KHI NGƯỜI TA ĐÃ QUEN VỚI NÓ

TENZIN GYATSO

Trích “Trí huệ và Đại bi” Tác giả: Tenzin Gyatso Ban dịch thuật: TTT, 2000 Ảnh: nguồn internet

Cái khiến cho chúng ta khổ đau không đến từ bên ngoài, mà từ dòng tâm thức riêng của chúng ta. Vì những xúc cảm xung đột biểu lộ trong không gian trong sạch tự nhiên của tâm thức, và thiếu kiểm soát, chúng ta tự để mình bị lôi cuốn theo những hành vi bạo động, là những thứ phát sanh những khổ đau tương lai. Khi những phiền não vừa khởi sanh, phải cực kỳ tỉnh thức và trả những ý niệm này trở về trong không gian tự nhiên của tâm thức để chúng tiêu tan, như những đám mây tụ và tán trong bầu trời. Sự tắt mất của chúng ngắt đi những xung động tác hại theo sau. Như Milarepa đã hát: “Dầu cho chúng khởi sanh, chúng khởi sanh trong hư không, dầu cho chúng tan biến, chúng tan biến vào hư không.” Chúng ta hãy học để biết cách thức hiện hữu của những hiện tượng, để phân biệt cái lầm lạc, để đối lại với những vọng tưởng bằng một chung cực không thu nhận hầu chúng tự tan mất trong không gian của cái thực.

Không một niềm vui nào có thể có được bao giờ người ta còn chưa là chủ nhân của tâm thức mình, và để đạt đến đó, ý chí giải thoát khỏi vòng sanh tử là căn bản. Những kinh điển Phật giáo dạy rằng tâm thức không có khởi đầu, điều đó khiến cho những kiếp tái sanh cũng không có khởi thủy. Một khảo sát có phương pháp cho phép kết luận rằng tâm thức không thể nào là nguyên nhân chất thể của vật chất, và vật chất không thể nào là nguyên nhân chất thể của tâm thức. Giả thiết độc nhất có thể chấp nhận được về nguyên nhân chất thể của tâm thức chính là một tâm thức trước đó. Chính như thế mà người ta chứng minh nguyên lý của những kiếp quá khứ và vị lai.

Thế đấy, các bạn hãy biết rằng mặc dù tất cả những thứ các bạn có thể đã gom góp trong đời này, dù có là tỷ phú, các bạn cũng không thể đem theo một phần trăm vào trong cái chết. Bất kể số bạn bè của các bạn, không ai sẽ theo bạn. Lúc ấy các bạn chỉ còn dựa trên sức mạnh của công đức bạn, trên năng lực mà các bạn đã tích tập trong những hành động công chính. Từ đó thấy được sự hiểm nguy khi đầu tư toàn bộ vào trong những hoạt động thường nhật giới hạn vào hiện tại. Vấn đề không phải là quay lưng lại với đời sống vật chất mà chỉ hướng về sự suy nghĩ về những kiếp tương lai trong mọi thời gian, mà là một nửa thời gian được cân nhắc, nếu các bạn đầu tư 50% năng lực của mình cho những công việc hiện thời và 50% để trau dồi bên trong.

Dĩ nhiên là phải sống tốt, bao tử chúng ta cũng có quyền cầu xin chúng ta, nhưng cuộc đời hiếm khi hy vọng vượt quá một trăm năm: thật quá ít so với những đời sẽ tới. Điều đó xứng đáng để khó nhọc suy nghĩ và sửa soạn. Đôi khi phải biết bỏ bê những mục tiêu trước mắt.

Khi người ta suy nghĩ về những phương diện quyến rũ của vòng luân hồi, người ta thấy lộ ra tính chất khổ đau của chúng. Chúng không phải là một nguồn suối lạc thú vô tận. Ví dụ nếu bạn là người thừa kế độc nhất nhiều ngôi nhà, khi bạn ở một nhà này, bạn không thể hưởng những cái khác, và chúng phải để trống; nếu bạn quyết định đổi sang một nhà khác, thì cái đầu tiên đến lượt nó chẳng là gì đối với bạn nữa. Hay giả sử bạn rất giàu và có một số dự trữ thức ăn khổng lồ; chỉ có một miệng và một bao tử, bạn không thể ăn hơn mức độ mà một người có thể nuốt. Nếu bạn ăn gấp đôi, bạn sẽ chết. Tốt hơn hết là thiết lập những giới hạn ngay từ đầu và cảm thấy thỏa mãn.

Không thế, tham muốn làm bạn chạy theo cái này, còn muốn cái kia, và các bạn không bao giờ đến chỗ thỏa mãn mọi ham muốn. Ngay cả khi các bạn có cả thế giới dưới chân các bạn, các bạn cũng không cảm thấy đủ. Tham muốn thì không bao giờ đã cơn. Và hơn nữa, trong sự chạy tìm không cùng này, có biết bao nhiêu là chướng ngại, thất vọng, khó khăn và khổ đau! Dục vọng quá độ không chỉ không thể thỏa mãn, nó còn là một thứ dày vò khổ sở.

Lạc thú và khổ đau có những nguyên nhân. Sự kiện chúng thay đổi chứng tỏ rằng chúng tùy thuộc những nguyên nhân. Thế nên các bạn chỉ có được lạc thú bạn muốn nếu các bạn tạo ra những nguyên nhân của nó, và bạn giảm bớt khổ đau bạn sợ khi bạn rời khỏi cái sanh ra nó. Ngay khi một nguyên nhân của khổ đau được ghi vào trong dòng tâm thức bạn, dầu cho bạn có ghê sợ phải chịu khổ, bạn cũng phải trải qua nó. Trong mức độ lạc thú và khổ đau tùy thuộc những nguyên nhân, chúng ta có thể biết tương lai dành cho chúng ta điều gì, bởi vì những điều kiện của những đời tương lai tùy thuộc vào những công việc và tư tưởng hiện tại của chúng ta. Khi người ta thấy sự việc dưới góc độ này, người ta thấu hiểu rằng mỗi khoảnh khắc người ta đều đang tích tập đủ loại nghiệp – hành động – chúng sẽ đè nặng lên những tái sanh tương lai của chúng ta; và chúng ta có thể diễn dịch rằng, nếu chúng ta không áp dụng một phương pháp để chấm dứt những nguyên nhân quyết định tiến trình sanh tử, chúng ta sẽ không lìa khỏi khổ đau.

Sự quan sát những hợp thể cấu thành thân tâm phát hiện chúng được tạo thành bởi những hành động và tình cảm nhiễm ô. Những nguyên nhân trước kia mà chúng tùy thuộc thì bất tịnh, chúng thừa hưởng từ một tình trạng khổ đau quá khứ, và chúng chịu đựng khổ đau ấy không chỉ trong tình trạng hiện tại, mà chúng còn cảm ứng, dẫn dắt nó đến tương lai. Chúng ta biết khổ đau từ lúc sanh ra, nó trải dọc theo tuổi thơ chúng ta và theo chúng ta đến hết cuộc đời, vì với sự già nua là sự giảm sút vật lý, không thể cử động, nghe và nhìn rõ, chưa kể đến một ngàn lẻ một thứ hành hạ của tuổi già; và cuối cùng, sự khổ đau của cái chết ập tới. Nhưng giữ sanh và chết, chúng ta cũng không được ngơi nghỉ: chúng ta bị đối diện với bệnh tật, chúng ta không có điều chúng ta muốn, hay chúng ta có điều chúng ta không muốn. Tất cả chứng tỏ rằng những uẩn hợp thể của thân là miếng đất của khổ đau.

Có phải lời dạy này là bi quan không? Hoàn toàn không. Càng ý thức về khổ đau, người ta càng nỗ lực để chiến thắng nó. Ví dụ, các bạn mệt nhoài vì làm việc năm ngày một tuần để có thêm tiền, để nâng cao mức sống… Từ tuổi trẻ, các bạn phải khó nhọc để về sau hưởng được một cuộc đời dễ chịu. Để có một ít tiện nghi hơn, chẳng phải các bạn không chịu vài hy sinh? Sự kiện nhận biết khổ đau đem bạn đến gần sự giải thoát nó giải phóng bạn. Điều đó xứng đáng để suy nghĩ. Bạn chẳng thể vui với ý nghĩa rằng trong những đời tới, bạn lại nhận cái loại thân tâm này, bị điều kiện hóa bởi những hành động và thức tình ô nhiễm. Hãy miệt mài hơn nữa để nhận ra một trạng thái trong đó những chỗ nương dựa của khổ đau này đi đến chỗ hoàn toàn tịch diệt. Không gian của thực tại, cái vô hạn trong đó mọi bất toàn khốn khổ tắt mất, đó là cái người ta gọi là giải thoát. Chúng ta không chỉ phải buông bỏ những hình tướng trong đời hiện tại này, mà còn cả những hứa hẹn quyến rũ của những đời sau, vì bao giờ chúng ta còn dính liền với những hợp thể nhiễm ô, chúng ta sẽ không biết thế nào là bình an đích thực. Đó là những sự tai hại của vòng sanh tử mà người ta phải không ngừng nhớ đến, vì chúng thức tỉnh lòng ước ao được từ bỏ nó và chúng cũng cho chúng ta mùi vị giải thoát.

Trong tiến bộ này, cần phải phối hợp thiền quán phân tích và thiền định tịch tĩnh. Các bạn hãy bắt đầu bằng phân tích những biện luận làm mạnh thêm ý chí thoát vòng sanh tử, rồi khi một xác tín chắc chắn trào dâng trong các bạn, hãy ở yên trong sự hiểu biết này không phân tích gì nữa, để an định sự thấu hiểu. Khi sự xác tín yếu đi, hãy trở lại thiền quán phân tích, rồi lại đắm mình trong thiền định…

Sau một sự tu hành kéo dài như thế, người ta căn cứ vào đâu để đo lường sự thành công? Làm thế nào người ta biết người ta đã phát triển ý chí giải thoát hay chưa?

Nếu đã thiền quán như thế, mà sự phô trương huy hoàng

Của vòng sanh tử không đánh thức nơi các bạn

Một tia chớp nào, dù ngắn ngủi đến đâu, của sự hâm mộ,

Nếu tâm thức tìm cầu ở nơi bạn suốt ngày suốt đêm,

Đẩy các bạn trọn ngày trọn đêm hướng về giải thoát,

Bấy giờ ấy là ý chí vững chắc muốn vĩnh viễn thoát khỏi

Vòng sanh tử luân hồi đã nẩy mầm.

Nếu khi duy trì mạnh mẽ những tư tưởng ấy, các bạn đã vượt lên sự luyến ái vào những hình tướng của đời này và những hứa hẹn của những đời sau, nếu tâm thức các bạn thường trực và tự nhiên tìm cầu giải thoát mà không gì xảy đến làm cho lơ đãng, không có “cái này tuyệt diệu”, không có “tôi phải làm cái kia”, không có “nếu tôi chỉ…”, v.v…, bấy giờ các bạn đã thành công làm phát khởi ý chí giải thoát khỏi vòng sanh tử một cách trọn vẹn. Sự chúng nghiệm này chỉ thực sự hiệu quả khi nó tự diễn dịch trong thái độ và không chỉ trong lời nói. “Chẳng lẽ một bệnh nhân được chăm sóc chữa trị chỉ bằng cách đọc một toa thuốc của y sĩ ?” Shantideva đã kêu gọi người hành thiền như vậy. Toa thuốc không đủ. Còn phải uống thuốc để lành bệnh.

Đọc giáo lý hay nghe giảng giải thì dễ, nhưng đem nó vào thực hành thì rất nhiều khó khăn. Bao giờ chúng ta chưa có một kinh nghiệm trực tiếp về lời dạy, thì nó vẫn trơ ra đó không hiệu quả gì. Nếu nguyên nhân sự tiến bộ của các bạn chỉ là một sự giải thích bằng ngôn ngữ, hiệu quả chỉ có thể là thuộc về tính chất của ngôn ngữ. Khi các bạn đói, các bạn phải cầu thức ăn thật sự. Các bạn không thể bằng lòng ăn thực đơn. Chỉ diễn tả những món thơm tho của lối nấu Pháp hay Trung Hoa thì chẳng có gì bổ dưỡng. Đức Phật đã chẳng nói: “Ta chỉ cho các ông con đường giải thoát; nhưng, chính sự giải thoát, hãy biết rằng nó chỉ tùy thuộc vào các ông” hay sao?

Thoạt tiên điều mà đạo Phật cổ vũ đối với chúng ta có thể hơi lạ lùng, có lẽ như không tưởng, nhưng Shantideva trả lời:

Không có gì cuối cùng không trở nên dễ dàng

Khi người ta đã quen với nó.

Với thời gian, không có sự thành tựu nào ngoài tầm tay; sự thực hành đều đặn những chủ đề thiền định này kích thích khả năng của chúng ta, nhưng giáo lý chỉ trở thành sự giác ngộ của tâm thức trong lâu dài, với sự nhiệt thành và nghiêm mật. Trong một tantra, đức Phật đã nói về giáo lý của ngài như sau: nếu sau khi theo những lời dạy của ta, mục tiêu tỏ ra không thể đạt được, lúc ấy điều ta nói thì dối trá. Vậy phải bắt đầu bằng thực hành, có được kinh nghiệm; tiếp theo người ta có thể tự mình xác chứng sự đúng đắn lời dạy của đức Phật.

Điều trên khép lại chương về sự thức dậy của ý chí tự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, về những nguyên nhân của nó, về những phương tiện làm nó sanh khởi và cách thức đo lường sự thành công trong con đường này.

Cái thứ hai trong ba phương diện chính là ý định vị tha đạt đến giác ngộ. Theo Tsongkapa, hai phương diện chánh đầu tiên này phải kết hợp nhau, nếu không sự thực hành (nguyên nhân) không cho phép đạt đến Phật tánh (kết quả). Đó là điều tiết sau giải thích, nó cũng đem lại một lý do của sự phát triển thái độ vị tha:

Nhưng ý chí vững chắc lìa bỏ vĩnh viễn sanh tử còn phải

Đi đôi với sự thức dậy của một nguyện vọng tròn đầy về giác ngộ vô thượng.

Không có cái này, cái kia sẽ không là cội nguồn của phúc lạc kỳ diệu của giác ngộ vô song.

Thế nên người có trí phải làm nảy sanh ý định cao quý vị tha thành Phật.

Có ý định trở nên giác ngộ – tiếng sanskrit: bodhicitta, tâm Bồ Đề – là theo đuổi sự tìm kiếm giác ngộ cho mình và thành Phật vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

Để đánh thức một trạng thái tâm thức như vậy, phải nuôi dưỡng một lòng bi bao la, chú tâm đến những người khác, mong muốn họ được thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân sẽ sanh ra khổ đau. Nhiệt tình này phun trào từ một suy nghĩ về những gì họ đang chịu đựng; và cuối cùng, để làm viên mãn sự thiền định này, người ta trải rộng cho người khác cái điều mà người ta đã tự mình thành tựu đối với khổ đau trong khi người ta trau dồi quyết tâm giải thoát khỏi vòng sanh tử.

Hai đoạn sau diễn tả những phương tiện để làm nảy sanh ý định vị tha. Đoạn đầu gợi lên rất chính xác những khổ đau định tính cho những chúng sanh bình thường trong vòng sanh tử:

Bị cuốn trôi bởi dòng chảy của bốn dòng dữ dội,

Bị cột trói bởi những sợi dây siết chặt của những xung động khó chế ngự,

Họ bị đẩy vào cũi sắt của sự bám nắm một bản ngã,

Họ hoàn toàn tối tăm bởi bóng tối dày đặc của vô minh,

Họ phải nếm trải vô số sự sanh ra trong vòng sanh tử,

Và từ sự sanh ra này qua sự sanh khác,

Họ không ngừng bị ba mối khổ đau hành hạ.

Nghiệm đi nghiệm lại những tư tưởng này về thân phận của chúng sanh, những người mẹ của chúng ta đang ở trong tình trạng đó,

Rồi vì họ mà làm nảy sanh ý định vị tha tối thượng đạt đến giác ngộ.

Cách suy nghĩ này vô cùng cảm hứng. Chỉ cần thể nghiệm điều ấy áp dụng cho thân phận riêng của chúng ta để lòng ham muốn từ bỏ vòng sanh tử được thêm sức mạnh; và cho ý nghĩ rằng những người khác cũng bị liên can giống như chúng ta, người ta cảm thấy bị lòng bi mẫn trùm phủ.

 

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG GHEN TỴ: SỰ SO SÁNH MANG ĐẾN ĐAU KHỔ
  2. QUYỀN HẠNH PHÚC
  3. NHỮNG TÀI SẢN CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ