?

Maharaj: Cái gì được làm dưới sức ép của xã hội và hoàn cảnh thì không quan trọng lắm, vì nó gần như máy móc, và thuần phản ứng đối với các tác động. Chỉ cần điềm nhiên quan sát chính mình để tự tách ly với những gì đang xảy ra là đủ. Những hành động không chú ý, vô minh, có thể cộng thêm vào nghiệp của người tạo tác, ngoài ra thì chẳng có gì quan trọng. Vị đạo sư chỉ yêu cầu một điều duy nhất: sự trong sáng và tính mãnh liệt của mục đích, ý thức trách nhiệm với chính mình. Phải đặt câu hỏi về thực thể của thế giới. Xét cho cùng, ai là Đạo sư? Người nào chứng được cảnh giới trong đó không có thế giới mà cũng chẳng có ý tưởng về thế giới thì người đó là Vô Thượng Sư. Tìm ra vị Đạo sư Vô thượng đó có nghĩa là đạt đến trạng thái trong đó tưởng tượng không còn bị ngộ nhận là thực tại. Xin hiểu cho rằng Đạo sư tiêu biểu cho thực tại, cho chân lý, cho hiện hữu. Đạo sư là người hiện thực trong ý nghĩa cao nhất của từ ngữ này. Đạo sư không thể và sẽ không chấp nhận tâm cùng những trò lừa gạt của nó. Đạo sư đến để đưa ông đến với cái thật, đừng mong đợi Đạo sư làm bất cứ gì khác.

Vị Đạo sư theo ý nghĩ của ông – tức là người cho ông kiến thức và chỉ thị – thì không phải là một chân sư. Chân sư là người biết cái thật, bên ngoài sự hào nhoáng của mọi hình tướng. Đối với chân sư thì những câu hỏi của ông về sự tuân hành và kỷ luật đều vô nghĩa, vì trong cái nhìn của chân sư con người mà ông cho là ông không tồn tại. Những câu hỏi của ông là về một con người không tồn tại. Cái gì tồn tại với ông thì không tồn tại với chân sư. Cái mà ông cho là đương nhiên thì chân sư phủ nhận hoàn toàn. Chân sư muốn ông thấy chính ông như chân sư thấy ông. Lúc đó ông chẳng cần đến một Đạo sư để vâng lời và đi theo, vì ông sẽ vâng lời và đi theo thực tại của chính ông. Hãy nhận ra rằng bất cứ gì ông nghĩ là ông chỉ là một giòng các sự kiện, và trong khi mọi thứ đang diễn ra, đến và đi, thì chỉ có ông hiện hữu – cái bất biến giữa những cái thay đổi, sự tự chứng trong số những suy diễn. Hãy tách cái được quan sát ra khỏi người quan sát, và từ bỏ những nhận dạng sai lầm.

H: Để tìm kiếm thực tại, một người cần phải loại bỏ các chướng ngại. Mặt khác, sự cần thiết phải sinh tồn trong một xã hội nhất định buộc một người phải làm và chịu đựng rất nhiều thứ. Liệu có cần phải bỏ cả nghề nghiệp và địa vị xã hội để tìm thực tại?

M: Cứ hành nghề của ông. Khi nào có chút rảnh rang, hãy nhìn vào trong. Điều quan trọng là đừng bỏ lỡ cơ hội khi nó tự hiện đến. Nếu nhiệt tình ông sẽ tận dụng trọn vẹn thời gian rảnh rỗi của ông. Thế là đủ.

H: Trong sự tìm kiếm cái thiết yếu và loại bỏ những cái không cần thiết, có một lĩnh vực nào cho sinh hoạt sáng tạo không? Chẳng hạn như tôi yêu hội họa. Dành thời gian rảnh rỗi để vẽ tranh có giúp gì cho tôi không?

M: Dù có phải làm bất cứ gì, hãy quan sát tâm ông. Ngoài ra, ông cũng phải có những lúc hoàn toàn an ổn và yên tĩnh bên trong, khi tâm ông hoàn toàn tĩnh lặng. Nếu ông không thấy điều đó thì ông không thấy tất cả. Nếu ông thấy, thì sự im lặng của tâm sẽ hòa tan và hóa giải tất cả những cái khác.

Khó khăn của ông là ông vừa muốn và vừa sợ thực tại. Ông sợ thực tại vì ông không biết nó. Ông cảm thấy an tâm với những cái quen thuộc tức là cái đã biết. Cái không biết thì không chắc chắn, và do đó nguy hiểm. Biết thực tại là ở với thực tại trong sự hài hòa. Trong sự hài hòa thì không có chỗ cho sợ hãi.

Một đứa trẻ biết thân xác của nó, nhưng nó không biết những khác biệt dựa trên thân xác. Nó chỉ biết và vui thích. Xét cho cùng, biết và vui thích là mục đích mà nó được sinh ra. Sự vui thích hiện hữu là hình thức đơn giản nhất của lòng yêu quý chính mình, mà sau này phát triển thành lòng yêu quý cái Ta. Hãy là một đứa trẻ mà không có gì xen vào giữa thân xác và cái Ta. Khi tiếng huyên náo không ngớt của đời sống tâm linh vắng bặt, và trong sự im lặng sâu thẳm, cái Ta ngắm nhìn thân xác. Đứa trẻ cũng giống như một tờ giấy trắng trên đó chưa viết gì. Hãy là đứa trẻ thơ đó, thay vì cứ loay hoay tìm cách là thế này hay thế nọ; hãy vui sướng hiện hữu. Ông sẽ là nhân chứng hoàn toàn tỉnh thức về phạm trù ý thức. Nhưng đừng để cảm thọ và ý nghĩ nào xen vào giữa ông và phạm trù.

H: Bằng lòng với sự hiện hữu thuần túy thì có vẻ như là một cách vị kỷ nhất để giết thời gian.

M: Một cách vị kỷ xứng đáng nhất! Bằng mọi cách hãy vị kỷ, hãy từ bỏ tất cả ngoại trừ cái Ta. Khi chỉ yêu cái Ta và ngoài ra không còn gì khác thì ông siêu vượt cái vị kỷ và vô vị kỷ. Mọi khác biệt không còn ý nghĩa. Tình yêu cái một và tình yêu tất cả hòa nhập với nhau trong tình yêu, thuần túy và chân phương, không dành riêng cho ai và cũng không từ chối một ai. Hãy ở trong tình yêu đó, đi sâu hơn nữa vào trong nó, tìm hiểu chính ông và yêu sự tìm hiểu thì không những ông giải quyết mọi phiền trược của riêng ông mà còn tất cả mọi phiền trược của nhân loại. Ông sẽ biết phải làm gì. Đừng đặt những câu hỏi thiển cận, hãy chuyên tâm vào những cái căn bản, gốc gác sự hiện hữu của ông.

H: Có cách nào để tôi tăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp giác ngộ chính mình?

M: Dĩ nhiên là có.

H: Ai sẽ thực hiện sự tăng tiến này? Liệu ông sẽ làm điều đó giúp tôi?

M: Sự tăng tiến chẳng cần đến ông mà cũng không cần đến Ta. Nó sẽ tự xảy ra.

H: Việc tôi đến đây đã chứng tỏ điều đó. Có phải sự tăng tiến này là do thân cận với bậc thánh nhân? Khi rời khỏi đây lần trước, tôi hy vọng sẽ trở lại. Và tôi đã trở lại! Bây giờ tôi lại tiếc rằng mình chẳng còn bao lâu nữa phải trở về Anh.

M: Ông giống như một đứa trẻ sơ sinh. Trước khi được sinh ra nó đã có, nhưng nó không biết sự hiện hữu của chính nó. Khi nó được sinh ra thì một thế giới xuất hiện trong nó, cùng với ý thức về sự hiện hữu. Và bây giờ ông phải lớn lên trong ý thức, tất cả chỉ có thế. Đứa trẻ đó là ông vua của thế giới – khi lớn lên nó sẽ cai quản vương quốc của nó. Thử tưởng tượng khi còn thơ ấu nó bị một cơn bạo bệnh, nhưng được một thầy thuốc chữa khỏi. Liệu vị ấu vương này có được vương quốc là nhờ người thầy thuốc? Người thầy thuốc có thể chỉ là một trong những yếu tố góp phần. Còn rất nhiều yếu tố khác; tất cả đã góp phần. Nhưng yếu tố chính, yếu tố quyết định vẫn là sự sinh ra làm con một ông vua. Tương tự như thế, vị Đạo sư có thể trợ lực. Nhưng điều chính yếu là thực tại sẵn có bên trong. Thực tại sẽ tự khẳng định chính nó. Việc ông đến đây chắc chắn đã giúp ích ông. Đó không phải điều duy nhất sẽ giúp ông. Cái chính yếu là sự hiện hữu của ông. Sự tha thiết của ông đã chứng minh điều đó.

H: Theo đuổi một nghề nghiệp có phủ nhận sự tha thiết của tôi?

M: Ta đã bảo ông rồi. Chừng nào ông còn dành cho mình thật nhiều lúc an ổn thì ông vẫn có thể an toàn hành nghề cao quý của ông. Những lúc tĩnh lặng bên trong này chắc chắn sẽ hủy diệt mọi chướng ngại. Đừng hoài nghi sự hiệu nghiệm của nó. Cứ thử xem.

H: Tôi đã thử rồi!

M: Nhưng chưa bao giờ tin tưởng, chưa bao giờ kiên quyết. Nếu tin tưởng và kiên quyết thì ông đã không hỏi những câu như thế. Ông hỏi vì ông không tự tin. Ông không tự tin vì chẳng bao giờ ông chú ý đến chính ông, mà chỉ chú ý đến những kinh nghiệm của ông. Hãy quan tâm với chính ông ngoài mọi kinh nghiệm, hãy ở với chính ông, yêu quý chính ông; sự an toàn tối hậu chỉ được tìm thấy trong sự biết rõ chính mình. Điều quan trọng là sự tha thiết. Hãy thành thật với chính ông thì không có gì phản bội được ông. Đức hạnh và quyền năng chỉ là những đồng xu giả cho trẻ con chơi. Chúng hữu ích trong thế giới, nhưng không đem ông ra ngoài thế giới. Để đi ra ngoài, ông cần sự tỉnh thức bất động, sự chú ý trong im lặng.

H: Thể xác của một người lúc đó sẽ như thế nào?

M: Bao giờ còn khỏe mạnh thì ông còn sống.

H: Cuộc sống bất động bên trong này không ảnh hưởng đến sức khỏe?

M: Thân xác ông chỉ là thực phẩm chuyển hóa. Thức ăn của ông thế nào, thô hay tế, thì sức khỏe của ông thế ấy.

H: Chuyện gì sẽ xảy ra với bản năng tình dục? Làm sao có thể tiết chế được nó?

M: Tình dục chỉ là một thói quen được huân tập. Vượt ra khỏi nó. Chừng nào còn chú trọng đến thân xác thì ông còn ở trong sự kiềm tỏa của ăn uống và tình dục, sợ hãi và cái chết. Hãy tìm ra chính ông và giải thoát.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÓ THỂ NHẬN RA VÔ MINH NHƯNG KHÔNG THỂ NHẬN RA GIÁC NGỘ
  2. ÔNG TỰ DO NGAY BÂY GIỜ
  3. KHÔNG CÓ DIỆN MẠO THÂN XÁC THÌ TÂM Ở ĐÂU?

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ