KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Người dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2020

Trong khi cố gắng áp dụng phương pháp thay đổi góc nhìn của Đạt Lai Lạt Ma về “kẻ thù”, tôi lại tình cờ gặp một kỹ thuật khác vào buổi chiều nọ. Trong tiến trình chuẩn bị cho cuốn sách, tôi đã tham dự một số buổi giảng huấn của Đạt Lai Lạt Ma ở East Coast. Trên đường trở về nhà, tôi đón một chuyến bay thẳng đến Phoenix. Như thường lệ, tôi đặt một chỗ ngồi sát lối đi giữa. Mặc dù đã tham dự các buổi thuyết pháp, tôi vẫn cáu kỉnh khi lên chiếc máy bay chật ních. Tôi phát hiện mình đã bị xếp sai chỗ vào một ghế ở chính giữa, ngồi kẹp giữa một người to béo – ông này có một thói quen rất khó chịu là đặt cánh tay to bè của ông lên chỗ dựa tay của tôi, và một người phụ nữ mà vừa gặp tôi đã chán ngấy, vì tôi xác định là bà đã chiếm mất chỗ ngồi của tôi sát lối đi. Có một cái gì đó từ bà này thực sự làm tôi khó chịu – tiếng nói hơi quá rung, phong cách hơi quá bệ vệ, tôi cũng không chắc lắm. Ngay sau khi cất cánh, bà bắt đầu nói chuyện không ngớt với người đàn ông ngồi ngay trước mặt bà, Người này hóa ra lại là chồng bà, và tôi “ga lăng” đề nghị đổi chỗ cho ông ta. Nhưng họ không muốn thế – cả hai đều muốn ngồi sát lối đi. Tôi lại càng thêm bực bội. Viễn cảnh năm giờ liền ngồi cạnh bà này quả thực không thể nào chịu nổi. 

Nhận ra rằng tôi đang phản ứng quá mạnh với người phụ nữ mà thậm chí tôi còn không quen biết, tôi quyết định đó là “phản ứng dịch chuyển” – chắc hẳn bà ta đã nhắc tôi một cách vô thức về một người nào đó trong thời thơ ấu – những-cảm-giác-oán-ghét-chưa-giải-tỏa-về-mẹ-tôi hay về điều gì đó. Tôi lục lọi trong óc nhưng không thể tìm ra một giả thuyết nào – bà ta không nhắc tôi nhớ về bất cứ ai trong quá khứ của tôi cả. 

Thế rồi tôi chợt nhận ra rằng đây là cơ hội hoàn hảo để tôi thực tập phát triển lòng kiên nhẫn. Thế là tôi bắt đầu việc hình dung kẻ thù của tôi đang ngồi ở ghế cạnh lối đi, như một ân nhân đáng mến của mình, được đặt vào cạnh tôi để dạy tôi kiên nhẫn và bao dung. Tôi hình dung chuyện này sẽ là việc dễ dàng – nói cho cùng, nếu nói “kẻ thù” thì không có loại nào nhẹ ký hơn thế này – tôi vừa mới gặp bà ta, và bà ấy thực sự không làm gì hại tôi cả. Sau khoảng hai mươi phút, tôi đã chịu thua – bà ta vẫn làm tôi khó chịu! Tôi đành để cho mình giữ nguyên sự khó chịu suốt thời gian còn lại. Một cách tức giận, tôi nhìn chằm chặp vào cánh tay bà đang ngấm ngầm lấn qua chỗ để tay của tôi. Tôi cảm thấy ở bà cái gì tôi cũng ghét. Tôi nhìn đến mất hồn vào ngón cái của bà, đến khi tôi chợt tự hỏi: Mình có ghét cái ngón này không? Thực sự là không. Nó chỉ là một ngón tay thông thường. Không có gì nổi bật. Tiếp đó, tôi nhìn vào mắt bà mà tự hỏi: Mình có thực sự ghét con mắt ấy không? Có, tôi ghét lắm. (Dĩ nhiên là không có lý do gì cả – đây là hình thức ghét thuần túy nhất). Tôi tập trung vào gần hơn nữa. Tôi có ghét con ngươi của nó không? Không. Tôi có ghét giác mạc không, tôi có ghét vống mắt, tuyến lệ không? Không. Thế thì, tôi có thực sự ghét con mắt ấy không? Tôi phải thừa nhận rằng không. Tôi cảm thấy tôi tiến bộ về một điều gì đó. Tôi tiếp tục với một khớp ngón tay, một ngón tay, hàm, khuỷu tay. Hơi ngỡ ngàng, tôi nhận ra có những phần của bà này mà tôi không ghét. Đi vào chi tiết, vào cái cụ thể, thay vì tổng quát hóa, cho phép một sự thay đổi tinh tế bên trong, một sự làm dịu. Sự thay đổi góc nhìn này xé ra một lỗ trong thành kiến của tôi, đủ lớn để nhìn thấy bà ta như một người bình thường như mọi người. Khi tôi cảm thấy điều này, bất chợt bà ta quay sang tôi mà bắt chuyện. Tôi không nhớ chúng tôi đã nói về điều gì – chỉ là chuyện cỏn con – nhưng vào cuối chuyến bay, sự giận dữ và khó chịu trong tôi đã nhạt đi. Cứ cho là bà ta không phải Người Bạn Tốt Mới của tôi, thì bà cũng không còn là Kẻ Thù đã Chiếm Chỗ Ngồi Cạnh Lối Đi của tôi nữa. Bà chỉ là một con người khác, giống như tôi, đang cố gắng sống tốt nhất cuộc đời mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. SUY TƯ VỀ NHỮNG NGƯỜI MUỐN BƯỚC THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM