ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN VÀ GHEN TỴ

VENERABLE THUBTEN CHODRON

Trích: "Lòng rộng mở, tâm trong sáng - sự thực hành Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày"

Thượng tọa Thubten Chodron, một Ni sư Hoa Kỳ đã xuất gia trong truyền thống Gelug của Phật giáo Tây Tạng và cũng là người thầy dạy lâu nhất của Hội Giữ Gìn Truyền Thống Đại Thừa (FPMT).

MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN

Kiêu mạn là một quan niệm, một cách thấy những sự việc theo lối làm lớn thêm một phẩm tính mình có – sắc đẹp hay sức mạnh thân thể, trình độ học vấn, tầng lớp xã hội hay tài năng – và tự tưởng rằng mình hơn những người khác.

Một thái độ như vậy có nhiều chướng ngại. Dưới sự thống trị của kiêu mạn, chúng ta muốn những người khác phải ý thức giá trị của chúng ta. Chúng ta nói về những thành công của chúng ta, chúng ta tìm cách gây ấn tượng với chung quanh để có những khen ngợi, nổi tiếng và tiền bạc. Kiêu mạn khiến chúng ta nhìn những người khác từ trên cao, như họ chẳng có phẩm tính gì.

Nhưng thật ra, những người bình thường như chúng ta, chúng ta có trong sâu xa một hình xấu về chính mình. Ngay cả người có vẻ là kiểu mẫu của thành công theo những tiêu chuẩn thế tình cũng thiếu sự quý chuộng mình thật sự. Chúng ta che đậy sự khó khăn phải chấp nhận sự không an toàn của chúng ta bằng lòng kiêu ngạo. Những người có vẻ thành công có thể không có một hình ảnh tốt về chính họ như thế nào? Hoàn toàn như chúng ta, họ tìm kiếm những nguồn bên ngoài để tự cảm thấy mình được biết đến, được thán phục và chấp nhận, bởi vì họ chưa ý thức được tiềm năng trí huệ và lòng bi trong họ. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc và sự kính trọng ở bên ngoài là vô hiệu, mà chỉ có sự chuyển hóa bên trong của chúng ta sẽ cho phép chúng ta thực sự đạt được những phẩm tính ấy.

Sự kiêu mạn đôi khi đưa chúng ta đến chỗ buồn cười, chẳng hạn khi chúng ta “triển lãm” vóc dáng bên ngoài của chúng ta. Chúng ta không ngần ngại chỉ trích những người khác, để rồi một ngày ngạc nhiên hiểu rằng họ cũng chẳng thích gì nhóm chúng ta. Chúng ta đối xử với họ bất công để rồi tiếp theo sự than vãn về sự thiếu hòa hợp trong xã hội. Không hòa hợp xuất hiện ở mọi nhóm những người quá kiêu hãnh chẳng đếm xỉa gì những tình cảm đối với người khác.

Những người tự phụ muốn người kia kính trọng mình, nhưng đó không phải là cái gì có thể ép buộc. Thật ra, xã hội kính trọng những người khiêm hạ. Chẳng có ai lãnh giải Nobel Hòa Bình là người làm ầm ỹ hay người kiêu căng. Khi đức Dalai Lama được giải này năm 1989, nó đã được trao không vì chính Ngài, mà vì lòng vị tha thành thật và những hoạt động khởi phát từ lòng bi.

Mỗi người đều xứng đáng được tôn trọng. Những người nghèo hơn, kém văn hóa hay ít tài năng hơn chúng ta đều có những phẩm tính mà chúng ta thiếu. Mỗi người xứng đáng với sự tôn trọng của chúng ta chỉ bởi vì sự kiện họ cảm nhận những tình cảm, và mỗi người xứng đáng ít nhất là được lắng nghe. Những người kiêu hãnh không thấy điều đó, vì họ chỉ biết đến sự hạ cố bề ngoài và họ thiếu khoan dung. Những người tự tin thì giản dị và để ý. Biết rằng họ có thể học được từ tất cả, họ tạo ra sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.

Kiêu mạn là một trong những chướng ngại chính cho sự khải triển trí huệ và tiềm năng bên trong của mỗi người. Tin rằng người ta không có gì để học hỏi nữa, rằng người ta là tài giỏi và tuyệt hảo là một bằng chứng của sự tự mãn. Những người kiêu căng không muốn và không thể học từ những người khác. Sự kiêu căng của họ giam nhốt họ ngăn họ tiến hóa.

1. Tự tin

Thường thì người ta dễ lầm lẫn sự kiêu mạn với tự tin, và khiêm hạ với sự tự ti. Kiêu căng không phải là một dấu hiệu của tự tin, cũng như khiêm tốn không phải là một sự đánh giá thấp về mình. Những người tự tin thì cũng khiêm tốn, không có gì để bảo vệ hay chứng minh với cuộc đời.

Rất khó tự nhìn mình một cách khách quan. Chúng ta có khuynh hướng hoặc là tự đánh giá mình thấp hoặc là quá cao, dao động như vậy giữa hai cực đoan: tin mình không có giá trị và không xứng đáng được thương mến, hay tuyệt đối “phi phàm”. Chẳng có một đánh giá chính xác nào trong hai trường hợp đó, vì chúng ta có tất cả những phẩm tính và những tính cách cần cải thiện.

Chúng ta có thể đè nén những khuyết điểm của chúng ta bằng cách hóa trang chúng hay tranh đấu với những người khác để chứng tỏ sự vượt hơn của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể chấp nhận những yếu kém của chúng ta một cách hoàn toàn thành thật và thử sửa đổi chúng. Cũng thế, tự tin không đến từ một khẳng định tự cao về những phẩm tính của chúng ta, mà từ một khảo sát những tài năng và những khả năng của chúng ta để trau dồi chúng.

Chớ quên rằng tất cả chúng ta đều có khả năng trở thành một vị Phật, nghĩa là gỡ bỏ những ngăn che làm nhiễu và khai triển trọn vẹn mọi phẩm tính tích cực. Điều này có vẻ lớn lao quá khi mới thoạt nhìn, nhưng chúng ta càng hiểu bản tánh Phật và con đường dẫn đến Giác Ngộ, chúng ta càng bị thuyết phục. Phần có tiêu đề “Phật tánh của chúng ta” và chương “ Con đường đến Giác Ngộ” sẽ cho các bạn nhiều soi sáng hơn. Biết rằng Phật tánh quý báu là một quyền lợi bẩm sinh, không có gì có thể làm nó mất đi và không ai có thể lấy nó khỏi chúng ta, điều này sẽ cho chúng ta một căn bản vững chắc và sự hiện thực của sự tự tin.

Mahatma Gandhi - Cuộc thử thách

Mahatma Gandhi là một bằng chứng dễ thấy.

Người ta tự chấp nhận như người ta là, tự tin vào khả năng của chính mình để trở nên đáng yêu và minh triết hơn. Quan niệm quân bình về chính mình này cũng do khoảng không gian trong tâm để quý trọng những người khác, họ đều có những phẩm tính xứng đáng được kính trọng. Những cá nhân tự tin vào chính mình có khả năng chấp nhận điều họ không biết, họ vui sướng và mong muốn được học ở người khác. Từ đó, họ không ngừng khai triển những khuynh hướng tốt đẹp và những hiểu biết của họ.

Những phẩm tính tốt của chúng ta thì được người khác thấy biết một cách tự nhiên. Mahatma Gandhi là một bằng chứng dễ thấy. Ông sống và ăn mặc đơn giản, không bao giờ tự ca ngợi mình và kính trọng những người khác. Mặc dầu ông không hề biểu lộ những đức hạnh của mình, sự thành công trong hoạt động và sự vĩ đại của ông với tư cách là một con người thì rõ ràng trước mặt mọi người.

2. Làm bình lặng kiêu mạn

Những kỹ thuật được dùng để hàng phục kiêu mạn là gì? Kiêu mạn là một thái độ sai lầm, một hình thức mù quáng, chính bằng cách khải triển một cái nhìn rộng hơn về hoàn cảnh mà nó sẽ xuất hiện với chúng ta hiện thực hơn, điều này có tác dụng là khiến chúng ta khiêm tốn hơn.

Chẳng hạn nếu sự khoe khoang của chúng ta đến từ sự học hành, chỉ cần ý thức rằng cái chúng ta hiểu biết ngày hôm nay đến từ sự nỗ lực chăm chú từ tất cả những người đã dạy chúng ta. Mới sanh, chúng ta không biết gì và không thể tự nuôi mình hay biểu lộ những mong muốn của mình. Tất cả mọi điều chúng ta biết hôm nay – dù là nói hay cột dây giày – đều đến từ lòng tốt của những người dạy bảo chúng ta. Có kiêu hãnh nào từ điều đó? Nếu chúng ta không được ân huệ của lòng tốt và sự chú ý của những người khác, chúng ta chẳng biết cái gì lớn lao. Một cái nhìn như vậy giải phóng chúng ta khỏi kiêu mạn.

Cũng thế, nếu chúng ta kiêu căng vì có tiền, phải nhớ rằng tiền này không luôn luôn là của chúng ta. Có thể nó đến từ gia đình hay sự thừa kế. Bởi thế biểu lộ sự nhớ ơn với những người chuyển giao nó cho chúng ta thì tốt hơn kiêu căng vì nó. Ngay cả khi chúng ta kiếm ra số tiền ấy, nó cũng luôn luôn đến từ những người khác, từ những người chủ hay người thợ và từ những khách hàng.

Có lẽ chúng ta không quen nhìn sự vật như vậy, nhưng khi suy nghĩ về điều đó chúng ta sẽ thấy rằng thái độ ấy là hợp lý, biết điều hơn. Ngay cả nếu chúng ta có cảm tưởng đã thành công bằng cách tự mình chiến đấu, sự thật là chúng ta không một mình đến đó. Chúng ta nương dựa vào những người khác để sống. Ý thức điều đó đưa chúng ta đến lòng biết ơn và mất đi kiêu ngạo.

Có thể chúng ta kiêu hãnh vì tuổi trẻ, sắc đẹp, sức mạnh hay dũng cảm của chúng ta, nhưng đó là những phẩm tính sẽ biến đổi. Có ai còn mãi những thứ ấy? Chúng ta có thể hân thưởng mọi thứ chúng ta có, vẻ đẹp, sức khỏe, tài năng, may mắn … mà không kiêu căng ngạo mạn. Trái lại, chúng ta có thể đem những phẩm tính ấy để phụng sự những người khác. Một cái nhìn thăng bằng, biết những giới hạn của mình sẽ cho chúng ta sử dụng năng lực của mình để tự cải thiện và giúp đỡ những người khác.

TỪ GHEN TỴ ĐẾN NIỀM VUI: KHÔNG CÒN TẤM LÒNG NẶNG TRĨU

Một người ghen tỵ không thể chịu được những hạnh phúc, giàu có, danh tiếng, những tài năng và những khuynh hướng tốt của người khác. Nó muốn phá hoại hạnh phúc và những phẩm tính tích cực của họ và đôi khi thậm chí chiếm hữu chúng. Có lẽ chúng ta là loại người che đậy sự ghen tỵ của chúng ta hay bào chữa cho nó, nhưng ở tận đáy lòng, khi chúng ta gỡ bỏ những bảo vệ này đi, chúng ta biết rằng tất cả cái ấy chẳng đẹp đẽ gì.

Ghen tỵ có thể thấm nhập qua những tương quan tình yêu, hay trong công việc. Thấy ai hơn mình bất cứ phương diện nào, chúng ta ghen tỵ. Có sự ghen tỵ trong những xung đột giữa hai nước, trong sự thiếu hài hòa giữa những đảng phái chính trị của cùng một nước.

Sự ghen tỵ đôi khi làm chúng ta mất ngủ hay không tập trung được vào công việc. Nó thúc đẩy chúng ta nói hay làm những điều phá hoại bình an và hạnh phúc của những người đồng loại. Nó biến chúng ta thành mánh mung và không lương thiện.

Ghen tỵ đặt nền trên một diễn dịch sai về một hoàn cảnh. Người hoàn toàn quy mọi cái về mình và ghen tỵ nghĩ rằng: “Hạnh phúc của tôi thì quan trọng hơn hạnh phúc của những người khác, tôi không chịu nỗi khi người khác thì sung sướng còn tôi thì không.”

Cái đối trị nằm ở chỗ nhìn hoàn cảnh với một tâm thức rộng mở hơn, nhìn thấy không chỉ hạnh phúc, những mất mát và những lợi lộc của chúng ta, mà cũng của những người khác nữa. Nhớ rằng họ cũng mong mỏi hạnh phúc và trốn tránh khổ đau có một hiệu quả sâu xa trên tâm thức chúng ta: họ sung sướng có những sở hữu và những cơ hội đáng muốn, họ hân thưởng những lời khen và bầu bạn với những người đáng mến.

Tại sao không vui với (tùy hỷ) hạnh phúc của người khác? Người ta thường nói rằng sẽ là kỳ diệu khi mọi người sung sướng. Công bằng và chí lý biết bao khi có ai đó sung sướng mà chúng ta không phải hao tốn một cái gì cả! Trở nên bất hạnh vì ghen tỵ là một điều quá vô ích!

Chúng ta không luôn luôn cần phải là người hạng nhất hay có những cái tốt nhất. Một đứa bé sẽ khóc, đòi và làm tất cả để làm hư sự thích thú của bạn nó đang có một đồ chơi mà nó không có. Với tư cách là người trưởng thành, làm gương cho những trẻ nhỏ, với tư cách là những công dân có trách nhiệm về sự hài hòa trong xã hội, chúng ta phải tùy hỷ, vui với sự may mắn của những người khác, và tất cả mọi người sẽ sung sướng.

Chẳng hạn, một đồng nghiệp được thăng cấp mà chúng ta cho rằng mình cũng xứng đáng được. Nếu nhìn sự việc về phía mình, chúng ta sẽ ghen tỵ và khổ sở. Ghen tỵ chẳng làm cho ai sung sướng, cả người kia lẫn chính mình. Nó cũng chẳng giải quyết được gì, vì sự kiện chúng ta ghen tỵ không thể lấy đi sự thăng chức của đồng nghiệp chúng ta, người kia cũng không thể đem cho chúng ta sự thăng chức ấy. Nếu chúng ta nhớ rằng người kia sung sướng vì sự thăng chức của nó và nó muốn người ta hòa vào niềm vui của nó, chúng ta sẽ vui với sự may mắn của nó. Và mọi người sẽ sung sướng.

Dễ sửa một thái độ ghen tỵ vô lý trong những việc nhỏ: chẳng hạn khi có người nhận được một món quà mà không phải chúng ta, thì khó khăn để thích thú với hạnh phúc của người khác nếu điều đó bao hàm một mất mát cho chính chúng ta.

Tóm lại, giải thoát khỏi ghen tỵ trở thành loại bỏ sự hành hạ bên trong. Vui theo những phẩm tính tốt đẹp và những thành công của người khác đem lại hạnh phúc cho mọi người, cho chính mình và cho người khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẠO NÊN MỐI QUAN HỆ ĐẦY YÊU THƯƠNG
  2. LỜI NGÕ TỪ CÕI TÂM LINH: SỰ KHỞI ĐẦU

Bài viết khác của tác giả

  1. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT VÀ SỰ LAN TỎA CỦA PHẬT GIÁO
  2. LÒNG RỘNG MỞ TÂM TRONG SÁNG
  3. LÀM GƯƠNG CHO CON

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU