LÀM SAO CÓ THỂ THA THỨ CHO NGƯỜI PHÁ HOẠI CUỘC SỐNG CỦA BẠN ?

RUBY WAX

Trích: Làm Người Là Như Thế Nào; Dịch: Hoàng Đức Long; NXB Thế Giới

Ruby: Chúng ta đã nói về lòng trắc ẩn, một điều tôi có thể hiểu được, bởi vì với nó tôi có thể làm điều gì đó để giảm bớt những đau khổ của người khác. Nhưng còn những người phá hoại cuộc sống của bạn hoặc làm bạn tổn thương thì sao? Bản năng của tôi là luôn muốn giết chết họ.

Nhà khoa học thần kinh: Một cách bản năng, chúng ta luôn muốn sự công bằng. Nếu ai đó ngáng đường bạn khi bạn đang ở trên đường và một phút sau bạn nhìn thấy cảnh sát buộc xe đó phải tấp vào lề đường vì đi quá tốc độ, vùng nhân accumbens của chị, tức trung tâm kiểm soát sự tưởng thưởng của bộ não, sẽ cho chị một cơn sảng khoái đột ngột. Nhưng nếu người đó thoát được, phần thùy đảo trước sẽ hoạt động mạnh hơn, khiến chị cảm thấy không thoải mái về mặt thể chất. Sự thôi thúc sinh học ấy, để có được sự công bằng, giúp mọi người hòa đồng với nhau khi sống trong xã hội, nhưng nó có thể trở nên độc hại khi trở thành một niềm khao khát trả thù.

Ruby: Tôi biết cảm giác muốn trả thù ấy; nó rất đê tiện, khi tôi cảm nhận được nó, tôi trở thành một con alien (quái vật), tôi muốn xé xác người kia ra. Và điều này thậm chí xảy ra khi tôi nhận được một vé phạt giao thông. Tôi không biết phải đặt sự tha thứ vào đâu trong tình huống đó.

Nhà sư: Tôi nghĩ rằng chúng ta lo lắng sự tha thứ đồng nghĩa với việc chúng ta để cho ai đó chạy thoát sau khi đã gây ra một lỗi nào đó, nhưng thực ra nó liên quan nhiều hơn tới việc giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng của oán hận. Ruby, chị cảm thấy thế nào khi chị cứ giữ lấy sự giận dữ ấy, khi chị cứ nghĩ mãi về sự bất công ấy?

Ruby: Đôi khi việc nghĩ mãi về chuyện đó lại là phần tuyệt vời nhất.

Nhà sư: Nhưng việc đó giống như giữ một cục than nóng. Chính chị mới là người đau khổ, chứ không phải người kia. Sự tha thứ sẽ giúp chị buông bỏ được cảm giác bỏng.

Nhà khoa học thần kinh: Sự trả thù có thể sẽ tạo cảm giác ngọt ngào, nhưng sự giận dữ và sợ hãi là những yếu tố kích động tiềm năng cho hệ viền. Đó là phần nguyên thủy hơn của bộ não, phần mà, như chúng ta và việc giữ lấy sự giận dữ hoặc cơn sợ hãi là một đã nói ở trước, kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy. stress mãn tính. Nó thúc đẩy sự sản sinh của các chất độc như cortisol; đó là điều kinh khủng với não bộ và cơ thể về lâu về dài.

Ruby: Tôi không thể tin rằng anh có thể luyện tập tha thứ. Nó dường như quá đi ngược lại bản chất của đa số mọi người. Có vấn đề gì với suy nghĩ “mắt đổi mắt, mạng đổi mạng..”?

Nhà sư: Vấn đề của suy nghĩ “mắt đổi mắt, mạng đổi mạng nằm ở chỗ: tất cả mọi người cuối cùng sẽ mù quáng; vòng luẩn quẩn của sự trả thù không bao giờ chấm dứt. Trong luyện tập quán hiện, có một cách tiếp cận theo từng bước. Bước đầu tiên là nhận ra rằng cơn giận là một chất độc và sự tha thứ sẽ làm cơn giận giảm xuống. Bước thứ hai là nhận ra rằng kẻ thù của bạn đang cho bạn một cơ hội để phát triển một kỹ năng. Nó giống như kiểu: người này đang đặt thêm các quả tạ vào tạ đòn của bạn, giúp bạn có được những cơ bắp to hơn. Họ là một người bạn trong quá trình phát triển sự quán hiện của bạn. Bước thứ ba là thấu hiểu cơn đau đang chi phối, thúc đẩy hành động của người kia. Bước này bao gồm việc nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và trí huệ.

Ruby: Vậy, điều gì xảy ra với bộ não của anh khi anh quyết định tha thứ cho ai đó?

Nhà khoa học thần kinh: Bộ não phải làm 2 việc khi tha thứ. Đầu tiên, nó phải tạm thời kìm hãm cảm giác tức giận đang diễn ra chủ yếu trong phần vỏ não trước trán vùng lưng bên, tức vùng não phanh hãm chức năng nhận thức. Sau đó, một mạng lưới giữa vùng vỏ não trước trán và vỏ não đỉnh làm công việc cập nhật các tri nhận của chị. Điều này cho phép chị buông bỏ ni quan điểm đổ lỗi cứng nhắc của mình, và cơn giận và stress có thể tan biến.

Ruby: Tôi luôn có một châm ngôn – tôi nên mặc một cái áo phông in câu này – “Tôi có thể đổ lỗi cho ai?”

Nhà sư: Có một câu chuyện ngụ ngôn về chuyện đó. Ai đó ném một hòn đá vào chị. Chị sẽ đổ lỗi cho ai? Chị có thể đổ lỗi cho người đó, nhưng thực ra hòn đá mới là thứ chạm vào chị. Vậy tại sao không đổ lỗi cho hòn đá? Bởi vì hòn đá không hề có ý định làm chị đau. Theo logic đó, chị cũng không nên đổ lỗi cho người kia, mà nên đổ lỗi cho cơn giận và sự đau khổ đã khiến người ấy ném hòn đá. Khi ai đó làm chúng ta tổn thương, chúng ta luôn nghĩ rằng họ gây hại cho chúng ta và rằng họ cố ý. Nhưng nếu chị hiểu cơ chế của tâm trí con người, chị sẽ biết rằng: khi đau khổ, con người mất kiểm soát, làm và nói những điều họ không chủ định.

Ruby: Nếu như người ấy thực sự là một tên khốn và xứng đáng bị trừng phạt thì sao?

Nhà khoa học thần kinh: Có thể người ấy thực sự đáng bị trừng phạt, nhưng khao khát được trừng phạt người đó sẽ khiến chị khổ sở. Chừng nào vỏ não viên của chị vẫn còn hoạt động quá tích cực, mức stress của chị vẫn sẽ cao.

Nhà sư: Ba năm trước, thầy của tôi và bạn thân nhất của ông bị giết hại một cách dã man trong một chuyến đi tới Trung Quốc. Tên sát nhân là một nhà sư trong tu viện của chúng tôi. Chúng tôi đều biết anh ta. Tôi đoán đó là một khoảnh khắc của sự thịnh nộ đến mất trí; không ai trong chúng tôi có thể hiểu tại sao anh ta làm thế. Nếu ở thời điểm 25 năm trước, khi chưa trở thành một nhà sư, tôi hẳn sẽ đầy căm hận và ý muốn trả thù, muốn săn tìm bằng được tên sát nhân ấy. Nhưng khi việc đó xảy ra, tôi cảm thấy sốc và đau thương, nhưng không có một chút dấu vết nào của sự giận dữ hay ý muốn trả thù. Đối với tôi, rõ ràng người đàn ông ấy cần bị giam, bởi vì anh ta nguy hiểm, nhưng thay vì hận thù, tôi chỉ cảm thấy buồn và lo lắng. Tôi thấy bản thân lo lắng xem anh ta đang sống thế nào trong nhà tù, và điều gì sẽ xảy ra với anh ta. Tôi nghĩ thái độ này là một kết quả tự nhiên của tất cả những luyện tập mà tôi đã thực hiện.

Ruby: Việc đó thực sự nặng nề. Tôi không biết liệu có bao giờ tôi có thể làm được thế không. Khi tôi ở Áo để thực hiện chương trình “Bạn nghĩ mình là ai?”, tôi biết rằng trước cuộc chiến có một phong trào bài Do Thái, nhưng mọi người về cơ bản vẫn sống với nhau trong hòa bình. Nếu anh là người Do Thái, anh vẫn có thể vào đại học và trở thành một bác sĩ hay luật sư. Thế rồi, gần như chỉ sau một đêm, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp của anh trở mặt với anh. Họ không chỉ ngừng nói chuyện với anh mà còn trở nên hung dữ; cưỡng bức và đánh đập anh và không hề ngăn cản chuyến tàu đưa anh tới chỗ chết. Đó không phải là sự trả thù, bởi vì trước đó người Do Thái không giết hại bất cứ ai. Giống ở Rwanda hay Bosnia, nhóm người thiểu số chưa từng giết hại bất cứ ai, vậy tại sao họ lại bị diệt chủng? Ash, điều gì đã diễn ra trong bộ não, có thể biến chúng ta thành những người man rợ.

Nhà khoa học thần kinh: Đó là câu hỏi mà tất cả mọi người đưa ra sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Một nhà tâm lý học ở Viện đại học Yale, Tiến sĩ Stanley Milgram, đã thực hiện một công trình tiên phong về vấn đề này vào những năm đầu thập kỷ 1960. Milgram đã muốn thấu hiểu những lời biện hộ tâm lý mà giới lãnh đạo Đức Quốc xã đã sử dụng trong phiên tòa Nuremberg, mà trong đó lời biện hộ chủ yếu là: họ chỉ đang tuân theo các mệnh lệnh. Milgram đã đặt một quảng cáo trên báo địa phương để tuyển tình nguyện viên tham gia vào một thí nghiệm mà ông bảo với họ rằng thí nghiệm này liên quan tới học tập. Các tình nguyện viên được đưa cho một danh sách các bài toán và đáp án, và mỗi người được yêu cầu đóng vai một giáo viên, đặt câu hỏi cho một tình nguyện viên khác trong một phòng kín. Khi người trong phòng ấy trả lời sai một câu, giáo viên/tình nguyện viên được kỳ vọng là phải bấm một nút để truyền một cú sốc điện tới người kia. Cú sốc điện ấy tăng dần về điện thế, từ mức hơi tê cho tới mức nghiêm trọng và cuối cùng là mức đe dọa tới tính mạng. Tất cả chỉ là giả: người ngồi trong phòng kín là một diễn viên và thực ra không có một cơn sốc điện nào. Nhưng Milgram đã phát hiện ra rằng tất cả tình nguyện viên của ông, không chừa một ai, đều liên tục gửi đi cái mà họ nghĩ là những cơn sốc điện cao thế, mặc dù họ nghe thấy tiếng người kia gào thét trong đau đớn và cầu xin được cho ra ngoài. Khoảng 1/3 số tình nguyện viên thậm chí còn gửi đi cái mà họ tin là cơn sốc điện đe dọa đến tính mạng. Họ đã tuân thủ, bởi mỗi lần họ do dự trước việc nâng điện thế, Milgram sẽ nói “Làm ơn hãy tiếp tục”.

Ruby: Và chỉ câu “Làm ơn hãy tiếp tục” là đủ ư? Tôi sẽ không tin chuyện này đâu.

Nhà khoa học thần kinh: Thí nghiệm này đã được tái lập nhiều lần, ở nhiều nước, trong nhiều năm, và họ thu được các kết quả tương tự. Có vẻ điều khiến các tình nguyện viên trong thí nghiệm ban đầu tiếp tục là việc Milgram đã nói với họ rằng ông sẽ chịu tất cả trách nhiệm cho việc này. Vì thế, mặc dù các tình nguyện viên ấn nút, họ không cảm thấy đó là lỗi của họ. Ở phiên tòa Nuremberg, những người lính Đức Quốc xã cũng nói đúng điều này: họ chỉ đang tuân theo mệnh lệnh, đó không phải lỗi của họ.

Ruby: Người Áo trở mặt với người Do Thái mà không có bất cứ chỉ thị nào. Người Đức thậm chí còn bảo người Áo đừng quá tàn bạo khi tấn công người Do Thái. Người Áo đã muốn giữ vai trò lĩnh xướng chuyện này.

Nhà khoa học thần kinh: Có một thứ trên cả sự tuân thủ thẩm quyền. Chúng ta là những động vật sống theo bộ lạc, vì thế chúng ta định nghĩa mọi người là “nằm trong nhóm” hoặc “nằm ngoài nhóm” chúng ta. Chúng ta không xem những người nằm ngoài nhóm là những con người hoàn chỉnh, và điều này luôn cho chúng ta khả năng đối xử với họ theo những cách kinh khủng. Điều quan trọng nằm ở chỗ: việc này có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta, vào bất cứ lúc nào, nếu hội đủ điều kiện phù hợp. Khi một nhân vật có thẩm quyền kích động đủ hận thù đối với những người ngoài nhóm, điều này sẽ tập hợp những người trong nhóm lại và kích động họ đến chỗ bạo lực. Và tất cả những chuyện này không diễn ra đột ngột cùng một lúc, nó cứ từng chút từng chút một. Nó giống như khi người ta bắt đầu một câu bằng đoạn “Tôi không phải là người phân biệt chủng tộc, nhưng…” thì chị biết ngay rằng những gì người ấy sắp nói ra thể hiện tư tưởng phân biệt chủng tộc. Đó là sự khởi đầu của việc đánh mất kim chỉ nam về mặt đạo đức.

Nhà sư: Khi chúng ta có thể đối mặt với sự thật rằng tất cả chúng ta đều có sự man rợ nằm sâu bên trong này, chúng ta có thể ngừng việc cố gắng biến “người khác” thành những kẻ xấu xa, và nhận thức được rằng tất cả chúng ta đều mang những mầm mống của bạo lực và hận thù trong mình. Nếu chúng ta có thể học cách nhìn vào bên trong và tha thứ cho bản thân vì đã có đặc điểm rất đen tối nhưng cũng rất con người này, chúng ta sẽ có thể bắt đầu tha thứ cho người khác. Quán hiện giúp chúng ta chính ở chỗ này: chúng ta nhận ra được phần “con vật” trong mình, nhưng vẫn cố gắng và thành công trong việc tìm sự tha thứ, khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta vĩ đại hơn những suy nghĩ của mình.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRẮC ẨN và THẤU CẢM LÀ GÌ?
  2. CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA VỚI CẢM XÚC ?
  3. SUY NGHĨ LÀ GÌ ?

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP