TẠO NÊN MỐI QUAN HỆ ĐẦY YÊU THƯƠNG

DR. BRIAN L.WEISS

Trích: Lời Ngõ Từ Cõi Tâm Linh

Việt dịch: Vương Thị Minh Tâm

NXB. Tôn giáo, 2011

Là linh hồn, ta không biết đau đớn, tổn thương, chỉ có khỏe mạnh, hạnh phúc.

Bác sĩ Brian L. Weiss tốt nghiệp thạc sĩ Y Khoa tại đại học Yale. Ông đã là bác sĩ nội trú tại Trung Tâm Y Khoa Bellevue của New York University, sau đó trở thành trưởng khoa nội trú của khoa Tâm Thần tại đại học Y Khoa – Yale. Ông đang phụ trách chức vụ chủ tịch danh dự ngành Tâm Thần học tại Trung Tâm Y khoa Mount Sinai ở Miami. Ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng xuất bản. Ông thường tổ chức nhiều cuộc hội thảo và các chương trình đào tạo chuyên nghiệp khắp nơi trên thế giới.

——*——

Có nhiều mức độ học hỏi, chúng ta phải học rất nhiều thứ bằng xương bằng thịt. Chúng ta phải cảm nhận được nỗi đau. Nếu là linh hồn thì chúng ta không biết đau đớn là gì. Đó là giai đoạn đổi mới. Linh hồn ta đang đổi mới. Khi sống trong cơ thể vật chất, ta có thể cảm nhận nỗi đau, dễ bị tổn thương. Là linh hồn, ta không biết đau đớn, tổn thương, chỉ có khỏe mạnh, hạnh phúc. Tuy vậy, đó là giai đoạn để chúng ta chuyển hóa. Linh hồn có mối tương tác khác nhau. Chúng ta có thể trải nghiệm được các mối quan hệ khi sống trong cơ thể vật chất.

Điểm chính yếu để bắt đầu học hỏi từ khi chúng ta mới được sinh ra là thông qua các mối quan hệ. Qua nỗi đau và niềm vui tương tác với người khác, chúng ta tiến triển con đường tâm linh để học hỏi tình yêu từ nhiều phía. Các mối quan hệ là phòng thí nghiệm sống, là một lĩnh vực thử nghiệm để định rõ cách thức mà chúng ta đang thực hiện, dù bài học có được thông suốt hay không, để khám phá sự khắng khít xiết bao mà chúng ta đã xác định từ trước cho một kế hoạch của cuộc đời. Trong quan hệ, cảm xúc của ta trỗi dậy và ta phản ứng. Chúng ta có từng học hỏi để chấp nhận một cú đánh mà không đánh trả? Chúng ta có đạt đến sự cảm thông, tình yêu và lòng bi mẫn đối với người khác? Chúng ta có phản ứng với nỗi sợ, lòng ích kỷ hoặc sự hắt hủi? Không có các mối quan hệ, chúng ta không biết được, chúng ta không thể thử nghiệm được sự tiến bộ của mình. Đó là những điều tuyệt vời nhưng là những cơ hội gian nan để học hỏi.

Chúng ta sống trong một thân thể vật chất để học hỏi và phát triển. Chúng ta học những đặc điểm và tính chất của tình yêu thương, lòng từ bi, khoan dung, trung thành, sự tha thứ, sự cảm thông, và sự nhận thức. Chúng ta không học tính xấu xa của thù hận, bạo động, tham lam, ganh ghét, ích kỷ, kiêu ngạo và thành kiến.

Đó là căn bản trong các mối quan hệ mà chúng ta tìm hiểu những bài học này.

Càng nhiều khó khăn gian nan thì càng được học hỏi nhiều hơn. Cuộc đời có nhiều trắc trở, mất mát thể hiện hầu hết cơ hội cho sự phát triển của linh hồn. Chắc hẳn bạn sẽ chọn cuộc đời sóng gió để có thể nâng cao tiến trình phát triển tâm linh. Đôi khi “trong cái rủi có cái may” chẳng hạn mất việc làm này lại có cơ may tìm được việc khác tốt hơn. Chúng ta không nên vội vàng buồn tủi. Định mệnh có thể cần một chút thời gian để đan thêu lại tấm thảm phức tạp của chính nó. Trên thế gian này, trong từng nỗi đau, từng cảnh đời cơ cực, cũng luôn có niềm vui hạnh phúc đi theo đó. Chúng ta có mặt trên trần gian, sống trong cộng đồng, học hỏi về tình yêu thương giữa người với người, những con người có chung một chí hướng, có chung những bài học.

Điều gì hữu ích mà không bị tổn thương là rất đáng giá.

Tình yêu thương không phải là quy trình của trí tuệ mà đúng hơn là một năng lực tiềm tàng luôn luôn chảy vào, xuyên suốt qua chúng ta, bất kể chúng ta có nhận thức được nó hay không. Chúng ta phải học để nhận lãnh và cho đi tình yêu thương. Chỉ có cộng đồng, có các mối quan hệ, có sự giúp đỡ chúng ta mới có thể thấu hiểu được năng lực hoàn hảo của tình yêu thương.

Nhiều năm qua, tôi đã điều trị cho hàng trăm cặp vợ chồng và các gia đình bị đau khổ, tôi đưa họ trở về quá khứ, rồi chúng tôi tìm thấy các nguyên nhân trong tiền kiếp gây ra mối bất hòa trong kiếp này. Người này cần các kỹ năng thành thạo trong giao tiếp, còn người kia cần phải biết cảm thông sâu sắc. Nhiều người cần ôn lại các giá trị và quyền ưu tiên của họ. Người khác cần một hoặc hai kỹ xảo để giúp họ vượt khỏi vết xe cũ, để không bị dính chặt và để bắt đầu thay đổi. Chỉ qua một thời gian ngắn ngủi, chúng ta sẽ thấy rõ ràng kiểu can thiệp nào mà họ cần.

Quá trình phát triển tăng lên và mối quan hệ của họ lớn mạnh nếu họ thật tình cố gắng. Nhiều sự gợi ý và các kỹ xảo mà tôi sử dụng để điều trị cho bệnh nhân đều dựa vào sự hiểu biết tâm linh sâu sắc về những kiếp sống và định mệnh của chúng ta chứ không phải dựa theo các giả định và phương pháp trị liệu truyền thống. Tôi khám phá ra rằng linh hồn và trái tim ta khao khát và hưởng ứng liệu pháp tinh thần nhiều hơn là họ đơn thuần thực hiện theo phương pháp máy móc hay bằng trí óc.

Vì những mối quan hệ là vùng đất cho sự phát triển khi chúng ta sống trong thân thể vật chất này, cho nên tôi đề nghị với bạn vài gợi ý, suy nghĩ, và kỹ xảo để giúp bạn trong các quan hệ, đặc biệt nếu bạn cảm thấy khó khăn với lĩnh vực này trong cuộc đời.

Một ngày đó lúc ngồi thiền, trong đầu tôi nảy ra nhiều suy nghĩ và ý tưởng. Tôi đánh giá cao điều này vì chúng phát sinh từ trong sự tỉnh thức khi thiền định. Tôi có thể cảm nhận sự hiện diện hoặc ít nhất là sự ảnh hưởng của các vị thầy chung quanh tôi, vì vậy, tôi vừa kịp sắp xếp những lời khuyên này. Tôi nhận ra vài lời khuyên có vẻ mô phạm và khó hiểu. Chúng phải được nhận với năng lực tràn trề của sự chu đáo và đầy lòng từ bi. Thực tế, lời nhắn nhủ và thông tin đều được lấp đầy yêu thương và năng lực chữa lành bệnh. Theo kinh nghiệm sử dụng các nguyên tắc này để chữa trị cho các bệnh nhân có rắc rối với những mối quan hệ, tôi thấy rõ kỹ xảo này thật sự hữu hiệu lạ thường.

Tăng dần sự nhận thức về bản thân và người khác.

Điều gì bộc lộ ra với tôi đều rất quan trọng đối với tôi, đều có liên quan đến tôi. Từng người hãy nghĩ đến chính bản thân mình… hãy hòa nhập. Chúng ta có những bài học cho từng người chúng ta. Những bài học đó phải được học mỗi lần một bài… theo thứ tự. Chỉ sau khi chúng ta biết người kế tiếp cần điều gì, họ thiếu cái gì hoặc ta thiếu cái gì, thì chúng ta mới hòa nhập.

Thấu hiểu về thể tánh bất diệt sẽ giúp ta gìn giữ những điều này trong viễn cảnh thích hợp.

Hiểu được bản thân để ta có thể nhìn thấy rõ ràng, tâm trí hay tiềm thức không bị méo mó.

Thực hành thiền định, tu tập lòng từ bi.

Biết được suy nghĩ và các giả định. Nhận thức rằng bạn có thể chấp nhận toàn bộ. Khi bạn nói chung chung về các nhóm hoặc các mẫu, bạn sẽ không nhìn thấy đặc tính riêng lẻ. Những giả định sai lạc trong quá khứ của ta như “đàn ông thì vũ phu, vô tình, còn đàn bà thì quá nhạy cảm, dễ xúc động” đã đưa đến sự bóp méo bản chất thật. Kinh nghiệm thường mạnh hơn niềm tin. Hãy học hỏi từ kinh nghiệm của bạn. Điều gì hữu ích mà không bị tổn thương là rất đáng giá. Hãy loại bỏ mọi niềm tin và tư tưởng lỗi thời.

Dr. Brian L. Weiss

Hãy cố gắng đừng bị dính chặt vào mọi thứ.

Hạnh phúc xuất phát từ bên trong, không hề lệ thuộc bên ngoài hay người khác. Chúng ta dễ bị xúc phạm và tổn thương nếu cảm nhận về an lành và hạnh phúc dựa vào cách cư xử và hành động của người khác. Đừng bao giờ cho đi sức mạnh của bản thân mình.

Hãy cố gắng đừng bị dính chặt vào mọi thứ. Trong cõi trần gian mà chúng được học hỏi thông qua các mối quan hệ không phải vật vô tri. Chúng ta đều biết rằng khi chết đi, chúng ta không thể mang theo bất cứ thứ gì.

Khi chết, linh hồn ta tiến đến một cõi cao hơn, chúng ta mang theo bên mình cách ứng xử, nghiệp báo, tư tưởng, và kiến thức. Cách cư xử của chúng ta đối với người khác rất quan trọng, hơn mọi thứ vật chất mà chúng ta đã tích lũy. Trong cuộc sống cũng vậy, khi ta đạt được của cải vật chất rồi có khi ta lại mất đi. Chúng ta sẽ không gặp lại tài sản trong kiếp sau, nhưng chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu. Nếu cần thiết, tư tưởng này sẽ giúp ta suy nghĩ lại những giá trị.

Khi chúng ta biết nhận thức về bản chất của tâm linh, chúng ta sẽ nhận ra bản chất đích thực của chúng ta. Chúng ta bất diệt và thánh thiện.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LỜI NGÕ TỪ CÕI TÂM LINH: SỰ KHỞI ĐẦU
  2. BÀI HỌC QUAN TRỌNG VỀ LÒNG KHOAN DUNG
  3. SỰ YÊU THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. KÝ ỨC VỀ TIỀN KIẾP CHỮA LÀNH VẤN ĐỀ SỨC KHỎE
  2. TÁI SINH – LỜI NGỎ TỪ CÕI TÂM LINH
  3. TÌNH YÊU CHỮA LÀNH NỖI ĐAU

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI