BIẾN CÔNG VIỆC THÀNH NIỀM VUI CUỘC SỐNG

DAVID NIVEN

Trích: “Bí Quyết Của Thành Công” Tác giả: David Niven, Ph.D. Biên dịch: Nguyễn Văn Phước, M.S. Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2017 Ảnh: nguồn internet

Hãy học từ những thất bại

Trong cuộc sống, không ai mong muốn gặp những điều không may mắn hay thất bại cả.

Nhưng một khi nó đã xảy đến, thay vì than vãn, thương thân trách phận thì cách tốt nhất là dám chấp nhận và dù đau đớn, hãy can đảm đứng lên, bước tiếp và rút ra những điều bổ ích từ thất bại đó.

Những kinh nghiệm của thất bại là vô cùng quý giá. Từ thất bại, bạn không những chỉ biết được việc mình đã làm đã sai như thế nào mà bạn còn nhận ra vì sao bạn lại sai lầm. Tuy nhiên, sau thất bại, điều quan trọng là bạn hãy xem đó như một phần tất yếu trong cuộc sống, và bạn không từ bỏ những ước mơ, hoài bão hằng ấp ủ.

Rồi bạn sẽ tìm ra cách tốt hơn để thực hiện điều đó. Luôn có những cơ hội dành cho bạn.

Thực vậy. Không ai trong đời không bị những lần thất bại. Thế nhưng, người ta phải biết rút ra được điều gì sau những lần thất bại đó. Các nhà phát minh thiên tài cũng không là những trường hợp ngoại lệ mà trong đó Thomas Edison là một ví dụ điển hình.

Khi tìm chất liệu cho sợi dây tóc bóng đèn, Edison đã tiến hành hơn 2000 thí nghiệm khác nhau nhưng tất cả đều thất bại. Quá mỏi mệt, một trong những phụ tá của ông than vãn: “Ôi, mọi việc làm của chúng ta đều vô ích. Cuối cùng chúng ta cũng chẳng có được một thứ gì cả.” Nghe thế, Edison mỉm cười: “Sao lại nói chúng ta chẳng được điều gì. Chẳng phải là bây giờ chúng ta đã biết được rằng không thể sử dụng 2000 chất liệu đó để làm dây tóc bóng đèn hay sao?”

– Robeson

Biến công việc thành niềm vui cuộc sống

Trong thời gian làm việc và tạo dựng sự nghiệp, vào những lúc mỏi mệt và đuối sức nhất, ai trong chúng ta cũng đều mong muốn mau chóng đạt đến một mức nào đó để sớm được ngưng công việc và có thể nghỉ ngơi. Thậm chí có những người đã vạch sẵn cho mình kế hoạch về hưu.

Đó là một khuynh hướng tự nhiên và ai cũng hiểu được rằng, sau bao nhiêu năm cống hiến, quyền được thụ hưởng thành quả và nghỉ ngơi là một việc đúng đắn.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi những năm tháng nghỉ ngơi đã gần kề, đa số họ lại khao khát muốn được tiếp tục làm việc và chịu trách nhiệm như họ từng làm. Và, có người khi đã thực sự về hưu vẫn mong muốn được làm việc. Bởi vì công việc giúp họ liên hệ với cuộc sống mà họ đã từng quen thuộc.

Đó cũng là cách giúp họ cảm thấy cuộc sống có thêm ý nghĩa và không bị bỏ rơi. Vì cảm nhận về mình và cuộc sống đối với họ quan trọng hơn cả điều kiện vật chất hay có được nhiều thời gian rảnh rỗi. Công việc đối với họ đôi khi chính là niềm say mê và niềm vui cuộc sống.

Một trong những bí quyết của những người thành công là họ luôn muốn được làm việc. Như lời của một ca khúc mà nhóm Rolling Stones chọn làm tên gọi của nhóm: “Hòn đá lăn, lăn mãi sẽ không bao giờ bị đóng rêu”, người yêu thích công việc có đầu óc nhạy bén, năng động và luôn tìm được phương án xử lý công việc hợp lý nhất. Tỷ phú người Anh Richard Branson đã có một câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn muốn thành đạt và hạnh phúc trong cuộc sống, bạn không nên ngồi yên một chỗ mà phải làm việc và làm việc”.

Sinh năm 1951 trong một gia đình nghèo khó, năm 15 tuổi, R. Branson phải nghỉ học để kiếm sống. Ông làm việc quần quật không mệt mỏi suốt ngày đêm để đến năm 18 tuổi, ông trở thành chủ một cửa hàng đầu tiên có tên là Student. Năm 20 tuổi, ông sở hữu công ty ghi âm Virgin và là chủ nhân khu giải trí ban đêm The Venue vào năm 27 tuổi. Lúc 33 tuổi, ông nắm trong tay Công ty phát hành Phim ảnh Virgin Vision và công ty Trò chơi Điện tử Virgin Games.

Năm 34 tuổi, ông thành lập Hãng Hàng không Virgin Atlantic Airways và sau đó là Công ty Vận chuyển Đường không Virgin Express. Năm 35 tuổi, ông thành lập Công ty Dịch vụ Du lịch Virgin Holidays, trở thành chủ nhân Công ty Thức uống Virgin Cola năm 43 tuổi và trong những năm sau, tiếp tục là chủ nhân Công ty Rượu Virgin Vodka (1995), Công ty Điện ảnh Virgin Cinemas (1995), Công ty chuyên bán Sản phẩm Tài chính qua Điện thoại Virgin Direct (1995), Ngân hàng Virgin Bank (1995), Cửa hàng Dịch vụ Đám cưới Virgin Bride (1996)…

Đến năm 1997, tập đoàn của R. Branson đạt doanh số 5 tỷ đô la và có 15.000 nhân viên. Trở thành tỷ phú ở độ tuổi 40, Branson vẫn tiếp tục làm việc và đặt ra những thử thách mới cho bản thân. Năm 1998, ông tấn công vào lĩnh vực Đường sắt khi thành lập Công ty Virgin Rail, gây chao đảo cho công ty Đường sắt lão làng từng trải British Rail. Ngoài những công ty Virgin do chính mình làm chủ, R. Branson còn tham gia đầu tư vào lĩnh vực công viên giải trí như Megastore (Pháp), Las Vegas (Mỹ)… Dù đã bước vào độ tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” từ lâu nhưng R. Branson không thèm biết đến “mệnh trời” khi vẫn là hòn đá tiếp tục lăn với những chuyến du hành bằng khinh khí cầu vượt Đại Tây Dương, vẫn tiếp tục không ngừng quan sát và lắng nghe để tìm những cơ hội làm ăn mới.

– Szinovacz và DeViney

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BIẾT VUI ĐÙA VÀ HÀI HƯỚC – BÍ QUYẾT CỦA THÀNH CÔNG
  2. KHƠI DẬY THÁI ĐỘ VÀ ĐỘNG CƠ LÀM VIỆC ĐÚNG, BẠN SẼ TÌM THẤY Ý NGHĨA VÀ SAY MÊ VỚI CÔNG VIỆC
  3. HÃY NHỚ TIỀN BẠC LÀ PHƯƠNG TIỆN, KHÔNG PHẢI LÀ MỤC ĐÍCH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP