LÒNG GHEN TỴ: SỰ SO SÁNH MANG ĐẾN ĐAU KHỔ

DESMOND TUTU

TENZIN GYATSO

Trích: Hỷ Lạc Từ Tâm; Nguyên tác: The Book of Joy, Lasting Happiness in a Changing World; Douglas Abrams chấp bút; Việt dịch: Thảo Yukimoon; NXB. Đà Nẵng, 2019

Không phải một buổi sáng bạn thức dậy và quyết định là mình sẽ ghen tỵ, mà lòng ghen tỵ phát sinh một cách rất tự nhiên,” – Ngài Tổng Giám Mục mở đầu, một lần nữa đưa ra dẫn chứng về tính tự nhiên của cảm xúc và sự cần thiết để nhân từ với bản thân. – “Ý tôi là mỗi khi thức dậy, bạn luôn cố gắng để trở thành một người tốt lành. Ấy thế mà gã hàng xóm lại phóng vèo qua mặt bạn – lần thứ ba trong tuần rồi đấy – trên một chiếc Mercedes-Benz hoặc một chiếc xe nào đó tuyệt đẹp. Bạn đã cố gắng để không ghen tỵ mỗi lần anh ta lượn qua bằng chiếc xe hơi đắt tiền của mình, nhưng cảm giác đó vẫn cứ tự nhiên xuất hiện”.

Tâm lý so sánh quả thực mang đậm tính con người. Thậm chí không chỉ có ở loài người mà nó còn xuất hiện rất tự nhiên trong thế giới của các loài vật khác. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng ngay cả những con chó tuy đang ăn cùng nhau một cách hòa thuận cũng có thể đột nhiên khởi tâm so sánh phản thức ăn của chúng với con khác. Từ đó mà một cuộc chiến có thể bùng phát bằng việc cắn sủa và nhe nanh. Còn đối với con người, lòng ghen tỵ này có thể trở thành một nguồn bất mãn tột cùng, Giáo lý Phật giáo Tây Tạng nói rằng nguyên nhân gây ra khổ đau trong cuộc sống xuất phát từ một mô thức chung về cách mà chúng ta liên hệ bản thân mình với người khác: “Ghen ghét với những ai hơn mình, tranh đua với người ngang bằng mình và khinh thường đối với người thấp kém hơn”.

Khao khát được đối xử công bằng dường như đã được gắn chặt trong bộ gen của chúng ta, do đó mà chúng ta cảm thấy rất khó chịu với sự bất bình đẳng dưới bất kỳ dạng thức nào. Nhà nghiên cứu về linh trưởng Frans de Waal đã có một đoạn video thử nghiệm với loài khi capuchin – những “người họ hàng xa” với chúng ta, là loài thường được sử dụng trong các thử nghiệm tâm lý mang tính đại diện cho con người. Trong đoạn video đã gây bão mạng đó, một trong những chú khỉ xám có chiếc đầu nhỏ, tay dài đưa cho người làm thí nghiệm một viên sỏi để nhận lại một miếng dưa chuột làm vật thanh toán. Con khỉ khá vui vẻ và thực hiện điều này lặp đi lặp lại, cho đến khi thấy con khi ở chuồng bên cạnh cũng thực hiện công việc trả sỏi – lấy thức ăn nhưng lại nhận được một quả nho. Trong thế giới của loài khi capuchin, nho là một thứ quả ngon hơn, ngọt hơn là dưa leo. Có lẽ điều này cũng đúng đối với loài người. Sau khi con khỉ được trả dưa chuột nhìn thấy gã hàng xóm của mình nhận được một quả nho, nó thậm chí còn hào hứng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ trả sỏi – lấy thức ăn. Chắc hẳn trong đầu của nó đang tràn đầy hy vọng với phần thưởng cũng sẽ là một quả nho như con khỉ chuồng bên cạnh. Tuy nhiên, theo yêu cầu của thí nghiệm về sự so sánh trong xã hội, người thử nghiệm vẫn tiếp tục đưa cho nó một miếng dưa chuột thay vì một quả nho.

Con khỉ capuchin nhìn vào miếng dưa chuột ở trong tay, ngửa đầu ra sau với vẻ bất mãn vì không thể tin được, rồi ném miếng dưa chuột về phía người thử nghiệm. Trong cơn thịnh nộ không thể kiểm soát được, con khi đó nắm chặt lấy chấn song của chiếc lồng và giật lắc nó thật mạnh. Video này đã tạ nên cơn sốt trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình tại Phố Wall ở Hoa Kỳ, bởi vì nó tiết lộ một cách ngắn gọn nhưng sâu sắc về bản năng gốc của chúng ta đối với sự công bằng, cũng như lý giải tại sao sự bất bình đẳng lại gây ra áp lực căng thẳng và gây tổn hại cho xã hội.

Ngài Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện thường xuyên trong suốt tuần đối thoại đó về sự bức thiết phải giải quyết vấn đề bất bình đẳng trên bình diện xã hội. Tuy nhiên, thông thường chúng ta không tự so sánh mình với các nhà tỷ phú ở các quỹ đầu tư, các nhà khoa học thiên tài hay với các siêu mẫu. Chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với những người ở trong vòng tròn xã hội của chúng ta. Có câu châm ngôn rằng: “Nếu bạn muốn thấy mình nghèo túng, hãy tìm đến những bạn bè giàu có. Còn nếu muốn thấy mình giàu có, hãy tìm tới những người bạn nghèo”. Còn khi ở trong một nhóm ngang hàng thì chúng ta luôn phải cố gắng để theo kịp người khác.

Jinpa kể với tôi rằng trong những năm 1990, Hoa Kỳ đã cấp thẻ xanh cho khoảng một ngàn người Tây Tạng ở Ấn Độ để họ tiếp tục di cư đến Hoa Kỳ như một phần trong chương trình đặc biệt dành cho người tị nạn. Khi những người Tây Tạng này bắt đầu gửi tiền về cho gia đình họ ở quê hương thì những người hàng xóm cũng bắt đầu trở nên ghen tỵ, vì bỗng nhiên những gia đình ấy được có thêm tiền và có thể sửa sang nhà cửa hoặc mua xe máy cho con em mình. Không phải do những gia đình không có người thân ở Hoa Kỳ trở nên nghèo hơn; mà bởi vì những người hàng xóm của họ có người thân ở Hoa Kỳ đã đột nhiên trở nên giàu có hơn.

Theo các nghiên cứu về hạnh phúc, “những sự so sánh hướng lên trên” đặc biệt xói mòn sự an vui, hạnh phúc của chúng ta. Ghen tỵ khiến chúng ta không thể nào vui vẻ được. Từ để chỉ sự ghen tỵ trong tiếng Tây Tạng là frakdok, có nghĩa là “đôi vai nặng nề” hay “đôi vai bị siết chặt”. Và quả thực sự ghen tỵ luôn để lại cho chúng ta cảm giác dằn vặt của sự bất mãn và oán giận, trộn lẫn với cả cảm giác tội lỗi. Phật giáo hiểu rằng sự ghen tỵ có tính ăn mòn đến nỗi đã so sánh nó với một con rắn độc sẽ tiêm chất độc vào chúng ta. Trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo, một trong Mười Điều Răn có một điều là cấm “ham muốn của người”.

Ngài Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có những ý kiến không giống nhau về cách đối trị với tâm ghen tỵ. Ngài Tổng Giám Mục lập luận để củng cố quan điểm về việc đối trị bằng cách chấp nhận và tha thứ cho bản thân: “Tôi muốn nói là, bạn không thực sự có nhiều quyền kiểm soát nó. Tôi thấy rằng chúng ta cứ hay quá khắt khe với bản thân mình. Chúng ta quên rằng nhiều điều trong số ấy sẽ gây ảnh hưởng rộng lớn đến tất cả chúng ta. Cho nên tôi hy vọng rằng chúng ta có thể giúp mọi người xua tan cảm giác tội lỗi mà họ đang có. Bởi vì hầu hết mọi người khi cảm thấy ghen tỵ thì đồng thời cũng thấy có cảm giác tội lỗi kèm theo. Tôi thường nói với những người con của Chúa rằng: vì Chúa, có nhiều điều của bản thân mà chúng ta không kiểm soát được”.

Sau đó, Ngài Tổng Giám Mục đã đưa ra một giải pháp hiệu quả đối với tâm ghen tỵ, đó là lòng biết ơn: “Tôi nghĩ rằng một trong những cách tốt nhất để bạn có thể bắt đầu đối trị nó là điểm lại những điều may mắn mà mình đã có. Cách này nghe có vẻ xưa rồi, nhưng nó lại rất có ích. Có thể là bạn không sở hữu được một ngôi nhà to rộng như người kia. Nhưng bạn biết không, bạn cũng đâu phải sống trong một cái lều. Cho nên, biết ơn vì những gì mình đang có thực sự sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều”.

Và rồi Ngài chia sẻ thêm một biện pháp đối trị nữa: động lực. “Lẽ dĩ nhiên, sự ghen tỵ cũng có thể trở thành nguồn động lực. Bạn biết chứ? Nó có thể giúp cho bạn nhận ra: Tôi không có một chiếc xe hơi hoặc một ngôi nhà như gã đó, vậy tại sao tôi không lập mục tiêu làm việc để cố gắng có được những thứ như vậy?”.

Ngài Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng đồng ý rằng: Những mục tiêu bên ngoài sẽ không thể mang đến cho chúng ta hạnh phúc lâu dài hay niềm hoan hỷ đích thực, nhưng có động lực để cải thiện hoàn cảnh của chính mình thì chắc chắn là tốt hơn nhiều so với việc nuôi lòng ghen tỵ đối với người khác.

Cuối cùng, Ngài Tổng Giám Mục đã đưa ra một biện pháp đối trị hiệu quả nhất: nhìn lại bản thân. “Cách hay nhất là có khả năng tự vấn bản thân: “Tại sao ta lại muốn có một ngôi nhà tận bảy phòng trong khi chỉ có hai hoặc ba người trong nhà? Ta muốn sở hữu nó vì lý do gì?”. Và bạn có thể xoay chuyển tư duy để nhìn sâu vào những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang gặp phải do biến đổi khí hậu chỉ vì thói tiêu dùng lãng phí ngày càng gia tăng nhanh chóng của mình. Nó chẳng có ích gì ngoài việc gây tác hại không nhỏ tới môi trường. Nhờ nhận thức đó, bạn chọn mua một chiếc xe ô tô điện nhỏ xinh, và bạn nói: “Không, tôi không muốn và cũng chẳng cần đến một chiếc xe to sang trọng mà làm gì!“. Như thế lòng ghen tỵ lại trở thành đồng minh của bạn, thay vì là một kẻ thù”.

Jinpa dịch lại những gì mà Ngài Tổng Giám Mục đã nói cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe.

“Đó chính xác là những gì tôi nói đấy,” – Ngài Tổng Giám Mục nói rồi cười vang.

“May sao, Ngài không hiểu tiếng Tây Tạng,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đáp lại với một nụ cười. Và sau đó tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma làm một điều mà các Ngài vẫn thường áp dụng trong suốt cuộc đối thoại mỗi khi họ gặp phải một điểm bất đồng: khẳng định lại sự gắn bó thân tình và khen ngợi người kia. Điều đó khiến tôi nhớ đến lời nhận xét của hai nhà nghiên cứu John Gottman và Julie Schwartz Gottman về một mối quan hệ tốt đẹp. Họ cho biết rằng trong một cuộc xung đột mang lại kết quả tích cực, luôn có một “sự khởi đầu dễ chịu” hoặc một cách tiếp cận khéo léo vào lĩnh vực bất đồng.

“Theo quan điểm của tôi, tôi thấy lời giảng giải của sư huynh đây rất tuyệt vời, thật phi thường. Bạn thấy đấy, lúc mà tâm ghen ghét hay đố kị tăng lên, bạn không còn duy trì được sự bình an trong tâm mình nữa. Cho nên tâm ghen tỵ sẽ thực sự phá hủy sự bình an của bạn. Rồi sự ghen tỵ còn có thể dần dần phá hoại cả những mối quan hệ. Ngay cả đối với một người bạn tốt của mình, nếu bạn nảy sinh một số loại tâm thức ganh tị, đố kị, thì nó sẽ rất có hại cho tình bạn của bạn. Ngay cả giữa chồng và vợ, nếu tâm ghen tuông phát triển, nó sẽ rất có hại cho hôn nhân.

Điều quan trọng là cần phải nuôi dưỡng những loại cảm xúc mang đến niềm hạnh phúc và bình an cho tâm trí. Còn với bất kỳ loại cảm xúc nào làm xáo trộn hạnh phúc và sự bình an này, chúng ta phải học cách tránh xa chúng ngay từ đầu.

Tôi nghĩ rằng sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả những cảm xúc tiêu cực như giận dữ hay ghen tuông là những điều bình thường trong tâm thức của chúng ta, rằng chúng ta không làm được gì nhiều với chúng. Quá nhiều cảm xúc tiêu cực sẽ phá hủy sự bình an trong tâm hồn ta, sức khỏe của chúng ta, chúng gây ra rắc rối trong gia đình, với bạn bè và trong cộng đồng của chúng ta.

Thường thì tâm ghen tỵ phát sinh bởi vì chúng ta quá tập trung vào sự sở hữu về vật chất chứ không phải vào những giá trị đích thực ở bên trong. Khi chúng ta tập trung vào kinh nghiệm hay kiến thức thì tâm ghen tỵ sẽ ít hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là cần phải phát triển một ý thức quan tâm đến hạnh phúc an vui của những người khác. Nếu bạn có từ tâm hay lòng bi mẫn chân thành, thì khi ai đó đạt được thứ gì, hoặc họ có được thành công hơn bạn thì bạn vẫn có thể hoan hỷ và vui mừng thay cho họ. Đối với một người đã xác quyết thực hành từ bi và chân thành quan tâm đến lợi ích và sự an vui của người khác, thì bạn sẽ hoan hỷ trước vận may của họ, vì bạn hạnh phúc khi thấy những gì mà người đó mong muốn nay đã đạt được rồi”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã diễn tả khái niệm của Phật giáo về mudita, thường được dịch là “tùy hỷ” và được mô tả như là liều thuốc giải độc cho tâm ghen tỵ. Hạnh tùy hỷ rất quan trọng trong Phật giáo. Nó được nhắc đến trong Tứ Vô Lượng Tâm – là những phẩm hạnh mà chúng ta có thể trưởng dưỡng chúng rộng sâu vô hạn. Ba tâm còn lại là tâm từ ái, tâm bi mẫn và tâm buông xả.

Jinpa giải thích cách để phát sinh mudita – tâm tùy hỷ: Nếu ai đó có được thứ gì mà chúng ta cũng mong muốn, ví dụ một ngôi nhà lớn hơn chẳng hạn. Khi ấy chúng ta có thể khởi tâm vui mừng với sự may mắn của họ bằng cách tự nhủ với mình rằng: “Thật tốt lành cho anh ấy. Cũng giống như tôi, anh ấy cũng muốn được hạnh phúc. Anh ấy cũng muốn có thành công, Anh ấy cũng muốn nuôi dưỡng gia đình mình. Nguyện cho anh ấy được hạnh phúc. Tôi mừng thay cho anh ấy và mong anh có được nhiều thành công hơn nữa”.

Tâm tùy hỷ nhận biết rằng cuộc sống không phải là một trò chơi được-mất, rằng không phải chỉ có một miếng bánh mà nếu người khác lấy thêm thì chúng ta sẽ còn lại phần ít hơn. Tâm tùy hỷ thấy ra được hạnh phúc là vô hạn.

Như đã nói trước đây, mudita cũng là loại tâm hành trái ngược với schadenfreude – một từ tiếng Đức diễn tả cảm giác hả hê hoặc vui sướng khi thấy điều bất hạnh xảy ra với người khác. Schadenfreude mang nhận thức sai lầm rằng chúng ta luôn ở trong một cuộc đấu tranh không ngừng để đối phó với tất cả những người khác. Nó cho rằng nếu có ai đó thành công hoặc hoàn thành được điều gì đó thì chúng ta sẽ có nguy cơ bị thua thiệt, bị giảm bớt cơ hội thành công, giảm bớt cơ hội được chấp nhận, giảm bớt sự yêu thương. Schadenfreude là kết quả tự nhiên của tâm ghen tỵ. Mudita là kết quả tự nhiên của tâm từ bi.

Mudita có cơ sở từ nhận thức về sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta – hay Ubuntu. Ngài Tổng Giám Mục nói rằng ở các làng châu Phi, để chào nhau thì người ta sẽ hỏi thăm thế này: “Chúng ta thế nào?”. Sự hiểu biết này dẫn đến nhận thức rằng những thành tựu hay hạnh phúc của người khác, theo một cách chân thực là của chung chúng ta. Ngài Tổng Giám Mục thường lấy làm kinh ngạc về vẻ đẹp phi thường và tài năng của con người chúng ta. “Hãy nhìn xem bạn xinh đẹp đến nhường nào.” – Ngài sẽ nói vậy với một hội chúng đông đảo. Tuy vậy, thật không may là hầu hết chúng ta lại muốn dìm những người khác xuống, đồng thời cũng cảm thấy bản thân mình quá nhỏ bé, yếu ớt. Chỉ khi nào ta nhận ra sự tương thuộc của chúng ta vào nhau, thì ta mới phát hiện ra mình vô cùng to lớn và mạnh mẽ.

“Có một câu chuyện xưa từ thời Đức Phật còn tại thế”. Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại. – “Một ngày nọ, có một vị vua thỉnh mời Đức Phật cùng các vị tỳ kheo tới dùng bữa cơm trưa. Trên đường đến cung điện, Đức Phật gặp một người ăn xin. Người ăn xin này đã khen ngợi nhà vua và tươi cười khi ca tụng vẻ đẹp của cung điện. Ngày hôm ấy, những người hầu của vua đã phục vụ một bữa ăn thịnh soạn với nhiều món ngon để dâng lên Đức Phật cùng với chúng đệ tử của Ngài. Sau đó là đến thời hồi hướng. Đức Phật tụng đọc lời cầu nguyện để hồi hướng công đức, thiện nghiệp của bữa ăn. Tuy nhiên, thay vì hồi hướng công đức cho chủ nhà theo đúng phong tục – chính vị vua vừa mới cúng dường bữa ăn cho Đức Phật và hội chúng – thì Đức Phật đã chọn hồi hướng cho người ăn xin đang đứng ở bên ngoài. Quá kinh ngạc, một trong những vị đại đệ tử liền thưa hỏi Đức Phật xem tại sao Ngài lại chọn người ăn xin để đọc lời nguyện hồi hướng cho ông ta. Đức Phật trả lời rằng nhà vua đã tràn đầy lòng kiêu ngạo khi khoe khoang về vương quốc của mình, trong khi ông lão ăn xin là một người không có gì trong tay, lại có thể vui mừng trước sự may mắn và hạnh phúc của nhà vua. Vì lý do này, người ăn xin đã tạo ra nhiều công đức hơn vua. Cho đến ngày nay, Phật giáo ở Thái Lan vẫn duy trì truyền thống hồi hướng công đức cho gia chủ sau một bữa ăn cúng dường. Trong chuyến thăm Thái Lan vào đầu những năm 1970, tôi đã có vinh dự tham gia một bữa trưa như vậy, được chứng kiến một trong những vị cao tăng đọc lời cầu nguyện và tụng nghi thức hồi hướng. Cho nên, vui mừng trước hạnh phúc của người khác thực sự mang lại rất nhiều lợi ích tích cực”.

“Làm thế nào để mọi người có thể trưởng dưỡng tâm tùy hỷ này?” – Tôi đã thưa hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Đầu tiên, chúng ta nên nhận ra được bản chất chung của nhân loại. Đây là những người anh chị em của chúng ta, những người có chung quyền lợi và cùng chung mong muốn được sống một cuộc đời hạnh phúc. Đây không phải là điều gì thiêng liêng. Nó chỉ đơn giản là một nhận thức thông thường. Chúng ta là thành phần của cùng một xã hội. Chúng ta là thành phần của cùng một nhân loại. Khi nhân loại hạnh phúc, chúng ta sẽ hạnh phúc. Khi nhân loại hòa bình thì cuộc sống của chúng ta được an vui. Cũng giống như nếu gia đình bạn hạnh phúc thi bản thân bạn sẽ được vui vẻ, thuận lợi hơn.

Nếu chúng ta có tâm phân biệt quá sâu sắc giữa “tôi” và “họ” thì thật khó để thực hành hạnh tùy hỷ. Chúng ta phải phát triển nhận thức về “chúng ta”. Một khi bạn có khả năng phát triển nhận thức về một nhân loại chung và sự đồng nhất của chúng ta, thì một cách rất tự nhiên, bạn sẽ mong cho tất cả những người khác được thoát khỏi khổ đau và vui hưởng niềm hạnh phúc. Ước muốn hạnh phúc là một bản năng tự nhiên mà ai cũng có. Xin nhắc lại rằng, nó đơn giản là phát triển một ý thức quan tâm đến sự hạnh phúc an vui của những người khác”.

“Rõ ràng, ghen tỵ không phải là một đức tính tốt,” – Ngài Tổng Giám Mục nói, lưu ý thêm rằng những cảm xúc tự phát triển có thể dẫn chúng ta đến sự hổ thẹn. – “Nhưng tôi hy vọng chúng ta sẽ không làm cho ai đó cảm thấy tội lỗi, ít nhất là lúc đầu, khi một cảm xúc nào đó tự khởi lên. Bạn không thể kiểm soát cảm giác đó, nhưng bạn có thể đối trị nó”.

“Cũng giống như bệnh tật về thể xác,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh. – “Tốt nhất là nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa. Vâng, nếu đã nhiễm bệnh thì không còn cách nào khác ngoài việc dùng thuốc. Tương tự như vậy, khi một người đã bộc phát ra những loại cảm xúc tiêu cực rất mãnh liệt như sự tức giận hoặc ghen tuông, thì rất khó để xử lý ngay những cảm xúc ấy. Cho nên cách tốt nhất là hãy tu dưỡng tâm thức của bạn thông qua sự thực hành, để ngăn ngừa nó nảy sinh ngay từ đầu. Ví dụ, nguồn gốc của tâm sân hận là sự thất vọng và không vừa lòng. Vào thời điểm mà một cảm xúc như sự giận dữ bị thổi phồng, thì ngay cả khi chúng ta cố gắng sử dụng mọi kinh nghiệm và kiến thức của mình để giảm thiểu nó, ta vẫn sẽ thấy rất khó để dừng nó lại. Tại thời điểm đó, nó giống như một trận lũ. Khi bước sang mùa mưa thì đã quá trễ để ngăn lũ lại. Chúng ta cần bắt đầu sớm vào mùa xuân, điều tra nguyên nhân gây ra lũ lụt, rồi cố gắng xây dựng các con đê chống lũ để ngăn ngừa thiên tai”.

Tương tự, đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta, chúng ta cần bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm, như vậy sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Khi chúng ta đã bị bệnh thì rất khó nhớ được lời khuyên của bác sĩ. Tôi nghĩ chẳng có bác sĩ nào nói rằng: Nếu bạn tức giận nhiều thì bạn sẽ khỏe mạnh hơn. Bác sĩ của Ngài có nói như vậy không?”.

“Không hề.” – Ngài Tổng Giám Mục tán thành.

“Các bác sĩ luôn khuyên chúng ta phải thư giãn. Thư giãn có nghĩa là tâm trí được bình yên, ôn hòa. Đừng kích động nhiều, nó sẽ phá hủy sự thư thái của bạn. Đồng thời, có quá nhiều bám chấp sẽ phá hủy sự bình an trong tâm bạn.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, trở lại với chủ đề đố kị và ghen tuông. – “Bạn có thể có một ngôi nhà đẹp, với một phòng ngủ đẹp và một bồn tắm tuyệt vời, còn có thêm những bản nhạc thư giãn. Nhưng nếu trong tâm đầy giận dữ, đầy ghen tỵ, đầy sự bám chấp thì bạn sẽ không thể nào mà thư giãn được. Ngược lại, dù bạn có ngồi trên đá và chẳng có tài sản gì, nhưng nếu tâm trí bạn hoàn toàn bình yên, thì bạn có thể thư giãn thảnh thơi”.

Jinpa nói với tôi rằng có một bài kệ đáng nhớ nằm trong một văn bản tiếng Tây Tạng rất nối tiếng, được viết bởi vị Ban Thiền Lạt Ma1 đời thứ nhất. Đây là một lời cầu nguyện tuyệt vời mà Jinpa vẫn dùng để tu dưỡng tâm tùy hỷ:

Nói về khổ đau, con không muốn chịu chút nào dù nhỏ nhất. Còn với hạnh phúc, con lại chẳng khi nào thấy thỏa lòng. Về điểm này, không có chi khác biệt giữa con với mọi người. Xin hãy gia hộ để con biết mừng vui khi tha nhân được hạnh phúc.

Chú thích

  1. Đức Ban Thiền Lạt Ma (His Holiness the Panchen Lama) nguyên khởi là danh hiệu đo ngài Đạt Lai Lạt Ma (His Holiness the Dalai Lama) đời thứ 5 tặng cho thầy mình là vị trụ trì chùa Trát-thập Luân-bố trong thế kỷ thứ 17. Đức Ban Thiền Lạt Ma hiện nay (đời thứ 11) là ngài Gendun Choekyi Nyima, vị lãnh đạo tinh thần thứ nhì của Tây Tạng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÙY HỶ LÀ THUỐC GIẢI CỦA ĐỐ KỴ
  2. SỰ GHEN TỴ KHÔNG PHẢI LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG
  3. ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN VÀ GHEN TỴ

Bài viết khác của tác giả

  1. HỶ LẠC TỪ TÂM – ĐẠI HỶ LẠC
  2. KHI NGƯỜI TA ĐÃ QUEN VỚI NÓ
  3. SỢ HÃI, CĂNG THẲNG VÀ LO ÂU: TÔI ĐÃ TỪNG RẤT LO SỢ

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN