BẠN LÀ MỘT KIỆT TÁC ĐANG DẦN ĐƯỢC HOÀN THIỆN

DESMOND TUTU

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Hỷ Lạc Từ Tâm; Nguyên tác: The Book of Joy, Lasting Happiness in a Changing World; Douglas Abrams chấp bút; Việt dịch: Thảo Yukimoon; NXB. Đà Nẵng, 2019

Chúng tôi đã bắt đầu ngày thứ hai của cuộc đối thoại và chuyển sang nói về những chướng ngại cho niềm hỷ lạc. Chủ đề được đưa ra thảo luận là làm thế nào để phát khởi niềm hỷ lạc khi đang phải đối mặt với đau khổ. Và chúng tôi biết rằng sẽ cần đến hai ngày để đưa ra tất cả những hình thức khổ đau mà chúng ta thường phải chịu. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nói vào ngày hôm trước, rất nhiều nỗi bất hạnh của chúng ta bắt nguồn từ chính tâm thức và cảm xúc của mình, ví dụ như cách chúng ta phản ứng lại với các sự kiện trong cuộc sống.

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: “Miễn dịch tinh thần, tức là học cách tránh những cảm xúc mang tính phá hoại và phát triển những cảm xúc tích cực. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu về tâm thức – có rất nhiều trạng thái tâm thức khác nhau, là những suy nghĩ và cảm xúc đa dạng mà chúng ta trải nghiệm hằng ngày. Một số trong những cách suy nghĩ và cảm xúc này là có hại, thậm chí độc hại, trong khi những suy nghĩ và cảm xúc khác thì đem lại lợi ích và có khả năng chữa lành. Loại đầu tiên sẽ làm xáo trộn tâm trí của chúng ta và gây ra nhiều đau đớn về tinh thần. Loại thứ hai mới mang lại được cho chúng ta niềm hạnh phúc chân thật.

Khi hiểu được thực tế này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc đối phó với tâm thức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Đây là cách để chúng ta phát triển hệ miễn dịch tinh thần. Cũng giống như cách mà một hệ miễn dịch khỏe mạnh và thể chất vững vàng bảo vệ cơ thể bạn chống lại các virus và vi khuẩn có khả năng gây nguy hiểm, hệ miễn dịch tinh thần này tạo nên một khuynh hướng tư duy lành mạnh cho tâm thức, để nó ít bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng và cảm xúc tiêu cực.

Hãy nghĩ theo cách này. Nếu sức khỏe của bạn tốt, thì khi virus đến chúng sẽ không thể gây bệnh cho bạn. Nếu sức khỏe tổng thể của bạn kém, thì ngay cả những virus nhỏ yếu cũng rất nguy hiểm với bạn. Tương tự như vậy, nếu sức khỏe tinh thần của bạn vững vàng thì khi những xáo trộn xảy đến, bạn sẽ gặp một ít buồn phiền nhưng nhanh chóng hồi phục. Nếu sức khỏe tỉnh thần của bạn không tốt, thì ngay cả những phiền phức nhỏ, những vấn đề nhỏ vẫn sẽ gây ra nhiều đau đớn và khổ não cho bạn. Bạn sẽ có nhiều sợ hãi và lo lắng, nhiều nỗi buồn và tuyệt vọng, nhiều sân hận và sự bực mình.

Mọi người thường mong muốn có được một viên thuốc mà chỉ cần uống vào thì có thể làm cho nỗi sợ hãi, lo lắng của họ tan biến ngay, khiến cho họ lập tức cảm thấy bình an. Nhưng điều này là không thể. Người ta phải phát triển tâm thức theo thời gian và nuôi dưỡng hệ miễn dịch tinh thần. Thông thường mọi người hay hỏi tôi về giải pháp nhanh nhất và tốt nhất cho một vấn đề. Nhưng một lần nữa, điều này là không thể. Bạn có thể chọn ra giải pháp nhanh nhất hoặc tốt nhất, nhưng không thể đáp ứng cả hai yêu cầu. Giải pháp tốt nhất cho nỗi khổ đau của chúng ta là sự miễn dịch tinh thần, nhưng phải mất thời gian để trưởng dưỡng nó.

Một lần tôi đã nói chuyện với Al Gore, Phó Tổng thống Mỹ. Ông ấy nói rằng bản thân đang gặp rất nhiều vấn đề, rất nhiều khó khăn khiến cho ông ấy phải lo lắng vô cùng. Tôi đã nói với ông rằng con người chúng ta có khả năng phân biệt giữa mức độ lý trí và mức độ cảm xúc. Ở mức độ lý trí, chúng ta chấp nhận rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng mà mình cần phải giải quyết, nhưng ở mức độ sâu hơn là cảm xúc, chúng ta vẫn có thể giữ bình tĩnh. Giống như đại dương có rất nhiều sóng trên bề mặt nhưng ở sâu bên dưới nó vẫn khá êm đềm. Điều này là khả thi nếu chúng ta biết cách để phát triển hệ miễn dịch tinh thần”.

“Vâng” – Ngài Tổng Giám Mục hồi đáp. – “Câu trả lời của Ngài rất hay. Ngài vẫn luôn trả lời hay, nhưng câu trả lời lần này rất tuyệt. Điều duy nhất tôi nghĩ là mọi người đôi khi khá khó chịu với chính bản thân họ một cách không cần thiết, đặc biệt là khi họ có những suy nghĩ và cảm xúc mà thực sự nó đến rất tự nhiên”.

‘Về cơ bản,” – Ngài Tổng Giám Mục tiếp tục, – “Tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận bản thân như chúng ta đang là. Và rồi hy vọng sẽ hoàn thiện hơn theo cách mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã miêu tả. Ý tôi là nhận ra được những suy nghĩ, cảm xúc nào đang chi phối chúng ta, Đây là những điều mà bạn có thể luyện tập, có thể thay đổi. Nhưng chúng ta cũng không nên hổ thẹn tự trách móc chính mình. Chúng ta là con người, và đôi khi đó là một điều tốt để chúng ta nhận ra rằng chúng ta vẫn có những cảm xúc rất con người. Bây giờ điều nên nói là: Đến khi nào thì thích hợp thay đổi?”.

Trong suốt tuần thảo luận đó, Đức Tổng Giám Mục đã nhiều lần nói rằng chúng ta không nên tự trừng phạt bản thân vì những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của mình, rằng chúng là những điều rất tự nhiên và không thể tránh khỏi. Ngài lập luận rằng những tiêu cực đó chỉ càng trở nên dữ dội hơn khi chúng ta cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn và nghĩ rằng mình không nên có chúng. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đồng ý rằng cảm xúc của con người là tự nhiên, nhưng Ngài đã tranh luận thêm về việc liệu đó có thực sự là những điều không thể tránh khỏi hay không. Ngài giải thích rằng sự miễn dịch tinh thần chính là cách để ngăn ngừa chúng.

Vậy làm cách nào chúng ta có thể đối phó với những chướng ngại cho niềm hỷ lạc – là nguồn gốc khổ đau không thể tránh khỏi, cả ở bên trong lẫn bên ngoài – đã gây ra rất nhiều đau đớn và khổ não trong cuộc sống của chúng ta một khi chúng phát sinh? Xuyên suốt từ những vấn đề thường ngày như căng thẳng, thất vọng và lo lắng, cho đến những kinh nghiệm cuộc đời như nghịch cảnh, bệnh tật, và cuối cùng là đối mặt với cái chết. Chúng ta không thể kiểm soát được tính tất yếu của những sự kiện này, nhưng cả hai vị thầy đều đồng ý rằng chúng ta có thể tác động đến tầm ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống của chúng ta, bằng cách điều chỉnh thái độ của chính mình đối với chúng.

Bước đầu tiên là chấp nhận sự thực về khổ đau. Đức Phật đã từng nói: “Ta đã dạy một điều và chỉ có một điều mà thôi: khổ và sự chấm dứt của khổ”. Chân lý – hay sự thật đầu tiên trong Bốn Sự thật Màu nhiệm của Phật giáo (Tứ Diệu Đế) là: cuộc sống vốn đầy đau khổ. Chữ Phạn của từ khổ đau là dukkha (không nên nhầm lẫn với một loại hỗn hợp gia vị rất thơm ngon của Ai Cập có tên là dukka).

Dukkha có thể dịch nghĩa là “căng thẳng”, “lo lắng”, “khổ đau” hoặc “bất toại nguyện”. Nó thường được miêu tả như những nỗi khổ đau về tinh thần và thể xác xảy ra trong cuộc sống, bệnh tật và sự già lão. Nó cũng được miêu tả như là sự căng thẳng và lo lắng phát sinh từ việc cố gắng kiểm soát những thứ mà về cơ bản là rất vô thường và không thể kiểm soát được. Chúng ta cố gắng kiểm soát những sự việc mà bản thân cảm thấy rằng chúng không nên xảy ra như vậy. Cho nên, rất nhiều những nguyên nhân gây ra sự phiển não là do những điều mà chúng ta muốn nó phải khác đi. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: “Tôi nghĩ rằng trong nhiều trường hợp, bạn tự nuôi dưỡng sự bất hạnh, bất mãn, và từ đó mà dẫn đến nỗi chán chường, thất vọng và sân hận”.

Trong khi nỗi căng thẳng và sự thất vọng nghe có vẻ chỉ như là những vấn đề hời hợt bên ngoài hay vài tiếng than phiền không đáng bận tâm, thế nhưng Đức Phật đã chỉ ra rằng chúng chính là cốt lõi của rất nhiều sự khổ đau không cần thiết mà chúng ta tự tạo ra cho mình. Tôi nhớ lại những lời mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói trong ngày hội đàm đầu tiên: Chúng ta không thể chấm dứt thiên tai hay thảm họa tự nhiên cũng như những đau khổ mà chúng gây ra, nhưng phần lớn những loại khổ đau khác thì chúng ta có thể.

Dukkha – hay khổ đau, thì trái ngược với sukha – có nghĩa là hạnh phúc, dễ chịu hay thoải mái. Cả hai từ này được cho là có nguồn gốc từ những người Aryan cổ, là những người đã mang ngôn ngữ Sanskrit (tiếng Phạn) sang Ấn Độ. Người Aryan là một tộc người du mục. Họ thường sống du cư với xe ngựa kéo hoặc xe bò kéo. Và những từ đó theo nghĩa đen có nghĩa là “có một trục xe xấu (hoặc tốt)”. Đó có phải là một cuộc hành trình gập ghềnh (dukkha), hay là một chuyến đi suôn sẻ (sukha)? Đó là một phép ẩn dụ không tồi dành cho cuộc sống. Đau khổ có khác gì một chuyến hành trình gập ghềnh? Mỗi nẻo đường đời đều có những vết lún, và không ai có thể tránh được một vài sự va đập chắc chắn xảy ra. Nhưng rất nhiều thứ khác sẽ được xác định do cách nhận thức của chúng ta về chuyến hành trình ấy. Tâm trí của chúng ta cũng như chiếc trục xe, là thứ sẽ quyết định xem chúng ta được trải nghiệm một chuyến đi gập ghềnh hay suôn sẻ.

“Chúng ta có sự nhận thức về những kinh nghiệm mà mình trải qua, và rồi đánh giá chúng: Điều này là tốt, Điều này là xấu, Điều này thì không tốt không xấu” – Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. – “Sau đó chúng ta phản ứng lại: sợ hãi, thất vọng, tức giận. Chúng ta nên thấy rằng đây chỉ là những chiều hướng khác nhau của tâm thức. Chúng không phải là thực tại chân thật. Tương tự, lòng can đảm, sự tử tế, tình yêu thương và tính khoan dung cũng là những chiều hướng của tâm thức. Rất hữu ích khi biết về hệ thống cảm xúc và hiểu được cách mà tâm thức của chúng ta hoạt động.

Khi một nỗi sợ hãi hoặc sự bực dọc kéo đến, chúng ta phải suy nghĩ xem điều gì đang gây ra nó? Trong hầu hết các trường hợp. nỗi sợ hãi chỉ đơn giản là một sự phóng chiếu của tinh thần. Khi tôi còn nhỏ và sống ở Potala, có một khu vực rất tối tăm mà người ta thường kể rằng có những con ma ở đó. Vì vậy, mỗi lần đi qua khu vực này tôi lại cảm thấy có một cái gì đó. Đây hoàn toàn chỉ do sự phóng chiếu của tinh thần”.

“Không,” – Ngài Tổng Giám Mục nói với một khuôn mặt sợ hãi. – “Ở đó có ma đấy, anh bạn”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười rộ lên rồi nói tiếp, “Nhưng khi một con chó điên chạy tới, sủa và nhe nanh, thì sự sợ hãi là cần thiết đối với bạn. Đó không phải là sự phóng chiếu của tinh thần. Vì vậy, bạn phải phân tích nguyên nhân gây ra sợ hãi. Còn đối với sự bực dọc, đó là khi bạn nhìn thấy ai đó, và bạn thường có sự phóng chiếu tinh thần khiến nỗi bực tức dâng lên ngay cả khi khuôn mặt của họ đang rất bình thường. Tương tự như vậy, khi bạn nhìn thấy hành động của ai đó, bạn cũng thấy bực dọc bởi sự phóng chiếu tinh thần ngay cả khi hành vi của họ là trung lập. Vì vậy, bạn phải tự hỏi bản thân xem liệu rằng sự bực dọc của bạn có dựa trên một căn nguyên thực tế nào hay không, Ngay cả khi ai đó chỉ trích hoặc công kích bạn, thì bạn phải suy nghĩ: Tại sao điều này xảy ra? Người này không phải là kẻ thù của bạn từ khi mới sinh ra, mà do một số tình huống nhất định nào đó đã khiến họ trở nên tiêu cực đối với bạn. Có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng thường thì thái độ của bạn chính là một yếu tố góp phần quan trọng không thể bỏ qua. Bạn nhận ra rằng việc như thế xảy ra là bởi vì bạn đã làm gì đó trong quá khứ mà người này không thích. Như vậy, khi bạn nhận ra vai trò đóng góp của chính mình trong việc bị người khác chỉ trích hoặc công kích thì cơn cuồng nộ của nỗi bực dọc và sân hận trong bạn sẽ giảm đi. Sau đó, bạn cũng nhận thấy rằng bản chất của con người về cơ bản là lương thiện, từ bi, và rằng người đó vốn không muốn làm hại bạn. Vì vậy, bạn thấy được cảm xúc của họ phát sinh là do một số hiểu lầm hoặc sự truyền thông bị sai lạc. Bạn hiểu rằng hành động của người này là do những cảm xúc tiêu cực của họ điều khiển. Từ đó, bạn có thể phát triển một thái độ quan tâm, từ bi, thậm chí cảm thấy thương cảm cho nỗi khổ đau và phiền não của họ: Thật buồn làm sao vì người này đã bị mất kiểm soát, hoặc thương cảm vì họ phải chịu đựng những cảm giác tiêu cực đến như vậy. Nhờ vậy, thay vì bực dọc và tức giận, bạn sẽ cảm thấy thương xót cho người kia và quan tâm, lo lắng cho họ”.

Tôi gật đầu và nói: “Nhưng đôi khi sự bực bội của chúng ta không phải do người khác mà là do những tình cảnh xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Ví dụ, chúng ta không thể kiểm soát được các chuyến bay bị hủy”.

“Khi tôi còn trẻ và còn rất hăm hở để làm được thật nhiều điều,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, – “thì lúc nghe họ thông báo rằng có một sự chậm trễ hoặc phải hủy chuyến bay, tôi sẽ cảm thấy tức giận và đôi lúc bực bội đối với cả phi công và hãng hàng không nữa.

Trước khi có đường bay trực tiếp từ Dharamsala đến Delhi, tôi đã phải đi đến thành phố Jammu để có thể bay, việc đó tiêu tốn mất khoảng bốn tiếng đồng hồ lái xe. Và rồi vào một buổi sáng nọ, họ đột nhiên thông báo rằng chuyến bay sẽ bị hủy và tất cả hành khách hãy vui lòng rời khỏi máy bay. Sau đó chúng tôi được báo tin rằng lý do hủy chuyến là bởi viên phi công đã uống quá nhiều rượu vào đêm hôm trước. Thế là mọi người đều kêu than, oán trách và tôi cũng cảm thấy rất bực mình.

Nhưng bây giờ khi có thông báo rằng chuyến bay của tôi bị hủy hoặc hoãn lại, điều đó xảy ra cũng khá nhiều ở đây, thì tôi coi đó như một cơ hội tốt để mà ngồi lại và thực hành, ngồi xuống và thiền định. Cho nên, giờ đây tôi cảm thấy ít phải phiền não hơn”.

“Tôi thường cảm thấy rất bực bội và giận dữ,” – Ngài Tổng Giám Mục nói, – “những khi chúng tôi đang vội vã tới dự một cuộc họp rất quan trọng mà lại bị kẹt xe. Lúc đó có thể bạn còn nghiến răng và kiếm cho ra ai đó để trút giận. Nhưng khi đã lớn tuổi hơn thì tôi thấy rằng: Ồ, đây là một cơ hội để cho mình được tĩnh lặng. Ý tôi là bạn không thể làm gì hơn được cả, do đó việc nghiến răng và bốc hỏa lên cũng chẳng có ích gì. Vậy tại sao không dùng mấy phương pháp cũ mà ai cũng biết rồi đấy? Ngồi đếm từ một tới mười. Một, hai, ba… A!” – Ngài Tổng Giám Mục làm điệu bộ như thể rất mất bình tĩnh trong khi đang cố tình đếm đến mười.

“Tôi nghĩ rằng cần phải mất thời gian để học được cách sống thảnh thơi.” – Ngài nói tiếp. – “Bạn biết đấy, nó không phải là thứ gì đó sẵn có để dành cho bạn. Không ai nên cảm thấy bất mãn với chính mình. Điều ấy chỉ làm tăng thêm sự bực bội và nỗi thất vọng mà thôi. Ý tôi muốn nói, chúng ta là con người, mà con người thì đôi khi vẫn mắc sai lầm. Và như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra, có một thời gian… Ý tôi là, chúng ta thấy Ngài ấy rất an bình và điềm tĩnh. Tuy nhiên, cũng đã có những lúc Ngài ấy cảm thấy bực tức và có lẽ hiện nay vẫn còn đôi chút. Cũng giống như những cơ bắp phải được tập luyện thì mới khỏe mạnh được. Đôi khi chúng ta quá tức giận với những suy nghĩ của chính mình, rồi nghĩ rằng chúng ta có thể trở nên hoàn hảo khi rời bỏ cuộc đời này. Nhưng chỉ có thời gian sống ở trên mặt đất này mới là lúc chúng ta có thể học cách trở nên tốt đẹp, học cách yêu thương nhiều hơn, học cách từ bi hơn. Và bạn phải học những điều đó qua sự trải nghiệm, không phải trên lý thuyết.” – Ngài Tổng Giám Mục chỉ ngón tay trỏ lên đầu. – “Bạn chỉ có thể học được khi có điều gì đó xảy ra để thử thách bạn.” – Và rồi Ngài giả bộ trò chuyện trong vai của Thiên Chúa: “Chào con, bởi vì con đã nói muốn có lòng từ bi hơn mà!”; “Chào con, chẳng phải con đã bảo rằng muốn được thêm phần nhàn nhã đó thôi!”.

“Chúng ta thường trở nên rất tức giận với chính mình. Chúng ta nghĩ rằng mình nên trở thành những siêu nhân ngay từ đầu mới phải. Nhưng sự an bình của Đức Đạt Lai Lạt Ma đâu phải do bẩm sinh mà có, đó là thông qua việc thực hành cầu nguyện và thiền định. Do vậy mà tính hòa nhã, lòng từ bi mới tăng trưởng, kể cả sự kham nhẫn và chấp nhận của Ngài – trong những giới hạn hợp lý. Hãy chấp nhận mọi hoàn cảnh như chúng đang là. Bởi vì nếu có những hoàn cảnh mà bạn không thể thay đổi, thì dù có tự đập đầu vào bức tường gạch, nó cũng chỉ khiến cho bạn bị đau đầu mà thôi. Đấy là thung lũng của sự trưởng thành và phát triển”.

Tôi đã bị ấn tượng bởi cụm từ “thung lũng của sự trưởng thành và phát triển”, Ngài có vẻ đã nhắc đến một quan niệm nổi tiếng của Kitô giáo rằng cuộc đời là một thung lũng đầy nước mắt, và chúng ta chỉ được giải thoát khi lên đến thiên đường. Cụm từ này thường được nói dựa trên Thánh Vịnh 84:6, với những ngôn từ tuyệt đẹp: “Người băng qua thung lũng nước mắt làm cho nó trở thành giếng ngọt lành”. Quả thực, chúng ta có thể sử dụng những giọt nước mắt, nỗi căng thẳng và thất vọng của mình như một cái giếng khơi, là nơi mà từ đó chúng ta có thể rút ra những dòng nước dưỡng nuôi sự tăng trưởng tinh thần và cảm xúc của mình.

“Cũng tương tự như cách mà chúng ta học làm cha mẹ,” – Ngài Tổng Giám Mục nói khi kết thúc cuộc thảo luận. – “Bạn phải học cách để cư xử với một đứa trẻ đang khiến bạn vô cùng ức chế. Và bạn nuôi dạy đứa con thứ ba “thuận tay” hơn là với đứa con đầu lòng của bạn. Và vì vậy tôi muốn nói với tất cả mọi người rằng: Bạn được sinh ra để trở nên hoàn hảo, chỉ là bạn vẫn còn thiếu một chút chưa hoàn hảo mà thôi. Bạn là một kiệt tác đang dần dần hoàn thiện”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM DỊU CƠN ĐAU THỂ XÁC
  2. VƯỢT QUA CÁC CHƯỚNG NGẠI
  3. PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH TINH THẦN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ