HỶ LẠC TỪ TÂM – ĐẠI HỶ LẠC

DESMOND TUTU

Trích: Hỷ Lạc Từ Tâm; Nguyên tác: The Book of Joy, Lasting Happiness in a Changing World; Douglas Abrams chấp bút; Việt dịch: Thảo Yukimoon; NXB. Đà Nẵng, 2019

Tôi nêu ra câu hỏi tiếp theo cho Ngài Tổng Giám Mục: “Niềm hỷ lạc mà Ngài đang nói đến không chỉ là cảm giác. Nó không phải là thứ gì đó chỉ đến rồi đi. Nó thâm sâu hơn thế, Và hình như Ngài đang nói rằng niềm hỷ lạc đó là cách để tiếp cận với thế giới. Có rất nhiều người cũng đang mong đợi hạnh phúc hay hỷ lạc. Họ thường nghĩ rằng đến khi nào họ có được việc làm, khi họ nếm được mùi vị của tình yêu, khi họ trở nên giàu có, thì họ sẽ được hạnh phúc, rồi họ sẽ có niềm hỷ lạc. Thế nhưng, Ngài lại đang nói về một điều gì đó có sẵn ngay nơi đây và ngay lúc này, mà không cần chờ thêm bất kỳ điều kiện gì khác nữa”.

Ngài Tổng Giám Mục cân nhắc câu trả lời của mình một cách thật cẩn thận: “Ý tôi đơn giản muốn nói rằng, cuối cùng thì niềm hỷ lạc lớn nhất của chúng ta – đại hỷ lạc là khi chúng ta tìm cách đem lại lợi lạc cho người khác”. Liệu nó có thực sự đơn giản như thế hay không? Rằng chúng ta chỉ cần kích thích và đáp ứng với mạch não dành cho sự rộng lượng: Như thể đoán được sự hoài nghi của tôi, Ngài Tổng Giám Mục tiếp tục trả lời: “Đó là cách mà chúng ta được tạo ra. Ý tôi là chúng ta được thiết lập để phát sinh tâm từ bi”. Quả là sự thiết lập dựa trên cả nghĩa đen – tôi nghĩ, dựa trên nghiên cứu của Davidson.

“Chúng ta được thiết lập để chăm sóc người khác và rộng lượng với nhau. Chúng ta héo hon khi không thể tương tác với mọi người. Đó là một phần của lý do tại sao biệt giam lại là một hình phạt khủng khiếp đến vậy. Chúng ta phụ thuộc vào người khác để trở thành một con người trọn vẹn. Tôi đã không biết rằng mình sẽ sớm phải nhắc đến một triết lý mà chúng tôi có ở quê nhà, đó là khái niệm về Ubuntu. Nó cho biết: Một con người được là một con người thông qua những người khác.

Ubuntu nói rằng, khi tôi có một mẩu bánh mì nhỏ, vì lợi ích của mình mà tôi chia sẻ nó với anh. Bởi vì sau tất cả, không ai trong chúng ta tự một mình mà có thể đến với thế giới này. Chúng ta cũng đã cần có hai người để mang chúng ta đến thế giới này. Và Kinh Thánh mà những người Do Thái và Kitô hữu chúng tôi chia sẻ, đã kể lại một câu chuyện hay. Chúa nói rằng: “Thật không tốt cho Adam khi phải cô đơn như vậy. Vâng, nhưng bạn có thể nói: “Không, tôi xin lỗi, ông ấy không cô đơn. Ý tôi là vẫn còn có cây, có động vật, và có những con chim. Làm thế nào Ngài có thể nói rằng ông ấy cô đơn được?.

Và bạn nhận ra rằng trong một nghĩa rất thực tế, chúng ta tồn tại trong một sự bổ sung tương hỗ rất sâu sắc với nhau. Đó là bản chất của vạn vật. Bạn không cần phải là tín đồ cho bất kỳ điều gì để chấp nhận được sự thật đó. Ý tôi là tôi không thể nói chuyện được như bây giờ nếu như không được học nó từ những người khác. Tôi không thể đi lại như con người, tôi không thể tư duy như con người nếu như không được học nó từ những người khác. Tôi đã học để trở thành một con người nhờ vào những người khác. Chúng ta thuộc về mạng lưới tinh vi này. Nó thực sự rất thâm sâu.

Thật không may, trong thế giới này chúng ta thường có xu hướng mù quáng với mối quan hệ của riêng mình cho đến lúc xảy ra những tai họa thảm khốc. Chúng tôi thấy mình bắt đầu quan tâm đến những người ở Timbuktu, là những người mà chúng tôi chưa bao giờ gặp và có lẽ cũng sẽ không bao giờ gặp được. Nhưng chúng tôi vẫn dốc hết tâm can. Chúng tôi cung cấp tài nguyên để giúp họ bởi vì chúng tôi nhận ra rằng nhân loại chúng ta đều có sự kết nối mật thiết với nhau. Chúng ta có kết nối mật thiết và đều là con người với nhau”.

Tôi rất xúc động trước những điều mà Ngài Tổng Giám Mục đang nói, song vẫn có thể nghe thấy một vài sự hoài nghi mà độc giả có thể gặp phải, cũng như tôi trước đây. Hầu hết mọi người không có những trăn trở về cách họ có thể giúp đỡ người khác như thế nào. Cho dù thích hay không thích, đa số chúng ta thức dậy vào buổi sáng và suy nghĩ xem hôm nay mình sẽ phải quản lý công việc ra sao, làm thế nào để có thể kiếm đủ tiền chi trả các hóa đơn. Chúng ta bận rộn chăm sóc gia đình mình và thực hiện các trách nhiệm khác nữa. “Nice guys finish last” là một thành ngữ đã lột tả được sự mơ hồ của chúng ta về sự tử tế và lòng từ bi ở phương Tây. Thành công trong xã hội của chúng ta được đo đếm bằng tiền bạc, quyền lực, danh tiếng và tầm ảnh hưởng.

Những người đàn ông thánh thiện này đã có tất cả những thứ đó chỉ ngoại trừ tiền bạc, nhưng họ cũng không hề bị đói. Đối với các vị lãnh tụ tâm linh, không bận tâm đến tiền bạc là điều tốt, nhưng còn đối với những người vẫn đang phải lăn lộn bươn chải trong dòng đời thì sao? Hầu hết mọi người không khao khát về sự vĩ đại hay sự giác ngộ tâm linh, mà điều họ quan tâm là việc trả được tiền cho con cái học hành và làm sao đến lúc nghỉ hưu mà vẫn có tiền dành dụm. Tôi khẽ bật cười khi nhớ về một lần nọ tới thăm ngôi nhà của một vài người bạn ở ngoại ô Las Vegas. Ngôi nhà đó rất đẹp, nó quả thực giống như một cung điện Ba Tư với những tòa nhà nhiều tầng được thiết kế thêm những vòi phun nước và các mạch nước chảy quanh. Nó gợi nhớ lại những kiến trúc vĩ đại của nền văn minh Hồi giáo. Tôi đã đến đó để tham dự một cuộc thảo luận về di sản của Ngài Tổng Giám Mục. Khi Ngài đến và chứng kiến vẻ đẹp cũng như sự hùng vĩ của nơi này, Ngài đã mỉm cười và nói một cách khôi hài: “Tôi đã lầm. Tôi cũng muốn giàu có”.

“Như Ngài vừa nói,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp lời với thái độ khá sôi nổi, – “mọi người nghĩ về tiền bạc, danh vọng hay quyền lực. Từ trên quan điểm về hạnh phúc cá nhân của một người, chúng đều là thiển cận. Như Ngài Tổng Giám Mục đã đề cập, thực ra con người chúng ta là loài động vật mang tính xã hội. Một cá nhân, bất kể là khỏe mạnh hay khôn khéo đến đâu, cũng không thể tồn tại nếu không có người khác. Cho nên cách tốt nhất để hiện thực hóa ước mong của bạn, để đạt được mục tiêu của bạn, chính là giúp đỡ người khác, kết thêm nhiều bạn bè hơn”.

“Vậy làm thế nào để chúng ta có thêm được nhiều bạn hơn?” Ngài dùng một câu hỏi tu từ. – “Lòng tin. Làm thế nào để bạn phát triển được lòng tin? Thật đơn giản: Bạn thể hiện sự quan tâm chân thành đối với sự an lành của họ. Từ đó lòng tin sẽ nảy nở. Nhưng nếu đằng sau một nụ cười giả tạo, hoặc một bữa tiệc lớn, lại là một thái độ tự tư tự lợi, thì bạn sẽ không bao giờ có được sự tin tưởng. Nếu bạn đang nghĩ làm thế nào để lợi dụng, làm thế nào để khai thác lợi thế của họ, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể phát triển lòng tin nơi người khác. Không tin tưởng thì không có tình bạn. Như vừa rồi chúng tôi đã nói, con người chúng ta là loài động vật có tính xã hội nên chúng ta cần có bạn bè. Những người bạn chân thành. Bạn bè vì tiền bạc, bạn bè vì quyền lực chỉ là bạn bè giả tạo”.

Ngài Tổng Giám Mục nói thêm: “Thiên Chúa chính là xã hội cộng đồng, là tình bằng hữu. Sự sống được tạo ra bởi Thiên Chúa, chúng ta được tạo ra để được thăng hoa. Và chúng ta thăng hoa nhờ có cộng đồng. Khi chúng ta tự tư tự lợi, chỉ biết đến bản thân mình, thì chắc chắn không nghi ngờ gì cả, rằng một ngày chúng ta sẽ thấy được rằng mình vô cùng, vô cùng, vô cùng thất bại và tuyệt vọng.”

Ở đây có một điểm nghịch lý. Nếu một trong những bí mật nền tảng của niềm hỷ lạc là phải vượt ra ngoài sự giới hạn chỉ tập trung vào bản thân mình, thì liệu đó có phải là ích kỷ một cách ngu ngốc (như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói) và là thất sách khi chỉ tập trung vào niềm hỷ lạc và hạnh phúc của riêng chúng ta: Đức Tổng Giám Mục cũng đã nói rằng chúng ta không thể theo đuổi hỷ lạc và hạnh phúc một mình được, vì vậy, có sai lầm chút nào không khi tập trung vào chúng?

Nghiên cứu đã cho thấy việc trưởng dưỡng niềm hỷ lạc và hạnh phúc của riêng bạn không những chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, mà còn cho cả những người xung quanh bạn nữa. Khi chúng ta có thể vượt thoát được nỗi đau đớn và khổ sở của mình thì rồi chúng ta sẽ sẵn sàng hơn với những người khác. Đau khổ làm cho chúng ta vô cùng tập trung vào bản thân mình. Cho dù nỗi đau đó là ở mặt thể chất hay tinh thần, nó dường như hút hết mọi sự chú ý của chúng ta và chỉ còn lại rất ít sự quan tâm dành cho người khác. Trong một cuốn sách viết cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma, chuyên gia về tâm lý học Howard Cutler đã tóm tắt những phát hiện này như sau: “Qua nhiều cuộc nghiên cứu thực tiễn đã cho thấy rằng, những người bất hạnh có xu hướng tập trung nhiều nhất vào bản thân và tự tách biệt mình, hay suy nghĩ ủ ê, và thậm chí là đối nghịch lại với xã hội. Ngược lại, những người hạnh phúc nhìn chung dễ hòa đồng hơn, linh hoạt hơn và sáng tạo hơn, họ có khả năng chịu đựng được những nỗi thất vọng thường ngày trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn những người bất hạnh. Và, quan trọng nhất là họ giàu tình yêu thương và lòng bao dung hơn những người không hạnh phúc”.

Có thể vẫn còn một số người băn khoăn rằng niềm hỷ lạc riêng mình thì có liên quan gì đến việc chống lại sự bất công và bất bình đẳng. Hạnh phúc của chúng ta thì có liên quan gì đến việc giải quyết những khổ đau của thế giới? Nói một cách ngắn gọn, khi chúng ta càng chữa lành được nỗi đau của mình thì chúng ta càng có thể hướng về nỗi đau của những người khác.

Nhưng thật ngạc nhiên làm sao, Ngài Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma lại nói rằng chúng ta có thể chữa lành được nỗi đau của chính mình bằng cách chuyển sự quan tâm sang nổi đau của người khác. Đó là một vòng tròn đạo đức. Chúng ta càng hướng tâm về người khác thì chúng ta càng trải nghiệm được nhiều hỷ lạc, và càng trải nghiệm nhiều hỷ lạc thì chúng ta lại càng có thể mang niềm hỷ lạc đó đến với mọi người. Như cách mà Ngài Tổng Giám Mục đã phát biểu nó thành thơ: mục đích không chỉ là tạo ra niềm hỷ lạc cho bản thân, mà còn “là một bể chứa đầy hỷ lạc, một ốc đảo của an bình, một mặt hồ đầy hạnh phúc để có thể lan tỏa đến cho tất cả những người xung quanh”. Như chúng ta sẽ thấy, niềm hỷ lạc trên thực tế rất dễ lan tỏa. Nó cũng giống như tình yêu thương, tâm từ bi và lòng quảng đại.

Vì vậy, hỷ lạc hơn không chỉ có nghĩa là có thêm niềm vui thích. Chúng ta đang nói về một sự đồng cảm sâu sắc hơn, có nhiều khả năng hơn, thậm chí phát triển một trạng thái tâm thức gắn kết trọn vẹn với thế giới. Khi Ngài Tổng Giám Mục và tôi cùng làm việc để thiết lập một khóa đào tạo cho các đại sứ hòa bình và các nhà hoạt động xã hội đi vào các vùng xung đột, Ngài đã giải thích rằng hòa bình phải đến từ bên trong là như thế nào. Chúng ta không thể mang lại hòa bình ở bên ngoài nếu chúng ta không có sự an bình trong nội tâm. Tương tự như vậy, chúng ta không thể hy vọng làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp và hạnh phúc hơn, nếu trước hết chúng ta không thiết tha điều này ngay trong cuộc sống của chính mình. Tôi háo hức biết bao để được nghe về cách làm thế nào có thể giải quyết những chướng ngại thường ngăn che chúng ta với niềm hỷ lạc. Nhưng tôi biết rằng cần phải đợi cho đến ngày hôm sau, vì chỉ còn đủ thời gian cho một câu hỏi ngắn trước giờ ăn trưa.

Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng thức dậy với niềm hỷ lạc là như thế nào, và Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân Ngài vào mỗi sáng: “Tôi nghĩ nếu bạn là một tín đồ sùng đạo, thì ngay khi thức dậy bạn hãy cảm ơn Chúa vì đã cho bạn thêm một ngày mới. Và bạn hãy cố gắng làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Đối với một người có lòng tin nơi giáo lý nhà Phật như tôi, thì khi thức dậy tôi liền nhớ ngay đến lời dạy của đức Phật về tầm quan trọng của sự tử tế và tâm từ bi, mong muốn những điều tốt lành cho người khác hoặc ít nhất là làm giảm bớt được sự khổ đau cho họ. Sau đó, tôi nhớ rằng mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau, lời dạy về sự phụ thuộc lẫn nhau. Rồi thì tôi xác định mục tiêu của mình cho cả ngày: rằng ngày hôm nay ta nên sống có ý nghĩa. Có ý nghĩa tức là: Nếu có thể thì hãy phụng sự và giúp đỡ mọi người, còn nếu không thể, thì ít nhất cũng đừng gây tổn hại đến cho họ. Đó là một ngày có ý nghĩa”.

 Ghi chú:

Ubuntu: là một thuật ngữ Nguni Bantu có nghĩa là “lòng nhân đạo”. Nó thường được dịch là “lòng nhân đạo đối với người khác”, nhưng thường được dùng theo ý nghĩa triết lý hơn là “niềm tin vào một liên kết chia sẻ phổ quát kết nối tất cả nhân loại”.

Timbuktu: thành phố cổ thuộc miền Bắc Mali, phía Tây Nam sa mạc Sahara, nơi đang có xung đột tôn giáo và sắc tộc do các chiến binh Hội Hồi giáo cực đoan gây ra.

“Nice guys finish last”: người tốt xếp cuối cùng. Một thành ngữ ám chỉ sự thiếu tôn trọng và không tán thưởng mà xã hội dành cho những con người và hành vi đạo đức.

Hỷ Lạc Từ Tâm

Cuộc đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 (Tenzin Gyatso) & Đức Tổng Giám Mục Nam Phi (Desmond Tutu) do Douglas Abrams chấp bút

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG GHEN TỴ: SỰ SO SÁNH MANG ĐẾN ĐAU KHỔ
  2. SỢ HÃI, CĂNG THẲNG VÀ LO ÂU: TÔI ĐÃ TỪNG RẤT LO SỢ
  3. BẠN LÀ MỘT KIỆT TÁC ĐANG DẦN ĐƯỢC HOÀN THIỆN

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU